Menu Close

Bánh đúc có xương

“Gió lay tàu chuối sau hè,
Giỡn chơi chút xíu ai dè có con”.
 
Câu hát lả lơi của hàng xóm không ngờ lại vướng vào đời Hận. Mãi đến tuổi trưởng thành nó mới hiểu, người ta hát vậy là để ám chỉ cuộc tình chốc lát của mẹ rồi đẻ ra nó. Và, tên của nó là do mẹ đặt vì hận ba nó, người ta chơi thiệt tình mà họ chơi ăn chơi rồi “bỏ của chạy lấy người”. Tô Hoài Hận! Hận hoài không quên.

Khi ba của Hận 20 tuổi, ham vui, đi theo đoàn đờn ca tài tử để phục vụ đám cưới ở một tỉnh miền Tây. Một cô gái vừa chớm đôi mươi, khả ái nhất của làng được mời đến để đón tiếp đoàn văn nghệ. Phải lòng giọng ca của chàng trai trẻ, đôi trai tài gái sắc bùng phát tiếng sét ái tình. Quá nửa đêm hôm ấy, trong khi tất cả khách lẫn chủ quá mệt mỏi với cuộc vui, rượu thịt ê hề, ca hát mệt đừ, mọi người lăn đùng ra ngủ say sưa thì chàng và nàng hẹn hò nhau tâm tình ở vườn chuối sau hè nhà chủ cưới. Sau lần hẹn ấy, tiệc tan, chàng cuốn gói theo đoàn về quê, nàng ở lại thương nhớ với nỗi lo sợ cái thai trong bụng ngày càng lớn dần. Chịu bao nhiêu tủi nhục, lời nặng tiếng nhẹ của gia đình, lời ong tiếng ve của hàng xóm, nàng “đi biển một mình”, sinh con và một mình nuôi con mà không có chồng bên cạnh nâng đỡ, ủi an. Hận!

Thật ra, lúc Hận sắp chào đời thì gia đình bên Nội có giấy xuất cảnh sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Tất nhiên Mẹ của Hận không đi theo được. Sau ba năm, Ba của Hận trở về Việt Nam tìm lại giọt máu ngày xưa và làm hồ sơ bảo lãnh hai mẹ con sang Mỹ. Đến phút cuối, chuẩn bị đi phỏng vấn ở Lãnh Sự Quán Mỹ thì hai người xảy ra chuyện không vui và quyết định hủy bỏ hồ sơ. Sau đó Ba đi hỏi cưới vợ khác, mẹ chính thức đi lấy chồng. Đứa con vô tội đứng giữa đôi bờ tranh chấp: nghĩa vụ và quyền lợi. Bao trăn trở của người mẹ được quyền nuôi dạy con, nhưng người chồng mới sẽ chấp nhận và đối xử như thế nào với con riêng của vợ? Cha tiếc không được giữ con nhưng sẵn sàng cung cấp tiền bạc để nuôi dưỡng. Chuyện bảo lãnh con ruột để hồi sau phân giải. Giờ, ba lo chuyện cưới vợ mới và bảo lãnh để xây dựng một cuộc sống gia đình như bạn bè.

Hên cho ba cưới được một người con gái nết na, có học thức thuộc một gia đình lễ giáo, có tu học. Chị chấp nhận lấy anh như một duyên phận trời cho. Mặc dù cưới xong mới biết chuyện chồng mình đã có con ngoài giá thú, chị chỉ nhẹ nhàng trách chồng sao không nói thật ngay từ phút ban đầu rồi bỏ qua, coi như đó là phúc phận. Từ nay, trong suy nghĩ của chị, con của chồng cũng là con của mình.

