Đoàng… đoàng… tôi giật bắn người lên, tỉnh giấc…
Bên ngoài trời đang mưa lớn, sấm chớp rạch những đường răng cưa trông dữ tợn trên bầu trời. Nhắm mắt lại tôi nhủ thầm: chỉ là tiếng sấm thôi P ơi… tất cả đã qua rồi, qua đủ lâu rồi…, nhưng chẳng thể nào được, một cái gì đó đang dần bóp nghẹt tim tôi, ký ức tràn về xé tan tấm màn tôi dày công che đậy. Nước mắt chẳng thể nào ngăn giữ được. Lại gần đến ngày lễ Thanksgiving rồi!

Gia đình tác giả, chồng và 2 con
Ngày ấy, tôi còn nhớ như in, ngay sau Lễ Thanksgiving năm 2008.
Reng reng reng… tiếng chuông khoảng 6 giờ chiều, giọng chồng tôi:
– P đang làm gì đấy? Uyên và Duy ăn gì chưa?… Chuẩn bị ra tiệm hả?… Thôi, sau lễ tiệm vắng lắm, P ở nhà chơi với con đi, anh sẽ đóng cửa về sớm…
Tôi vui vẻ trả lời:
– Anh nói sao em nghe vậy, ba mẹ con em đợi Ba về ăn tối nhé. Bye Anh…
Gia đình nhỏ yêu quý của tôi luôn tràn tiếng cười hạnh phúc. Chúng tôi có tiệm liquor nhỏ ở một khu shopping nằm dọc freeway 45 ở Houston. Ngày ngày chồng tôi đi làm một mình, tôi ở nhà chăm sóc 2 con: bé gái 5 tuổi, bé trai 3 tuổi, lứa tuổi thiên thần, tíu tít cả ngày. Một gia đình bình thường như bao tổ ấm khác. Hạnh phúc dường như luôn quanh quẩn bên tôi trong suốt hơn 20 năm Anh và tôi quen biết nhau. Buổi chiều oan nghiệt ấy, tôi không thể ngờ đó là lần cuối chúng tôi nói chuyện với nhau. Khoảng 8 giờ tối lại một tiếng chuông reng, tôi chắc mẩm Anh gọi để nói là Anh về đây! Tôi vội vã cầm điện thoại lên và… hơi ngạc nhiên khi nhìn caller ID “Webster Police Department”, tim tôi bỗng dưng đập dồn, lo sợ:
– May I speak to Mrs. Vu?” Giọng một người đàn ông.
– Yes Sir, Vu is speaking. Tôi căng thẳng trả lời.
– Can you come to the store as soon as possible? (Cô có thể đến tiệm ngay lập tức được không?)
Tôi vội hỏi tại sao và thấy mình như sắp khóc vì linh cảm có cái gì đó không hay đã xảy đến…
– The liquor store has robbed (tiệm đã bị cướp). Please have someone take you here, do not drive yourself, Mrs. Vu. (theo tôi hiểu: Vui lòng đi với ai đó, đừng tự mình lái xe.)
Đến lúc ấy, tôi run bắn người, hoảng hốt bập bẹ không thành lời; câu hỏi chồng tôi có sao không, nhưng viên cảnh sát không nói gì thêm. Tay chân tôi run lẩy bẩy, đứng không vững, rớt luôn cả phone, tim đập mạnh như trống dồn làm tôi nghẹn thở, trời ơi, đừng xảy ra chuyện gì cho chồng tôi, My God!
Nhưng khi tới tiệm, quang cảnh trước mắt tôi như một bộ phim đang chuẩn bị quay: 4 xe van của các đài truyền hình địa phương, cả chục xe cảnh sát bao vây với hàng chục cảnh sát viên đang làm việc, có cả mấy chú chó săn, rồi xe cứu thương nhấp nháy đèn, những băng keo màu vàng bảo vệ hiện trường giăng tứ phía. Tôi lao thật nhanh đến tiệm nhưng bị cản lại. Tôi gào lên tôi là vợ của chủ tiệm, tôi muốn biết chồng tôi ra sao. Nhưng họ kiên quyết không cho tôi vào, nói hãy đợi một lát…
Tôi vẫn nhớ tối ấy trời se lạnh, nhưng người tôi ướt đẫm mồ hôi. Sau vài phút chờ đợi,hoang mang lo sợ nhìn cảnh sát im lìm ra vô, không chịu nổi nữa, tôi nhào tới cửa lúc đó luôn có cảnh sát án ngữ phía trước. Lúc này một vị cảnh sát đã ôm lấy tôi và nói:
– I am so sorry to tell you a bad news: your husband just pass away…
Tôi không thể tin vào tai mình, tôi hỏi ông nói gì vậy, ông ôn tồn nói xin chia buồn cùng tôi, đến lúc ấy tôi hét lên: không phải đâu, không đúng như vậy đâu, Anh ấy sắp về ăn tối với mẹ con tôi mà… tại sao? tại sao? tại sao???
