Menu Close

Bài Thánh Ca đó

Bài thánh ca đó còn nhớ không em…

Có những bài thánh ca không thể nào quên…Có phải vậy không, hở các bạn? Khi chúng ta đã trải qua thanh xuân ở thời ấy trong không khí tự do và văn hóa rộng mở, khi bầu trời đêm thanh bình còn lấp lánh những vì sao. Chúng ta đã nghe hát và cùng hát, mặc dù không có đạo, đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời / Chúa sinh ra đời /nằm trong hang đá ở nơi máng lừa và  đêm Thánh vô cùng / giây phút tưng bừng.. rồi Ave Maria.

Vâng chúng ta đã cùng nhau hát, có khi không thuộc melody và ca từ của những bài Thánh ca ấy. Chúng ta cùng hát có khi chỉ trong tâm ý lúc cùng nhau đi dự đêm Noel dưới bầu trời sao và ánh nến ánh đèn lung linh. Và rồi tới một lúc cả bầu trời sao sụp đổ và mọi âm thanh trở thành cuồng nộ sound and fury. Cộng Sản tiến vào Sài Gòn và mọi thứ không còn y nguyên, anh và bạn bè phải vào trại học tập. Còn nhớ đêm Noel đầu tiên ở trại Long Giao, nơi lau sậy và cỏ tranh ngút ngàn, anh em đi đốn cây cao su về xẻ củi. Dưới bầu trời đêm lạnh giá, gió hun hút thổi, những đống lửa được đốt lên trong sân trại. Rồi một anh có cây ghi-ta thùng tự chế, bấm lên vài nốt nhạc. Và trong một lúc, hầu như đồng lọạt, anh em cùng xướng lên bài Hang Bêlem của Hải Linh. Chỉ xướng âm thôi không dám hát lời vì con mắt và lỗ tai của những con thú dữ chong chờ đâu đó. Chỉ xướng lên melody của bài hát thơ nhưng trong trí của mỗi người đều vang lên lời ca. Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời / Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa / Trong hang Bê lem ánh sáng tỏa lan tưng bừng / Nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng… Ôi làm sao quên được đêm Noel năm ấy. Những năm sau trong những lán trại mịt mùng trên đất Bắc, Giáng Sinh về anh em lại quây quần hát Thánh ca. Bây giờ thì hát cả lời, không còn sợ nữa. Nhất là khi về tới trại Thanh Chương trong vùng đá núi Nghệ Tĩnh. Đêm Noel có cha Tuyên Úy làm lễ và một tốp hòa ca bản Silent Night Holy Night tức Đêm Thánh Vô Cùng của Hùng Lân. Tiếng hát bập bùng lan tỏa trong thành đá xanh:

Đêm Thánh vô cùng
Giây phút tưng bừng
Đất với trời sẽ chứa đựng
Đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ
Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa

Cho tới ngày hôm nay, sau nhiều chục năm, tâm trí của Nguyễn còn vương vất âm thanh và hình ảnh của những mùa Giáng Sinh khổ nạn và kiêu hạnh ấy. Ngồi đây mà nhớ lại cả đoạn đường cùng câu chuyện ra đời của ca khúc bất hủ ấy. Em cùng anh tưởng tượng lại nhé, cách đây gần hai trăm năm, vào năm 1817. Lúc ấy, cha Joseph Mohr mới 25 tuổi, được bổ nhiệm làm linh mục phụ tá tại nhà thờ Thánh Nicholas ở miền Oberndorf nước Áo. Cha vốn say mê âm nhạc từ hồi còn là thiếu niên, có lúc đã làm thơ và đặt lời cho những bài ca trong các nghi lễ đặc biệt tại giáo đường. Khi trở thành Linh mục, cha Mohr làm việc không biết mệt mỏi trong công tác từ thiện, phục vụ thanh thiếu niên con các gia đình nghèo khó trong vùng.

