Khi đàn ngỗng, bay xuôi Nam, kêu táo tác trong trời New York; khi quý mệnh phụ phu nhân, trong thâm tâm, muốn chồng mình mua cho chiếc áo khoác mùa Đông làm bằng da hải cẩu, trở nên tử tế với chồng… là anh biết mùa Đông đã lại gần kề!
Soapy, một người vô gia cư ở thành phố New York, bèn thảo ra một kế hoạch để được ở tù; nhằm không phải ngủ dật dựa trên đường phố suốt ba tháng mùa Đông New York lạnh cắt da.
(Soap nghĩa là xà bông tắm! Tên Soap và gọi thân mật thì thêm chữ y thành Soapy, như cách của người Mỹ thường làm: như Tom thành Tommy vậy! Vô gia cư, homeless, nhà không có, phòng tắm cũng không, mà nhân vật chánh trong truyện được cây viết tài hoa nầy sáng tạo, đặt cho một cái tên vô cùng sạch sẽ, Soapy. Âu cũng là một cách chơi chữ rất đắng cay!)
Kế hoạch đó rất đơn giản! Làm cái gì đó phạm pháp nhè nhẹ thôi để bị lính bắt, để được ở tù ba tháng, trốn lạnh. Mùa Đông qua; mùa Xuân tới, ra tù là tiếp tục kiếp lang thang!
Ăn quỵt hai lần ở nhà hàng đều không thành công! Lần đầu, chưa ngồi xuống ghế đã bị bồi nhà hàng đuổi ra khỏi cửa. Lần thứ hai ăn xong, không tiền trả, thay vì gọi cảnh sát thì hai tên bồi bàn nắm đầu Soapy, ném anh ngã sóng soài ngoài cửa. Rồi Soapy chọi đá vào một cửa kính, thọt tay vào túi áo, chờ cho bị bắt thì cảnh sát lại rượt theo một người đang chạy theo một chiếc xe ở cuối phố! Rồi chọc gái để ‘em’ bực mình, thưa lính bắt, thì lại gặp một người con gái bán phấn buôn hương. Lượn lờ qua lại trước mặt viên cảnh sát, giả bộ say sưa, ca hát um sùm nhưng cảnh sát vẫn làm ngơ. Rồi ăn cắp vặt một cây dù bằng lụa của một quý ông đáng kính… Dè đâu quý ông đáng kính nầy cũng đã ăn cắp của người khác trong một nhà hàng vào buổi sáng.
Tất cả mọi cố gắng để được ở tù đều thất bại vì lý do nầy hay lý do kia. Ở tù ba tháng coi bộ khó quá!
Cuối cùng, Soapy tình cờ lang thang đến một giáo đường xưa cũ! Tiếng hát của những người đi xin lễ, một bài Thánh ca, làm anh tỉnh ngộ! “Mình không thể sống một cuộc đời cù bất cù bơ như thế nầy được nữa. Mình sẽ đi kiếm việc! Mình sẽ làm lại cuộc đời….”
Thì ngay lúc đó có một bàn tay của ai đã giữ chặt lấy tay Soapy: “Làm gì lang thang nửa đêm ở đây?” “Không làm gì cả!” “Theo ta” Viên cảnh sát có cái khuôn mặt phì nộn ra lịnh. Và sáng hôm sau ông Tòa phán 3 tháng tù ở! Lúc muốn ở tù không ai cho. Khi muốn làm lại cuộc đời thì lại bị tống vào tù vì một chuyện không đâu.
Người tác giả tài hoa của truyện ngắn nổi tiếng toàn thế giới nầy bởi những nhận xét tế nhị và dí dỏm. Cách chơi chữ rất thông minh, kết luận rất bất ngờ nhưng hợp lý là O. Henry!
Thưa quý độc giả thân mến!
Nhớ xưa, Thầy Beidler là giáo sư dạy Anh Văn trường Đại Học Văn Khoa và Sư Phạm Cần Thơ những năm 70. Nhà Thầy ở Khu Văn Hóa đường Tự Đức. Ở đó có một thư viện nhỏ, sách đa phần là tiếng Anh để sinh viên đến tham khảo. Và người viết lần đầu tiên biết đến O. Henry qua những tuyển tập truyện ngắn gọi là ‘ladder book’ (Ladder nghĩa là thang, những truyện nầy được viết với số từ vựng giới hạn theo bậc thang từ thấp lên cao! Bậc thang thấp nhứt một ngàn chữ, rồi lên bậc thang thứ hai, hai ngàn và cao nhứt là bậc thang thứ ba, ba ngàn chữ.) Khi vốn từ đã được ba ngàn, tương đối đầy đủ, thì sinh viên đọc nguyên tác để cảm thụ được hết cái hay của một tác phẩm văn chương.
