Menu Close

Tiếng sáo và tiếng lòng

Tôi trở lại thăm ngôi nhà màu tím dẫu biết rằng anh không còn tồn tại nơi chốn xưa. Ngõ vắng xôn xao tiếng chim hót. Chùm hoa giấy tím màu kiêu sa đang đong đưa trên bao lơn hiu quạnh. Đám hoa mười giờ không ai tưới nhưng vẫn khoe nụ cười mang sắc tím rung rinh uốn éo trong gió. Pho tượng mỹ nhân ngư  ôm đàn phủ đầy vết vàng của lá úa, vẫn quẫy đuôi mỉm cười trong hồ nước hình bán nguyệt giữa sân.

Lặng lẽ nhặt vài viên đá cuội màu trắng tôi ném vào hồ nước để nghe những tiếng “bõm”. Âm thanh ấy làm cho tôi bớt sợ hãi khi cất bước trong khu vườn không có chủ này.

Ngày xưa, những sớm hồng, trưa hạ, chiều vàng, muốn đến trường tôi phải đi ngang qua nhà anh. Vườn tược ở Huế luôn có nét đặc trưng riêng là rất thơ. Người chủ nhà thường có óc sáng tạo và có bàn tay khéo léo chăm sóc, nâng niu cho cây cảnh của mình đơm hoa kết trái. Ba tôi cũng vậy, luôn trồng đủ loại hoa. Điều đặc biệt nhất là ba đặt tên con mình theo mùa hoa nở. Nghe mẹ kể: Một đêm trời đầy sao, ba đang nhâm nhi chén trà “Long nhãn” ngoài bao lơn chờ Quỳnh hoa nở dưới trăng khuya. Bà “mụ” (y tá) chạy ra báo tin mẹ chuyển dạ. Tiếng thét hòa lẫn giọng oe oe “một cô nương lọt lòng” cũng là lúc nàng Quỳnh kiều diễm đang vươn cánh trắng xóa rung rinh trước gió. Thế là số phận em gái tôi được mang tên loài hoa ấy.

Khu vườn của anh không giống bất cứ vườn nào. Anh trồng tất cả loài hoa mang sắc tím: Hoa giấy, Violet, Pensée, Mười giờ, Lan, Cẩm tú cầu.

Tường vôi cũng sắc tím, chợt nhìn trông rất ảm đạm, nhưng mang nét mộng mơ huyền bí vô cùng.

Bị cuốn hút bởi khung cảnh đặc biệt đó, tôi luôn để bước chân mình chậm lại và len lén liếc vào ngôi nhà.

 Hạ về, ve râm ran hòa tấu bản tình ca bất hủ. Phượng khoe nụ cười đỏ ối bay tả tơi khắp nẻo đường. Ấy là lúc anh chị em tôi bị cấm cung trong ngôi nhà cổ xưa. Ba là ông vua độc tài cai trị rất nghiêm khắc, không cho các hoàng tử công chúa lê bước chân ra đường. Mọi việc trong gia đình đã có mẹ và người giúp việc lo.

Ba rước gia sư về kèm cho chúng tôi học.

Người đầu tiên là anh chàng cao to có cái miệng rộng dạy môn toán, lý, hóa. Chúng tôi khúc khích cười khi anh giảng bài nước bọt phun ra hai bên khóe. Tú Cầu đặt cho thầy cái tên “Mộng Riệng”. Thầy nghiêm khắc, luôn báo cáo cho ba biết đứa nào siêng đứa nào lười. Chính vì thế mà chúng tôi răm rắp vâng lời làm và nộp bài đầy đủ.

Bốn hôm sau, ba dẫn một cái đuôi kèm môn văn về, mặt hoa da phấn như con gái. Dáng thư sinh áo sơ mi trắng, đầu đội cái mũ “phớt” màu đen. Lúc vào nhà thầy không giở mũ ra, Hoàng Lan nói:

– Nhà em không bị dột sao thầy đội mũ?

Có lẽ ngẩn ngơ vì những Thúy Vân, Thúy Kiều đang tuổi dậy thì, má đào phơi phới, thầy quên trình diện cho quí cô nương thấy mái tóc chải ngược ra sau bóng loáng và thơm mùi dầu brillantine chăng?

