Tuần trước, Tổng Thống Obama đã đọc Thông Điệp Liên Bang thường niên trước quốc hội và quốc dân, với khoảng 31.7 triệu người dân đã theo dõi trực tiếp qua truyền hình. Tự tin, quyết đoán và tham vọng trong các báo cáo và kế hoạch cho tương lai, bất chấp việc cả lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ đã nằm trong tay Đảng Cộng Hòa, sẽ cố phủ quyết hầu hết các dự luật được đưa ra, Tổng Thống Obama đang dùng hai năm cuối nhiệm kỳ của mình để thực hiện điều mà ông đã nhấn mạnh khi kết thúc bài diễn văn năm nay, “Chương trình nghị sự của tôi trong hai năm tới này cũng sẽ giống như điều tôi ấp ủ từ khi tuyên thệ nhậm chức: làm những gì tôi tin là tốt nhất cho Hoa Kỳ”. Xin mời các bạn theo dõi đôi nét chính trong Thông Điệp Liên Bang năm nay để hiểu thêm về các chương trình hành động của chính phủ.
Tổng Thống Obama đọc Thông Điệp Liên Bang trước Quốc Hội – nguồn wgbhnews.org
Tương tự như thông lệ trong các Thông Điệp Liên Bang (TĐLB) thường niên của các tổng thống là việc nhìn lại những gì đã đạt được và đưa ra kế hoạch tương lai để người dân được tường tận, TĐLB năm nay về hầu hết các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại, y tế, giáo dục, dân sinh… đã được TT Obama đệ trình trong một thực tế đầy hứa hẹn so với khi ông nhậm chức, nếu không phải là trong vòng 15 năm qua: kinh tế phục hồi, tổng sản lượng nội địa GDP tăng, tỉ lệ thất nghiệp giảm, thị trường chứng khoán và địa ốc tăng cao, cũng như giá xăng dầu đang giảm ở mức kỷ lục, điều mà Obama muốn gởi đến người dân trong phần mở đầu rằng “Bóng ma của khủng hoảng đã qua và Hoa Kỳ đang rất mạnh” và đưa ra kế hoạch tương lai khi đặt câu hỏi đến người dân rằng, “Tùy thuộc vào chúng ta muốn trở thành như thế nào trong 15 năm hay vài thập niên tới, hoặc chấp nhận một nền kinh tế chỉ có một số ít người thành công hay một nền kinh tế tạo ra việc tăng thu nhập và cơ hội cho những ai cố gắng?”.
Tổng Thống Obama trước Quốc Hội – nguồn abcnews.go.com
Chính vì mục tiêu này mà trong Thông Điệp Liên Bang, TT Obama đã bảy lần nhắc đến giới trung lưu và nền “kinh tế trung lưu” để đưa ra các chính sách đối nội liên quan đến mục tiêu đưa đa số người dân Hoa Kỳ trở thành lớp trung lưu. Một nền kinh tế trung lưu theo Obama là khi mọi người cùng đóng góp vào việc phát triển đất nước, được hưởng những cơ hội ngang bằng và bình đẳng trước các điều luật, họ không phải chia phần trước sự thành công của người khác mà chính họ có trách nhiệm góp phần vào sự thành công chung, nâng cao đời sống gia đình mình đồng thời với việc biến Hoa Kỳ thành một quốc gia tốt đẹp. Kinh tế tăng trưởng nên ngày càng nhiều người được hưởng lợi, tuy nhiên, ông kêu gọi hành động nhiều hơn nữa để phục hồi mối quan hệ giữa sự làm việc chăm chỉ và cơ hội được gia tăng cho tất cả những ai đang làm vậy. Để thực hiện được nền kinh tế trung lưu này thì sách lược của Obama đề ra là giúp cho các gia đình người lao động ổn định hơn trong một thế giới liên tục thay đổi, giúp người dân Mỹ có đủ khả năng chăm sóc con cái, chi trả học phí, có nhà ở và có đời sống ổn định khi về hưu… qua các biện pháp như giảm thuế cho các gia đình người lao động, trợ giúp tín thuế hay giảm thuế với các gia đình có con nhỏ đến $3,000 mỗi trẻ em mỗi năm, đưa ra dự luật buộc các hãng phải cung cấp ngày bịnh cho người lao động. Hiện nay, Hoa Kỳ là nước phát triển cao duy nhất không có chính sách nghỉ bịnh, nghỉ hậu sản ăn lương cho người nhân công, mà phụ thuộc vào quyền lợi rất khác nhau tùy theo chính sách của mỗi hãng họ đang làm. Số liệu được Obama đưa ra là có đến 43 triệu người nhân công hiện nay hoàn toàn không có quyền lợi này và không được nhận lương nếu họ hay con cái bị bịnh, cần phải đi bác sĩ hay ở nhà chăm sóc. Ông đề nghị Quốc Hội sẽ thông qua dự luật, ông đề nghị cung cấp người lao động mỗi năm có đến bảy ngày bịnh được ăn lương.
