Menu Close

Giới thiệu “Chỉ Là đồ Chơi’ của Trịnh Y Thư

Trịnh Y Thư sinh năm 1952, tại Hà Nội. Tác phẩm đã xuất bản: ‘Đời nhẹ khôn kham’ (The Unbearable Lightness of Being), tiểu thuyết của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera, tạp chí Văn Học xuất bản, 2002; ‘Căn phòng riêng’ (A Room of One’s Own), lý luận văn học của nhà văn nữ Virginia Woolf, Tri Thức xuất bản, 2009. ‘Người đàn bà khác’, tập truyện, Thế Giới xuất bản, 2010. Tác phẩm gần đây nhất của Trịnh Y Thư là ‘Chỉ Là Đồ Chơi’- tạp bút, Hợp Lưu xuất bản. Ngoài ra, Trịnh Y Thư còn là nhà thơ và cầm thủ guitar xuất sắc.

Sau đây là bài giới thiệu của Nguyễn Thị Hải Hà về cuốn ‘Chỉ Là Đồ Chơi’.

alt

Trịnh Y Thư

NGUYỄN & BẠN HỮU

Giới thiệu “Chỉ Là đồ Chơi’ của Trịnh Y Thư

Tôi thường nói với bạn bè, thời bây giờ nhiều người viết nhưng ít người đọc. Tôi thì thích đọc hơn thích viết. Điều thú vị là tôi càng đọc càng được tặng sách để đọc. Hôm nay tôi xin giới thiệu với các bạn quyển Chỉ Là Đồ Chơi của nhà văn Trịnh Y Thư.

Tôi biết tên dịch giả Trịnh Y Thư đã lâu từ quyển Đời Nhẹ Khôn Kham của Milan Kundera. Tôi thích sự sáng tạo khi ông Trịnh Y Thư dịch tựa đề The Unbearable Lightness of Being thành Đời Nhẹ Khôn Kham. Ông “gò” một tựa đề thì quí lắm nhưng nếu ông gò nhiều lần như thế trong một quyển sách chắc sẽ mất thì giờ rất nhiều và dịch phẩm sẽ không đến tay độc giả nhanh chóng. Không hề cố ý so sánh, nhưng tôi đọc bản tiếng Việt đăng trên Gió O để xem ông dịch chữ female sex organ như thế nào. Là phụ nữ tôi thấy lấn cấn khi phải dịch những chữ nói về bộ phận sinh dục. Ông dịch là “phần thầm kín nhất, phần trái cấm trên thân thể đàn bà,” Còn chữ “Fuck you” ông dịch là “Tiên sư cha mày.” Cách dịch của Trịnh Y Thư rất là nhã nhặn, phù hợp với sở thích của độc giả Việt Nam.

Mượn ý của Võ Phiến trong tác phẩm “Cuối Cùng” rằng văn chương nghệ thuật “Những cái mình miệt mài mãi bấy lâu, khi đầu bạc nhìn lại là đồ chơi cả.” Trịnh Y Thư đặt tên cho tập tản văn, ông gọi là tạp bút, bao gồm những bài nhận định ngắn về văn học, thơ, dịch thuật là “Chỉ Là Đồ Chơi.”

Nhà văn Nguyễn thị Hoàng Bắc nhận xét được in ở bìa sau ông là người “đọc rộng, biết nhiều, suy nghĩ đa đoan,” và “con người đa tài, đa sự, đa đoan của nhà thơ, nhà văn, cầm thủ ghi-ta có hạng, một độc giả uyên bác, một tác giả thầm lặng tài hoa.”  Chỉ một đoạn ngắn mà bà Hoàng Bắc đã khen rất đầy đủ tài hoa của Trịnh Y Thư.

alt

Dù ông đã khiêm tốn bảo rằng đây chỉ là những bài “tạp bút đầy chủ quan đến cực đoan” tôi thấy quyển Chỉ Là Đồ Chơi bao gồm những bài nhận định ngắn rất chững chạc và đầy suy nghĩ về nền văn học ở hải ngoại, văn học của nhà văn nữ và nữ quyền, về cái khó khăn và tế nhị của dịch thuật.  Ông cũng viết những bài bình luận ngắn về nhạc và hội họa rất hấp dẫn.