O. Henry là bút hiệu có vẻ như của một người Pháp! Tại sao?
Năm 1909, trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, ông kể rằng mình đã chọn cái tên O.Henry trong những ngày ở New Orleans, bằng cách chọn một cái tên của những người nổi tiếng, thường xuất hiện trên mặt báo. Henry được ông chọn làm họ! Và tên phải thật ngắn, gọn, không quá 3 âm tiết”. O là một chữ cái đơn giản, dễ viết! Và bút danh O. Henry lừng lẫy ra đời như thế đấy!
O. Henry, tên thật là William Sydney Porter, sanh ngày 11 tháng 9 năm 1862 tại Greensboro, North Carolina, Hoa Kỳ. Lên 3 tuổi, bị mồ côi, Mẹ ông đã qua đời vì bệnh lao. Porter phải theo Cha mình về sống với bà Nội.
Sau đó ông tiếp tục học ở trường trung học Lindsey tới năm 15 tuổi. Năm 1879, ông làm việc cho hiệu bán thuốc Tây của người chú, năm 1881, khi 19 tuổi, ông lấy được bằng dược tá.
Tháng 3 năm 1882, khi bắt đầu có những cơn ho dai dẳng, sợ bị lao như Mẹ, ông chuyển về sống trong một trang trại chăn nuôi ở Texas với hy vọng khí hậu nơi đồng nội sẽ giúp ông vượt qua cơn bệnh.
Ở Texas, ông làm ở nông trại nuôi cừu, học chăn cừu, nấu ăn, giữ trẻ, học một mớ tiếng Tây Ban Nha và Đức từ những người di dân làm việc cho nông trại.
Đến Austin năm 1884, O. Henry sống một đời thanh niên sôi nổi: hát và diễn kịch, chơi đàn ghi-ta và cả măng-đô-lin.
Ông đến Houston năm 1895, bắt đầu viết cho tờ Post (Bưu Điện) như một sở thích, một thú vui, kiếm được một tháng 25 đô, (một ngày kiếm chưa tới một đô la), lương trung bình lúc đó là 300 đô một năm!
Khi còn bé, rất ham đọc; đọc bất cứ cái gì mà ông có trong tay. Lớn lên, viết để tìm vui! Còn để kiếm sống, ông phải làm rất nhiều công việc khác nhau: vẽ kỹ thuật kiến trúc, thư ký, đầu bếp nhà hàng, làm nhân viên cho công ty địa ốc, xưởng in, v.v. Tất cả những công việc khác nhau đó là chất liệu trong nhiều truyện ngắn ông viết sau nầy!
O Henry yêu Athol Estes, 17 tuổi, con của một gia đình giàu có nhưng gia đình cô không chịu gả. Tháng 7 năm 1887, O. Henry và Athol trốn đi; trở thành vợ chồng. (Tháng 9 năm 1889, họ có con gái đầu lòng, tên là Margaret Worth Porter.)
Kế đến, ông làm nhân viên cho First National Bank ở thành phố Austin, Texas. Năm 1896, ông bị điều tra vì tình nghi biển thủ 1.150USD, tiền của ngân hàng. Nghe lời bạn, ông bỏ trốn ra ngoại quốc, đến Honduras, một nước thuộc Nam Mỹ, không có hiệp ước dẫn độ với Hoa Kỳ lúc đó.
Sáu tháng sau, nghe tin vợ mình đau nặng, ông quay trở về. Nhà cầm quyền đợi đến khi vợ ông qua đời mới đem ông ra xét xử. Ông bị kết mức án tù tối thiểu với tội biển thủ nầy là 5 năm. Trong nhà tù ở thành phố Columbus, tiểu bang Ohio, ông làm dược tá cho bệnh viện nhà tù.
O.Henry muốn mua quà Giáng Sinh cho con gái 9 tuổi Margaret đang ở trong Trại Mồ Côi, nên gửi truyện ngắn tới một tạp chí và được đăng ngay mà không bị sửa chữa gì.