Ông cũng nhấn mạnh rằng mức lương cao sẽ giúp cho các gia đình xoay sở cuộc sống dễ dàng hơn, Obama cho rằng trong năm 2015, Quốc hội vẫn cần thông qua sắc luật bảo đảm phụ nữ được trả lương như nam giới nếu cùng làm một công việc, và bảo đảm người lao động được hưởng tiền làm phụ trội. Nước Mỹ cần nền kinh tế tạo ra các việc làm được trả lương cao nên cần có kế hoạch hấp dẫn hơn để các công ty đưa công việc về lại Hoa Kỳ, chống lại việc Trung Cộng đang muốn tạo luật chơi riêng mình mà hưởng lợi. Ông cho biết hơn nửa cấp quản trị các công ty sản xuất đang nghiên cứu kế hoạch mang công việc từ Hoa Lục trở về lại Mỹ, chính phủ cần làm nhiều hơn để giúp điều này thành sự thật.
Tổng Thống có kế hoạch đệ trình lên Quốc Hội một dự luật đề nghị mở rộng chương trình giáo dục miễn phí cho đến hai năm đầu bậc đại học – nguồn youtube.com
Về giáo dục, Obama cũng cho biết, vào cuối thập niên này, cứ ba công việc thì có hai đòi hỏi có bằng cấp cao hơn. Trong khi đó, nước Mỹ vẫn có quá nhiều người có khả năng nhưng không đủ tiền đi học. Đó là điều không công bằng và không tốt cho tương lai quốc gia nên ông cũng có kế hoạch đệ trình lên Quốc Hội một dự luật đề nghị mở rộng chương trình giáo dục miễn phí cho đến hai năm đầu bậc đại học cho những ai muốn theo học các trường đại học cộng đồng hai năm, hoặc để lấy bằng chuyên môn hoặc làm nền tảng để kết thúc chương trình đại học bốn năm.
Về chính sách đối ngoại, Obama tin rằng sự lãnh đạo của Hoa Kỳ dựa vào sự kết hợp giữa sức mạnh quân sự và chính sách ngoại giao, cân bằng giữa quyền lực Hoa Kỳ với việc xây dựng thế liên minh trong việc chống khủng bố và các quyền lực đối kháng như Nga, Syria, sử dụng chính sách ngoại giao với Iran… Ông cho rằng nếu Hoa Kỳ cứ đưa ra các quyết định thiếu thận trọng, khi phản ứng đầu tiên để đáp trả mỗi thách thức nào đó là gởi quân đội đi, thì sẽ dễ dàng bị cuốn vòng các cuộc xung đột không cần thiết. Thay vào đó là một chiến lược an ninh to lớn nhắm vào việc phát triển một thế giới an bình và thịnh vượng. Trong vai trò Tổng Tư Lịnh, vấn đề của ông không phải là liệu Hoa Kỳ có dẫn dắt thế giới hay không mà là (dẫn dắt) như thế nào. Ông cũng giải thích thêm việc bình thường hóa quan hệ với Cuba nhằm giúp quốc gia này trở thành dân chủ và thân thiện hơn, bởi vì chính sách cấm vận Cuba trong 50 năm qua không tỏ ra hữu hiệu gì. Thông Điệp Liên Bang năm nay còn nhắc đến các chính sách về y tế, khoa học kỹ thuật, an ninh mạng internet, năng lượng, trợ giúp các cựu chiến binh, các giá trị nước Mỹ, kêu gọi sự phi đảng phái trong các chính sách có lợi cho quốc gia…, cùng nhiều vấn đề chung khác.
Tổng Thống đề nghị tăng thuế người có thu nhập cao – nguồn wilx.com
Việc hoài nghi, chế giễu hay phản bác Thông Điệp Liên Bang năm nay từ Đảng Cộng Hòa và những người ủng hộ Đảng Cộng Hòa xảy ra như điều tất nhiên, như đã từng xảy ra với các thông điệp hay dự luật mà chính quyền Obama đưa ra trong sáu năm qua. Một phần bởi vì thái độ đảng phái, cho rằng TT Obama đang vận động cho cuộc tranh cử tổng thống của những ứng viên đảng Dân Chủ trong mùa bầu cử tổng thống tới, những người có thể đi tiếp con đường thiết lập một nền kinh tế trung lưu cho người dân Mỹ nói chung. Nhưng phần quan trọng hơn, Đảng Cộng Hòa e ngại sẽ bị đặt vào thế khó xử trước các dự luật và quyền hành pháp mà Tổng Thống Obama đã và sẽ đưa ra trong hai năm cuối này, một khi họ phủ quyết những dự luật được cho là có lợi cho người dân, cho giới trẻ, cùng các vấn đề y tế, giáo dục… được phần lớn người dân quan tâm.
TT Obama hiểu điều này khi ông kêu gọi mọi người hãy cùng góp sức, nếu không phải những điểm bất đồng thì ít ra cũng ở những điều mà họ đồng ý với chương trình hành động của ông. Và hãy nhìn vào các số liệu thực tế để trả lời câu hỏi, liệu chăng người dân Mỹ đang đối diện một đời sống và nền kinh tế tồi tệ hơn so với khi TT Obama nhậm chức hồi sáu năm trước như một số tấn công đang nhắm vào ông, hay nước Mỹ đã bước qua một trang mới?
ĐYT