Menu Close

Chụp và xem chim (Kỳ 127)

Có thể một lần trong đời, bạn  chú ý thưởng thức hình ảnh chim chóc. Nhưng để thật sự thưởng thức hết cái đẹp của thể loại ảnh này, bạn cần biết một vài thông tin căn bản.

Có hai cách để bạn có thể xem hình chim đẹp: từ khía cạnh của một người xem hình, và từ khía cạnh của một người chụp hình. Hẳn nhiên, cả hai đều đòi hỏi đối tượng có một ít kiến thức về thế giới thiên nhiên, và một tay máy chụp chim thì phải thông thạo  hơn nhiều.

Cái đẹp tùy người đối diện

Trong nhiều thể loại nhiếp ảnh, đây có thể là mối quan hệ giữa tác giả ảnh và người xem, và đó là mối quan hệ hai chiều. Một người muốn nhận thấy cái đẹp/cái hay của tấm ảnh, cần có một ít kiến thức về chủ thể chính trong ảnh, đồng thời hiểu được dụng ý và cảm xúc của tác giả. Ngược lại, tác giả ảnh cũng nên nắm vững những yếu tố mỹ thuật khi trình bày tấm ảnh cho người xem. Nhưng khi nói về thể loại chụp chim thì mối quan hệ này phức tạp hơn nhiều.

Đối với một người bắt đầu xem hình chim, điều hấp dẫn nhất cho họ có lẽ là những màu sắc sặc sỡ trên lông chim. Kế tiếp là những đặc tính “lý lắc” của các loài chim, làm cho việc quan sát chúng rất thú vị.

Bạn muốn trở thành một nhiếp ảnh gia chụp chim?

Chụp chim cũng không khó.  Bạn chỉ cần nắm vững những căn bản về kỹ thuật, biết dùng bố cục trong ảnh, và học cách “rình” chim để chụp được những khoảnh khắc nói lên cá tánh và đặc điểm của từng loài. Trên toàn thế giới có rất nhiều loài chim – lên đến cả chục ngàn loài – nhưng riêng ở Bắc Mỹ “chỉ có” hơn 800 loài thôi. Muốn học về những loài chim này thì chắc cũng mất ít nhất vài năm.

Trong Lớp nhiếp ảnh VPAD do tôi phụ trách. Thật ngạc nhiên là ngày càng có thêm nhiều học viên mua ống kính tele và muốn đi sâu vào thể loại chụp chim. Một khi họ đã bắt đầu có trình độ nhiếp ảnh và biết tận dụng đồ nghề thì  càng mong muốn mở rộng thế giới nhiếp ảnh bằng những thể loại mới.  Và thể loại chụp chim có thể nói là một trong những thể loại thử thách trong nhiếp ảnh. Nếu bạn có thể chụp chim thành công thì bạn sẽ có thể “chụp bắt”  bất cứ thứ gì!  Dường như các hội “mê chim” của những tay máy mày râu ngày càng “bành trướng” rộng rãi hơn.

alt

“Anh hùng xạ điêu” của nhóm VPAD trong một chuyến field trip

Những thử thách của thể loại chụp chim

Trong thiên nhiên, loài chim hoang dã thường thì có kích thước nhỏ (có khi khoảng gang tay hoặc nhỏ hơn), và hiếm khi muốn người đến gần. Điều này có nghĩa người chụp ảnh cần phải có ống kính chuyên môn để chụp xa – tele. Ống kính càng chụp xa thì càng mắc tiền, những ống supertele thường lên đến mười mấy ngàn đô – gần bằng giá một chiếc xế hộp Honda! Khổ nỗi, ống kính càng lớn thì càng khó dùng, đòi hỏi rất nhiều luyện tập.

Và việc “rình” chim cũng là một thử thách vô cùng. Một khi nó đã bay đi rồi thì… bạn ước gì có cánh mà bay theo.  Có lắm khi để theo đuổi một con chim mà người chụp phải chịu đựng nhiều “đau khổ”: chịu nóng, chịu lạnh, chịu mỏi chân tay, chịu đau lưng, chịu bị kiến lửa/muỗi/bù mắt cắn, và có khi còn phải chịu… đói nữa!

Và những thử thách đó sẽ tạm thời biến mất khi bạn “chớp” được một khoảnh khắc độc đáo, tạo nên một tác phẩm ưng ý. Rồi tác phẩm “ưng ý” đó sẽ lôi cuốn bạn càng say mê vào thể loại… rượt và chụp chim.

Và cũng biết đâu, một ngày nào đó tác phẩm của bạn được chọn thắng giải nhiếp ảnh thiên nhiên quốc tế. Thật không gì bằng. Như tôi đã từng “mơ”, và đạt được mơ ước của mình

alt

Vài “anh hùng xạ điêu” của nhóm VPAD đang thực tập tại một hồ địa phương.

AN