Tiếng countdown đếm ngược, vẫy chào năm cũ. Hai ngàn mười lăm, cộng thêm một ở con số đuôi. Mỗi năm, những buồn vui dường như xuyên qua tôi như ngọn gió lạnh luồn vào căn phòng rỗng. Tuổi tác bắt đầu ngã xuống tuổi đời. Tôi vẫn thấy một tôi hư liêu, cô quéo, một tôi độc tọa với cái bóng của mình. Giờ đây, mắt đã chẳng còn xanh như mắt mèo hoang ngoài bãi. Văn thơ chẳng còn thừa ứ, ùn lên như đống rác đổ sớm mai. Văn chương, chỉ mạnh mẽ khi nó có khả năng diễn đạt những cảm nhận đầu tiên, những kinh nghiệm đầu tiên, những ý tưởng đầu tiên và cả những nỗi thất vọng đầu tiên… Những con chữ mà bản thân nó đơn thuần là sự chuyển động của cuộc sống. Tôi nhét tất cả vào một cái túi: Chocolate, fastfood, những chậu lan héo tàn, sự trầm cảm và tuyệt vọng… rồi trình tự quẳng nó đi như một thứ rác.
Tôi bước vào tiệm bán hoa. Người đàn bà hom hem với hơn nửa tá đồ bạc Mexico kêu lanh canh trên cánh tay nhỏ thó. Bà chủ tiệm hoa, chẳng cần hỏi cũng biết tôi cần mua thứ hoa hồng gì. Cặp mắt tôi lang thang tìm một chỗ dừng trên những cánh hồng nhung. Màu tươi đỏ của yêu đương, màu vàng tươi của kiêu hãnh, màu trắng muốt của tinh khôi… Ai đó đã ví đàn bà như những cánh hoa – Trong trắng và đỏng đảnh – Một giấc mộng không của ai dưới gánh nặng bao đời.
“Có cả hàng ngàn phụ nữ không ai từng biết đến họ. Những cánh hồng chưa từng quen mặt những người đàn bà. Nhờ Chúa, họ đã khước từ luôn cái cảm giác chờ ai đó tặng hoa.” Cái chất giọng như đang trong cuộc xì phé và lên giọng tố của bà chủ tiệm hoa luôn làm tôi dị ứng.
Cuối năm, tôi mang về cho mình bó hồng thay lan. Đàn bà, có thực sự khước từ luôn cái cảm giác chờ ai đó tặng hoa?
3 giờ sáng. Tôi nằm trong một tư thế bất động. Bất động đến mức tôi nghĩ rằng mình đã ngừng thở. Tôi bặm môi, gắng chẳng để những tiếng nấc bật ra ngoài. Tôi đã làm thế từ vài tháng nay, từ khi anh bắt đầu trở về với sự sống. Tôi mơ hồ cảm nhận định mệnh có hình thù những giọt nước mắt. Những lúc tâm hồn tôi buồn bã khi anh nhìn sâu vào mắt tôi, “Honey, anh không muốn mất em. Anh không muốn bỏ em lại một mình”. Những cơn ác mộng vẫn như len lỏi vào giữa đêm đời. Những lúc anh bật dậy, siết tôi vào lòng, “Anh có cảm giác như mình bị nhét vào một cái hộp sắt ken dày. Và bị thả chìm xuống tận đáy biển sâu. Khí áp làm tim anh đau nhói, người như bị xé toạc làm đôi. Chắc em chẳng thể hiểu được cảm giác này đâu?”
