Menu Close

Thuốc dân gian

Trước khi trả lời câu hỏi của một độc giả về việc người tuổi cao dùng “thuốc dân gian”, chúng tôi xin mời quý vị đọc bài viết sau đây có liên quan tới sức khỏe:

 


Những hành động bác ái

Vào tháng 7 năm 2012, tại bệnh viện Presbyterian-Columbia University Medical Center – Nữu Ước, một phụ nữ độc thân 38 tuổi, bà Honica Brittman ở North Carolina, đã khởi sự một chuỗi tặng thận khá ngoạn mục và đáng khen ngợi: bà đã quyết định tặng một trái thận của mình cho một người không quen biết, ông Adam Alberthy.

Xúc động, người yêu đồng tính của Adam  hiến một trái thận của mình cho một nhà kinh doanh xa lạ ở New York.

 Để cảm ơn cứu giúp cha mình, con của doanh nhân tại New York tặng một  thận của mình cho chàng  thanh niên gốc Haiti 23 tuổi đang bị thận suy đợi nhiều năm mà chưa được ghép.

Đến lượt bố của thanh niên này nhập cuộc, tặng một thận cho một nhà giáo đã về hưu tại New Jersey.

Trong dây chuyền này, ngoài hành động cao quý của bà Brittman, phải nói tới sự sẵn sàng hợp tác của người tình đồng tính của ông Alberthy. Ông này có thể tặng trực tiếp cho người yêu của mình vì ông thuộc nhóm có thể hiến thận cho bất cứ ai, nhưng ông lại đồng ý tham gia dây chuyền, tặng thận cho doanh nhân New York, thể theo gợi ý của các bác sĩ.

Sáng kiến tặng thận dây chuyền như vậy đang được phổ biến rộng rãi và số người tham dự ngày một gia tăng. Hiện nay tại Hoa Kỳ có khoảng trên 90,000 người trong sanh sách những bệnh nhân chờ đợi để được ghép thận.

Cũng vào thời gian đó, một vụ hiến bộ phận khác tại vùng xa xôi ở Nội Mông Cổ cũng được nhiều người tán thưởng.

Bé gái 2 tuổi Xiwang,  con một gia đình nông dân, bị bệnh liệt não do thiếu dưỡng khí ở giai đoạn cuối. Sau một thời gian dài chữa chạy, tốn nhiều tiền của mà không cứu chữa được, gia đình cháu quyết định hiến bộ phận của con mình để cứu sống hai trẻ em khác đang cần. Cha cháu bé nói là không muốn thân xác con mình với các bộ phận còn tốt tận cùng bằng tro bụi trong lòng đất trong khi nhiều cháu khác cần bộ phận để được cứu sống.

Thật là những hành động mang nhiều tình bác ái nhân đạo vị tha trong việc trị bệnh.

Tại Hoa Kỳ hiện nay có 116,647 người đợi ghép bộ phận và mỗi ngày khoảng 20 người đành vĩnh biệt cuộc sống vì không có người cho.

Thường thường cứ một người hiến bộ phận có thể cứu sống được tám người. Bộ phận có thể cho là tim, phổi, thận, gan, tụy tạng, tủy, da, giác mạc, ruột…

Cổ nhân mình thường nói:

“Dẫu xây chín bực phù đồ
Không bằng làm phúc, cứu cho một người”

Đằng này làm phúc hiến bộ phận cứu được những 8 người cũng là việc nên làm vậy, có phải không thưa quý vị độc giả.

Cũng xin nhắc lại là việc tặng ghép Bộ Phận Cơ Thể được thực hiện lần đầu tiên tại Hoa Kỳ ngày 23 tháng 12 năm 1954 khi một trái thận của người anh, Ronald Herrick, tặng cho người em song sinh của mình, Richard Herrick. Phẫu thuật do bác sĩ Joseph E. Murray thực hiện thành công tại bệnh viện Peter Bent Brigham, thành phố Boston. Người nhận sống thêm được 8 năm với mọi sinh hoạt bình thường và ra đi vì một căn bệnh không liên quan tới thận. Người tặng tiếp tục cuộc sống khỏe mạnh với nghề dạy học cho tới khi đủ tuổi về hưu.

