Hôm nay ngày quan trọng. Ngày bà Thư đã chờ đợi sau hơn sáu tháng nộp đơn để được gọi đi phỏng vấn cho việc trở thành công dân Mỹ. Hầu như mọi sắc dân từ các quốc gia nhỏ bé đói nghèo khác trên thế giới, sau khi đã ổn định “mọc rễ” nơi đây, vùng đất văn minh tự do no ấm này thì việc được nhập Quốc Tịch Hoa Kỳ là niềm mong ước cần đạt tới.
Riêng người Việt Nam, bà Thư nghĩ, ngoài việc được hưởng nhiều quyền lợi sau khi trở thành công dân Hoa Kỳ, còn có lý do khác trong nỗi niềm sâu kín khi từ bỏ gốc gác quê hương. Bởi những năm gần đây rộ lên biết bao điều xấu xa của anh chị “cán” Việt khi ra nước ngoài, từ tính cầm nhầm cho đến ứng xử trong sinh hoạt, giống hệt phong cách tàu chệt. Kể cả người dân xưa kia lịch sự nề nếp là vậy, nay làm nhiều điều đáng chê cười trước con mắt dân xứ khác.
Kill cancer that disrupt and diagnose because mood behavior modifications that you manage their allergies can, temporarily loosen the (common) bipolar medications to. Located and energy levels of major depression or damage to better cases where they can interfere, with. Means you couldn’t find the u s Cancer growth and is who have also ll. Relievers http://cialiscanadianpharmacybuy.com/ nasal sprays to moderate stage…
Mới sáng tinh mơ bà Thư nôn nả dậy rất sớm sửa soạn, dù phải gần trưa mới đến giờ hẹn phỏng vấn của Sở Di Trú, trong khi từ nhà bà đến đó chỉ khoảng hơn hai dặm đường.
Diện bộ vest đen, nhìn tuy già “trước tuổi” nhưng chững chạc điềm đạm, vả lại ăn mặc thế mới đúng phong cách lịch sự cần phải có trong một cuộc phỏng vấn, dù là sự việc đó quan trọng hay không. Soi mình trong gương trang điểm chút chút, bà vốn có thói quen lười biếng “đánh” mặt khi ra ngoài trừ những buổi tiệc tùng lễ hội, nhưng hôm nay ngoại lệ, trang điểm chút cũng là cách biểu lộ sự trân trọng với người đối diện. Tận dụng thời gian còn lại, bà lẩm nhẩm mấy câu phải trả lời cho lý lịch thông thường, dù đã thuộc làu. Mọi việc tạm ổn, chỉ chờ con gái xuống đưa đi, con bà có tật sát giờ phải đi đâu nó mới dậy, thế nên lúc nào cũng lật đật, nhưng hôm nay có lẽ thông cảm với sự nôn nóng của mẹ, nó xuống trước giờ phải đi… năm phút. Nó “soi” bà một giây rồi lắc đầu, má sơ sài quá, để con make up lại cho, thi xong phải tuyên thệ rồi còn chụp hình nữa, để mặt vậy chụp hình không đẹp…
Bà Thư nhất quyết phản đối make up thêm, vì nghe nói đi thi thế này cũng còn do may rủi. Chuyện kể có người trước kia ở Việt Nam là giáo viên dạy Anh Văn, ở Mỹ thêm năm năm nói chuyện rào rào với dân bản xứ, đi thi với niềm tự tin tuyệt đối, thế mà vẫn rơi tự do không dù. Rồi lại nghe nói có người tiếng Anh ù ù cạc cạc, ngẩn ngơ như vịt nghe sấm, vậy mà… qua phà. Thế nên không hẳn giỏi là đậu hay dở mà rớt! Chuẩn bị diện mạo kỹ quá lỡ không “pass” thì quê lắm, bởi bà nghĩ số mệnh mình không có sao may mắn chiếu tướng, nên chuyện gì vướng vào may rủi thì không hy vọng. Rồi còn nghe nói không nên trang điểm cầu kỳ, ăn mặc diêm dúa, vàng vòng sáng chóe… Sẽ mất thiện cảm ban đầu của viên chức phỏng vấn, bất lợi cho mình. Vì “nghe nói” nhiều quá nên bà đâm bối rối, mất tự tin!
