Menu Close

Để tránh chấn thương tại phòng tập thể dục

Ngày nay, rất nhiều người ghi danh và tham gia tại các phòng tập thể dục địa phương, vì thể dục là một thói quen rất tốt để khoẻ mạnh, đầu óc minh mẫn, máu dễ dàng lưu thông trong cơ thể và giúp giảm cân. Tuy nhiên, bị chấn thương tại các phòng tập rất thường xuyên xảy ra, trường hợp nghiêm trọng có thể phải đi cấp cứu.


alt

Cẩn thận khi tập những tạ nặng (Nguồn HEALTH365)

Theo một nghiên cứu, khoảng 2,200 trường hợp bị thương ở các phòng tập đã được ghi nhận tại nước Úc trong vòng 8 năm vừa qua. Các nhà nghiên cứu phát hiện hơn 70% những người cử tạ bị chấn thương do bị đè bởi sức nặng của tạ hoặc va chạm các thành viên khác khi đang tập. 60% bị thương khi tập thể dục aerobic là do té ngã. Ngoài ra, bong gân, căng thẳng là những chấn thương thông thường gây ra đau nhức cho cơ thể. Tình trạng quá tải trong các lớp học, không biết cách sử dụng dụng cụ tập mới hoặc cạnh tranh với những người đi tập thể dục khác là những yếu tố góp phần không ít gây ra các chấn thương. Hãy làm theo những lời khuyên sau đây từ các hướng dẫn viên thể dục nhằm giữ an toàn bản thân trong các phòng tập:

1. Đứng tập trong phạm vi của mình

Hầu như mọi người đều muốn đứng gần người hướng dẫn để xem được các thao tác cho rõ. Bạn hãy tránh những chỗ ngay phía trước vì đó là nơi nguời ta có xu hướng thể hiện các động tác thể dục mạnh bạo hơn để gây sự chú ý. Hãy chọn vị trí phía sau hoặc bên hông phòng tập để có được khoảng không gian rộng hơn và chắc chắn mình sẽ không va chạm vào ai đó ở phía sau khi bạn bước lùi. Chọn ví trí có tấm gương để bạn có thể quan sát các thao tác và hình ảnh của mình.

2. Chuẩn bị đầu óc tỉnh táo trước khi tập

Khoảng 15 phút trước khi nhóm học của bạn bắt đầu tập, hãy đi bộ trên máy chạy bộ (treadmill) 10 phút. Mục đích của việc này là làm cho cơ thể của bạn ấm lên, máu huyết dễ lưu thông, cơ thể linh hoạt và di chuyển dễ dàng hơn. Đồng thời, bạn cũng sẽ tránh bị vấp ngã nếu đang bị phân tâm.

3. Bảo vệ thân thể

Thương tích phổ biến nhất là các khớp tay bị đau hoặc ngón tay bị gãy khi bạn bỏ các dụng cụ tạ vào nơi cất giữ vì bạn di chuyển quá nhanh. Hãy ghi nhớ, ngay cả những ngày bạn tập luyện với cường độ cao, luôn luôn cẩn thận và chậm rãi khi cất các dụng cụ tập tạ.


Chấn thương ở phòng tập thể dục (Nguồn CRAIGCARROLLPT)

4. Hỏi huấn luyện viên

Khi không biết cách sử dụng rõ ràng một dụng cụ tập thể dục nào đó, bạn có nhiều khả năng gây tổn thương cho chính mình. Nếu bạn không chắc chắn mình hiểu rõ cách sử dụng một dụng cụ nào đó, hãy tiếp cận và nhờ một huấn luyện viên trong phòng tập giúp đỡ hoặc hướng dẫn cho bạn. Họ sẽ vui để giúp bạn có được sự an toàn khi tập luyện.


Hỏi huấn luyện viên phòng tập thể dục (Nguồn INTONEFITNESSSTRAINING)

5. Sử dụng máy chạy bộ đúng cách

Ngày nay các máy chạy bộ đều dùng điện để hoạt động với các tốc độ khác nhau tùy theo mức điều chỉnh của người dùng. Không bao giờ nhảy lên hoặc xuống khi máy chạy bộ đang chuyển động. Trước khi dùng máy, nhớ thắt chặt dây cột giầy và nhét chúng vào trong giầy.

6. Nghỉ ngơi ngắn sau khi tập

Một điều sai lầm là rất nhiều lớp học có xu hướng bỏ qua giai đoạn chờ cho cơ thể cân bằng lại nhiệt độ sau khi tập. 10 phút trước khi kết thúc mỗi buổi tập, bạn hãy giảm dần nhịp độ các thao tác. Sau khi tập thể dục, bạn cần để giành riêng vài phút cho cơ thể của mình được nghỉ ngơi, thả lỏng và cân bằng nhiệt độ. Nếu không, đầu óc bạn sẽ dễ bị quay cuồng, nhịp tim và huyết áp giảm nhanh chóng. Cân bằng nhiệt độ giúp cơ thể bạn bỏ đi chất thải trong tiến trình trao đổi chất, giúp giảm đau nhức bắp thịt vào ngày hôm sau.


Thư giãn sau khi tập thể dục (Nguồn BEAUTYNEWSNYC)