Ba trừng mắt:

– Đừng hỗn! Con gọi mấy anh chị lên cho ba bảo.

Bốn gái, một trai đứng yên cúi đầu mắt liếc xéo vào thầy.

– Các con phải tuân theo lời thầy dạy. Đứa nào lười thầy báo cho ba biết đó!

Gia sư thay nhau dạy. Chúng tôi ngoan ngoãn học hành. Một hôm chưa kịp làm bài bình luận về câu “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” trong  truyện Kiều, sợ thầy mách ba, tôi khúm núm:

– Thầy cứ đánh em vì tội làm biếng, xin đừng méc ba nhé!

Cười bằng mắt thầy nhẹ nhàng:

– “Không nên đánh phụ nữ dù bằng một nhánh hoa hồng.”

Ôi! sao thầy nói ra câu hay quá! Hèn gì thầy là sinh viên văn khoa năm cuối. Chao ơi! thầy giỏi ghê!

Mới lớp đệ tứ, tôi cũng ít đọc sách báo nên cứ nghĩ câu gì thầy nói ra cũng rất văn chương. Sau này lớn tôi mới biết đó là những câu danh ngôn.

Chúng tôi như chim hót trong lồng, bị án tù khổ sai học tập của cai ngục gia sư.

Hai tháng Hè dài như hai thế kỷ. Ông mặt trời luôn tươi cười để lộ chiếc răng vàng sáng chói xuống trần gian. Nắng xênh xang làm đổ mồ hôi mọi người. Anh Hướng Dương cởi  trần, quần đùi chạy loanh quanh. Đám con gái cầm chiếc quạt giấy phe phẩy phành phạch. Thời tiết nơi đây như thế đó. Hè nắng chang chang, đông mưa dầm dề thúi đất. Khí hậu làm ảnh hướng tính cách của con người Huế. Có hôm tôi phân bì với mẹ:

– Sao mẹ không sinh con là trai để được cởi trần cho khỏe?

Gí tay vào trán tôi mẹ cười nói:

– Ui chao! tu mười kiếp mới được làm con gái, mà con gái đẹp được người ta cưng chiều chứ sinh ra “đực rựa” sau phải đi lính chết sớm đó…

– Học dốt mới bị ra trận, học giỏi đâu bị đi phải không mẹ?

– Thời chiến nam nhi đến tuổi trưởng thành đều bị tổng động viên. Thôi con ra vườn chơi cho mát.

Ánh trăng lọt qua mành, rơi bên thềm in hình cành cây đang rung rinh theo gió nhẹ. Chị Hằng õng a, õng ẹo theo tôi trên đỉnh đầu. Đàn đom đóm chập chờn bay khi ẩn khi hiện, tỏa ánh sáng ma quái trong cái vắng lặng của đêm hạ huyền. Lòng thanh thản, hồn phiêu lãng, nhớ ngôi nhà sắc hoa màu tím. Khoét một lỗ hổng ở bụi chè tàu tôi chui ra. Đường trăng, chao ơi! não nùng quá! Hít thở không khí trong lành chầm chậm tôi lê bước. Đâu đây tiếng sáo trúc dạt dào vang vọng giai điệu bài Dạ Khúc (Serenade).

Càng tới gần tiếng sáo nghe rõ ràng hơn. Chết lặng tôi dừng lại núp sau cánh cổng viền hoa xoan tím. Người thanh niên dựa bao lơn đơn độc, mái tóc bồng bềnh đang say sưa với bản Serenade của Franz Schubert. Tiếng sáo du dương tôi hát theo:

“Đợi chờ em, trong màn đêm quạnh vắng. Muôn tiếng thanh âm cung đàn ngân… Mượn làn gió, mang về bên lầu vắng… Nơi xa, réo rắt câu tình ca. Hòa trong tiếng chim muông đang thầm thì… Chim còn ríu rít đê mê. Như lời anh nói thầm thì.