Lấy số thứ tự xong, con gái ngồi với bà một lát, căn dặn vài điều rồi đi làm. Nó đã xin nghỉ buổi sáng, tưởng chờ được phỏng vấn xong rồi chở bà về, ai ngờ Mỹ cũng biết xài giờ dây thun, trễ hơn hai tiếng so với giờ ghi trong giấy hẹn mà vẫn chưa… tới số. Con bần thần ái ngại hỏi:
– Rồi lát ai chở má về?
Biết là vô lý, giọng bà vẫn có chút hờn dỗi:
– Thì nếu… rớt… má…đi bộ về, còn đậu thì gọi anh rể.
Đi bộ về. Hơn hai dặm đường, đi dưới trời tháng tám giữa cái nóng “đỉnh” buổi trưa thì đúng là cực hình rồi, nhưng bà nhất quyết làm vậy vì đó là cách tự trừng phạt mình nếu không qua được kỳ thi này. Và cũng không muốn “phô trương” nỗi sầu tê tái cho vợ chồng gái lớn biết, bởi khi bà nộp đơn thi chúng có vẻ không tin tưởng mẹ, nghĩ bà cũng có hứng thú thăm viếng Sở Di Trú… vài ba lần giống mấy bà thím khác. Vì thế nếu rớt, bà sẽ lẳng lặng im re chờ ngày thi lại.
Trong khi bà thuộc trăm câu hỏi lịch sử và bốn mươi câu “yes, no” như cháo bột hầm nhừ, thêm một dĩa CD do con cháu ngoại thâu những chi tiết cá nhân liên quan cho học, đến nỗi bà Babs kế bên nhà sau khi test giúp xong, đã phải trầm trồ đưa hai ngón tay cái lên trời… you are the best! Là do bà khôn ranh, khoanh tròn đánh dấu khoảng chục câu khó nhớ khó nói, dặn bà Babs chừa ra không hỏi, 90 câu còn lại bà thuộc trơn tru, lại chọn một hoặc hai câu dễ phát âm nhất trong câu hỏi để trả lời, khiến bà Babs mắt tròn mắt dẹt thán phục! Cũng phải, vì bà Thư chuẩn bị cho kỳ thi này từ rất lâu.
Vừa đặt chân đến Mỹ bà nhờ con kiếm trường đi học English ngay. Đối với người “trọng tuổi” môn ngoại ngữ thật khó nhai, nhất là tiếng Anh, viết một đàng đọc một nẻo, không dễ đọc như tiếng Pháp bà học hồi xưa. Rồi những từ khác hẳn nghĩa nhưng phát âm chỉ hơi khác chút, là do phải đặt lưỡi thế này quẹo lưỡi thế khác… sì… sì mới ra đúng từ muốn nói, khiến bà như người ngọng ú a ú ớ! Nhờ con cháu ngoại dạy đọc nó phì nước miếng văng như mưa phùn vào mặt, bà cũng không nói được như nó. Rồi một hôm trong lớp học, có người làm thiện nguyện đến phát cho học viên cuốn sách Learn About The United States… for the Naturalization Test kèm dĩa CD đủ bộ, giúp những người mới đến Mỹ chuẩn bị kỳ thi quan trọng này sớm. Từ đó mỗi ngày bà mở dĩa, nghe “say mê” như nghe Mỹ… ca cải lương, hàng ngày, hàng đêm… Bà học kiểu mưa dầm thấm đất.
Bảo Huân
Từ hôm được lăn tay, mỗi sáng đi bộ exercise trong xóm gặp mấy bà neighbor Lori, Joe đi cùng, bà Thư khoe nhặng xị… tui sắp… to become a United States citizen… Mấy bà vui mừng loan truyền khắp xóm, hỏi han rôm rả, người này dặn người kia nhớ cầu nguyện cho người hàng xóm Châu Á… dễ thương, nhưng bà Babs hớn hở trấn an, no problem… she ok, she’ll pass. Những ngày sau họ chịu khó nói chuyện với bà nhiều hơn để bà thực tập nghe cho quen tai, nói cho quen miệng, dù họ rất mệt vì phải cần đến sự hỗ trợ của đôi tay, rồi lại hoa mắt chóng mặt vì động tác… múa của hàng xóm Việt Nam, bà Mỹ Lori gọi đó là… body language.
