Nhà văn Nguyễn Thuỵ Long, nổi tiếng với các tác phẩm trước năm 1975 ở Sài Gòn, ông qua đời tại Việt Nam ngày 03/9 năm 2009.
Nguyễn Thụy Long sinh năm 1938 tại Hà Nội và là tác giả của nhiều cuốn truyện ngắn và tiểu thuyết nổi tiếng như: Vác Ngà Voi, Loan Mắt Nhung (từng được dựng thành phim), Chim Trên Ngọn Khô, Vết Thù, Bà Chúa Tám Cửa Ngục, Đêm Đen, Gái Thời Loạn, Nữ Chúa, Nợ Máu, Ven Đô, Sầu Đời, Gió Hú…
Trong khoảng 30 tác phẩm được xuất bản trước năm 1975 của ông, có chừng 20 tác phẩm hiện được lưu tại thư viện của Viện Đại Học Cornell, New York.
Trong truyện “Người Xây Lò” viết mùa đông năm 2001, ông mô tả cảnh lao động thời sau 1975 và thân phận của người tù cải tạo, và bày tỏ nỗi đau của những người Việt bỏ nước ra đi.
“Như những người vượt biên bằng chiếc thuyền chỉ dài mười hai thước, mỏng manh như chiếc lá giữa đại dương, có thể bị sóng to gió lớn vùi lấp bất cứ lúc nào, không kể bọn côn đồ trên biển, bọn hải tặc Thái Lan mất nhân tính, đe dọa tính mạng, trinh tiết của phụ nữ.”
“Người ta vẫn cứ ra đi, tâm niệm tất cả những người ấy đều giống nhau qua câu “tự do hay là chết”.

Nguyễn Thuỵ Long
“Đồng bào tôi đau khổ quá, như tôi vậy, bỗng nhiên mang thân tù tội, không biết ngày nào ra, dù rằng từ cái lồng nhỏ ra cái lồng lớn hơn.”
Theo báo Người Việt tại California, ông Nguyễn Thụy Long học trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu, sau bỏ để vào Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định theo nghề bố, một họa sĩ.
Tuy nhiên sau khi thân phụ mất ông vào đời rất sớm, kể cả đi bụi “sống với tầng lớp dao búa, sống ở những nơi hạ lưu của xã hội,” như lời của chính nhà văn.
Nguyệt san văn hóa văn học nghệ thuật Khởi Hành, của Viên Linh, trụ sở tại Nam California, đã trao giải “Văn Chương Toàn Sự Nghiệp” cho nhà văn Nguyễn Thụy Long vào năm 2005.
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết chân tình cảm động của nhà văn quá cố Nguyễn Xuân Hoàng. Đây cũng là dịp chúng ta tưởng niệm hai nhà văn thân thiết của chúng ta: Nguyễn Thụy Long và Nguyễn Xuân Hoàng.
Nhà văn Nguyễn Thụy Long, tác giả Loan Mắt Nhung, Kinh Nước Ðen và nhiều tác phẩm khác, vừa ra đi hôm 3 tháng 9 năm 2009 tại Bệnh viện Gia Định, Sài Gòn. Hưởng thọ 72 tuổi.
Trong một bài viết cách đây không lâu trên tạp chí Văn [hải ngoại] về Trần Phong Giao, tôi có nhắc đến những cuốn sách bị ‘bức tử’ sau Tháng Tư, 1975, khiến cho nhiều tủ sách gia đình trong thành phố trống trơn, trơ trọi. Gần hai mươi năm sau từ California, tôi bỗng nhận được cuốn Kẻ Tà Đạo [nxb Nguyễn Đình Vượng]. Cuốn sách của mình viết ra trước năm 1975, sau một thời gian gió bụi thất lạc bỗng một hôm trở lại tay mình ở một nơi rất xa quê hương. Cuốn sách bị nhầu nát, bìa rách, giấy đen… Thời gian tưởng đã mất, rốt cuộc hình như cũng tìm lại được. Người chuyển sách cho tôi là nhà văn Nguyễn Đạt vẫn còn ở Sài Gòn. Anh cho biết người gửi sách cho tôi là Nguyễn Thụy Long. «Anh Long đã tìm ra được cuốn sách này của anh ở chợ trời và Long gửi tặng anh.
