Một trong số những người lãnh đạo của tôi mở khóa hội thảo, chúng tôi được mời tham dự để viết và trình bày về kinh nghiệm đau thương riêng tư nào đó. Chúng tôi đã kết thúc sớm hơn là chúng tôi dự tính, khi Simon – giám đốc cao cấp tại công ty – kể cho cả nhóm nghe về một chấn thương đau đớn, đến nỗi ông không thể nào quên.
Trước đây khi đến Nigeria làm việc, trong lúc kiểm soát một trong số những giàn khoan dầu của công ty, Simon và năm đồng nghiệp bị bắt làm con tin. Gần như cùng một lúc, hai người trong số các con tin bị giết trước mặt ông. Simon là người duy nhất được phóng thích, sau thời gian đàm phán lâu dài về tiền chuộc. Simon nói với chúng tôi, ông không thể nào vứt bỏ hồi ức đau khổ, luôn luôn bị những cơn ác mộng ám ảnh.
Rồi Simon bảo chúng tôi hãy viết về câu chuyện này, biết đâu nhóm hội thảo có thể tìm ra được một phương pháp trị liệu tâm lý cho ông.
Ở chừng mực nào đó, câu chuyện của Simon không khiến người ta phải ngạc nhiên. Cách đây đã lâu vào năm 1895, Josef Breuer và Sigmund Freud đã khám phá ra giá trị của sự thỏa hiệp khi phải đương đầu với những kinh nghiệm đau thương, và ghi lại trong tác phẩm lừng danh “Nghiên Cứu Về Những Cảm Xúc Vượt Quá Mức Chịu Đựng- Studies on Hysteria.” Trong quyển sách này, bà Anna O – bệnh nhân nổi tiếng của họ – gọi quá trình điều trị là phương pháp nạo vét ống khói, hay là phương pháp trao đổi để được chữa lành. Sau này Breuer giới thiệu là “phương pháp điều trị tâm lý.” Nhưng từ nhận thức sâu sắc nói trên có thể tìm ra được những dấu vết xa xôi hơn nữa, nếu bạn hồi tưởng những truyền thống bao bọc chung quanh lời thú tội – một hình thức phổ biến đối với nhiều nền văn hóa.
Tất nhiên nói ra những cảm nhận đau đớn, chắc chắn không đủ để chữa lành mọi thương tật của xác hồn. Sự bình an tùy thuộc vào cách bạn giải thích những gì đã xảy ra, tùy thuộc vào cách bạn viết về sự thật liên quan đến những điều đau khổ ấy – chính đây mới là những giá trị bổ sung tuyệt vời, hơn cả việc chỉ ngồi kể lại cơn lâm lụy. Sự kết hợp giữa hành động viết ra từng câu chữ phản ánh nỗi thương tâm phải chịu đựng, và việc kể lại sự đau đớn nghiêm trọng nào đó mà chúng ta phải đương đầu, sẽ tạo ra một sức mạnh vô biên giúp chúng ta nhanh chóng vượt qua thời điểm khó khăn, (hay gạt bỏ) những biến cố bi thảm ấy để nhìn về phía trước.
Hoạt động vô thức của tâm trí, khiến cho việc giải thích về những gì gọi là sự đau đớn nghiêm trọng, thật rất khó. Mọi người đều có một thế giới nội tâm bao gồm tư tưởng và cảm xúc, thói quen, sự tưởng tượng, ước mơ, và còn rất nhiều điều khác nữa nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng nhận thức được. Chính những vấn đề này khiến chúng ta rất nhiều khi xa lạ với chính mình, không biết chúng ta thực sự cảm nhận được điều gì khi đối diện với từng khoảnh khắc có trong đời.Thật vậy, rất nhiều khi thái độ của chúng ta chỉ thuần túy là bản năng, hay là một phản xạ tự động; chúng ta có khuynh hướng sử dụng thói quen lặp đi lặp lại, hành vi này khiến chúng ta thật sự không biết chúng ta là ai, không biết chúng ta muốn trở thành “cái gì!”
Để tham dự cuộc hành trình đi vào đáy sâu nội ngã – để hiểu đúng bản ngã hơn – chúng ta cần giúp vô thức xây dựng một phương pháp mới, bỏ đi những điều đã trở thành thâm căn cố đế. Viết ra từng câu chữ phản ảnh nỗi thương tâm phải chịu đựng sẽ là điều bổ sung cho những gì kể lại, bởi vì nó liên quan đến một phần khác trong não bộ. Kiểm tra não bộ cho thấy nói chuyện có ảnh hưởng đến bán cầu não phải hơn là bán cầu não trái. Ngược lại khi viết sẽ ảnh hưởng đến bán cầu não trái nhiều hơn; viết có thể kích thích các phần hiện hữu trong não bộ, nhưng các phần này lại không hề bị kích thích khi nghe nói.
Vì vậy những gì chúng ta viết có thể rõ ràng và dễ phân tích hơn là những gì chúng ta nói ra. Nói chuyện (hay kể chuyện) là sử dụng những phần thuộc về não bộ – nhưng những phần này dường như có liên quan đến những gì chúng ta nghĩ trong vô thức. Nói cách khác những gì chúng ta nói (hay kể) có liên quan đến từng thói quen, đã ăn bám vào tâm trí sâu đến nỗi chúng ta không thể nhận biết. Những phán đoán viết ra bằng câu chữ liên quan đến phần ý thức của chúng ta nhiều hơn, có nghĩa là viết ít bị máy móc và thật sự có ý nghĩa hơn là những gì chúng ta nói.