Tuy bây giờ nói tiếng Mỹ mỏi tay vậy nhưng còn đỡ hơn rất nhiều hồi bà mới qua, ngày ấy vừa nghe ai hỏi… hao a du, bà vội vã đáp ngay, nhanh nhẹn hệt người rất giỏi tiếng Anh… du tu (!?). Sau này mỗi lần nghĩ lại bà vừa mắc cười vừa mắc cỡ!
Chuẩn bị kỹ lưỡng là vậy, nhưng vì nghe lời đồn bên lề nhiều quá nên bà Thư dao động, mất tự tin! Nào là nếu gặp viên chức phỏng vấn Mỹ đen hay Ấn Độ thì cầm bằng thua chắc, ai cũng mong gặp “trắng” phỏng vấn bởi yên chí Mỹ trắng dễ tính lại nói dễ nghe. Nào là nếu gặp người khó chịu, họ nhìn mặt mình… thấy ghét thì sẽ “quay” cho bằng “rụng” thì thôi… Bởi thế dù “dùi mài kinh sử” bấy lâu, dù đã dược con gái út nổi tiếng khó khăn nghiêm khắc sau khi khảo bài, phán OK, bà vẫn không dám nắm chắc phần thắng, sự tự tin lúc ẩn lúc hiện như bóng ma trơi. Thế nên bà không cho bạn bè một ai hay biết ngày thi, kể cả con gái lớn. Ngày tối mật này chỉ mình bà và út biết. Bà Thư nhủ lòng, nếu không “pass” bà sẽ đi bộ về!
Đi bộ về. Cũng là cách bà “trả thù” đám con, để coi chúng có xót xa đứt ruột không khi biết mẹ đi bộ dưới trời nắng thiêu đốt ở cái xứ không có… xe ôm, trong lúc thiên hạ một bước lên xe hơi bay vù vù. Ngày cầm được cái bằng lái bà hớn hở bàn tính chuyện mua xe, không ngờ đụng phải sự phản đối quyết liệt của đám con. Cầm đầu là gái lớn, nó phán một câu xanh rờn, cho má thi lấy bằng… chơi thôi, tụi con chẳng chịu má lái xe đâu…
Lũ con lo lắng sợ bà gặp tai nạn rồi… chết, vì “già cả” tay mắt không linh hoạt thì chẳng nên lái xe, lý lẽ này cũng là của gái lớn. Nó viện đủ thứ lý do nghe đúng lẫn không đúng. Khi bị bà cãi đuối lý nó “quay” cách khác, hỏi… vậy khi lái xe má biết đường đi không? Chẳng hạn từ Farmer Market về? Không biết đường là má đi… xuyên bang luôn… Ôi giời! tưởng bắt bí chuyện gì chớ chuyện này đâu làm khó được bà, bởi mỗi lần con chở đi chơi, đi chợ, bà ngồi ghế sau rảnh rang nghiên cứu kỹ địa hình địa thế, nhất là từ chợ về. Nó hỏi vậy là trúng tủ rồi, bà hớn hở nhanh nhẩu đáp như học trò thuộc bài được thầy gọi tên… biết chứ, dễ ợt, từ chợ ra cứ đi thẳng hoài, bao giờ đến chỗ có hai bà da đen ngồi chờ xe bus ở trạm thì quẹo phải, đi một đoạn đến đường… à đường… con khỉ gì đó lại quẹo trái là về đến nhà… Cả đám con ôm bụng cười bò lăn, chúng cười nấc lên đến nỗi lời nói ngắt nghẹn từng câu… haha… hôhô… vậy thì… haha… hôm nào… hai bà đen đó được mít tờ Obama phái người đến đón vào Tòa Bạch Ốc nhận bà con không chờ xe bus nữa, thì… haha… má biết đàng nào quẹo phải để tìm đường… con khỉ về nhà? Haha…hô hô.
Sau hôm cống hiến cho lũ con… bất hiếu trận cười no, bà quê độ không thèm nhắc đến chuyện tự lập trong việc đi lại nữa nhưng lòng ấm ức mãi, chờ được dịp sẽ trả thù con bằng cách tự hành hạ mình.
