Menu Close

Phỏng vấn Đỗ Lê Anh Đào – Kỳ 2

Việt Nam, không chỉ là một cuộc chiến

Trần Vũ: Rời Việt Nam trong tuổi vị thành niên, có bao giờ Đỗ Lê Anh Đào quay nhìn lại quá khứ, về vùng đất cô đã sinh ra với tất cả văn hoá Á Đông mà hôm nay trên đất Mỹ mỗi ngày một xa mờ dần. Với cô, nền giáo dục truyền thống Việt Nam mang những khuyết điểm nào? Cô chấp nhận hay chống đối, hoặc không quan tâm đến Khổng giáo mà thời sự lúc này đang rộ lên câu chuyện viện Khổng Tử?

Đỗ Lê Anh Đào: Tôi thường suy nghĩ nhiều về quá khứ, của mình nói riêng và của nhân loại nói chung. Đó là vì tôi quan điểm rằng chỉ có quá khứ là chắc chắn, là có thể thăm dò được mà không phải lo sợ nó sẽ thay đổi bất thường. Tôi phải hiểu được quá khứ trước mới có thể biết rõ hiện tại và không phung phí tương lai. Tôi vô cùng thiết tha với vùng đất mẹ cha và tất cả văn hóa Á Đông, tại vì tôi quan tâm rất nhiều đến ý thức bản sắc của mình, nhất là khi đang sống ở Hoa Kỳ, một nơi được gọi là ‘cultural melting pot’, xin tạm dịch là ‘nồi trộn văn hóa’. Ở xã hội này, khi bạn bè thân của tôi đủ mọi màu da, văn hoá, một sự thật vừa là điều tốt và xấu. Chúng tôi, và mọi thành viên trong xã hội này không ngừng học hỏi từ văn hóa và nguồn gốc của nhau, và cũng không ngừng bất đồng quan điểm vì tất cả đều khác nhau. Mỗi ngày là một câu hỏi chính trị bản sắc khác nhau, thế nào là đặc quyền da trắng (white privilege), làm sao thấu hiểu Tháng Hai lịch sử người Mỹ gốc Phi black history month, v.v.. Khó mà tôi không luôn luôn tìm hiểu và xác định những ý thức cá nhân, nhận dạng mình là ai và đến từ đâu.

Theo tôi, là một người thích được học từ kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng ưu điểm lớn nhất của nền giáo dục truyền thống Việt Nam cũng là khuyết điểm lớn nhất của nó. Giáo dục Việt Nam dạy sự kính trọng rất cao cho tất cả những gì là truyền thống. Tuy điều này nếu lúc đầu thường xây dựng được nền tảng cho một hệ thống giáo dục ngăn nắp, nó cũng có khuynh hướng bị sử dụng bừa bãi, tạo ra những học trò không có suy nghĩ tự lập và không biết nghi ngờ thẩm quyền. Đối với Khổng giáo, cũng giống như những tôn giáo và triết học khác, tôi chỉ chấp nhận một số triết lý. Tôi tin vào lòng nhân từ, tính lương thiện, lòng trung thành, sự công bằng, những điều được coi trọng trong Khổng giáo. Nhưng có lẽ vì trưởng thành ở Mỹ, được tiếp nhận giáo dục Mỹ đặt cá nhân lên trước hết rồi mới đến gia đình và tổ quốc, tôi không hoàn toàn tin tưởng vào hệ thống cấp bậc của xã hội, gia đình, giới phái mà Khổng giáo đề ra. Điều chắc chắn là Tôi Là Feminist, tranh đấu cho bình đẳng nam nữ, không cho phép triết Nam nhất – Nữ nhì. Và là một người sống với nhiệt tình, tôi không nhất thiết luôn luôn tin vào sự kháng cự thụ động. Nói chung, tôi không phải là một người ‘hiền’.
 

alt

Trần Vũ: Tại sao am tường Anh văn, hơn cả tiếng mẹ đẻ, mà cô lại tìm đến văn chương Việt Nam, chọn các tập san Việt Nam để công bố những suy nghĩ nội tâm bằng tiếng Việt của mình?