Một ngày mùa đông năm 1818, cha Mohr đang cố hoàn thành mọi việc sửa soạn cho Thánh lễ Giáng sinh, một nghi lễ mà cha đã hoạch định trước cả tháng. Mọi thứ đều đã xong xuôi, từ bài hát cho đến bài giảng. Nhưng lúc cha dọn dẹp Thánh đường mới phát hiện một trở ngại tưởng không thể khắc phục được: đó là chiếc phong cầm của nhà thờ bị hư. Nóng lòng, cha lui cui hàng giờ đánh vật với hàng phím, với bàn đạp của chiếc đàn. Bất chấp mọi khó nhọc của cha, chiếc đàn vẫn nằm ỳ ra không lên tiếng, im lặng chẳng khác cái lặng lẽ của một đêm đông giá lạnh.

Nhận thấy không thể làm gì hơn, vị Linh mục ngừng lại và cầu nguyện. Cha cầu xin Chúa cho cha tìm được một giải pháp để đem âm nhạc đến với giáo dân trong ngày lễ có ý nghĩa nhất trong năm. Và rồi cha đã tìm được đáp ứng cho lời cầu nguyện của mình khi nhớ lại bài thơ mà mình sáng tác cách đây gần hai năm. Đó là bài Still Nacht! Heilige Nacht! (Đêm yên lặng! Đêm Thánh!). Cha thấy dường như Chúa đã cho cha một tia sáng hy vọng. Bỏ bài thơ vào túi áo, cha vội vã ra khỏi nhà, băng qua những đường phố đầy tuyết phủ. Chỉ còn mấy giờ nữa là Thánh lễ nửa đêm bắt đầu.

Cũng vào chiều hôm đó, Franz Gruber, người giáo viên làng 31 tuổi, đang co ro trong căn phòng nhỏ bên cạnh trường học. Mặc dù đã theo học phong cầm với giáo sư nổi tiếng Georg Hardobler, Gruber cũng chỉ chơi đàn cho nhà thờ St. Nicholas nhỏ bé. Cha Morh bước vào, hối hả kể cho ông giáo làng nghe nỗi khó khăn của mình. Sau khi bảo Gruber rằng chiếc đàn không thể sửa được, cha liền đem bài thơ ra và nói:

– Franz, anh xem có thể viết nhạc cho bài thơ này để ca đoàn hát được không? Không có phong cầm thì ta chơi guitar vậy.

Rồi vị Linh mục đưa mắt nhìn đồng hồ trên bàn, nói thêm: “Không còn nhiều giờ nữa đâu”.

Đọc kỹ bài thơ, Gruber gật đầu, chấp nhận thử thách.

Mấy giờ sau, hai người gặp nhau tại nhà thờ. Gruber đưa cho vị Linh mục xem bản nhạc của mình. Linh mục dùng đàn guitar gảy lên những nốt nhạc rồi vội vã chuyển cho ca đoàn. Không có nhiều thời giờ, cha Mohr và Gruber chỉ dạy được cho ca đoàn phần hòa âm bốn giọng của mỗi hai câu thơ cuối.

Trong Thánh lễ nửa đêm, cha Mohr và Gruber đứng trước bàn thờ giới thiệu bản nhạc nhỏ bé và giản dị của hai người. Họ đâu ngờ rằng Still Nacht! Heilige Nacht! được dịch sang tiếng Anh là Silent night vào tháng 12-1839, không chỉ sẽ được nhớ tới vào ngày Giáng sinh năm sau trong ngôi làng bé nhỏ của họ mà còn được khắp thế giới ca vang.

Thế nhưng bài hát càng được phổ biến thì tác giả của nó càng bị chìm trong quên lãng. Thậm chí cho đến khi cha Mohr qua đời trong cảnh nghèo khó năm 1848 mọi người còn chưa biết cha là tác giả bài thơ phổ nhạc. Thật là buồn và tội nghiệp, phải không em?

Bài Thánh ca đó còn nhớ không em? Còn bài Jingle Bell nữa, mỗi Noel em đều đàn bài này trên cây dương cầm cũ của chúng ta. Chiếc xe tuần lộc vẫn lăn bánh trên cánh nhạc vào mỗi mùa Noel. Cho đến Noel cách nay ba năm.

đêm. tôi trở về
từ cánh đồng của những cây gai nhọn. và nhụy hoa
                       úa tàn…
không có tiếng ngân. jingle bells
chỉ có cỗ xe. của gió
và bóng những con tuần lộc
chở dung đi
về nơi
bình an. mãi mãi

Bài Thánh ca đó, em ơi, còn mãi với anh.

TN