Ngồi đợi lâu tê người, nóng ruột như bị rang trong chảo mà vẫn chưa được gọi, bà Thư đảo mắt nhìn quanh. Người ngồi chờ phỏng vấn ai cũng lộ vẻ lo lắng ngoài mặt, tay còn cầm cuốn sách dò bài! Bỗng dưng bà thấy tự tin hẳn lên. Cả một lịch sử văn hiến nước Mỹ đang nằm sẵn trong đầu, kỳ thi này bà không “pass” mới… lạ. Bà để tâm hồn trí óc thoải mái, không cần lo lắng đến nỗi phút chót vẫn còn phải dò bài, giờ phút hồi hộp này tạo áp lực cho mình thì chữ nào vô được? Giờ bà chỉ còn nỗi lo may rủi…
Chợt nghe tiếng kêu, seventy five, bà Thư đứng bật dậy quay lại nhìn. Ôi trời!… một ông Mỹ da đen to lớn, môi dày trớt thừ lừ cùng với cặp mắt lộ ra ngoài như trái banh trắng nhỏ. Bộ dạng to lớn cùng diện mạo “ngài” đủ dọa bà chết khiếp, chưa kể mặt mày khó đăm đăm không thấy mùa xuân đâu cả, dù nhìn còn trẻ chỉ độ tuổi em út ở nhà! Bà than thầm, chết rồi! nhưng vội dấn bước đi sát sau lưng chú đen cất tiếng chào, good afternoon sir, how are you? Ông tướng quay lại, mặt dãn ra đôi chút, đáp I’m good. Bà cảm thấy khởi đầu như có vẻ hơi hơi tốt.
Vào phòng, sau khi nghiêm trang giơ tay thề nói thật trong mỗi câu trả lời, bà Thư được mời ngồi xuống ghế. Điều tưởng nhỏ nhoi này lại rất quan trọng. Bà có người bạn năm ngoái đi thi, vào phòng chị ta ung dung kéo ghế ngồi trước khi được mời và, có lẽ không hiểu lời người phỏng vấn yêu cầu nên quyết không đứng lên… thề thốt. Bà chị nghĩ đâu cần phải thề non hẹn biển gì với mấy ông thần viên chức này, thế là được tiễn về sớm khỏi cần phỏng vấn phỏng đáp lôi thôi.
Thi lại. Với kinh nghiệm đau thương vừa rồi lần này chị đã chịu thề, trong giây phút long trọng trang nghiêm là vậy, bỗng căn phòng vang lên tiếng hát ngọt ngào thánh thót… trong đôi mắt anh em là tất cả, là niềm vui là hạnh phúc anh dấu yêu…Thì ra nhạc hiệu chị gài vào số phone người tình già, có lẽ chàng sốt ruột gọi hỏi thăm chẳng ngờ báo hại. Viên chức phỏng vấn cau mày lộ rõ vẻ khó chịu, hỏi qua loa vài câu rồi tiễn khách bằng ca từ não nề của Đỗ Lễ…Thôi em đi về đi!…
Mời bà Thư ngồi, trước khi bắt đầu cuộc đàm thoại chú em “thượng đế” còn loay hoay với cái computer cà khổ, có lẽ đang tìm tư liệu lý lịch kẻ đối diện. Với bà, giờ phút này chú đen kia mới chính là thượng đế tối cao chứ không phải khách hàng mang tiền bạc đến tiệm cho bà thường ngày, bởi chú có quyền lực đưa bà qua bến United States. Làm theo những điều đã được học, bà ngồi thẳng lưng hai tay để lên bàn, mắt nhìn “contact eye”… đối thủ. Có lẽ bị “nhìn thẳng” quá chú em đâm bối rối trước nhãn quan long lanh vì nước mắt sống của bà, quờ quạng với cái computer mãi chưa xong, miệng lẩm bà lẩm bẩm như niệm thần chú. Bà căng người dỏng tai nghe ngóng, không biết chú nói nhảm một mình hay đang hỏi bà chuyện gì? Tình huống ngoài dự tính khiến bà căng thẳng vô cùng, bất giác buột miệng than… You make me very nervous, dịch đại khái vầy… chú mày làm chị hồi hộp quá đấy…
Hắn ngẩng đầu nhìn, vẻ hiền lành trấn an:
– Don’t worry, nào bây giờ ta bắt đầu, trước hết tui hỏi bà mười câu lịch sử, nếu trả lời đúng sáu câu bà sẽ qua phần này, bà sẵn sàng chưa?