Đỗ Lê Anh Đào: Tuy đúng, nhưng tôi rất ít khi nhận là mình am tường Anh văn hơn Việt văn (cười). Nhưng sự thật là vậy, thậm chí dòng suy nghĩ của tôi thường là Anh ngữ. Văn chương Việt Nam là một quá trình học hỏi,một đầu tư tinh thần. Tôi ham muốn tìm tòi văn chương Việt Nam từ nhỏ, và coi nó như là người tình chung thủy duy nhất của mình. Tình yêu này đẹp và tinh khiết, không đòi hỏi đáp trả và kết quả. Có thể tôi sẽ không bao giờ trở thành một nhà văn viết Việt ngữ thành công và nổi tiếng theo ý nghĩa thương mại của nó. Sáng tác của tôi sẽ không tới hàng triệu người đọc hay chỉ vài ngàn người. Nhưng tôi sẽ không bao giờ bỏ sáng tác. Tôi là người rất chung tình. Vả lại, tôi là người Việt (không phải người Mỹ gốc Việt), học nói tiếng Việt trước tiên, nên lòng kiên nhẫn của tôi với văn chương Việt Nam bao la hơn với văn chương Mỹ. Mục đích của tôi là tìm được sự cân bằng, mà không phải dung hòa cả hai.
Còn sự chọn lựa Hợp Lưu là một sự tình cờ may mắn, hay là định mệnh nếu bạn tin vào những điều đó. Ở ban biên tập Hợp Lưu tôi tìm thấy một môi trường ấm cúng, những người bạn và mentors đầy lòng tin và ủng hộ. Ngoài sự nhận xét cá nhân, tôi chia sẻ và tôn trọng tư cách làm việc nghiêm túc, thái độ chào mừng những điều mới mẻ và cấp tiến của tập san này.
 

Trần Vũ: Thử thách nào dành cho một di dân trẻ Việt Nam, am tường ngoại ngữ muốn bước chân vào và khẳng định vị trí của mình trong dòng văn chương Hoa Kỳ?

Đỗ Lê Anh Đào: Có lẽ đa số những nhà văn di dân trẻ đều đồng ý với tôi khi tôi phát biểu như sau: Đối với các nhà văn di dân, thử thách chính nằm trong đòi hỏi mainstream của người đọc Hoa Kỳ khi luôn trông chờ những câu chuyện di dân, những tiểu sử tị nạn, những mảnh đời tị nạn. Tất nhiên đây cũng là những đề tài mà đa số những người viết với thân phận di dân đều chọn viết trước tiên và nhiều nhất, vì tính cách của nó cấp bách hơn trong việc xác định căn cước cá nhân. Hãy thử nhìn những tác phẩm mới của vài nhà văn di dân gốc Việt trổi bật trong vòng vài năm qua như The gangster we are all looking for của Lê Thị Diễm Thúy hay We Should Never Meet của Aimée Phan. Tôi không phản đối điều này và không nghĩ nó là điều xấu. Tôi cũng thường xuyên chọn đề tài này trước nhất. Nhưng tôi cảm thấy bị ràng buộc khi nhu cầu này trở thành duy nhất. Tôi cảm thấy buồn khi biết rằng một độc giả Hoa Kỳ sẽ nhìn những tên tác giả gốc Việt trong tiệm sách và chỉ mong chờ một câu chuyện người tị nạn nói ít nhiều về chiến tranh Việt Nam. Như Lê Thị Diễm Thúy đã nói trong bài thơ shrapnel shards on blue water của cô mà tôi xin tạm dịch: Hãy cho người ta biết VIỆT NAM KHÔNG CHỈ LÀ MỘT CUỘC CHIẾN.
Tôi tin chắc rằng Lê Thị Diễm Thúy không chỉ là một cô gái tị nạn. Tôi biết rõ, tôi không chỉ là một người tị nạn.
 

