Năm 2004, Tạp Chí Thế Kỷ ở California ấn hành Tuyển Tập “Nhất Linh – Người Nghệ Sĩ, Người Chiến Sĩ” gồm bài viết của các tác giả Nguyễn Tường Bách, Võ Phiến, Trương Bảo Sơn, Trần Thanh Hiệp, Lê Đình Thông, Bùi Bích Hà, Nguyễn Tường Triệu, Nguyễn Tường Thiết, Trương Kim Anh, Lưu Văn Vịnh. Ngoài ra còn có trích đoạn các tác phẩm Xóm Cầu Mới, và Giòng Sông Thanh Thủy. Theo lời giới thiệu của Phạm Phú Minh, “Nhất Linh là một người Việt Nam ưu tú của thế kỷ 20, nhưng cũng là một người bị truy bức không ngừng, cho đến khi ông qua đời. Đó là số phận riêng của một người, nhưng cũng là hình ảnh của số phận đất nước và dân tộc Việt Nam bị truy bức liên tục suốt lịch sử cận đại, mà vẫn chưa đi được trên con đường mà mình mong muốn.” [“Lời Nói Đầu.” Phạm Phú Minh.]
Nhất Linh tên thật là Nguyễn Tường Tam (1906-1963) là nhà văn nhà báo từng ký các bút danh như Tam Linh, Bảo Sơn, Lãng Du, Tân Việt, Đông Sơn (khi vẽ). Ông cũng là chính trị gia nổi tiếng của Việt Nam trong thế kỷ 20. Nhất Linh chủ trương Tự Lực Văn Đoàn, cùng với Khái Hưng là cây bút chính của nhóm. Ông từng là chủ bút của tờ tuần báo Phong Hóa, Ngày Nay. Theo báo Phong Hóa số 87, thuở ban đầu Tự Lực Văn Đoàn không quá 10 người để không phải xin phép chính quyền, với tôn chỉ dựa vào sức mình, theo tinh thần anh em một nhà, chỉ nêu ra trong nội bộ mục đích tôn chỉ, mọi người tự nguyện thực hiện. Sau này Văn Đoàn Tự Lực chính thức tuyên bố thành lập vào ngày 2 tháng 3 năm 1934. Tháng 6 năm 1936 trên báo Ngày Nay, Nhất Linh cùng nhóm Tự Lực Văn Đoàn phát động Phong Trào Ánh Sáng, một tổ chức từ thiện với mục đích thay đổi nếp sống ở thôn quê, trong đó có việc xây dựng nhà ở hợp vệ sinh cho dân nghèo. Ông sáng lập Đại Việt Dân Chính Đảng, là bí thư của Việt Nam Quốc Dân Đảng, khi Đại Việt Dân Chính Đảng hợp nhất với Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Quốc Dân Đảng. Ông cũng từng giữ chức Bộ trưởng ngoại giao, trong chính phủ liên hiệp kháng chiến.
Suốt 40 năm hoạt động văn học và chính trị, Nhất Linh viết trên 20 tác phẩm, nổi bật nhất là Gánh Hàng Hoa, Đoạn Tuyệt, Đôi Bạn, Nho Phong, Bướm Trắng, Anh Phải Sống, Giòng Sông Thanh Thủy, Xóm Cầu Mới. Hầu như độc giả chỉ cho rằng tên tuổi của Nhất Linh gắn liền với tiểu thuyết luận đề Đoạn Tuyệt, hay Lạnh Lùng. Trong khi đó các tác phẩm nghệ thuật như Đôi Bạn, Bướm Trắng, Xóm Cầu Mới, Giòng Sông Thanh Thủy của ông lại ít được biết đến, và không được đánh giá đúng mức. Đoạn Tuyệt, Lạnh Lùng có nội dung nói đến sự xung đột trực tiếp giữa nếp sống cũ và lối sống mới. Để bênh vực phụ nữ và quan điểm mới, Nhất Linh không ngại đẩy hoàn cảnh và tình tiết trong Đoạn Tuyệt đến chỗ cực đoan, giành phần thắng cho nhân vật Loan – một thiếu phụ tân thời, tranh đấu cho quyền làm người trong xã hội Việt Nam cũ vốn đặt nền tảng căn bản luân lý theo chủ thuyết của Khổng Tử và Mạnh Tử. Nhân vật Dũng và Loan trong Đoạn Tuyệt, Trương và Thu trong Bướm Trắng, Triết và Thoa trong Hai Buổi Chiều Vàng, Thanh và Ngọc trong Giòng Sông Thanh Thủy…, đều là những hình ảnh tiêu biểu của thế hệ thanh niên nam nữ đầu thế kỷ 20, có liên hệ mật thiết với xã hội, với thời cuộc, và với chính cuộc đời của Nhất Linh.
Theo nhà phê bình văn học Thụy Khuê, “về phương diện kỹ thuật tiểu thuyết, Giòng Sông Thanh Thủy thua Đôi Bạn, Bướm Trắng, Xóm Cầu Mới, nhưng có giá trị lịch sử và nhân văn, viết về giai đoạn kinh hoàng của cách mệnh, hai đảng Việt Quốc và Việt Minh bắt bớ, thủ tiêu nhau. Cuộc nội chiến trong lòng những người yêu nước đã được Nhất Linh mô tả một cách lạnh lùng và tường tận.” [ “Nhất Linh.” Thụy Khuê.]
Đọc những bài viết về Nguyễn Tường Tam trong “Nhất Linh – Người Nghệ Sĩ, Người Chiến Sĩ,” tôi thinh lặng cảm nhận: Tuy đã qua đời, nhưng bản thân nhà văn Nhất Linh vẫn chưa giải quyết được những xung đột trong việc lựa chọn giữa cách mạng và văn học, giữa xuất thế và nhập thế…Những xung đột này không chỉ khiến Nhất Linh lúc sinh thời phải đau khổ, mà còn ảnh hưởng đến thế hệ người Việt sau này – một thế hệ đã, đang và vẫn còn cảm nhận: Lòng ta là những hàng thành quách cũ, tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa. [“Lòng Ta Là Những Hàng Thành Quách Cũ.” Vũ Đình Liên.]

Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam – PHOTO LÊ VĂN KIỂM
1:01am Thứ Bảy ngày 10 tháng 1 năm 2015