Mùa hè năm 1901, hơn ba năm sau khi bị bắt, O.Henry được trả tự do sớm nhờ hạnh kiểm tốt!
Năm 1902, hàng tuần, O. Henry, theo hợp đồng, phải gửi cho tờ The New York World Sunday Magazine một truyện ngắn, nhuận bút 100 đô la Mỹ – niềm mơ ước của bất cứ nhà văn Mỹ nào lúc bấy giờ. Ông viết mỗi năm 66 truyện ngắn. Cả tòa soạn háo hức chờ đợi bài, ai cũng muốn được là người đầu tiên đọc tác phẩm mới của O. Henry!
Sau những năm tháng cùng quẫn, mặc dù lúc này đã trở nên nổi danh, có tiền nhuận bút khá, nhưng vẫn không đủ vì ông rất hào phóng; phần cuộc hôn nhân thứ hai thiếu hạnh phúc, O. Henry uống rượu nhiều! Đến năm 1908 sức khỏe của ông giảm sút nhanh chóng. Những năm cuối đời, nhà văn hầu như không viết được gì. O.Henry qua đời ngày 5 tháng 6 năm 1910 tại một khách sạn ở New York trong sự cô độc, ở tuổi 48, vì xơ gan, cộng với biến chứng của bệnh tiểu đường, phì tim. Đám tang tổ chức ở thành phố New York nhưng được chôn cất ở quê nhà North Carolina.
Năm 1919, Hội Nghệ thuật và Khoa học (Society of Arts and Sciences) lập “Giải thưởng Tưởng niệm O. Henry” (O. Henry Memorial Awards), hàng năm trao cho những truyện ngắn xuất sắc nhất. Năm 1952, năm truyện ngắn đặc sắc của O. Henry được dựng thành phim do tài tử Marilyn Monroe và Charles Laughton thủ diễn. Viết văn được như ông phải nói là đã đạt đến tột đỉnh vinh quang!
Thưa quý độc giả thân mến!
O. Henry mất cách đây hơn một thế kỷ mà ngày nay, mỗi mùa Giáng Sinh về, chúng ta lại nhớ đến ông, nhớ đến truyện ngắn: ‘The gift of the Magi’ (Món quà của các nhà thông thái) được người đọc phương Tây yêu thích nhất, được xem là một trong những truyện ngắn về Giáng Sinh hay nhất mọi thời đại.
Truyện rằng: Jim và Della là một cặp vợ chồng trẻ, nghèo! Lễ Giáng Sinh, Della chỉ còn có 1 đô la 87 xu trong túi, nhưng muốn mua một sợi dây cho chiếc đồng hồ gia truyền của chồng mình; bèn bán mớ tóc dài óng ả của mình đi! Trong khi đó, Jim quyết định bán chiếc đồng hồ quý giá của mình để mua cho vợ mình một cái kẹp tóc!
Cuối cùng, cái kẹp cài tóc thời có mà mái tóc dài em đã bán đi! Dây đồng hồ thời có mà chiếc đồng hồ anh lại bán đi. Tréo ngoe hết ráo! Cái còn lại là tình yêu của hai đứa chúng ta!
Thưa quý độc giả thân mến!
Viết văn là nghèo đói! Xưa giờ cũng vậy, ngoại trừ một số rất ít sống được bằng ngòi bút của mình. Mùa Giáng Sinh về, lại nhớ O. Henry, một nhà văn sống một đời bất hạnh. Vợ chết, mình phải đi tù chỉ vì một số tiền biển thủ không đáng là bao nhiêu, con phải vào Trại Mồ Côi. Đời nhà văn là một bi kịch!
Mùa Giáng Sinh về, đang ở tù thì làm gì có tiền mua cho đứa con gái còn bé bỏng của mình một món quà Giáng Sinh đơn sơ cho khỏi tủi…bèn cầm viết! Tình phụ tử cao quý đó đã sản sinh cho chúng ta, những người đọc trên toàn thế giới, suốt cả trăm năm nay, những truyện ngắn về Mùa Giáng Sinh tuyệt tác của O. Henry!
“O. Henry! Giáng Sinh về, người đọc lại nhớ đến ông!”

The Crop and The Anthem – nguồn correctionhistory-org