Nhịp tim, lượng oxygen trong máu, áp huyết… là những chỉ số căn bản nhất về tình trạng sức khỏe của hệ thống cơ tim. Nếu muốn kiểm soát tình trạng hoạt động của tim, người ta phải theo dõi các chỉ số đó. Đây là những điều mà dụng cụ MOCAheart sẽ thực hiện. Hiện nay trên thị trường có những phần mềm ứng dụng sử dụng smartphone để theo dõi nhịp tim, nhưng MOCAheart cho kết quả theo dõi nhịp tim chính xác và chi tiết hơn nhiều so với các ứng dụng trên. Muốn sử dụng, người ta chỉ cần đặt một ngón tay lên trên mặt kính cảm cứng, rồi đặt một ngón tay của bàn tay còn lại lên trên bề mặt kim loại phía trước của dụng cụ. MOCAheart dùng các tia hồng ngoại phát ra từ bộ cảm ứng cùng với bộ cảm ứng EKG (electrocardiogram điện tâm đồ), dụng cụ này sẽ đo mức độ thay đổi về điện của tim, mức oxygen trong máu và tốc độ máu lưu thông trong cơ thể. Từ tốc độ này máy sẽ tính ra huyết áp. Các kết quả này sẽ hiện lên màn hình của điện thoại nhờ một phần mềm ứng dụng, đồng thời cũng đưa ra lời khuyên người sử dụng có nên đi bác sĩ hay không. Số liệu này còn được trữ lại trong điện thoại và dùng để vẽ lên biểu đồ theo dõi theo ngày, tuần, tháng… Sắp tới máy sẽ được bán với giá dự trù là $169.
Sơn màu
Hầu hết mọi người không nghĩ rằng lớp sơn bên ngoài là một phần chính đặc biệt của một món hàng. Nhưng với một món đồ thật lớn, khối lượng sơn sử dụng cho nó cũng góp một phần trọng lượng quan trọng của nó và cả trong giá thành sản phẩm. Mới đây, một nhóm nghiên cứu của trường Harvard đã tìm ra một kỹ thuật tạo ra một lớp sơn cực nhẹ có giá thành thấp. Trong kỹ thuật này, các nhà nghiên cứu dùng một máy đặc biệt phát ra những chùm nguyên tử đập vào những mảnh kim loại và làm các mảnh này bốc hơi. Hơi kim loại sau đó được dẫn lên một phòng chân không và kết tụ lên bề mặt của một đồ vật. Bề mặt này có thể trơn, nhám, bằng kim loại hay bằng chất liệu khác. Tiến trình này được lặp lại vài lần để tạo ra nhiều lớp nguyên tử chồng lên nhau, tạo thành lớp sơn cực mỏng. Màu sắc của lớp này tùy thuộc vào những loại kim loại bị làm tan chảy và tỉ lệ của chúng. Trong một thử nghiệm, người ta đã tạo ra một lớp sơn với vàng và germanium lên bề mặt một tờ giấy. Kết quả cho thấy tờ giấy vẫn giữ nguyên độ co dãn, có màu sắc chuẩn cho dù nhìn ở những góc độ khác nhau, và có ánh như xà cừ. Người ta có thể dùng kỹ thuật này cho nhiều kim loại khách nhau, kể cả nhôm. Lớp sơn chỉ có chiều dày chừng 10 nanomet (10 phần tỉ mét) nếu sơn lên bề mặt kim loại, hoặc chừng 30 nanomet nếu sơn lên bề mặt không phải kim loại. Người ta sẽ ứng dụng kỹ thuật này để sơn các sản phẩm, giúp chúng rẻ hơn, đẹp hơn, nhất là sử dụng trong lãnh vực sản xuất các panel thu ánh sáng mặt trời làm ra điện.