Nhà thơ Nguyễn Thùy Song Thanh tên thật là Nguyễn Bạch Tuyết. Sinh tại Sađec. Sống tại Sài Gòn. Là vợ của nhà thơ Khoa Hữu. Học tiểu học, trung học, đại học tại Sàigòn. Cử nhân Anh Văn. Dạy học các trường trung học công lập và các trung tâm ngoại ngữ.
Nghỉ dạy hẳn từ tháng 9.2011.

Có thơ đăng từ năm 1959 trên các tạp chí:
Bách Khoa, Hiện đại, Nghệ thuật…
Sau 1975: Ngưng sáng tác hơn 25 năm
– Đã xuất bản Hừng Đông Sau Rừng (thơ) năm 2003,
Cánh Cửa (thơ), năm 2014
Thơ Nguyễn Thùy Song Thanh lộng lẫy, trí tuệ, ngôn ngữ đặc thù, mang nữ tính mạnh mẽ nhưng bên trong chiều sâu ẩn giấu một nỗi đau son sắt.

Người ta ngược xuôi cầu Cái Răng những
chuyến xe cũ mới
Em đi về cùng giòng sông – xuồng ba lá
ghe bầu ghe lườn
Trái bí lủng lẳng ngọn sào
Trái cà đung đưa ngọn tre
Khoai bắp đầy khoang
Vườn hoa rực rỡ trên mui gởi lên trời
hương đồng nội
Tưng bừng chợ nổi.
Các chị bôi kem dưỡng da
Em dấp nước phù sa lên mặt
Suốt những phiên chợ họp tan
Một mình lén soi gương
Nắng hanh hao héo hon thì con gái
Gió gờn gợn nhíu mặt sông
Bao phen nước lớn thả khơi mộng
Tình đã âm thầm đầy
Ai xui gió cồn cào thổi
Thốc tháo con nước ròng
Sông đã trôi đi thuyền đã trôi đi
Sao anh đứng lại
Lên cầu trông theo những chuyến xe
Ngó mặt trời soi
Cơn mê chuyến phiêu lưu cháy rực
Trái bí vàng ngó ai.
Đi đâu rồi cũng nhọc nhằn mưu sinh
Em một mình chợ nổi bập bềnh
Trong tim dòng sông đầy vơi cư ngụ.
Một mai kia
Thăm thẳm bước lưu lạc
Người về tận cùng đất
Sông chở hồn tôi theo đến cuối trời
Chợ nổi bập bềnh không trôi…
Miền Tây 2006
Hãy hát lên em
Tự họa chân phương đời mình
Tụng ca sông núi
Điều trần dự cảm trước nhân gian
Tiếng hát em vút lên trời cao
Rụng xuống vực sâu
Dội vào vách đá rền thiên lũng
Giọng hát em tự do và bí ẩn
Như giọt mật ngọt
Như ngụm men say
Như chén đắng
Hiển thị sầu bi dung nhan
Trầm ẩn bình yên nữ thánh
Hát lên em – hãy hát
Ta nghe đau khổ rất xa xôi
Mà rất thật
Hạnh phúc rất thật mà rất xa xôi
Hồn chùng vì giọt lệ sắp ứa ra
Ứa ra những mong chờ bất tận
Những buồn bã truyền kiếp
Những khóc cười thiên thu
Và em – mơ hồ xa vắng
Mơ hồ gần gặn.
Hát nữa đi em
Một mai em ra đi
Đi về đất đi về trời
Giọng hát em còn lại chút gì
Lẩn khuất trong mù mịt
Những ngàn dặm nước non
Những trăm năm phận người
Là em – và ta
Đều có thật.
Nhớ ngày Khoa Hữu ra đi
(05.4.2012 / 15.3 năm Giáp Thìn)
Có phải người đang đi qua chiếc cầu vồng
Mỗi trạm hành trình một vì sao
Chắc người còn đi mãi ngàn thu sau
(Thi Thể)
Tiễn đưa cây cải về trời *
Tiếng khóc nỉ non con vượn trắng
Tiếng khóc rớt trên vô lượng nghi nan biển lặng
Bà mẹ ngẩng đầu – trào bi thương trũng mắt khô
Cầu gió cất lên. Cất lên linh hồn yểu.**
Trong cơn mê đồng thiếp lòng buông như liễu
Tôi đi ra biển cùng rau răm
Ôi biển, tờ thiên thư mênh mông
Ẩn thị ngàn trùng ý chỉ tạo hóa.
Con cua dáng a còng bò ngang đỉnh núi điếc nhớ
chồng ***
Tôi cõng rau răm trôi tắp vào tấm thảm hôn mê
vạn niên xanh ngất đảo rêu câm
Con ơi con hỡi
Khoa ơi, Khoa ơi
Ôi biển, tờ thiên thư mênh mông
Lật lật dò coi trong ngàn trùng
Cây cải về trời, thiên định chăng
Khoa ngủ giấc hư vô một chiều rũ ưu tư Chúa định
chăng.
Một chiều chưa tà một chiều không tà một chiều ngưng
Sao Khoa ra đi mà không phút lâm chung
Tôi ngủ giấc thơ điên trên ngọn thác ầm ầm đổ
Tan hoang chiều thiên cổ
Tiếng thét hoảng từ đáy hồn đập nát trái tim tôi thất
thểu bốn mùa
Chỉ còn là một lẻ loi dương thế giữa mịt mùng tìm dấu
đất trời xưa.
4.2013
Mùa đông
Đừng mách lẻo với ta
Ngũ cung đã ngân nga trên ngọn thông
Băng giá đã tan trong hồ núi
Hãy coi như nỗi đợi của ta còn rất dài lâu
Dù Mùa Xuân sắp quay về vẫy gọi
Mùa Xuân
Đừng ẩn dụ
Chồi non mới nhú
Như núm vú tuổi mười ba
Nắng thở thơm tho lúa mới
Chợt thoảng qua
Ta chưa muốn tin
Ngày xuân đang tới
Hỡi quạnh hiu của mùa lạnh lẽo
Hỡi ríu rít sắc hương của mùa ấm lao xao
Chớ tiếp cận nhau
Chia tay sẽ tức thì như gió tạt
Hãy đừng – hãy cứ mặc
Một mình ta.