Do đó đương đầu với nỗi đau đớn bằng cách viết ra từng câu chữ phản ảnh nỗi thương tâm như Simon gợi ý, liên quan đến việc khai phóng và chuyển dịch những biến cố u buồn ấy bằng lời tường thuật đầy ý nghĩa, có tác động của nhận thức và tình cảm – hành động này giúp chúng ta (hoặc ai đó) hiểu biết sâu sắc hơn về những gì đã xảy ra. Từ văn bản khơi dậy một cảnh đời bi thảm, giúp chúng ta có thể nhận lãnh tránh nhiệm đối với cảnh ngộ riêng của bản thân, để nhìn về phía trước.
Không chỉ một mình tôi tin rằng, viết có thể làm giảm sự căng thẳng và làm giảm ảnh hưởng của những điều không thể hiểu biết. Ông James Pennebaker – nhà nghiên cứu tâm lý học của Đại Học Texas – đã thực hiện một số thí nghiệm kiểm soát hiệu quả của các bài văn, được sử dụng như công cụ điều trị. Ông nhận ra rằng viết về những suy nghĩ và cảm xúc phát sinh từ một sự kiện đau thương hay căng thẳng – những điều ông gọi là bài văn cảm nhận – đã giúp nhiều người đối phó được với những biến cố từng hủy diệt tinh thần của họ, và họ không phải chịu đựng nỗi đau đớn trong thời gian quá lâu.
Nhà nghiên cứu tâm lý Pennebaker cũng nhận biết: Viết có ảnh hưởng lâu dài đối với một số bệnh tật, chẳng hạn như bệnh hen suyễn, hội chứng mệt mỏi mãn tính, rối loạn căng thẳng sau thời kỳ chấn thương, và bệnh viêm khớp. Điều này cho thấy khi người ta viết (hay sử dụng chính tả) khoảng hai mươi phút một ngày, và làm liên tục trong vòng ba hay bốn ngày (đặc biệt là vào cuối ngày), họ ít khi phải đi gặp bác sĩ (nếu so sánh với những người không viết, hay không hề sử dụng chính tả).
Tuy nhiên các bạn phải thận trọng trong việc sử dụng những công cụ. Nhà nghiên cứu tâm lý Pennebaker lưu ý rằng, viết về những chấn thương có thể gây đau khổ tạm thời. Ông cũng nhấn mạnh đến thời điểm khi những vấn đề được viết. Các nghiên cứu cho thấy, ai đó ngay lập tức viết ra những biến cố chấn động đến tâm trí, họ sẽ cảm thấy thật bi thiết, thật buồn thảm sau khi viết, bởi vì họ chưa sẵn sàng đối diện với những nỗi niềm đau đớn ấy. Nhà nghiên cứu tâm lý Pennebaker khuyên thân chủ của ông phải chờ ít nhất một hoặc hai tháng, mới nên viết về những gì đã xảy ra.
Đây là kinh nghiệm của tôi trong lúc tham gia hội thảo, và tôi biết rằng các giám đốc điều hành khi viết về những thời điểm khó khăn riêng, họ cũng có những cách cư xử rất khác biệt. Sáng tạo ra bản văn tường thuật về thời kỳ gian khổ, cùng một lúc họ cũng có thể điều chỉnh những biến cố này một cách cân bằng hơn, và cũng có thể chế ngự những cơn phẫn nộ. Hơn nữa, cho dẫu viết dường như là một hoạt động đơn độc, nhưng trên thực tế lại giúp người ta thiết lập nhiều mối quan hệ. Khi chúng ta dùng câu chữ thổ lộ nỗi niềm thầm kín riêng tư về một sự kiện đau buồn, ở chừng mực nào đó chúng ta đã có thể tâm sự với nhiều người. Nói cách khác bài viết sẽ giúp chúng ta đón nhận được nhiều sự hỗ trợ của xã hội, và cơ hội chữa lành mọi thương tật của xác hồn cũng đến nhanh hơn.
Tất nhiên chẳng ai thật sự biết những bài viết phản ảnh nỗi thương tâm riêng, có ảnh hưởng như thế nào đến não bộ. Nhưng những gì tôi rút ra được trong lúc làm việc với các giám đốc điều hành là, dùng những lời nói đầy cảm xúc chắc chắn không đủ để làm giảm sự căng thẳng, cũng không thể giúp cho hồn an xác mạnh. Và các thành viên trong nhóm nhìn thấy rõ, một văn bản có thể giúp Simon tìm ra những chữ đúng nghĩa để diễn tả cảm xúc và sự bất an – những điều trước đó ông không thể hiểu cũng không thể diễn tả. Tuy nhiên tốt nhất là Simon có thể mang những điều cần xem xét này về nhà, và rồi có thể tìm thấy một ý tưởng sâu sắc mới chuyển đổi tất cả những gì đã trở thành nếp buồn phiền trong đời sống, trong lúc bị mất ngủ vì những chấn thương từng xảy ra trong đời. Nhất là khi Simon hay ai đó khám phá ra rằng, cây bút không những có thể giúp chúng ta đến những nơi chúng ta cần đến, mà còn giúp chúng ta – ngay cả trong vô thức – tránh những nơi không nên bước vào. [*]
1:30am Chủ Nhật ngày 4 tháng 1 năm 2015
* Link tham khảo:
https://hbr.org/2014/11/to-get-over-something-write-about-it