Dù muộn, tôi cũng đã đến được Florida. Xin cám ơn nước Mỹ đã cho cha mẹ tôi cái quyền bảo lãnh con cái đoàn tụ gia đình, là cái hy vọng đã nuôi tôi cho tôi có cái ngày hôm nay. Sung sướng vô cùng khi thấy lại cha mẹ và được ở với cha mẹ tôi như thuở nào. Còn may mắn gặp lại các em tôi. Không như thuở nhỏ, bây giờ đứa nào cũng có gia đình riêng. Ở Mỹ cái gì cũng riêng.
Hai bác Dũng Tâm sui gia đến thăm chúc mừng và chia sẻ cái may mắn của tôi. Ba đứa bạn theo cha mẹ vượt biên qua trước lâu, đến ôm tôi, nhìn tôi từ trên đầu xuống chân, xem tôi quê đến độ nào, tôi nghĩ thế. Một đứa nói:
– Kinh tế Mỹ đang đi xuống dốc. Cậu qua sớm hơn thì sẽ tốt hơn.
Tôi không hiểu cho lắm. Nó dọa hay ám chỉ cái gì? “Mắc mớ gì đến tôi?” – Tôi nói thầm một mình. Bỗng nghĩ về xa. Tôi thấy sợ mà không biết sợ cái gì… Sợ là sợ cái Anh văn. Mấy đứa nhỏ nói chuyện với nhau như gió…Thấy mà ham. Bây giờ chúng nó là cháu ruột của tôi, mới biết.
Đây là một xóm nhỏ. Một con đường cụt, 10 lô đất, 8 cái nhà. Cái nào cũng đóng cửa. Đầu đường ngã ba có một cái park lớn, mở cửa thường xuyên. Cuối xóm, một canal lớn cắt ngang. Nằm trên đường 73 St. N. vùng Loxahatchee.
Cái nhà nầy, các em tôi xây lên, một nơi yên tĩnh. Mẹ tôi muốn có ít đất trồng cho vui, ít rau màu khỏi mua ở chợ, mươi cây ăn trái… để các cháu lên thăm ông bà, chơi đùa có trái ăn. Còn ba tôi, ông thích nghe tiếng chim hót và tiếng rì rào của lá thông, để nhớ cái thời làm bần cố nông nơi cao nguyên Lâm Đồng, từ đó đã được ra đi. Mẹ tôi kể rằng: Nhà cửa xây lên rồi, biết bao công khó. Hào hứng dọn về ở thì địa ốc tuột dốc vô cùng thê thảm. Các em quyết định phủi tay, lỗ ít, hơn là đeo đuổi, trả lại cho ngân hàng cho rồi. Mẹ tôi cản lại: “Các con nói cũng phải. Nhưng chị của các con sắp đến nơi rồi. Biết ở đâu?” Mẹ tôi tính nước cờ “Còn nước, còn tát”.
Nhà nào cũng đóng cửa. Cuộc sống hoàn toàn riêng tư. Nhưng đừng tưởng “họ không biết mình”. Xóm càng nhỏ, tình càng lớn. Ông Edward Kirby, nhà ở bên cạnh, mỗi khi đi dạo vườn xem cây trái, thấy mẹ tôi, ông dừng lại, nói với qua hàng rào thăm hỏi… xem có cần gì không. Thỉnh thoảng cuối tuần, ông và đứa con, thằng Gabriel, đi câu biển, khi được nhiều, hai cha con mang cá qua cho. Mẹ tôi làm cơm chiên và chả giò đáp lại. Ông khoái món Việt Nam.
Ngày ngày cha mẹ tôi ở ngoài trời, rỉ rả đào lỗ trồng cây. Đất pha cát cũng đủ chảy mồ hôi. Khỏi đi bộ tập thể dục.
Một buổi sáng, một chiếc xe xúc lái vào nhà. Cha mẹ tôi lấy làm lạ. Ông xưng tên là Carlos Ruiz. Ở nhà bên cạnh nhà ông Edward. Ông chào hỏi và nói:
– Chưa thấy ai đào lỗ bằng tay trồng cây bao giờ. Tôi muốn múc cho một số lỗ. Có được không?
Mẹ tôi ngại quá. Ở Mỹ không có ai làm free bao giờ. Nhìn ba tôi, ông hiểu ý:
– Tôi ao ước làm free cho ông bà.
Thôi thì không nên phụ lòng tốt. Mẹ tôi sở trường pha chế cà phê. Mỗi ông, vừa uống vừa nói chuyện:
– Tôi là chủ một công ty nhỏ Strata. Có cơ giới. Có vật liệu. Cần gì, kêu tôi.
Chẳng mấy chốc, ông móc cho 10 cái lỗ. Sau đó ông trở về. Chưa kịp cám ơn, ông lái qua lại cho ba vá đất topsoil nữa. Như là họ đã nói gì với nhau. Ông Edward chở qua cho mấy cây vải, hai cây xoài và một cây bơ. Ông Getzmore cho ba gốc chuối và một mớ đọt mía. Bác Tâm mang tặng một số cây hoa cho mẹ tôi trồng trước nhà.
Có một cái nhà không bao giờ mở cửa, ngân hàng niêm phong. Tôi nghĩ thầm, có khi họ cầm chân cha mẹ tôi ở lại? Chỉ đúng một phần. Phần lớn họ mang tính nhân đạo sẵn có trong văn hóa Mỹ.
Ba tôi không lo đất vườn mấy. Mỗi sáng thứ bảy cô Amy Pasztas thường đến uống cà phê do mẹ tôi pha chế. Ngồi ngoài vườn nói chuyện với Ba tôi, thấy có một cái máy thâu băng nhỏ. Cô hướng dẫn và dạy cho Ba tôi học Anh văn. Tôi ao ước nói được như Ba tôi để hòa nhập với xã hội Mỹ. Tôi cảm thấy rất may mắn khi gặp được những người Mỹ hàng xóm tốt bụng, đã giúp đỡ cho cha mẹ tôi có nhiều niềm vui khi tuổi về già.
Nơi nào có tình người, nơi đó là đất lành.