Và bên ấy… Vang trong đêm vọng về, bao lời đắm đuối say mê của người tha thiết tình si…

…Nhé … khi đã yêu ai rồi yêu suốt đời …

Nơi này anh vẫn mong chờ… Mong chờ em mãi, người ơi!…”

Lần đầu tiên con tim mười lăm tuổi trong tôi biết thổn thức vì bản tình ca của tiếng sáo ru hồn ấy. Bóng tối trùm lên vạn vật. Trên ấy anh đâu biết lòng tôi dạt dào?

Hình bóng ngôi nhà màu tím, dáng chàng Trương thổi sáo trên bao lơn. Công chúa Mỵ Nương thời đại nép ngoài cánh cổng đã theo tôi vào giấc mộng xuân thì hằng đêm, hằng đêm.

 Ngôi nhà ảm đạm, lạnh lùng luôn đóng cửa. Tôi chưa hề biết mặt chàng như thế nào nhưng dư âm của tiếng sáo luôn đọng lại trong tôi nỗi buồn da diết.

Cũng may trong kỳ thi cuối cấp tôi thi đỗ. Ve hết râm ran trên nhành phượng vỹ. Thu ảm đạm, lá vàng luyến lưu chưa chịu lìa cành. Tôi càng nhung nhớ tiếng sáo đêm hè. Yêu tiếng sáo hay mến dáng đứng của chàng? Tôi không biết được. Mỗi sáng, mỗi chiều ngang qua nhà chàng tôi đều chậm bước, không thấy chàng xuất hiện. Tôi tự hỏi: “Đó chỉ là một bóng ma trong trí tưởng tượng hay tôi bị mộng du khi khoét lỗ bụi chè tàu?”

Thời gian trôi không xóa đi dư âm tiếng sáo trong lòng tôi. Một đôi lúc nó vang dội mãnh liệt. Điệp khúc đó khi  xa vắng lúc nức nở và lòng tôi phải lên tiếng rằng: “Hãy quên…” nhưng “cố quên lại càng nhớ thêm.”

Đông đến, hoa xoan bên thềm vắng tả tơi rụng. Gió rạt rào lay động nỗi nhớ mong. Hồn để tận nơi nao? Đãng trí, quên  mang theo áo mưa khi đến trường. Chờ mãi trời không tạnh, tôi cuốc bộ dưới giọt lệ đài trang của thiên nhiên. Tà áo dài sũng nước để lộ màu trắng ngà của làn da, bộ ngực dậy thì căng phồng được đôi tay ôm chặt cái cặp che kín. Eo thon càng thon thêm khi mảnh vải ôm sát tấm lưng ong.

Cánh cổng ngôi nhà tím xịch mở, người thanh niên vô tình bước ra.

– Chào em! Sao để ướt như chuột lột thế?

Ôi! Chàng đấy ư? Chất giọng miền Bắc rất hay nhưng sao chàng ví von mình như con chuột lột?

– Em có thể dùng cây dù này che đỡ, hay cho phép anh đưa em về nhà?

– Cám ơn anh! Đã ướt rồi cho ướt luôn. Nhà em gần đây, ở cuối đường này.

Tôi rảo thật nhanh để chàng khỏi thấy con chuột lột đang đỏ mặt bối rối. Có lẽ chàng đang ngẩn ngơ nhìn theo dáng tôi dưới mưa.

Trong tôi tiếng sáo và hình bóng người đàn ông tay cầm chiếc dù từ trong khung cửa cứ lởn vởn giữa giấc ngủ không an.

Ngôi nhà ấy vẫn thu hút tôi bởi sắc hoa violet, bởi nụ cười của loài hoa Iris tim tím não nùng và hoa đậu tím mộc mạc leo bên hàng giậu thưa.

alt
Tranh: Thắm Nguyễn

Xuân về muôn hoa đua nở, cành Mai vàng duyên dáng nở rộ nghênh đón giao thừa, Hồng, Thược dược ngả ngớn, Tỉ muội e ấp làm duyên. Chị em tôi rủ nhau hái lộc. Ngang qua nhà anh, tôi rón rén thò tay vào hàng rào ngắt một nụ lộc non. Bỗng chú chó bẹc giê chạy ra sủa inh ỏi. Chết lặng! ba chị em đứng sững.