Trần Vũ: Ở vị trí một người làm thơ ngoài nước, cô nghĩ gì về thơ trong nước?

Đỗ Lê Anh Đào: Tôi nghĩ rằng mình có trách nhiệm phải quan tâm đến thơ trong nước. Nếu như tôi làm hoạt động viên để phát triển One Mic cho nó dẹp bỏ những ngăn cách thế hệ và văn hoá (generation and culture gaps) tại Mỹ. Tôi cũng tin vào tìm hiểu thơ Việt Nam để dẹp bỏ ngăn cách chế độ và chính trị. Cùng là một ngôn ngữ, một phong cách sáng tác thì mình phải nên hiểu biết và nâng đỡ lẫn nhau. Theo tôi nghĩ thì những nhà văn thơ trong nước và ngoài nước đều cần nhau. Nếu nói như nhà văn Phùng Nguyễn là ngôn ngữ có thay đổi vì tiến hóa language evolves, nhà văn/ nhà thơ ngoài nước CẦN trong nước để theo dõi Việt văn đã tiến hoá như thế nào trong vòng ba mươi năm qua. Còn nếu nói như nhà văn Đỗ Hoàng Diệu là những tập san ngoài nước vẫn sẵn lòng chào đón những tác giả bên trong, thì rõ ràng là những tác giả này cần hiểu biết những tác giả ngoài nước nếu họ muốn đăng sáng tác của họ ở những tập san có thái độ tự do hơn và muốn biết sáng tác của mình đang đăng chung với ai.
Tôi không nghĩ hai lý do trên là hai lý do duy nhất. Tôi nghĩ rằng công việc đã đang được làm và có nhiều triển vọng. Chẳng hạn như trên các tập san Hợp Lưu, Thơ, Văn Học mỗi kỳ chẳng thiếu gì những tên tuổi từ trong nước. Và một quan sát cá nhân khác là những liên lạc của tôi với những tác giả trong nước đều cho thấy họ cũng quan tâm nhiều về ngoài nước. Tạp chí Nhà sẽ đăng vào số tháng 3 một bài viết về phong trào thơ Mở Miệng ở Việt Nam. Trên Tiền Vệ gần đây, Lý Đợi đã phổng vấn Đỗ Kh. Riêng tôi, vẫn thường cười vui khi thấy những tên Nguyễn Hữu Hồng Minh, Vy Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Bùi Chát, Lý Đợi, Phan Bá Thọ, Lynh Baccardi, v.v..
 

alt

Trần Vũ: Còn về văn xuôi Việt Nam?

Đỗ Lê Anh Đào: Trước nhất, tôi luôn luôn là một người có thái độ lạc quan. Và tôi chỉ có một câu trả lời rất ngắn cho câu hỏi này. Tôi đang chờ đợi và vẫn tiếp tục hy vọng: cho những nhà văn ngoài nước vượt ra khỏi nghiệp viết văn cuối tuần tay trái của mình để có thể khẳng định tài năng bằng tiểu thuyết chứ không phải chỉ truyện ngắn hoặc truyện thật ngắn, cực ngắn, ngăn ngắn… và những nhà văn trong nước vượt ra khỏi những giới hạn chế độ và kiểm duyệt xuất bản để tìm được sự tự do trong sáng tác.
 

Trần Vũ: Cám ơn Đỗ Lê Anh Đào đã nhận trả lời phổng vấn. Tôi muốn ghi lại đây một lần nữa: đoạn văn trong truyện ngắn đầu tay Như Tâm Thần Hoang Tưởng của Anh Đào đã gây cho tôi nhiều chú ý, khi cô vừa xuất hiện.

“Hơi thuốc lá làm người tôi nóng ran: Một lý do.

Nỗi bồn chồn sáng tác làm người tôi rạo rực: Hai lý do.

Căn phòng nhỏ dần, cảm giác tuyệt cùng làm tôi ham muốn như kẻ ghiền thuốc phiện: Ba lý do.