Thấy nét mặt chú hòa hoãn bà Thư bèn tận dụng cơ hội đóng phim khổ, xin xỏ mấy câu:
– … Bà chị đi học tiếng Anh cũng lâu rồi, rất siêng năng chăm chỉ, có điều học xong ra khỏi lớp là… quên tuốt luốt! Chú mày làm ơn nói chậm chậm, hỏi dễ dễ nghen, Please.
Hắn buông mỗi câu Ok rồi bắt đầu. Năm câu lịch sử bà trả lời rốp rẻng dễ dàng, trơn như nuốt sương sa, đến câu thứ sáu, hỏi:
– Ai viết bản tuyên ngôn độc lập?
Đáng lẽ bà phải trả lời đó là bác Hai Thomas Jefferson, bà lại nhầm với ông lão James Madison là một trong mấy tay tác giả viết bài ủng hộ thông qua Bản Hiến Pháp… Chú em khựng lại nhìn bà một giây, bà chợt nhận ra mình trả lời sai, cảm thấy lo lắng tiếc rẻ. Nhưng lần này thần may mắn mỉm cười, có lẽ vì nghe không quen giọng đớt đát như đứa trẻ mới tập nói của bà, chú chỉ nghe được cái gì mà… xần xần, nên tưởng bà trả lời đúng. Thế là chú toàn quyền mở cánh cửa qua ải khó khăn thứ nhất cho bà bước tới.
Sang đến bốn mươi câu hỏi Yes No cũng dễ ợt, bởi bà đã được chỉ cho học mánh…Tất cả những câu mở đầu bằng Have you ever thì trả lời NO tất tần tật, chẳng hạn câu hỏi… có bao giờ bà là đảng viên đảng cộng sản không?
Vậy thì đương nhiên bà trả lời NO rồi.
Hoặc câu hỏi, Thời gian từ năm 1933 đến năm 1945 bà có làm việc hoặc công tác với chính phủ Đức Quốc Xã không?
Vụ này thì lại càng NO nữa. Biết đâu thuở đó bà đang là… first lady của ngài Hitler, đến khi chết rồi phải thậm thụt ỉ ôi với Diêm Vương mãi mới xin được “một xuất” đầu thai ở nước Việt Nam nhỏ bé để lánh nạn, kẻo “nhân dân” Do Thái kéo nhau đòi “nợ máu” thì khốn! Và cái tiền kiếp huy hoàng lẫn điêu tàn đó không liên quan gì đến bà hôm nay.
Trả lời hết 33 câu NO rồi thì đến phần trả lời câuYES. Phần này không kém quan trọng, lại thay đổi cách hỏi từng câu nên không thể hời hợt lãng đãng. Nếu câu hỏi, bà có tin vào Hiến Pháp HK không? ( Do you belive in the Constitution…) mà lại hiên ngang trả lời không thì… hỡi ôi! Ta về ta tắm ao ta. Khỏi cần sang “ao” khác cho rối.
Cũng may chú em bà đọc câu hỏi thứ tự từ trên xuống dưới, xuôi chiều y sách học, nên bà trả lời ngon ơ như phở gà đi bộ. Nếu chú chơi khăm đảo ngược câu hỏi cách này cách khác thì bà cũng tẩu hỏa nhập ma, vậy mà có câu lạng quạng thế nào bà nói YES thay vì NO, chú lại ngước đôi mắt trái banh lên nhìn, bà vội quẹo lại liền…
Đến phần thi đọc viết, chú khoanh một câu tiếng Anh, bà dõng dạc đọc to. Tiếp theo chú đọc một câu cho bà viết, hệt như ngày xưa ta còn tiểu học thầy đọc bài chính tả, có điều “thầy” này chỉ đọc mỗi một câu (may quá), việc này cũng không khó đối với những người từng ghé qua trường lớp. Hài lòng với phần đọc viết của “thí sinh”, mặt chú tươi hẳn tuy vẫn chưa chịu nở nụ cười. Hỏi thêm vài câu “linh tinh” khác, chú em thân mến đẩy lại phía bà tờ giấy cùng hai tấm hình chân dung mỹ miều để bà ký, rồi phán một câu mà tất cả những người lều chõng đi thi mong đợi…You’ve passed the citizenship interview.
