Menu Close

Mấy thuật ngữ về chính trị

Đầu tháng 11 này ở Hoa Kỳ có ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ (midterm election), chúng ta thường nghe đến một số từ ngữ như left, right, lobbying, lame ducks… Ý nghĩa và nguyên ủy của những thuật ngữ đó ra sao?

LEFT, RIGHT

Tại sao các khuynh hướng chính trị được gọi là “tả” và “hữu”?

Hơn 200 năm trước, vua Louis XVI của nước Pháp buộc phải triệu tập một hình thức giống như nghị viện bây giờ, lần đầu tiên sau hơn một thế kỷ. Trong phiên họp này, các đại biểu cấp tiến hơn ngồi các ghế phía bên trái nhà vua trong khi các đại biểu bảo thủ ngồi bên tay phải. Kể từ đó, các quan điểm cấp tiến về chính trị được đề cập là “left – tả phái”, còn các tư tưởng bảo thủ được gọi là “right – hữu phái”.

LAME DUCK

Người Mỹ dùng từ này để chỉ một chính trị gia không có quyền hành gì hết. Sau một cuộc bầu cử tại các quốc gia theo chính thể đại nghị (như ở nước Anh hoặc Canada), Quốc hội nhóm họp và người thắng cử lập chính phủ mới ngay. Còn trong hệ thống của Mỹ, Quốc hội mới được bầu lên phải nhiều tháng sau mới có thực quyền, do đó quyền hành vẫn còn trong tay một số người thất cử. Trong thời gian này, bởi vì họ không có thể thông qua một quyết định nào đáng kể, nên những chính trị gia không có quyền hành này cũng vô dụng như những con vịt què.

alt

LOBBYING

Từ ngữ này ngày nay được dùng để chỉ các hoạt động “điều đình”, mua chuộc, gây ảnh hưởng tại hậu trường, đến các nghị sĩ hoặc dân biểu quốc hội để được các vị này bỏ phiếu ủng hộ một đề xuất, một dự luật  nào đó có lợi cho người yêu cầu. Từ ngữ “lobbying” xuất phát từ thời mới có Nghị viện của nước Anh, ở đó có một hành lang dài chạy từ Chamber of Lords (Viện Quý tộc, tức là Thượng Nghị viện Vương quốc Anh) cho đến House of Commons (Viện Thứ dân, tức Hạ viện Anh). Hành lang này, tiếng Anh là lobby, là nơi công chúng (tức là các cử tri) được vào tiếp xúc với các vị dân cử để gây ảnh hưởng với họ trong các lá phiếu họ bầu trong thời gian đó. Hoạt động này từ đó được gọi là “lobbying” vì xảy ra trong một lobby.

alt

Hành lang của Thượng viện và Hạ viện Anh.

 

THE FOURTH AND FIFTH ESTATES

Trong lịch sử Anh quốc, ba quyền lực ảnh hưởng lên lập pháp là Giáo hội, Viện Quý tộc và Viện Thứ dân. Thuật ngữ The fourth estate (đệ tứ quyền) dùng để chỉ một thứ quyền lực khác cũng ảnh hưởng lên Quốc hội vào những giai đoạn khác nhau, trong đó có quân đội. Năm 1828, từ ngữ này được dùng lần đầu tiên đề chỉ báo chí trong cuộc tranh luận tại Viện Thứ dân năm 1828 và giữ nguyên ý nghĩa đó cho đến nay. Sau này, người ta thêm truyền thanh và truyền hình vào thành the fifth estate (đệ ngũ quyền).

alt