Menu Close

A.D., C.E., B.C., B.C.E.

Những ngày khởi đầu của năm 2015 đang bắt đầu, cũng là dịp để chúng ta ôn lại mấy khái niệm về thời gian, nhất là mấy chữ viết tắt liên quan đến thời gian mà nay đã thành quy ước.

 


– A.D. là chữ viết tắt của Anno Domini, một thuật ngữ La tinh có nghĩa là “năm của Chúa”. Khi viết 2015 A.D. có nghĩa là đã 2015 năm kể từ lúc Chúa Giêsu ra đời.

Một cách viết khác cùng ý nghĩa như thế: 2015 C.E. Đây là những chữ viết tắt của của Common Era (Công nguyên).

– B.C. tức là Before Christ (trước Chúa Cứu Thế), chỉ số năm trước khi Chúa Giêsu ra đời, khoảng chừng hơn 2000 năm trước đây. Khi viết 552 B.C. có nghĩa là 2552 năm trước.

– Một số người vì định kiến, muốn tránh không đả động gì đến tôn giáo, nên thay thế bằng B.C.E, tức là Before the Common Era (trước Công nguyên). Thực ra thì nhân loại hiện đang dùng một hệ thống tính năm tháng lấy năm giáng sinh của Chúa Giê su làm điểm khởi đầu, nên dù muốn trốn tránh cách nào cũng không thể loại bỏ được sự kiện đó.

CÔNG NGUYÊN

Công nguyên là kỷ nguyên lấy năm mà theo truyền thuyết thì Chúa Giêsu đã ra đời làm năm đầu tiên, năm mốc để tính thời gian trước đó và sau đó, nên cũng được gọi là Kỷ nguyên Kitô.

Những năm trước đó gọi là năm trước Công nguyên (TCN) hoặc trước Tây lịch (TTL), cũng còn ghi bằng số thứ tự có dấu trừ (-) đứng trước, thí dụ: năm -1965 = năm 1965 trước Công nguyên. Những năm sau đó là năm của Công nguyên, chỉ ghi bằng số thứ tự không mang dấu (hoặc hiểu ngầm là mang dấu cộng (+) để đối lập với những số thứ tự mang dấu trừ (-) của những năm trước CN.

Kỷ nguyên Kitô do một tu sĩ tên Denys đề xuất năm 532, nên được gọi là kỷ nguyên theo Denys (tiếng Pháp: ère dionysienne; biến thể từ tiếng La tinh của Denys là Dionysius). Ngày nay kỷ nguyên này được toàn thế giới ứng dụng, do đó người Trung quốc gọi nó là Công nguyên (công có nghĩa là chung).

Chữ Công Nguyên  () trong tiếng Việt xuất xứ từ tiếng Hoa, viết tắt từ chữ Công Lịch Kỷ Nguyên () nghĩa là kỷ nguyên dùng lịch chung, chứ không phải là Kỷ nguyên Công giáo như một số người thường hiểu lầm.

SAU CÔNG NGUYÊN?

Có một số tác giả dùng thuật ngữ “Sau Công Nguyên”, hoặc viết tắt sCn. để chỉ những năm sau Chúa Giêsu ra đời. Dùng như vậy có thể là không đúng.

Xin nhắc lại định nghĩa của Công nguyên rằng đó là một kỷ nguyên, tức là một chuỗi dài những năm tháng mở đầu bằng một sự kiện được lựa chọn theo quy ước (ở đây được coi là năm Chúa Giêsu ra đời). Như vậy sẽ không có những năm “sau Công nguyên”, trừ phi kỷ nguyên hiện nay chấm dứt để bắt đầu một kỷ nguyên khác.

Khi rất cần để xác định về những năm thuộc Công nguyên, tiếng Pháp và tiếng Anh dùng như sau: “de notre ère” (thuộc kỷ nguyên chúng ta) “de l’ère chrétienne” / “of the Christian Era” (thuộc kỷ nguyên Kitô), chứ không bao giờ viết: “après notre ère” (sau kỷ nguyên chúng ta) hoặc “après l’ère chrétienne” / “after the Christian Era” (sau kỷ nguyên Ki-tô).

NIÊN SỐ

Thập kỷ là thời gian 10 năm (còn gọi là thập niên), thế kỷ kéo dài 100 năm, còn thiên niên kỷ là 1000 năm. Những khoảng thời gian này bắt đầu bằng năm có niên số nào?

Thập kỷ, thế kỷ, thiên niên kỷ bắt đầu bằng năm mà niên số có hàng đơn vị là 1 và kết thúc bằng năm mà niên số có hàng đơn vị là 0. Chẳng hạn: thế kỷ 21 bắt đầu từ năm 2001 và kết thúc bằng năm 2100.

Trước đây có một số người cho rằng thế kỷ 20 bắt đầu bằng năm 1900 và kết thúc năm 1999, vì năm 2000 mở đầu cho thế kỷ 21 (và quy ước về thế kỷ sẽ là: bắt đầu bằng năm có số đơn vị 0 và kết thúc năm có số đơn vị bằng 9). Theo cách tính này thì thế kỷ thứ I chỉ có 99 năm (từ năm 1 đến năm 99, vì không năm 0 để cho đủ 100 năm).  

alt

PN