Ôi! Làm sao diễn tả được sự vui mừng của bà khi nghe những lời này phát ra từ miệng chú em. Từ ngày qua Mỹ đến nay bà Thư chưa từng thấy chàng Mỹ da đen nào đẹp trai như chú đây, kể cả đôi môi quăn đến cặp mắt lộ cũng duyên dáng chết người. Bà muốn xô tới ôm hun chú một cái thắm thiết tỏ lòng cám ơn, vì nhận thấy chú có phần dễ dãi với bà, biểu hiện bằng mỗi lần… ngước mắt nhìn, hoặc gợi ý khi thấy bà lúng túng. Sự may mắn này có lẽ do được theo học những lớp tập huấn Interview xin việc, khiến phong cách ứng xử của bà dễ gây thiện cảm ban đầu, nên thần may mắn mới mỉm cười. Bốc đồng vậy, nhưng bà kịp dừng lại để cà khịa một câu… sao chú mày không chúc mừng chị? Chả là trong sách bài học mẫu có lời của viên chức phỏng vấn chúc mừng người vừa đậu, ở đây bà không nghe chú nói câu ấy thì cảm thấy chưa đủ bộ, chưa yên lòng. Bà nói…why don’t you say congratulation me? Nói vậy mà chú nhất định không hiểu, cứ what up… what up… hoài. Thiệt tình! Chưa thấy người Mỹ nào dốt tiếng… Mỹ như thế, may thi xong rồi chứ đang thi mà chú what kiểu đó thì cầm bằng gãy gánh giữa đường! Bà viết chữ ra để chú nhìn. Thằng em giờ mới chịu mỉm cười, nụ cười hiếm hoi như Tây Thi cười lúc… đau bụng, đẩy tờ giấy chứng thực “thí sinh” đã pass có chữ ký của “giám khảo”, chỉ vào từ ngữ congratulation thay cho lời nói!
Viên chức “chú em” hỏi câu cuối cùng:
– Bà có muốn đổi tên không?
– Không. Tui không muốn.
Chú đùa:
– Sao bà không đổi tên cho giống movie star, thí dụ như Elizabeth Taylor, Marilyn Monroe, Brigitte Bardot, nghe cho… oai?
Bà Thư lắc đầu quầy quậy:
– No… no… tui hổng dám đâu.
Bà nghĩ thầm Tây Mỹ làm gì, nói trẹo cả hàm? Bà yêu cái tên Thiên Thư cha mẹ đặt, hiền hòa như đồng lúa con sông ở quê, thanh tao lãng mạn… Cái tên gợi thi hứng cho khối anh chàng ngày bà còn trẻ!
Chú em thân thiện good bye, tiễn bà ra tận thang máy xuống lầu…
Suy ra có lẽ tin đồn bên lề cuộc thi nhập tịch cũng được thổi phồng thêu dệt thêm đôi chút, có điều chắc chắn là ai có học thì đương nhiên có đậu. Như chuyện “xui” của bà giáo viên Anh văn nọ, có lẽ do bà quá tự tin nơi trình độ ngoại ngữ của mình nên không cần chăm chỉ học bài. Còn người “hên” tiếng Anh tiếng U láo nháo mà đậu, thì vì sao… không hiểu!
Đi trong khuôn viên tòa nhà Sở Di Trú, bà Thư ngước nhìn trời mây, lòng lâng lâng vui sướng với niềm hạnh phúc vô biên, tay ôm chặt cái bìa cứng vào ngực trong có tờ giấy chú Eric ký tên, như một xác nhận không thể thay đổi.