Theo chồng sang Mỹ, mặc dù đã sinh cho chồng hai đứa con xinh xắn, khỏe mạnh nhưng chị vẫn nhắc nhở chồng lo làm hồ sơ bảo lãnh đứa con riêng để nó có cơ hội học hành và làm việc trên đất Mỹ, có cơ hội giúp đỡ mẹ của nó và các em một mẹ khác cha của nó sau này. Hằng tháng, chị vẫn chủ động nhắc chồng gởi tiền về Việt Nam giúp con anh có tiền chi tiêu ăn học. Chính chị là người đi gởi tiền và mang biên nhận về đưa cho chồng, để làm bằng chứng rằng chị thương con riêng của anh như chính con đẻ của mình. Rồi Hận được đoàn tụ với cha. Chị chăm sóc con riêng của chồng nhưng chị vẫn chấp nhận cho nó gọi bằng Dì.

Giờ, mẹ của Hận ở Việt Nam cũng không còn “hận hoài” người tình xưa đã “ký gởi” vào đời mình một giọt máu, bà vui hơn vì biết người đàn ông cũ cũng thật lòng nghĩ đến mình và giọt máu rơi. Vợ cũ, vợ mới từ nửa vòng trái đất thường xuyên điện thoại hỏi han, chăm sóc con và chăm sóc cho nhau như tình chị em bạn bè. Càng ngày họ càng trở nên gắn bó, thân thiết nhau hơn như hai chị em, như hai người bạn tri âm tri kỷ. Đôi khi “vợ cũ” đùa tí với “vợ mới”: “Em nhớ chăm sóc chồng cũ của chị chu đáo nhé!”. Vợ mới cũng đáo để: “Chị đừng lo, em tắc-kè (take care) kỹ lắm, ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc. Ông ấy giờ béo ị, khi nào đủ ký em gởi trả về cho chị”. Tiếng hai bà cười vang như sắp vỡ đường dây điện thoại.

Sống đất Mỹ được hơn ba năm, Hận dành dụm được ít tiền mang về Việt Nam cưới vợ. Hãng ký giấy phép cho đi hai tháng, Hận say sưa với cô vợ mới cưới nên ở luôn bốn tháng. Ba và Dì của Hận ở Mỹ trông đứng trông ngồi, lo sợ Hận sẽ mất việc khi quay trở lại Mỹ. Rồi Dì lo chạy đến hãng Hận đang làm để năn nỉ cấp trên thông cảm.

Nhưng luật lệ công bằng. Hơn nữa, trong thời buổi kinh tế đang lao đao, tự vi phạm nội quy hợp đồng lao động là tự giết mình. Ngày Hận trở lại Mỹ thì hãng đã nhận người khác thế chỗ của Hận đang làm. Dì lại tất tả đi năn nỉ sếp của Hận để họ chiếu cố, đi cậy nhờ những người có uy tín trong hãng của Hận làm nói giúp, đi nộp đơn hết hãng này đến hãng nọ. Ai chỉ ở đâu có việc làm là Dì đến tất. Nhưng chỉ hoài công!

Hận thất nghiệp nên nằm vùi, Dì lại lo Hận nghĩ quẫn rồi hành động không hay. Dì đưa tiền để Hận đi cà phê giải khuây, gọi bạn bè của Hận đến nhà để an ủi Hận. Cuối tuần, Dì lại đưa tiền cho Hận mua chút bia giải trí với bạn bè để quên đi những tháng ngày nhàm chán, rỗi việc. Mỗi ngày nấu ăn, Dì luôn dành miếng ngon cho Hận, luôn để giấy ghi tên trên phần chừa sau khi Hận vắng nhà, kẻo hai đứa em nhỏ không biết ăn bừa.

Cũng may, hãng cũ thương tình cứu xét lợi ích của Hận đã đóng góp cho hãng trong mấy năm qua mà nhận lại để Hận có việc làm. Lòng thành của Dì cũng làm mềm lòng những người làm quản lý, nhưng Hận phải làm lại từ đầu, mọi quyền lợi từ trước đến nay bị mất. Dì mãn nguyện!

Chuyện khó tin, mới nghe qua tưởng như tiểu thuyết hư cấu. Như bao “chuyện lạ có thật” trên đời, câu chuyện mẹ kế của Hận khó tin như chuyện… “bánh đúc có xương” để cuộc đời trân trọng.

alt

Thắm Nguyễn

HCTH