“Anh sẽ sống, vì anh mạnh mẽ. Trái tim anh đang dần bình phục, sẽ chẳng còn chuyện gì xảy ra với anh nữa đâu, honey.” Tôi vỗ về anh, hay tôi. Một cảm giác cay đắng đến buồn bã. Mỗi ngày là một “bonus” với anh. Anh luôn đùa cợt với giọng điệu buồn bã. Sinh hiện hữu ở phía bên nầy, còn Tử hiện hữu ở phía bên kia. Những lởn vởn mơ hồ trong suy tưởng, tôi gắng không để những bi luỵ dìm tôi xuống đáy đời…
Những đám mây đang tụ lại trên nóc phòng ngủ. Những tiếng rơi lộp độp. Cơn mưa về giữa đêm Đông. Tôi thích mưa hơn gió. Từ bé, tôi rất thích mưa. Tôi còn nhớ mình đã chạy ra dưới mưa, nhảy mòng mòng với lũ bạn dưới cái máng xối nước.
Ảo giác những giọt nước mưa ký ức đang làm tôi thấm lạnh. Tôi quấn chặt mền và gắng dỗ lại giấc ngủ.
Nhận cái gift card của Starbucks coffee từ tay một độc giả trung thành của chuyên mục “Cõi Riêng” của mình. “Fan” dễ mến của tôi nói, “Chút quà tặng chị, vì biết chị thích uống café.” Tôi đùa, “Biết anh đọc bài, tôi đã viết mình thích cái gì đắt giá hơn để được mua tặng.”
Tôi viết văn như một công việc đàng hoàng. Có những dẫn dụ lôi cuốn vào cái đẹp nhưng ngôn ngữ, vẫn chẳng thể lột tả sự tuyệt đối. Tôi vẫn luôn cảm giác rằng, mình chỉ có thể gợi được cũng chỉ là lớp da, chẳng thể chạm vào xương cốt của sự vật. Thế nhưng tôi vẫn yêu cái diệu dụng của văn chương. Bởi qua văn chương, con người sẽ tìm thấy vẻ đẹp của cuộc sống. Kawabata, chỉ vài dòng cũng đã diễn đạt hình ảnh âm bản của đời sống.
Có người nói, khi đời sống trở nên nghèo nàn, thì ta sẽ làm giàu nó bằng cách viết. Nhờ viết, tôi thực sự sống sâu thẳm cuộc đời mình. Ký thác vào ngôn ngữ những nỗi niềm sâu lắng. Tâm và văn – nối nhau bằng hơi thở. Tôi vẫn bước vào trang giấy, khởi sự công việc với một thế giới của riêng tôi.
Hương café thoang thoảng, đã một buổi sáng đi qua…
Tôi nhớ tuyết. Mùa Đông nào tôi cũng nhớ tuyết. Cạnh nhà tôi, một cậu bé luôn đùa với chú cún nhỏ có cái tên ngộ nghĩnh “Snowball”. Cậu nuôi nó từ hồi còn là một chú cún bé tí tẹo. Snowball thích chạy rông trên tuyết. Tuyết dày và xốp phủ kín sân, chú cún nhảy nhót như một chú thỏ, khi chân trước, lúc chân sau; từ góc sân nhà chủ rồi nhảy vèo qua sân nhà tôi. Một lần, tôi lấy mẩu xương gà nóng hổi, thơm phức ra dụ. Snowball chạy lăn đến tôi, lông ướt bù xù, hít hít mẩu xương rồi vụt chạy. Tuyết lún đến bụng.“Chẳng cần xương của u, tui chỉ muốn tự do!”
Một lần, cậu chủ thả rông Snowball. Chú cún vừa tuột sợi xích, phóng nhanh ra ngoài.
Đó là mùa Đông cuối cùng của Snowball. Cậu chủ nhỏ cứ mãi “thù hằn” vết cán của chiếc bánh xe truck của gã hàng xóm cuối ngõ.
Đã không còn những dấu chân nhỏ trên lớp tuyết mịn trước sân nhà tôi. Mùa Đông phủ cái lạnh trong tâm hồn. Tôi đón nỗi cô đơn của những đến và đi, những mất và còn…
Cũng là một mùa Đông, tôi không còn ngồi bên khung cửa sổ. Chờ tuyết.

Đinh Cường