Thưa quý độc giả thân mến!
Lụi hụi là sắp hết một năm rồi! Cái lốc lịch ngày nào dày cui; giờ chỉ còn le ngoe vài tấm. Tháng Chạp, mùa Giáng Sinh, Tết Tây lại về, mùa đoàn tụ.
Nhưng nếu quý bà con nào có con cái đi làm ăn xa, xuyên tiểu bang hay phải ra tận nước ngoài, muốn mùa Giáng Sinh nầy cả bọn tụi nó ùa nhau về thăm cho mình đỡ nhớ mấy đứa cháu nội, ngoại… (mà mình lại móc bọc, nghèo không có tiền mua vé máy bay cho tụi nó) thì nên áp dụng cái ‘mánh’ nầy người viết học ‘lóm’ của người ta thấy hay hay nên ‘xì’ ra cho bà con mình bắt chước, cam đoan hiệu nghiệm 100%.
Một ông già Việt Nam gọi điện thoại cho thằng con trai tên Tèo trước lễ Giáng sinh một tuần: “Tía không muốn phá bĩnh ngày vui Giáng Sinh của vợ chồng con nhưng buộc lòng phải báo cho tụi con biết một tin động trời, động đất rằng: “Tía Má sẽ đưa nhau ra tòa ly dị. Sống trong sự kìm kẹp dã man của Má con suốt 40 năm trời; giờ Tía thấy là quá đủ. Tía sẽ từ giã Má con mà đi theo tiếng gọi của tình yêu phía bên kia biển. Chốn ấy quê nhà! Quá đã!”
Tèo thảng thốt kêu lên: “Tía! Tía nói cái gì vậy?”
“Tía chịu hết nổi rồi con ơi! Ghen tuông bậy bạ, ghen bóng; ghen gió! Đồ ăn thì sáng mì gói, trưa gói mì và chiều mì gói! Nói làm sao cho hết nỗi đắng cay chớ?! Tụi con có mang đôi giày của Tía đâu mà tụi con biết! Thử một lần đi, sẽ thấy nó chật và đau lắm! Đời con, may mắn, đẻ bọc điều, gặp con vợ dịu hiền, dễ chịu… dễ thương! Con đi nhậu không ai cản, con thỉnh thoảng cười tình với mấy em khác không ai rầy… Đời con giống như mang dép Nhựt thoải mái, ngón cái ngoáy đâu thì ngoáy… làm sao con hiểu cho đặng nỗi lòng của Tía. Hãy báo tin nầy cho em gái của con biết dùm Tía! Thôi Tía dứt áo đi đây!”
Một lúc sau, Tèo hét lên với Đẹt, em gái mình, trong điện thoại :”Đẹt ơi! Tía Má thôi nhau đấy” “Đâu có được nè! Em sẽ làm ra lẽ chuyện nầy mới được!”
Đẹt đang theo chồng nuôi trừu ở đảo Kangaroo, Nam Úc, bốc phôn gọi ngay về cho Tía! “Không được! Con và anh Tèo sẽ bay về ngay! Xin Tía, Má đừng manh động mà hư bột hư đường hết trơn hết trọi!”
Gác điện thoại lên, Tía Tèo híp mắt cười hí hí, nói với vợ mình: “Thấy ‘mánh’ của Khổng Minh Gia Cát Lượng chưa! Mùa Giáng Sinh nầy cả nhà đoàn tụ, vui hé! Chịu khó ra chợ mua một con gà Tây về đút lò cho mấy đứa cháu tui ăn! Tụi nó sẽ bay về ăn mừng Giáng Sinh và Tết Tây với gia đình mà mình hổng tốn cắc nào tiền vé máy bay cho chúng như năm rồi! (Hao quá!)”
Thưa quý độc giả thân mến!
Hồi mới qua, thôi không còn mơ công danh sự nghiệp gì nữa, cày như trâu, ráng mua cái nhà thiệt bự cho con cái ở chung. Lúc tụi nó có vợ có chồng thì mình nhường phòng lại, de ra ‘garage’ mà ở. Vậy mà tụi nó đâu chịu, bồng túm nhau đi hết ráo! Hu hu! Giờ già cô đơn, nghỉ cày, nằm nhơi cỏ, dư được chút đỉnh tiền hưu, có người ta sợ chết hổng hưởng được phước, bèn lẹ lẹ đi du lịch đó đây… kẻo không còn kịp nữa! Còn vợ chồng mình già, ở nhà hủ hỉ, rủ rỉ, rù rì rau cháo có nhau! Dư được cắc nào là lo mua quà Sinh Nhựt, quà Giáng Sinh cho con cháu nó vui! Thiệt lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Biển Thái Bình chứa toàn nước nó kêu dạt dào là phải lắm. Còn tình gia đình mình dạt dào là phải đào ra tiền mới được… bằng không thì…
Chuyện rằng: ‘Nội thấy năm nào mua quà Giáng Sinh cho một đám cháu mà phải là quà đúng ý, tụi nó mới hài lòng… Thiệt khó! Nên năm nay Nội quyết định rằng sẽ gởi cho mỗi đứa một tấm ngân phiếu.