Trong Văn chương thời quỷ ám ông viết về tình trạng xuất bản sách báo ở hải ngoại. “Tôi chợt nghĩ đến sinh hoạt sách báo văn học của người Việt ở hải ngoại ngày nay. Nó là tình trạng ngưng đọng đến đáng sợ, nếu không muốn nói là ngắc ngoải sắp tắt thở đến nơi. Trong lúc di dân Việt Nam sinh sống ở nước ngoài càng lúc càng đông, đời sống vật chất của họ cũng khá là bình ổn sung túc, thì các nhà xuất bản, nhà sách thi nhau sập tiệm, sách in ra không người mua phải chở đi đổ thùng bán kí lô.” (Văn Chương Thời Quỷ Ám trang 65)

Trong Kẻ Tà Đạo ông viết về những nhà văn bị tấn công vì khác chính kiến, thậm chí bị người đọc lên án tác giả một cách sai lầm nhưng chưa đọc tác phẩm (như trường hợp Salman Rushdie). Trong Phụ Nữ và Sáng Tác Văn Học ông đi từ Virgina Woolf  đến Alice Munroe đến Toni Morrison, rồi Herta Muller và Hilary Mantel. Ông đưa ra nhiều nhận định về văn học nữ quyền trong bài Hồ Xuân Hương Và Tôi Trên Hoang Đảo Tôi xin trích một đoạn nhận định của ông để độc giả thưởng thức:

“Sức sống ấy truyền ra đến hải ngoại. Ngày nay không ai chối cãi sự kiện văn học Việt Nam hải ngoại sở dĩ còn tồn tại và có bản sắc riêng là nhờ một đội ngũ đông đảo những ngòi bút sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ phái nữ! Thế hệ nào cũng có những người viết nữ xuất sắc bước ra ở hàng đầu. Phong cách sáng tạo của họ không những khiến độc giả giật mình mà các nhà văn, nhà thơ phái nam phải nhìn nhau ngẩn ngơ. Nó có tính công phá, nhất là ở những phạm vi vẫn bị “ta-bu” như phạm vi tình dục. Và nếu văn học hải ngoại có tương lai sống còn hay không thì tương lai ấy nằm trong tay các nhà văn, nhà thơ phái nữ chứ không phải các nhà thuộc giới “mày râu.” (Hồ Xuân Hương Và Tôi Trên Hoang Đảo) Trang 48 – 49. Một nhận định đầy ưu ái như thế nhưng rất tiếc ông đã không nêu một vài tên tiêu biểu của các nhà văn nữ đương thời từ hải ngoại đến trong nước. Tôi không khỏi thắc mắc vì sao.

Vì tôi quọt quẹt vào dịch thuật một ít nên hôm nay tôi xin chú trọng đến phần ông đã viết về dịch thuật nhiều hơn. Trong Đôi Điều Về Dịch Thuật ông đưa ra nhiều ý nghĩ rất thú vị về công việc dịch thuật. Những ý nghĩ này có thể giúp ích cho những người muốn bước chân vào ngành dịch thuật. Với những kỷ niệm cá nhân rất thực tế và đầy dí dỏm.

“Dịch còn có nghĩa là sai khiến. Với tôi, nó đồng nghĩa với “dịch vật.” Từ  điển Hán – Việt của cụ Đào Duy Anh định nghĩa “dịch vật” là “sai khiến mọi vật, như dùng trâu cày dùng ngựa cỡi.” Đôi khi người dịch chẳng qua chỉ là con trâu kéo cày, bảo gì làm nấy, đổ mồ hôi, sôi nước mắt.” (Đôi điều Về Dịch Thuật trang 107).

Sẽ có người không đồng ý với ông vì ông chú trọng đến sự sáng tạo qua bản dịch nhưng quan niệm về dịch thuật của ông đáng được chú ý. Ông viết: “Tôi không phủ nhận giá trị những dịch phẩm nghiêm chỉnh tuân thủ từng câu, từng chữ, từng dấu chấm dấu phết trong nguyên bản, nhưng tính Dionysian trong nghệ thuật bao giờ cũng hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn và tôi sẵn sàng hy sinh cái chân lý tuyệt đối (đôi khi rất vô tích sự) để đổi lấy dăm ba nét linh diệu phù ảo của cái bất toàn.” (Đôi Điều Về Dịch thuật, trang 102)

Người đọc biết tiếng Trịnh Y Thư là dịch giả, nếu đọc phần nhận định Thay Lời Tựa sẽ thấy ông phát biểu tư tưởng của một nhà văn đang phê bình văn học.  