Tác giả Loan Mắt Nhung vẫn không quên tôi, mặc dù thời ở Sài Gòn trước năm 1975 chúng tôi thỉnh thoảng lắm mới gặp nhau. Đôi khi ở toà soạn Văn số 38 đường Phạm Ngũ Lão, đôi khi ở quán Cái Chùa trên đường Tự Do… Thời gian đó, dù sống cùng thành phố, bọn tôi mỗi đứa vẫn chơi với một dúm bạn riêng cùng chia sẻ nhau một số suy nghĩ trong đời sống cũng như chuyện viết lách của nhóm. Tuy vậy, mỗi lần gặp Long, tôi vẫn thường hỏi anh về những cuốn sách mà anh đang viết và ngược lại Long cũng có những nhận định và suy nghĩ trong cách viết của bọn tôi. Hơn 20 năm sau, mặc dù chúng tôi không còn sống chung trong một thành phố, lạ thay, chúng tôi lại thường liên lạc nhau hơn.
Những bài viết của Nguyễn Thụy Long dành cho tuần báo Việt Mercury cũng như cho tạp chí Văn đưa chúng tôi lại gần nhau. Tôi biết anh có cuộc sống vất vả, gia đình lạnh lẽo, đời sống xã hội chua cay, nhưng lúc sau này anh vẫn viết và sống bằng chính ngòi bút của mình. Tôi đã gặp lại tác giả Loan Mắt Nhung, gặp lại những ngày tháng của Sài Gòn xưa, gặp lại những kỷ niệm hiếm hoi về một buổi sáng ngồi với nhau ở quán cà phê Cái Chùa hay buổi chiều ở nhà hàng Thanh Thế.
Hồi đó chúng tôi còn quá trẻ, anh ít nói và tôi không phải là người nói nhiều. Có lần Long hỏi tôi, «Sao ông cứ chạy trốn cuộc đời này hoài vậy?» Long muốn nói đến tập tùy bút Ý Nghĩ Trên Cỏ tôi vừa mới phát hành.
Nguyễn Thụy Long thở với hơi thở đời sống, đi trên kênh rạch, lội xuống bùn đen, đứng giữa tiếng động của sắt thép, của dao và búa, nhập vào bóng đen của mặt trái thành phố… Còn tôi, kẻ luôn bị ám ảnh bởi câu nói của Albert Camus trong cuốn Le Mythe de Sisyphe: «Il n’y a qu’un problème philosophique vraiment sérieux: c’est le suicide.»* Tôi đã nghĩ đến cái chết từ những ngày học [Triết] ở Đà Lạt, nghĩ đến cái chết khi ở Sài Gòn [lúc chiến tranh ăn ruỗng mục tuổi trẻ đất nước], nghĩ đến nó khi nằm ở nhà tù Rạch Giá, Kinh Làng Thứ Bảy, U Minh… Nghĩ đến nó khi bị bắt trong đêm ở một khu đầy mồ mả trên bờ biển Phan Thiết chờ giờ xuống ghe [vượt thoát quê hương]…Tôi hiểu tại sao chúng tôi không gần nhau, tôi hiểu tại sao Long nói tôi là người chạy trốn cuộc đời.
Giờ đây, Nguyễn Thụy Long đã ra đi. Anh đã sống hết cuộc đời anh, với khổ đau nhiều hơn hạnh phúc, với bóng tối nhiều hơn ánh sáng, với một hiện tại [cơ cực] hơn là một tương lai [ung dung tự tại]… Anh đã thoát ra khỏi bóng tối, khỏi khổ đau, khỏi hiện tại.
Còn tôi? Người ở lại nói với người ra đi:
Chia tay bạn ta, vĩnh biệt Nguyễn Thụy Long. Hẹn gặp!
Hẹn gặp! Tôi đã nói hai chữ này với ai? Bao nhiêu lần? Chắc chắn không phải chỉ một lần. Với Mai Thảo, với Nguyên Sa, với Hoàng Anh Tuấn, với Trần Phong Giao,…và bây giờ với Nguyễn Thụy Long…
Hẹn gặp! Bởi vì, nghĩ cho cùng trên đời này tưởng là chia tay mà vẫn là gặp gỡ và tưởng là gặp gỡ đôi khi đã là chia tay. Con người giống như những hạt bụi bay tán loạn giữa bầu trời và tình cờ gặp nhau, rồi những cơn giông bất ngờ ập đến bắn tung ra, những hạt bụi lại rời nhau bay về những phương hướng khác. Những hạt bụi có còn gặp lại nhau không hay mãi mãi không bao giờ tái hợp? Nào ai biết!
Nhưng hẹn gặp là một điều chắc chắn. Tôi vẫn nghĩ vậy!
* Tạm dịch: Chỉ có mỗi một vấn đề triết học thực sự nghiêm chỉnh: Ðó là sự tự tử