Màn hình CRT
CRT (viết tắt của cathode-ray tube) là kỹ thuật màn hình TV và monitor của máy tính, dùng trong một thời gian dài cả trăm năm trước đây. Màn hình CRT hoạt động bằng cách di chuyển một luồng electron tới lui phía sau màn hình. Mỗi khi luồng sáng chạy ngang qua màn hình, nó làm sáng lên các điểm huỳnh quang phía bên trong chiếc đèn ống, do đó làm sáng lên phần hoạt động của màn hình. Vẽ nhiều đường như thế từ đỉnh xuống đến phía đáy màn hình, nó tạo ra hình ảnh.
Màn hình CRT cồng kềnh, hao tốn điện nên hiện nay rất ít còn được sử dụng.
Màn hình LCD
Màn hình LCD (Liquid Crystal Display, màn ảnh tinh thể lỏng) cấu tạo do hai lớp chất liệu trong gắn với nhau. Một lớp được bao bởi một loại polymer đặc biệt nhằm giữ tinh thể lỏng trong suốt (liquid crystal). Dòng điện khi đó được truyền qua chất lỏng và tạo nên hình ảnh. Hình ảnh được tạo ra bởi sự chiếu sáng lên tấm tinh thể lỏng của đèn huỳnh quang gắn phía sau.
LCD có ưu điểm là phẳng, cho hình ảnh sáng, chân thật và tiết kiệm năng lượng.
Màn hình Tivi LED
Tivi LED (viết tắt của Light-Emitting Diodes, diode phát quang) thực chất chỉ là Tivi LCD sử dụng đèn LED để phản chiếu hình ảnh thay cho đèn huỳnh quang.
So với LCD, LED ít tốn điện hơn 30%, độ sáng hơn 40%, mức độ tương phản tốt hơn, dải màu rộng, đồng thời khả năng tản nhiệt tốt giúp tivi dùng bền hơn.
Theo cách bố trí hệ thống đèn nền, Tivi LED có 2 loại:
– TV LED nền trực tiếp (LED Backlit) sử dụng hệ thống đèn nền LED tự động tắt và mở theo từng vùng khác nhau. Vì giá thành khá đắt và kiểu dáng còn dày không sang trọng, loại này không còn được sản xuất nữa.
– TV LED viền (LED Edgelit) là loại phổ biến nhất hiện nay với các đèn LED chạy dọc theo các cạnh của màn hình, bắn về phía trung tâm.
Màn hình TV OLED
OLED là từ viết tắt của Organic Light-Emiting Diodes tức là các diode hữu cơ phát quang. Trong khi LCD cần đèn nền huỳnh quang lạnh và Plasma cần đèn tử ngoại đốt cháy phốt pho để tạo ra các màu sắc cơ bản, thì các điểm ảnh của OLED có thể tự phát sáng khi dòng điện đi qua.
Với cấu trúc tự phát sáng không cần đèn nền, Tivi OLED mỏng hơn, nhẹ hơn, tiết kiệm điện năng hơn, toả nhiệt không đáng kể và đặc biệt mỗi điểm ảnh đều có thể phát sáng hoặc không, giúp cho việc thể hiện màu đen đạt đến độ hoàn hảo và nhờ vậy độ tương phản của màn hình cực cao. Có góc nhìn rộng hơn nhiều, nhưng khá đắt đỏ.
Tuy đắt nhưng TV OLED được dự đoán một sau vài năm nữa sẽ vượt qua màn hình LED (hiện chiếm 98% thị trường).
Màn hình AMOLED
AMOLED là chữ viết tắt của Active Matrix Organic Light Emitting Diode có nghĩa là kỹ thuật màn hình phát quang hữu cơ ma trận động. Samsung là nhà sản xuất và cũng là công ty sáng tạo ra kỹ thuật màn hình này, hiện dùng trong các điện thoại, máy tính bảng của Samsung.
Màn hình AMOLED được cấu tạo từ những điểm ảnh sắp xếp theo cấu trúc ma trận Pentile (tên do Samsung đặt), các điểm ảnh được điều khiển bởi dòng điện cho phép chúng tự phát sáng.
Ưu điểm: Màu sắc hiển thị rực rỡ, đẹp mắt, độ sáng và độ tương phản rất cao, màu đen được thể hiện rất đậm và sâu. Tiết kiệm điện hơn, có kích thước mỏng gọn hơn so với các loại màn hình khác, thích hợp để tạo nên những thiết bị di động cực mỏng.
Tivi Plasma
Tivi Plasma hoạt động bằng cách cho dòng điện chạy qua một ô plasma chứa hỗn hợp khí trơ (thường là neon và xenon), kích thích chúng phát ra ánh sáng tia cực tím, không thể thấy được bằng mắt thường. Khi ánh sáng tia cực tím đi qua một lớp phủ phốt pho làm cho phốt pho phát sáng màu đỏ, xanh lá cây hoặc màu xanh dương, tạo nên một điểm ảnh trên màn hình.
Màu sắc rực rỡ hơn tivi LED và LCD, góc nhìn rộng, nhưng có nhiều nhược điểm: tốn điện, dễ nóng, dày, tốn diện tích, nặng hơn so với tivi cùng kích thước, hình ảnh không tốt khi coi trong phòng đầy đủ ánh sáng, lại còn bị hiện tượng burn-in: một hình tĩnh trong 30 phút sẽ lưu lại ở dạng vệt mờ sau đó vài ngày hoặc có khi cả tháng
Cũng vì các nhược điểm này mà các hãng sản xuất đã quyết định ngừng hoàn toàn kinh doanh tivi Plasma.