Thiệp Giáng Sinh, Nội viết: “Chúc tụi con một mùa Giáng Sinh vui vẻ. Tái bút: Hãy tự mua quà cho mình nhé!”
Sau đó, ngạc nhiên thay, không nghe đứa nào gọi điện chúc mừng lại hay trả lời trả vốn gì ráo trọi?! Một hôm, sau Tết Tây, lục trong chồng sách vở, Nội hiểu tại sao rồi. Vì Nội chỉ gởi thiệp Giáng Sinh mà quên gởi đi những tấm ngân phiếu của mình cho chúng nó! Già rồi hay quên trước quên sau là vậy đó!
Còn bạc còn tiền còn đệ tử! Hết cơm hết gạo hết ông tôi! Đời là thế! Hổng có ngân phiếu thì không Nội Ngoại gì cho nó mệt!
Nội đến cái đất nước nầy từ một vùng quê mà ‘Xứ nào như xứ Cạnh Đền. Muỗi kêu như sáo thổi; đỉa lội lền như bánh canh vậy!’ Chỉ có muỗi và đỉa, còn Ông Già Noel và Giáng Sinh làm sao có?! Thế nên ai bao năm từng lê gót nơi quê người, Nội vẫn còn cảm thấy:
Giáng Sinh là khoảng thời gian rất lạ! Là lúc đám con nít ríu rít ngồi trước một cành cây thông đã chết… Rồi lấy kẹo bánh từ trong đôi vớ của mình ra mà nhấm nháp! Thiệt ở dơ hết biết nhe!
Nội cũng không tin có Ông Già Noel nào cho quà bánh gì đâu! Hôm qua, Nội thấy Ba Má tụi bây đi siêu thị mang kình kình về cả đống, rồi giấu trong tủ, chờ đến lúc nửa đêm ra treo trên một cành thông đèn nhấp nháy. Tốn điện cho Bà Nội bây la làng chói lói nhá!
Mùa Giáng Sinh là mùa chia sẻ giữa kẻ ăn không hết; người lần không ra, bây giờ đã bị thương mại hóa, là mùa làm ăn ì xèo của mấy thương vụ, năm chỉ có một lần hốt tiền thiên hạ! Tuy nhiên đi mua sắm xin đừng đi sớm quá như câu chuyện sau đây:
Gần tới Giáng Sinh, ông Tòa ngồi xử án nhưng trong lòng cũng hơi ‘bị’ vui vẻ vì không khí tưng bừng nhã nhạc, hỏi một bị cáo: “Nè! Bị cáo bị truy tố về tội gì?” “Dạ thưa quan Tòa! Tội đi sắm Giáng Sinh hơi sớm ạ!” “Như vậy thì có tội gì đâu hè?! Nhưng bị cáo nói hơi sớm là nghĩa ra làm sao? “Là cửa hàng chưa mở cửa ạ!”
Đời đâu cũng vậy mà thôi! Có tiền là có quyền mua sắm… Mà muốn có tiền là phải cày sâu cuốc bẫm. Ở nước Úc nầy hay bất cứ nước nào trên thế giới, không có gì là miễn phí đâu em! Nên nhớ lấy điều nầy! Làm gì có chuyện tự nhiên trên trời rơi xuống?! Vậy mà có chú nầy lại tin chớ. Chuông cửa reo đêm Giáng Sinh tại ngôi nhà quan chức cỡ to ở Hà Nội. Ông già Noel xuất hiện. “Ta cho con ba điều ước!” “Dạ! Con muốn một chiếc Mercedes “xì-po” đời 2014. Một căn nhà có hồ bơi sau vườn, rộng như sân tơ nít, để cho bồ nhí của con tập lặn, tập lội. Và 10 triệu đô trong tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ!: “OK! Nhưng cho ta hỏi con được bao nhiêu tuổi rồi?” “Dạ! Con được 40 cái xuân xanh”.”Trời đất! Bốn chục tuổi đầu mà vẫn tin là có Ông Già Noel sao chớ?”
Thưa quý độc giả thân mến!