“Theo tôi, người nghệ sĩ sáng tác – khác với chính trị gia vốn khéo léo luồn lách, lúc ngả bên này lúc nghiêng bên kia, lấy sự hư ngụy làm sự thật – phải là kẻ có quan điểm nhất quán, chặt chẽ và xác tín về nghệ thuật của hắn. Hắn chỉ biết lắng nghe tiếng nói trong tâm hồn mình chứ không tiếng nói nào khác. Đi trệch ra khỏi đường lối này, kẻ sáng tạo chỉ có thể sản xuất ra những tác phẩm khó coi, một thứ đồ dùng cho các yêu cầu phi văn nghệ.” (Thay Lời Tựa, trang 9 – 10)

alt

Trịnh Y Thư (phải)

Ông nhận định về nhà văn chống chế độ độc tài của Nga.

 “Cuốn tiểu thuyết Một Ngày Trong Đời của Ivan Denisovich của nhà văn Nga Aleksandr Solzhenitsyn, bên cạnh sự kiện hiển nhiên là bản cáo trạng về tội ác của chế độ độc tài toàn trị Stalin như nhiều người nhận định, còn là một kiệt tác văn học. Chính nhờ tính văn học của tác phẩm, cuốn tiểu thuyết có tính thuyết phục hơn các văn bản lên án tội ác chủ nghĩa Stalin ra đời trước đó. Không những thế nó còn ở lại với chúng ta trong thời gian thật lâu dài, nếu không muốn nói là mãi mãi, như một chứng nhân lịch sử.” (Thay Lời Tựa, trang 12)

Về một tác phẩm ngoại lệ:

“Thuật một câu chuyện vô luân  nhưng tác phẩm được đánh giá là kiệt tác, ngoài Vladimir Nabokov tôi nghĩ ít ai làm nổi. Chính cái phong cách văn học trong tác phẩm tiểu thuyết Lolita, hiển thị bởi tài năng tuyệt luân trong cách sử dụng ngôn ngữ – phải nói linh diệu – đã đưa cuốn sách của Nabokov lên đỉnh cao của nghệ thuật tiểu thuyết. Đi vào văn chương sa-đích có lẽ giống như lái xe đua, chẳng mấy ai có khả năng bình tĩnh điều khiển nổi chiếc xe phóng với tốc độ bốn trăm kí-lô-mét một giờ.”

Dù ông Võ Phiến và Trịnh Y Thư tự chế nhạo công trình của các ông chỉ là đồ chơi, nhưng nhìn chung quanh thì thấy đồ chơi nhiều khi mang đến vinh quang và phú quí. J. K. Rowling là tỉ phú. Toni Morrison ẵm giải Nobel bạc triệu chứ bộ chơi sao. Còn thể thao thì sao? Cũng là đồ chơi (game) nhưng là đồ chơi bạc triệu. Ngày xưa các gladiators giết nhau trong đấu trường cũng chỉ là trò mua vui cho bậc đế vương. Toàn là trò chơi đồ chơi nếu không đổ máu thì cũng đổ mồ hôi và nước mắt. Nhà văn bị tù đày cũng chỉ vì đồ chơi đó thôi.

Trịnh Y Thư cũng như nhiều nhà văn khác viết văn và kiêm công việc dịch thuật, trong đó có  Haruki Murakami, Paul Auster, và Lydia Davis (người mới vừa được trao giải Booker quốc tế). Xem chừng dịch thuật bắt đầu được quí trọng chứ không còn là đồ dịch vật nữa. Tôi cho là sự nghiệp của Trịnh Y Thư chỉ mới bắt đầu và chúng ta sẽ được thưởng thức rất nhiều món đồ chơi của ông trong tương lai.

Nguyễn thị Hải Hà – Nguồn Gio-o