Menu Close

Thiên sứ – Phạm Thị Hoài

“Thiên Sứ” là tác phẩm đầu tay  của Phạm Thị Hoài xuất bản tại Hà Nội năm 1988, nhưng bị chính quyền Việt Nam cấm lưu hành. Về sau “Thiên Sứ” được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Đức và tiếng Phần Lan. Năm 1993 bản dịch “Thiên Sứ” bằng tiếng Đức được Tổ Chức Frankfurter LiBeraturpreis trao tặng giải “Tiểu Thuyết Nước Ngoài Hay Nhất.” Riêng bản dịch tiếng Anh đoạt giải “Dinny O’Hearn” năm 2000.

Hoài – nhân vật chính của “Thiên Sứ” – lớn lên trong căn nhà “độc một phòng, 16 mét vuông gạch nâu; phòng độc một cửa sổ, lỗ thủng hình chữ nhật lúc thì màu xanh, lúc thì vàng óng, lắm khi xám xị, đóng khung lên thế giới men nâu của tôi. Bốn trăm ô vuông nâu và một khuôn chữ nhật biến ảo, xoay như xoay rubic.” [Chương 1]  Hoài khẳng định “Tôi dị ứng kịch liệt trước các kiểu lãng mạn. Tôi không tò mò, không giàu trí tưởng tượng, không lãng mạn.” [Chương 1]. Sở dĩ cô trở nên như vậy là bởi vì lỗi lầm của cửa sổ, cái cửa sổ không mở lên mái nhà như những căn nhà xưa cũ, mà lại “mở thẳng vào tim một con đường dẫn tới cổng nhà máy rượu bia, tên gọi căn cứ theo biển đề trên cánh cửa sắt hoen rỉ xộc xệch mỗi ngày hai lần loảng xoảng.” [Chương 1] Bốn trăm ô vuông nâu của cô lần lượt lọt qua khuôn chữ nhật biến ảo, chỉ xếp hàng đến cánh cửa ấy là hết, lại phải quay trở về. Là người khao khát yêu thương, Hoài nhìn ngắm cuộc đời bằng đôi mắt yêu thương. Từ ô cửa sổ nhìn ra thế giới bên ngoài suốt 15 năm trời, không biết đã có bao nhiêu người đi qua bảng phân loại của Hoài. Họ là ai, nghề nghiệp, nam nữ, tên tuổi, danh tánh, đẹp xấu, gầy béo, là công dân tốt hay là thành phần bất hảo sống ngoài vòng pháp luật. Thật không thể nào biết được, và cũng không cần biết. Tự Hoài phân chia cõi người ta thành hai loại: Hocmon A là những người biết yêu thương. Hocmon Z là những kẻ không biết yêu thương. Và đây là công việc được cô xem là có ý nghĩa nhất.

Thế giới hỗn tạp, lộn xộn, đau khổ mà Hoài chứng kiến, có hình ảnh người mẹ “rít qua kẽ răng” chì chiết ông bố không biết “xoay ra giấy dầu lợp nhà” [Chương 2], khiến nước mưa như bốn biển trên trái đất hùa nhau ập xuống mái nhà quanh năm dột của gia đình. Ông bố “cũng rít qua kẽ răng: Người ta khác, tôi khác! Tôi có uy tín của tôi, có danh dự của tôi! Này thì chân ghế! (Ầm) Này thì giấy dầu (Ầm).” [Chương 2] Hoài cảm thấy ngột ngạt  khó thở, bởi vì uy tín hay danh dự gì đó đối với cô thật quá trừu tượng. Hoài chỉ khát khao được ân cần vỗ về hay âu yếm, nhưng những cái ôm hôn thân ái là “thứ xa xỉ phẩm” không xuất hiện trong gia đình của cô. Giữa khung cảnh tối tăm nghiệt ngã ấy, bé Hon chào đời là một biến cố đặc biệt  không chỉ đối với gia đình Hoài, mà đối với “mười ba nữ hộ sinh đứng chung quanh bàn đẻ” [Chương 3] Hay đối với bất cứ ai biết đến sự hiện hữu của bé Hon.  Bé Hon chào đời không chịu cất tiếng khóc mà mỉm cười – một hiện tượng bí ẩn như cuộc hành trình đầy bất ngờ của em đến chung sống trong một gia đình đã có bốn người con – quá đủ để bố mẹ phải từng ngày vất vả kiếm miếng cơm manh áo.

Có  người cho rằng “Thiên Sứ” của Phạm Thị Hoài là lời cảnh báo về một xã hội bị vật chất hóa, chỉ còn sống bằng trái tim sinh học. Không còn đấu tranh tư tưởng để được công nhận đã xả thân, hay đã hy sinh cả đời cho một lý tưởng nào đó. Và tiền bạc thúc đẩy cỗ máy con người phải suy nghĩ. Có người lại bảo “Thiên Sứ” là sự phản kháng đầy phẫn nộ, một cuộc chiến âm thầm nhưng khốc liệt, đau đớn và tuyệt vọng trong nỗi trăm năm cô đơn của tính nhân bản – muốn chống lại xã hội tẻ nhạt, xơ cứng của nhân loại, bằng  thái độ phản kháng khước từ, như Hoài kiêu hãnh nói: “Tôi từ chối không đứng vào bất kỳ thế hệ nào. Tôi từ chối bất kỳ bộ đồng phục quá chật hoặc quá rộng nào. Hãy để tôi trần truồng với cơ thể còm nhom sớm đình tăng trưởng của tôi.” [Chương 5]  Riêng tôi nhận ra bé Hon là hóa thân trọn vẹn của thiên sứ từ ngoại hình, đặc điểm, tính cách, hành động, và Hoài là hóa thân một phần của thiên sứ, không có hình dáng xinh đẹp đầy sức thu hút, nhưng có một tâm hồn thuần khiết, dung dị. Cô muốn nhìn thấy sự hoàn mỹ, hay nói một cách giản dị, cô mong  cái đẹp sẽ cứu thế giới – một ước mơ giống hệt tư tưởng của Schopenhauer và Dostoyevsky. Nhưng cái đẹp mà Hoài mơ ước không có đủ uy lực cần thiết. Cõi người ta quay lưng lại với cái đẹp, và “sứ giả pha lê” lặng lẽ bay đi, giã từ trần gian trong nỗi xót xa của toàn thể nhân loại. Con người đã đánh mất cái đẹp, đánh mất thế giới tâm hồn.  Bé Hon ra đi, lạ lùng như khi xuất hiện. Sự ra đi diễn ra trong cô đơn, lặng lẽ, mang theo nụ cười thiên sứ trên môi, mang theo một sứ mệnh chưa hoàn tất. Bé Hon lại hóa thân thành thánh thể  cao khiết, trở về với bổn nguyên thường trụ của thiên sứ, trở về với dải đất mới ở trong chính tâm hồn.

alt

HNP – 2:54am Chủ  Nhật ngày 26 tháng 10 năm 2014