– Mi nô im!

Chất giọng sang sảng nửa pha Bắc nửa Sài Gòn chạy ra ngõ.

– Anh dẫn giùm nó vào nhà đi. Tụi em sợ chích 24 mũi vào lỗ rốn lắm

(Thời đó ai bị chó dại cắn phải chích chừng ấy liều lượng)

– Ha Ha Ha! Các cô nhát gan thế ư. Vậy cô nào đạp đất nhà tôi?

– Dạ! chúng em đâu có bước vào nhà anh mà gọi là đạp đất?

Chị Tỉ Muội ngúng nga ngúng nguẩy cãi lại.

Chỉ tay vào tôi:

– Cô bé này là thủ phạm đạp đất phải không?

Run run sợ hãi:

– Không, em chỉ thò tay vào hái trộm mà thôi. Anh bỏ qua nhé!

– A! Chân cô không đạp đất nhưng tay cô đã chạm đất nhà tôi. Thôi đầu năm mới tôi mời tam cô nương ghé vô tệ xá để chung vui một chén gọi là tình làng nghĩa xóm Hồ Xuân Hương.

Ba chúng tôi nhìn nhau. Ai mà dám vô, nhất là nhà đàn ông.

Anh chàng này không phải là chàng đòi cho mượn dù. Vậy chàng nào thổi sáo? Tôi băn khoăn.

– Xin phép cho chúng em về. Ngày mai, mời anh ghé tới nhà số 25 chơi.

Anh chưa kịp trả lời, ba chúng tôi cầm tay nhau chạy một mạch như bị ma đuổi.

Về nhà Tú Cầu mắng:

– Các em có biết mình con gái răng dám mời con trai tới nhà là vô phép, vô tắc sẽ bị ba la không?

Ui chao! cả bọn tỉnh ngộ, nhưng cũng đã lỡ dại rồi.

Tôi vấn kế:

– Em sẽ hối lộ và xi nhan nhờ anh Dương giúp.

Ba chúng tôi đồng ý. Sáng mồng Một thấy Dương ra phòng khách, cả ba ré lên:

– Hôm nay anh Dương đẹp trai ghê ta?

– Thiệt không, tụi bây cho ta uống nước đường hư? Cả năm ni chắc ta được ngọt lịm.

Thế là tôi bu vai anh thầm thì nịnh hót kể chuyện đêm qua. Anh cười to.

– Đáng kiếp! ba biết chuyện rước trai về mỗi đứa bị đánh 10 roi.

Đúng như ý nghĩ của bọn tôi. Mới hai giờ chiều chàng tới.

Anh Dương tiếp đón khách niềm nở. Ba ngồi bên sâp gụ nhìn sang có vẻ ngạc nhiên chưa bao giờ thấy thằng Dương có bạn.

Chúng tôi thay phiên nhau bưng trà lên mời. Đứa giả vờ lấy thêm mứt, tôi giả bộ đem bình thủy nước sôi. Mắt ba lườm như muốn nói:

– Xuống nhà dưới đi! Thấy trai là đi tới đi lui.

Ghé mắt qua ô cửa sổ tôi quan sát, chàng này phong độ hơn chàng kia. Nhưng ai là người thổi sáo trong đêm vắng? Chịu thôi.

Cánh đàn ông thân thiện rất nhanh, họ trao đổi chuyện học vấn bàn luận về chiến trường đang sôi động. Tôi ngạc nhiên khi nghe lóm được chàng là dân lái tàu bay mỗi năm chỉ về phép thăm nhà một hai lần. Ui cha! hèn gì ban ngày nhìn chàng này phong sương hơn chàng kia. Và điều bất ngờ hơn nữa: Đó là hai anh em song sinh. Người theo võ, kẻ theo nghiệp văn.

Những ngày Xuân trôi qua nhanh. Hạ tới, Thu tàn, Đông đến, bánh xe thời gian vẫn quay tít…

Cơ hội cho tôi gặp lại chàng là một buổi tối khi đàn chim rủ nhau tìm về tổ ấm. Tôi đang cắn sợi tóc mây lang thang ra phố. Lúc này lớn rồi nên ba cho phép đi mà không cần khoét lỗ bụi chè tàu nữa.

