“Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trên giường. Chiếu chăn thẳng thớm. Chiếc gối dưới đầu thơm mùi xà phòng mới giặt. Căn phòng gọn và sạch đến nỗi tôi có cảm tưởng như đây là lần đầu tiên tôi tới chốn này. Và trên chiếc ghế đặt sát đầu giường tôi là một ly nước cam vắt và một lá thư. Thư của Quỳnh. Cô cho biết cô đã đến thăm tôi đúng vào cái lúc tôi nằm ngáng ngay cửa phòng. Và cô đã khó khăn lắm mới đưa được tôi lên giường, thay quần áo, xoa dầu nóng, gọi bác sĩ thăm bệnh tôi. Nàng đã lau sạch sàn nhà, sắp xếp báo chí sách vở, thu dọn quần áo bẩn đem đi tiệm giặt, thay cả màn cửa, và mền gối mới cho tôi. “Suốt đêm, Quỳnh viết, anh sốt mê man, miệng không ngớt lảm nhảm những lời vô nghĩa. Nếu anh cứ tiếp tục cái kiểu này có ngày anh sẽ chết mà không ai hay. Đời sống anh làm em ứa nước mắt.” Thật sao? Có thật là còn có một người nào đó trên đời này ứa nước mắt cho tôi? Cuộc sống tôi bi thảm đến thế sao? Trống trơn và lạnh lẽo. Đó là căn phòng tôi đang ở. Đó cũng là đời sống tôi. Sự bừa bãi của sách báo, và quần áo có thể làm đầy căn phòng, nhưng không thể làm đầy được sự trống rỗng trong tôi. Lửa làm ấm bàn tay nhưng ngọn lửa nào ấm được trái tim nguội lạnh tôi?” [Trích trong “Người Đi Trên Mây”]
Đối với Nguyễn Xuân Hoàng, đời sống của ông là mây. Căn phòng của ông ở cũng là mây. Bệnh tật, thói quen, sự bừa bãi của sách vở và quần áo cũng chính là mây. Là mây nên ông thấy cuộc sống “trống trơn và lạnh lẽo,” ngọn lửa có thể làm ấm bàn tay nhưng không ngọn lửa nào có thể làm ấm trái tim nguội lạnh của ông, bởi vì trái tim đó là mây. Chính vì là mây nên Nguyễn Xuân Hoàng biết chắc ông sẽ “lạc lõng trong cái thế giới quyền lực và hào nhoáng,” nhưng cho dù biết rõ mình vốn không ưa thích đám đông lắm, Nguyễn Xuân Hoàng vẫn tham dự những bữa tiệc của cuộc đời, trong đó có bữa tiệc “định mệnh” tại nhà của người không hề quen biết, khi Sài Gòn đầy biến cố sôi động. Nguyễn Xuân Hoàng sống khép kín trong vòng tròn thân hữu văn chương của ông. Đó là điều tôi cảm nhận khi đọc “Người Đi Trên Mây.”
Một Quỳnh; một Uyên; một người đàn bà lớn lên trong gia đình mà đồng tiền ngự trị trên tất cả, hay bất kỳ một phụ nữ nào khác, đối với Nguyễn Xuân Hoàng cũng là mây. Ông đi trên mây nên nhận biết cuộc đời chóng qua, giả tạo, bước qua bờ bên kia bờ bên này đã là hư vô. Nói cho đúng thì với thầy giáo Trần Lâm Thăng – hóa thân của Nguyễn Xuân Hoàng – sinh ly tử biệt, tao ngộ tương phùng cũng chỉ là mây. Mây lang thang, mây phiêu du, mây đến và đi chẳng định kỳ. Vì thế nhân vật thầy giáo Trần Lâm Thăng thường thao thức, bởi vì “Đêm gặm nhấm tôi trong nỗi bứt rứt và chua xót thường trực của một người làm vườn thất bại. Người ta đâu thể phung phí cả tuổi thanh xuân trong việc trồng trọt vun xới cây thương yêu và tin cậy trên một mảnh đất – tưởng là màu mỡ – để chỉ gặt hái những bông hoa và trái cây của dối trá hận thù?” [Trích trong “Người Đi Trên Mây.”]
Đọc xong “Người Đi Trên Mây,” ở chừng mực nào đó tôi nhận ra Nguyễn Xuân Hoàng cưu mang tâm hồn của Hamlet – đứa con tinh thần của kịch tác gia William Shakespeare và cũng là một trong số những bi kịch nổi tiếng nhất của lịch sử thế giới. Sự rối loạn của Sài Gòn trước ngày chính biến 30 tháng 4 phải chăng cũng giống sự bát nháo của xã hội thời Hamlet dư đầy nhà tù và sự bẩn thỉu, phải tìm trong hàng vạn người mới nhặt ra được một người lương thiện. Xã hội thực tế xấu xa mâu thuẫn với lý tưởng của Nguyễn Xuân Hoàng, khiến thầy giáo Trần Lâm Thăng không nhận mình dạy học vì thiên lương hay thiên chức, mà chỉ vì không biết làm nghề gì khác hơn ngoài nghề dạy học.
Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng sinh năm 1940, qua đời ngày 13 tháng 9 năm 2014 tại thành phố San Jose, tiểu bang California, hưởng thọ 74 tuổi. Ông là một trong số những nhà văn nổi tiếng của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, được nhiều người yêu mến. Văn phong của ông đầy nghi hoặc, đậm nét buồn, lạnh lùng và khó cảm. Giống như nhân vật Hamlet, Nguyễn Xuân Hoàng đã từng tự hỏi “Tồn tại hay không tồn tại. To be or not to be.” Để rồi cuối cùng, ông đã tìm ra con đường đi trên mây cho riêng ông ngay khi còn sống trên dương thế.

4:14am Chủ Nhật ngày 30 tháng 11 năm 2014