Bây giờ xin trả lời câu hỏi như sau của một độc giả.

Những người lớn tuổi hay thích uống thuốc kiểu dân gian truyền miệng như nhai 49 hạt đậu đen, ngậm dầu mè… chưa có bằng chứng khoa học.

Uống như thế có thực sự chữa được bệnh không? Có gây tác hại gì không? Nếu có hại thì nên làm thế nào để tránh cho người lớn tuổi uống các loại “thuốc” kiểu đó?

Đáp

Câu hỏi này cũng liên quan tới sức khỏe khi dùng các phương tiện có tính cách dân gian để trị bệnh. Vì cổ nhân ta thường nói: “Có bệnh thì vái tứ phương”.

Đây là tâm lý chung cũng như bản năng sinh tồn của mọi người khi chẳng may bị bệnh, nhất là vào thời kỳ cả trăm cả ngàn năm về trước khi mà phương tiện chữa trị còn sơ sài, thiếu kém. Con người phải tự tìm ra cách làm giảm bệnh hoạn qua những thứ sẵn có trong tầm tay như cây con thiên nhiên hoặc cúng bái thần linh, trời đất. Vì với họ, bệnh tật đôi khi là do sức mạnh vô hình gây ra, để trừng phạt, báo thù. May mắn thì các cụ kiếm được món “ thuốc” giảm bệnh rồi truyền khẩu cho bà con xóm làng. Một số người áp dụng, thấy tốt rồi nhiều người dùng theo. Sau cùng có khi cả bộ lạc, dân tộc đều dùng. Phương thức trở thành y học dân gian truyền miệng hiện nay vẫn còn được dùng tại hầu hết các quốc gia song hành với nền y khoa học thực nghiệm, hiện đại..

Mặc dù gọi là kinh nghiệm dân gian, không có căn bản khoa học thực nghiệm nhưng một số phương thức này cũng được các vị danh y lý luận giải thích và điều chỉnh theo căn bản y lý Đông phương.

Tuy nhiên, bệnh tật thời nay cũng có phần khác với bệnh tật thuở xa xưa. Nguyên nhân gây bệnh bây giờ nhiều gấp bội trước đây. Tác nhân gây bệnh cũng độc hại vô chừng. Trước đây đâu có những siêu vi HIV-AIDS gây ra cả nhiều chục triệu tử vong, những SARS, cúm gà cúm heo, những bệnh lở mồm long móng gây hoang mang sợ hãi cho quần chúng khắp nơi trên thế giới. Cũng làm gì có cả ngàn hóa chất gây ung thư phổi được cho thêm trong thuốc lá, trong nhiều thực phẩm biến chế, cấy ghép, những hậu quả khí thải, chất độc do sự bất cẩn, thủ lợi của công kỹ nghệ.

Ưu tiên áp dụng  một cách “vô tư” các phương thức y học phổ thông đối với các bệnh hiểm nghèo này, e rằng  cũng không thực tế, đôi khi bất lợi.

Trong tầm tay, chúng ta có những phương thức hữu hiệu, đã được khoa học kiểm chứng, xác định. Âu dược đã được đặc biệt sản xuất để nhắm đúng mục tiêu nhất định nên có tính cách chuyên biệt, do vậy công hiệu có thể trông thấy sau thời gian ngắn điều trị. Tất nhiên là các phương thức này không 100% toàn hảo. Chúng cũng có phản ứng phụ ngoài ý muốn, hậu quả không tốt nhưng thường thì đã được biết trước và có thể giảm thiểu.

Cho nên, với các bệnh hiểm nghèo gây ra do nguyên nhân biết rõ, dùng các trị liệu do kinh nghiệm như một phụ thêm cho phương thức chính có lẽ là thái độ khôn ngoan hơn. Và nếu có dùng thì cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ để coi có tương tác giữa hai phương thức, đưa tới hậu quả xấu, để tránh “tiền mất, tật mang”.

NYD