Menu Close

Một số từ ngữ về thời tiết

Feel Like Temperature

Mấy ngày đầu năm mới này cả nước Mỹ hứng chịu một thời tiết giá lạnh kèm theo những cơn gió lớn làm rét buốt xương da. Những yếu tố nào đã làm cho thân thể chúng ta cảm nhận nhiệt độ khác với nhiệt độ thật ngoài trời?

 


Thực ra, nhiệt độ ta cảm thấy bị chi phối do một số yếu tố như wind chill (phong hàn) và heat index (chỉ số nhiệt) khiến cho với cùng một nhiệt độ mà ta cảm thấy cường độ nóng hoặc lạnh khác biệt nhau. Trong tiếng Anh, nhiệt độ như thế được gọi là “apparent temperature” (nhiệt độ biểu kiến), hoặc “relative outdoor temperature” (nhiệt độ tương đối ngoài trời), hay giản dị là “Feels Like temperature” (nhiệt độ cảm nhận).

 

Heat index (chỉ số nhiệt)

Heat index (còn gọi humidex) là một chỉ số kết hợp giữa nhiệt độ và độ ẩm tương đối để thành một nhiệt độ tương đương mà thân thể cảm nhận được – tức là cảm thấy nóng như thế nào. Chẳng hạn, khi nhiệt độ là 90oF kèm theo độ ẩm rất cao, heat index có thể lên tới 105oF, tức là thân thể con người cảm thấy nóng cao đến thế, tuy đó không phải là nhiệt độ thật. Như trên đã nói, nhiệt độ này còn gọi là “nhiệt độ cảm nhận” (felt air temperature), hoặc nhiệt độ biểu kiến (apparent temperature).

 

Wind chill (yếu tố phong hàn)

Tại sao những ngày mùa đông có gió thổi lại làm cho chúng ta cảm thấy lạnh đến cắt da?

Quả thế, ngày mùa đông có gió thổi mạnh dường như lạnh hơn rất nhiều so với ngày gió nhẹ, tuy nhiệt độ ngoài trời hai ngày đó giống hệt nhau. Tác động của gió trên nhận thức của chúng ta về độ lạnh được gọi là wind chill factor. Tốc độ gió càng mạnh, thân nhiệt càng mất nhiều. Chẳng hạn, nhiệt độ 30oF ít làm ta quan tâm, nhưng kết hợp với sức gió có vận tốc 10 mile/giờ, làm ta cảm thấy lạnh như 21oF. Nói cách khác thân thể 98 độ F của chúng ta mất nhiệt dường như bên ngoài chỉ có 21 độ.
Cả nhiệt độ và gió đều gây ra sự mất nhiệt trên bề mặt thân thể.

alt

Cách đọc 2015, 2005

Nhân vừa vào năm mới, thấy một số xướng ngôn viên người Việt trên đài phát thanh, đài truyền hình… đọc số năm theo nhiều cách thức khác nhau nên thắc mắc. Xin đơn cử như sau:

– Năm 2005: người Việt miền Nam và hải ngoại đa số đọc là: Năm hai ngàn lẻ năm, hai ngàn không trăm lẻ năm. Còn người miền Bắc đọc: Năm hai nghìn linh năm, hoặc hai nghìn không trăm linh năm.

– Năm 2015: Đa số đều đọc: Năm hai ngàn mười lăm hoặc hai ngàn không trăm mười lăm. Người VN miền Bắc: Hai nghìn không trăm mười lăm.

– Có người cho rằng đọc những con số nêu trên theo kiểu “không trăm” là dư thừa, kỳ cục và ngô nghê. Họ nói: Người Mỹ đọc 2015 là “Two thousand fifteen” chứ không phải “two thousand, zero hundred, fifteen”. Và có lẽ nhiều ngôn ngữ trên thế giới cũng không đọc thế.

– Thực ra, nhóm từ “không trăm” không cần thiết, dùng trong trường hợp như trên thì có thể chấp nhận được, nhưng nếu áp dụng vào những số lớn thì không ổn. Thử đọc số sau đây xem sao: 2,000,015. Chắc ít ai phát âm thành: hai triệu, không trăm ngàn, không chục ngàn, không ngàn, không trăm mười lăm!, họa chăng là mấy thầy cô giáo đọc để giúp các em học sinh viết số cho trúng…

alt