Menu Close

Tự Truyện Đặng Phùng Quân

Nhà văn Đặng Phùng Quân là giáo sư dạy Triết Học tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trong thời gian từ năm 1968 đến 1975, và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại Học Cần Thơ, Đại Học Cao Đài Tây Ninh, và Đại Học Hòa Hảo Long Xuyên. Năm 1981 ông định cư tại Hoa Kỳ. Ngoài tên thật, ông còn dùng bút danh Trường Dzi và V.T.D.

Các sách biên khảo đã xuất bản: “L’existence d’autrui et la fidelite dans l’oeuvre de Gabriel Marcel (1967), Hiện hữu tha nhân với G. Marcel (1969), Triết học và Khoa học (1972), Chân dung triết gia (1973), Triết học và Văn chương (1974), Văn chương và Lưu đày (1985), Hành trạng tư tưởng giữa hai thế kỷ (2002), Phê phán hệ tư tưởng Mac-xit (2002), Tấu Khúc, (2005)”

Một số tập truyện ngắn đã xuất bản (in chung hoặc in riêng): “Miền Thượng Uyển Xưa (1983),” Một Dặm Tương Thân (1987), Tự Truyện (1997).”

alt

Đặng Phùng QuânPHOTO HOÀNG DUY MẠNH

Là nhà văn và cũng là người dạy Triết Học, chính vì thế những tác phẩm của Đặng Phùng Quân không dễ đọc. Kiến thức uyên bác thẫm đẫm màu sắc triết học của ông, khiến “Tự Truyện” cũng như các tác phẩm khác không chỉ là một lời thách đố độc giả, mà còn là nói lên sự lựa chọn và sàng lọc người đọc. Bởi vì triết lý là căn bản nền tảng trong cảm nhận của Đặng Phùng Quân, khi nói về một điều gì đó. “Tự Truyện” gồm có những chương: “Tự Truyện,” “Ngoại Truyện,” “Mặt Mạ,” “Trạm Đợi,” “ Tiếng Nói,” “Phá Truyện.”
Chỉ riêng đề tựa thôi, cũng đã là “mật ngữ.” Thông thường viết tự truyện, người ta dùng ngôi thứ nhất [Tôi], Đặng Phùng Quân lại dùng ngôi thứ ba  [Cô ấy; Anh ấy]. Ông cho rằng “Trong bất kỳ văn chương ở hình thức nào cũng có sự chọn lựa tổng quát  một thái độ đạo đức, chính vì những tương quan suy tưởng của nhà văn về  xử thế xã hội đối với hình thức về sự chọn lựa của mình, chọn lựa một luân lý về hình thức, chọn lựa không khí xã hội mà trong đó nhà văn quyết định xác nhận ngôn ngữ của mình. Tóm lại nhà văn định vị trên một thực tế hàm hồ: giao ngộ tương tác giữa nhà văn và xã hội từ cứu cánh tính của xã hội này, đưa đẩy nhà văn tới những nguồn lực cần thiết trong sự sáng tạo của ông, bằng một sự chuyển hoán bi đát. Chính vì không có tư tưởng nào không cần ngôn ngữ mà Hình thức là phán quyết đầu tiên và sau cùng của trách nhiệm văn chương, và chính vì xã hội không hòa giải mà ngôn ngữ tất yếu và thiết yếu bị chỉ huy, đã tạo dựng cho nhà văn một thân phận xâu xé, xót xa.” [“Tự Truyện” trang 11, 12].

Có thể nói nhà văn Đặng Phùng Quân mở ra một chân trời mới cho cách viết tự truyện, đồng thời nhấn mạnh đến tinh thần tự do tư tưởng, để tránh những ngộ nhận từng cho rằng triết lý là nhận thức, người ta sẽ thu lượm hay lãnh hội được điều gì đó từ triết lý. Không phải như vậy. Đối với Đặng Phùng Quân, triết lý chỉ là quá trình vận động tư tưởng, và tranh luận là phương pháp được sử dụng để khai phá ra một điều gì đó, trong lúc tư tưởng vận hành. Ông viết để thực nghiệm những gì đã đang xảy ra trong đời sống đầy bất ngờ nhiều biến động; những điều này  cũng là bối cảnh của rất nhiều nan đề cần xem xét để khai phá, để giải tỏa sự bế tắc.

Trong “Tự Truyện,” nhân vật xưng “tôi” của Đặng Phùng Quân đón nhận một ngày mới với niềm chán ngán, bởi vì luôn bị ám ảnh sẽ phải đương đầu với một thử thách hay một âm mưu nào đó. Để rồi một nhân vật nữ được gọi là “nàng” xuất hiện, nói về thành phố Đa Lạt, nói về cuộc tái ngộ giữa nàng và người yêu xưa sau 30 năm xa cách. Và nhân vật được gọi là “chàng” đứng giữa miền trí tưởng nhớ về “chân dung của người đàn bà, nét mặt mờ ảo dưới ánh sáng, đang cười, cái phin cà phê để trên cái ly cà phê bằng sành nung.” [ “Tự Truyện” trang 15]

Nếu không tỉnh táo, độc giả sẽ hoang mang không biết Đặng Phùng Quân muốn tách biệt rạch ròi giữa ba nhân vật: Tôi-Nàng-Chàng, hay ba nhân vật này chỉ là một người tự phân tâm thành người khác, khi nghĩ về quá khứ, về hiện tại, về tương lai. Đây chính là phá cách trong tiểu thuyết, là sự hiện diện của văn chương cấp tiến, yêu cầu bất cứ ai chạm tới phải tự trải nghiệm và khám phá. Bởi vì như Đặng Phùng Quân quan niệm: Những người viết cái mới thường tự nhủ, chỉ viết cho riêng họ chẳng viết cho ai.  

HNP – 3:15am Thứ Sáu ngày 12 tháng 12 năm 2014