Menu Close

Chim hải nga

Eduardo Galeano (1940~) là một trong vài nhà văn Uruguay nổi tiếng nhất hiện nay. Ông còn là nhà phê bình, sử gia và ký giả. Những tác phẩm đặc sắc của ông, như Memoria del fuego [1982-1986, Ký ức của lửa] và Las venas abiertas de América Latina [1971, Những mạch máu mở của Mỹ La-tinh], đã được dịch ra hơn 20 ngoại ngữ. Nhiều tác phẩm của Galeano hầu như vượt khỏi lối phân định thể loại văn học thông thường, vì đó là một kết hợp của ký sự, hư cấu, bình luận chính trị, tài liệu báo chí và lịch sử.

14 tuổi, Galeano bán bức biếm họa chính trị đầu tay cho tuần báo El Sol. 16 tuổi, ông xuất bản bài tiểu luận đầu tay, rồi bỏ học, và bắt đầu làm nhiều việc khác nhau để mưu sinh. 20 tuổi, ông trở thành ký giả, rồi làm tổng biên tập cho tờ Marcha , một tuần báo gây ảnh hưởng lớn về văn hoá và chính trị, với sự cộng tác của những tên tuổi quan trọng như Mario Vargas Llosa, Mario Benedetti, Manuel Maldonado Denis và Roberto Fernández Retamar. Rồi ông biên tập cho nhật báo Épocha và làm tổng biên tập của University Press (1965-1973). Cuốn Las venas abiertas de América Latina [1971, Những mạch máu mở của Mỹ La-tinh] làm Galeano trở thành một trong những tác giả được đọc nhiều nhất ở Mỹ La-tinh. Sau vụ đảo chính năm 1973, ông bị bỏ tù và trục xuất khỏi Uruguay.
Sang Argentina, ông thành lập và làm tổng biên tập tạp chí văn hoá Crisis.
 

alt 

Ba đoản văn dưới đây nằm trong cuốn Bocas del tiempo [Miệng thời gian], xuất bản lần đầu năm 2004 tại Buenos Aires, với phần minh họa do Alfredo Mires Ortiz sưu tầm từ hoa văn dân gian ở Cajamarca, Peru.

Chim hải nga [*]

Nó sống trong gió. Không ngừng bay, ngủ trong khi bay.

Ngọn gió không khiến nó hụt hơi hay kiệt sức. Nó sống lâu; ở tuổi sáu mươi, nó vẫn còn bay vòng quanh và vòng quanh trái đất.

Ngọn gió báo trước cho nó những cơn bão và đưa nó vào hải ngạn. Nó không bao giờ đánh mất hay quên nơi sinh của nó; nhưng cả đất và biển đều không thuộc về nó. Trên mặt đất, nó đi lạch bạch với đôi chân ngắn ngủn, và trên mặt nước chẳng mấy chốc nó cảm thấy nhàm chán.

Khi ngọn gió đi vắng, nó chờ đợi. Đôi khi ngọn gió trễ nải, nhưng bao giờ ngọn gió cũng trở về: tìm kiếm nó, kêu gọi nó, và mang nó lên cao. Và nó nương theo, bay bổng, với đôi cánh khổng lồ lướt đi giữa không gian.

Lộ trình của kiến

Những con kiến sa mạc từ hang sâu trồi lên và bò trên cát.

Chúng đi lang thang tìm thức ăn và càng đi chúng càng rời xa tổ.

Thật lâu sau đó, chúng trở về từ tít tắp, vất vả mang theo những thức ăn mà chúng đã tìm thấy ở những nơi hoang vắng.

Sa mạc trêu chọc chúng bằng những tấm bản đồ biến ảo. Cát, bị gió cuốn, không bao giờ nằm yên. Ở chốn mông mênh nóng bỏng ấy, ai cũng có thể lạc đường. Nhưng những con kiến luôn luôn về tổ bằng con đường ngắn nhất. Chúng diễn hành thành một hàng dài, không hề phân vân, và đi thẳng về nơi chúng đã ra đi. Rồi chúng đào xuống cát cho đến khi tìm thấy cái hang bé xíu dẫn về tổ. Không bao giờ chúng đi nhầm đường, không bao giờ chúng chui vào hang của bầy khác.

Không ai hiểu nổi làm sao mà những bộ óc nhỏ bé của chúng, nhẹ hơn một milligram, lại có thể biết nhiều đến thế.
 

Cuộc du hành của cá hồi

Chẳng mấy chốc sau khi sinh ra, cá hồi rời bỏ dòng sông và đi ra biển cả.

Chúng sống cả đời trong những hải lưu xa xôi cho đến ngày chúng bắt đầu chuyến hồi hương gian nan.

Từ biển, chúng trở về sông. Được dẫn dắt bởi một chiếc la bàn bí ẩn, chúng bơi ngược dòng, không ngừng nghỉ, nhảy qua những thác nước và những ghềnh đá. Sau bao nhiêu dặm dài, chúng về đến nơi chúng đã ra đời.

Cá hồi trở về để đẻ và chết.

Trong nước biển mặn, chúng đã trưởng thành và đổi màu. Bây giờ chúng là những con cá to lớn và không còn mang màu hồng nhạt nữa, mà mang màu đỏ cam, màu xanh bạc hay màu đen ửng sắc xanh lá cây.

Thời gian đã trôi qua, và cá hồi không còn như chính chúng ngày xưa. Sinh quán của chúng cũng đã đổi thay. Những dòng nước trong vắt của chốn khởi sinh và mệnh chung đã trở nên đục ngầu đến nỗi không thể nhận ra những viên cuội và những tảng đá dưới đáy nước. Nhưng suốt hàng triệu năm qua, chúng vẫn tin rằng chúng có thể trở về, và những cuộc du hành khứ hồi ấy không phải là một điều dối trá.

[*]El albatros: Một loại chim giống như hải âu nhưng to hơn nhiều và có đôi cánh rất dài, có khả năng bay rất xa, băng qua đại dương; trong tiếng Việt có khi gọi là chim hải âu lớn, hay chim hải nga; trong tiếng Trung Hoa có khi gọi là “tín thiên ông” (信天翁), “hải nga” (海鹅), hay “bố đại nga” (布袋鹅).

EG
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn
Dịch từ nguyên tác tiếng Tây-ban-nha, “El albatros”, “Itinerario de las hormigas”, và “La ruta de los salmones”, trong Eduardo Galeano, Bocas del tiempo (Buenos Aires: Siglo XXI Editores S.A., 2004), 202, 220-221.
Trích từ nguồn website tienve.org