– Chào loài hoa biết nói.

Giật mình quay lại. Chính là anh, tim tôi đánh lên một giai điệu rộn ràng.

Mời tôi ghé quán cà phê anh bày tỏ:

– Hơn một năm kể từ ngày em ngắt đóa lộc vườn anh. Anh nhớ hoài khuôn mặt khả ái của người đẹp. Hôm nay về phép, anh muốn nói rất nhiều với em. Đời chiến binh sống nay, chết mai nên anh muốn ngỏ lòng mình.

Cúi mặt thẹn thùng tôi lí nhí:

– Anh! Nhà em có bốn người. Sao không phải là Tú cầu, Hoàng Lan, Tỉ muội mà lại là em?

– Anh không thích ai ngoài em cả.

Tôi cũng thích anh. Trong lòng muốn nhưng ngoài mặt còn e. Không dám tỏ nhưng tâm hồn như một đại dương trữ tình, là ngọn núi lửa ngủ yên chờ phun nham thạch.

Tình cảm là chung rượu không uống mà say.

Dựa bên gốc thông già đồi Thiên An lộng gió. Ngồi trên ghế đá công viên cùng tôi ngắm lá vàng rơi và trao tôi tia nhìn say đắm.Trước khi giã từ trở lại với chuyến bay đêm vô tận như cánh chim vỗ rạn bầu trời. Anh năn nỉ mời tôi bước vào khu vườn màu tím. Dựa vai nhau bên hồ nước anh thổi cho tôi nghe lại bản tình ca bất hủ: Dạ khúc. Nước mắt hoen mi, anh uống giòng lệ trên đôi má bầu bĩnh và nếm mật ngọt từ bờ môi rung động đầu đời.

Những cánh thư xanh, lời trần tình của trái tim bay bổng qua lại giữa khát vọng rất thật thà. Một đôi lúc bận học bài tôi chỉ kịp lén vào phòng mẹ thoa trộm tý son lên môi xong áp vào cánh thư có ghi  hàng chữ: “Je vous aime bien”. Đó là dấu ấn nụ hôn tròn trĩnh của tình yêu tôi đong đầy nỗi nhớ gởi đến anh.

Năm 1975… khốc liệt… Anh bay vào vùng trời nào? Bặt vô âm tín. Mối tình đầu, tiếng sáo của tôi đâu? Thời gian dài vô vọng. Chiến tranh đã cướp anh, cướp đi tiếng sáo não nùng huyền diệu. Tiếng sáo ấy vẫn dư âm trong hồn tôi bất cứ lúc nào dù tôi đang ở cùng trời cuối đất.

Sau hai mươi năm lưu lạc xa xứ trở về. Vườn xưa vẫn còn đó, người xưa đâu? Em trai sinh đôi của anh ra sao? Loài hoa tím ít ai tưới vẫn ngạo nghễ kiêu sa dưới ánh nắng hè bỏng rát, vẫn gồng mình giữa trận mưa đông xối xả.

Lang thang dạo quanh vườn. Bầu trời xanh màu hồ thủy. Chuếnh choáng buồn, hồn lãng đãng tôi rơi vào kỷ niệm. Tôi nghe như tiếng sáo từ miền thảo nguyên lộng gió, từ cánh rừng u minh vàng lá, thoát ra nơi đôi môi nhạt nhòa và ánh mắt câm lặng của anh. Tôi đang tìm anh trong giấc mơ ban ngày giữa bầy quạ đen xâu xé tâm tư. Tôi tìm con chim bằng đã xoải cánh bay về thiên đàng hay địa ngục, biết tìm anh nơi đâu? Ngửa mặt lên trời cao đất rộng thổn thức, quay lưng lại nâng cành Violet buồn, nựng đóa Pensée đang rưng rưng. Tôi  ngắt chúng đặt trên con tim tê tái, và sẽ ép nó vào cuốn nhật ký ghi trang tình sử của đời tôi.

VYVY
Colorado