Đó là chuyện Giáng Sinh của người Việt mến yêu mình; còn đây là chuyện Giáng Sinh của mấy thằng Tây! Người viết xin kể ra để quý độc giả thân mến mua vui mùa ‘lễ… lạc!’ Đọc, vui nhưng xin đừng có tin… như tin chuyện Ông Già Noel! Xin đừng ‘giành’ tin với đám con nít nhe bà con!
Mùa Giáng Sinh, đi siêu thị, thấy ai cũng có Ba, có Má mà mình hổng có Ba; nên Tony hỏi:”Ai là Ba của con vậy hả Má?” “Ông Già Noel!” Sao là Ông Già Noel cho được?” “Ngay cả Má cũng chẳng rõ… Đến phát quà một lần rồi đi… mà không một lời giã biệt!” Ôi tình ta một thoáng mà thành thiên thu!
Ba là ông Già Noel cuối năm về phát quà cho Má chỉ một lần nên Tony đi học là phải lo toan một mình kẻo bị mấy thằng bự con trong lớp nó “bú li’ (bully) (ăn hiếp)
Tony đi học về méc Má: “Má ơi! Sam ở trường đánh con!” Má nói: “Được rồi! Để Má đi nói chuyện phải quấy với Ba Má nó!” “Mà Sam là đứa nào vậy?””Dạ! Sam là Thầy giáo dạy toán ạ!”
Rồi chiều áp Lễ Giáng Sinh, Thầy giáo Sam đang đi bộ trên đường bỗng để ý thấy Tony đang cố gắng nhón chân để bấm chuông căn nhà phía bên kia đường. Tony phải nhón chân nhưng vẫn không với tới nút chuông vì chủ nhà thiết kế cao quá mà chú lại lùn tịt. Sau khi thấy Tony ráng mấy lần đều thất bại nên Thầy Sam cũng tội nghiệp cho đứa học trò nhỏ của mình nên vội băng ngang qua giúp đỡ; dùng tay mình bấm một hồi chuông dài kêu inh ỏi, rồi hỏi: “Được rồi! giờ chúng ta làm gì đây hở Tony?” “Dạ! Giờ thì Thầy trò mình… chạy cho nó lẹ ạ!”
Thưa quý độc giả thân mến!
Mùa vui của thiên hạ, mình cũng muốn lấy đó làm vui ‘ké’… Chớ trong lòng người viết từ độ xa quê, mùa Giáng Sinh đã chết tự lâu rồi! Ôi buồn như một câu vọng cổ Út Trà Ôn!
Nhớ xưa, gần Giáng Sinh, ở Sài Gòn, mỗi chiều tan học, hai anh em chở nhau trên chiếc xe đạp cà tàng từ Ngã Bảy Cộng Hòa qua bùng binh, xuôi đường Hồng Thập Tự tới ngã ba Hai Bà Trưng, quẹo trái để đổ dốc về Cầu Kiệu, Tân Định. Đạp xe đổ dốc rề rề qua Nghĩa Trang Mạc Đĩnh Chi, phía trái là Nhà Thờ Tân Định với hồi chuông chiều óng ả.
Mùa Giáng Sinh, hang đá Chúa Hài Đồng, những cành thông, những thiệp Giáng Sinh bày bán dọc theo vỉa hè trước nhà thờ kéo dài cho đến Chợ Tân Định. Ôi còn đâu những ngày vui!
Tía Má ơi! Con đã mang những hồi chuông óng ả trong tâm thức buổi chiều quê nhà đến tận quê người. Quê người không còn nghe tiếng chuông giáo đường rơi rơi như ở quê mình nữa. Thiếu vắng cái gì đâu! Sao tha thiết nhớ!
Rồi lớn lên: Cuộc chiến cuốn con đi! ‘Con đã qua bao giáo đường đổ nát! Duy chỉ còn sót lại gác lầu chuông! Chuông gọi hồn ai chiều thôi óng ả! Chúa gục đầu nhỏ máu khóc tang thương!’
Mùa Giáng Sinh và Tết Tây lại về thưa bà con cô bác!
Xin chúc mừng ‘Merry Christmas & Happy New Year!’ Và chúng ta cùng hát bài Jingo Bells, tưởng tượng đến tuyết lã chã rơi trắng trời… mặc dù Giáng Sinh ở Úc là mùa Hè nóng như cái lò bánh mì ở cái xóm Footscray!
Thưa bà con cô bác!
Mùa Giáng Sinh về, thêm một mùa lưu lạc, người viết lại nhớ những ngày se se lạnh ở Sài Gòn! Em quàng chiếc áo ấm làm duyên giữa Vương Cung Thánh Đường năm ấy! (Xin kiểm duyệt câu nầy kẻo Má nó hay!)

Bảo Huân