Tôi gào khóc, tim nhói đau trong nỗi sợ khủng khiếp, và rồi ngất xỉu tại chỗ, ngay trước cửa tiệm, cách người chồng yêu dấu của tôi chỉ một cánh cửa.
Một tên cướp tuổi chưa đến 15 đã tước đoạt mạng sống của chồng tôi, bắn chết người cha hiền lành của hai đứa bé thơ dại, đẩy cuộc đời tôi vào khúc quanh nghiệt ngã nhất, đau đớn không thể tả. Ngày đưa Anh đi cũng là ngày chôn cất niềm hạnh phúc của tôi, buộc tôi sống trong nỗi đau và tuyệt vọng.
Chuyện đã xảy ra như thế.
Hung thủ đã bị bắt tình cờ sau đó 18 ngày và được xử án thích đáng sau 2 năm dài điều tra.
Điều tôi muốn kể cho mọi người nghe không phải là câu chuyện bi thương đẫm nước mắt đó mà là lòng biết ơn vô hạn của tôi với những người thi hành luật pháp của nước Mỹ, đất nước yêu quý quyền con người và bảo vệ con người trong luật pháp tinh tế của nó. Ngày ấy, giữa đau buồn hoang mang tột độ tôi không biết phải làm gì, xoay xở ra sao trước cái chết của chồng mình, làm sao để bắt được hung thủ, làm sao để chồng tôi được an nghỉ khi bất ngờ ra đi để lại 2 đứa con thơ, để lại người vợ trẻ cùng cuộc tình 20 năm dài… sao mà Anh có thể cam lòng ra đi tức tưởi như vậy?…

“…Anh sẽ đóng cửa về sớm…” Câu nói cuối cùng của người chồng.
Hai năm dài đằng đẵng, dù rất buồn và căng thẳng, nhưng tôi luôn được an ủi khi biết những người bảo vệ luật pháp vẫn đang làm việc hết sức để truy tìm những bằng chứng thuyết phục, công việc càng khó bội phần vì vật chứng quan trọng nhất là khẩu súng gây án đã mất dấu. Họ đã kiên trì,bền bỉ thu thập biết bao chứng cớ (vị luật sư bên tôi đã chỉ cho tôi thấy cả một vali giấy tờ, hình ảnh mà cô đã làm), họ đã tìm ra bao nhân chứng quan trọng… Tôi đã chẳng phải làm gì, cũng chẳng phải trả một xu… Họ luôn giữ liên hệ với tôi khi thì thăm hỏi, khi cần thêm thông tin,và cuối cùng đến thông báo cho tôi biết quá trình xét xử sau khi họ đã hoàn tất hồ sơ với thái độ trân trọng, ân cần hết mực, chẳng màng tôi chỉ là người di dân nghèo sống nhờ đất nước họ.
Tôi cũng không thể diễn tả phiên tòa xử án nhiều kịch tính, cuộc đấu trí giữa hai luật sư của hai bên vô cùng căng thẳng và hồi hộp, bản thân tôi chỉ được nghe kể lại vì họ không cho phép tôi vào phòng xử án (tôi chỉ được ngồi ngay cửa phòng xử) với lý do tránh cho tôi những đau đớn khi tình tiết, những hình ảnh về cái chết được đưa ra xem xét. Họ khuyên tôi không nên nhìn vì tôi sẽ không chịu nổi…
Dù biết rằng đây là công việc họ phải làm, nhưng tôi vẫn không thể tưởng tượng nổi bao nhiêu công sức, bao nhiêu nhọc nhằn họ đã bỏ ra để phá tan vụ án của một người bé nhỏ, vô danh như chồng tôi… phải nói là phi thường, là tuyệt vời. Thử nghĩ: nếu điều này xảy ra trên đất nước VN, với những người công an của dân, mà chỉ lo đàn áp, cướp bóc, tham nhũng hối lộ, đôi khi còn đánh dân đến chết thì cái chết oan ức của chồng tôi sẽ đi về đâu?
Tôi mong ước không ai phải trải qua những gì tôi đã trải qua, vì quá là đau đớn. Tôi chỉ muốn nói lên rằng tôi vô cùng biết ơn những vị cảnh sát nhiệt tình, những nhà điều tra tài giỏi, vị luật sư bào chữa tận tình đã hết lòng cho công việc, quyết tâm mang lại cho tôi, 2 con nhỏ của tôi và cho chồng tôi công lý và sự bình an.
Tôi khâm phục thái độ làm việc của họ, tôi sẽ mang ơn họ và đất nước này cho mãi hết cuộc đời tôi. Lòng biết ơn đó lớn đến nỗi khiến tôi không thể thù oán kẻ đã gây ra nghịch cảnh cho tôi (có thể vì qua bao năm tháng lòng tôi đã dịu xuống chăng?), và nó đã rọi một tia nắng ấm áp vào đêm đen đời tôi… Mặc dù vậy, mỗi năm, khi ngày lễ Thanksgiving tới, luôn gợi lại trong tôi nỗi nhớ đớn đau, tê buốt, vì vậy ngày lễ chỉ mang lại cho tôi nhiều nỗi buồn hơn niềm vui… Đành chịu vậy thôi…