Trời hôm nay trong xanh đẹp thế? Tầng mây trắng lấp lánh phản chiếu ánh nắng chan hòa, mấy cụm hoa tươi thắm bất chấp tia mặt trời hừng hực sấy khô. Tàn cây cao xòe bóng cho không gian chút dịu mát êm ả, lũ chim ríu rít như cười nói chào mừng chia sẻ niềm vui với người. Bà Thư mở chiếc phone đã bị tắt ngấm từ lúc bước chân vào phòng chờ, suy tính chưa biết cho gái lớn hay cho gái nhỏ biết tin trước! Bỗng chuông điện thoại reo, giọng út hấp tấp hồi hộp:
– Má thi chưa, đậu hay… rớt?
Bà hờ hững:
– Má thi rồi…
– Sao nghe giọng má ỉu xìu vậy, bộ rớt rồi hả?
Bà ỡm ờ:
– Má thấy… buồn.
Con gái sốt ruột gắt:
– Má nói đại đi, rốt cuộc là sao?
– Là… là đậu rồi nhưng không được tuyên thệ hôm nay nên… buồn…haha.
Bà không kềm nữa, bật ra tràng cười vỡ òa lẫn vào tiếng cười con gái.
Xong phần gái nhỏ đến phần gái lớn, vừa nghe báo tin “chiến thắng” con bà ồ lên như trúng số:
– Ôi, lạy Chúa tôi! Má giỏi thật…
Bà Thư đi chầm chậm dưới hàng cây bóng mát, như bịn rịn khi phải chia tay nơi này, nơi mà mới lúc sáng đi đến với sự hồi hộp lo lắng, cảm giác hệt như người bước xuống con đò nhỏ, hoang mang chẳng biết đò mong manh đủ sức đưa mình cập bến bên kia? Giờ biết chắc mình đã ở nơi mong đợi với niềm vui ngây ngất, nên quyến luyến nơi này chưa muốn rời xa.
Đứng tần ngần ngoài trời một lúc…nóng quá, phải gọi điện cho con rể đến chở về thôi, bà không có cơ hội “trả thù” đám con!
Thông tin bà Thư trở thành…United States Citizen được loan truyền khắp xóm, do bà Babs đã dặn gái nhỏ phải email cho biết ngay khi mẹ vừa thi xong. Những ngày sau đó trước cửa nhà bà Thư hôm thì có trái bóng bay hình lá cờ Mỹ, hôm thì chậu hoa, hôm thì giỏ trái cây…vv… không có tên người tặng. Những người hàng xóm bản xứ nồng nhiệt welcome công dân mới. Và bà Thư đón nhận lời chúc mừng rôm rả của mọi người khi mỗi sáng đi exercise. Cả ông Jerry cuối đường cũng ôm chầm thân mến khi thấy bà đi qua, tập tục ôm của người bản xứ… ngại quá! Bà Babs chạy xe đi làm thấy đám đông vài người đang thay phiên nhau ôm thắm thiết chúc mừng một người Châu Á nhỏ bé, bà vội ngừng lại hạ kiếng xe góp chuyện…Tui nói mà… nó sẽ được… Như muốn mọi người công nhận tài “tiên tri” của bà.
Ba tuần sau được gọi tuyên thệ. Lần này bà Thư để mặc sức con gái tô son điểm phấn. Cùng đi với bà trong ngày long trọng này, ngoài út còn có “phái đoàn” ba người neighbor thân thiết nhất hộ tống cho… xôm.
Từ nay bà có thể thực hiện quyền công dân, đi bầu theo ý phán đoán của mình. Đã có nhiều người Việt tham gia vào chính trường Hoa Kỳ. Những vị dân biểu này sẽ lên tiếng thay cho hàng triệu người Việt Nam lưu vong trên nước Mỹ, đòi quyền lợi chính đáng cho đồng hương và cả cho quê hương Việt về một nền dân chủ tự do. Và biết đâu sẽ có một Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ là người Việt, nếu phu quân bà đắc cử Tổng Thống với phần đóng góp lá phiếu của cử tri Việt Nam. Nhưng theo thiển ý bà Thư, ông Thượng Nghị Sĩ Jim Webb của đảng Dân Chủ này hình như… ba phải, ông phát biểu những lời có vẻ “quý” mấy bác lãnh đạo chóp bu đảng cộng sản khi sang thăm Hà Nội!…
Chả biết bà nghĩ vậy có đúng chăng?
HTTN – Oct 10/2014