Cơn ghiền những điều có khả năng giết chết mình đã trở thành thói quen. Nó trở về đột ngột. Tôi trở thành đứa con gái mười bốn tuổi của năm xưa. Không có sức chống đỡ. Ngày đó tôi không có vũ khí thể xác. Ngày này tôi không có vũ khí tinh thần.

Tôi bắt điện thoại. Gọi anh.

Anh bắt điện thoại. Anh biết tôi gọi.

“Văn ơi, em viết không ra.” Thương anh, nhưng tôi ích kỷ, không hỏi thăm.

“Em viết không ra vì em suy nghĩ không được,” anh trả lời ngắn gọn. Anh chưa từng bao giờ cần sự quan tâm, của tôi hay bất kể ai khác. “Em suy nghĩ không được vì cơ thể em đang bị trói buộc,” anh tiếp theo sành sỏi. Không ai hiểu rõ tôi bằng anh.

“Em muốn anh,” tôi dâng nộp nhanh chóng.

“Em không muốn anh, em cần anh,” anh quả quyết, chưa bằng lòng với thái độ van xin của tôi.

“Vâng vâng, em cần anh. Anh muốn gì cũng được. Em cũng chịu.” Tôi bắt đầu khó chịu. Những hình ảnh nhơ nhớp bắt đầu tràn về, xâm lấn vào từ những đầu ngón tay, ngón chân, những cánh dơi đêm đập sàn sạt dưới da, không hoàn toàn lén lút, mà cũng không hẳn công khai. Tôi lại nghe tiếng phòng mẹ mở cửa, tiếng chân cha ghẻ rõ dần. Tôi nghe tiếng không gian loãng ra, khí đêm lạt đi, để một mình thân thể tôi bắt đầu cô đọng lại. Những mạch máu trong gân không chạy được, đặc quánh. Lá phổi căng phồng. Buồng tim trương phình. Thể xác tôi đang hấp hối. Linh hồn tôi chuẩn bị bay lên cao.

”Em xin anh, đến với em, nói em nghe.” Tôi cuống cuồng lo sợ. Những cái chết vị thành niên oan uổng không chấm dứt. Ám ảnh từ ngày gặp anh. Mùi đàn ông trên người anh vừa quen vừa lạ. Lần đầu xốc vào mũi bất ngờ lúc anh đè hôn, tôi nghe mình ngớ ngẩn. Tuổi thơ như kẻ đã đi xa trở về. Làm tôi lẫn lộn, rối rắm, yêu anh, hận anh.

Yêu anh. “Em yêu anh,” thật tôi yêu anh kinh khủng bây giờ. Thèm hơi anh nồng nặc phà vào miệng, tấn công, chiếm đoạt; thèm người anh nặng đè lên tôi, ngã ngửa, dang ngang; thèm tay anh bóp chặt cổ, ngột ngạt, tổn thương. Chúa ơi, đừng tha tội con, hãy quên linh hồn con, cho nó bay chờn vờn, ngắm nhìn thể xác con được dục tình ép chết.

“Văn ơi, nói lời ấy, nói ngay lập tức cho em nghe, where is he? Bring him back, bring him back now!” Tôi hét thất thanh, tuyệt vọng.

(………….)

Anh yêu Loan, anh làm Loan sung sướng, thoả mãn. Cứ tiếp tục, đừng ngừng lại.” Giọng anh càng lúc càng khuyến khích, giục giã, thúc đẩy. Tiếng anh trên ống nghe thở hổn hển, đứt khúc. Linh hồn tôi càng bay lên cao, thể xác tôi càng cố theo đuổi. Rượt nhau có khi nhẹ nhàng, khi hùng hục, khi chầm chập, khi ráo riết.

Khi chúng bắt được nhau, như mây gặp gió. Luật định vật lý khiến khối thể vỡ tan, nổ tung. Mưa đổ ào ạt, ràn rụa, ứa trào.”  [trích Như Tâm Thần Hoang Tưởng, truyện ngắn của Đỗ Lê Anh Đào]

TV thực hiện qua điện thư