Việc hình thành nhân cách của trẻ con bắt đầu từ trong gia đình. Khá lâu trước khi bạn nghĩ đến việc dạy cho con những nguyên tắc căn bản về phép ứng xử lịch sự thì con của bạn đã học được và nhiễm nhiều điều bằng cách quan sát và lắng nghe cách nói chuyện cũng như cách xử sự của bạn đối với mọi người chung quanh. Có thể nói cha/mẹ là những tấm gương cho trẻ trong suốt thời gian các em lớn khôn. Và xã hội trông cậy rất nhiều ở những bậc cha mẹ trong việc đào tạo thế hệ tương lai.

Sau đây là vài nguyên tắc cơ bản chính bà Sue Fox áp dụng trong sự rèn luyện con cái thành người tử tế, lịch sự. Bà yêu cầu các bậc cha mẹ chép ra giấy đem dán lên tủ lạnh.
– Nhờ con cái làm việc gì cũng phải dùng lời nhã nhặn (Con lấy giùm ba cái kéo… Con giúp mẹ bày bàn ăn nghe con…). Và khi trẻ làm xong, nhớ nói lời cảm ơn.
– Phải thận trọng trong lời nói, việc làm, đừng để trẻ nhiễm những thói xấu của bạn.
– Cẩn thận dùng lời khi nói điện thoại.
– Giữ phòng mình cho sạch sẽ, ngăn nắp.
– Không xả rác, dù bất cứ ở đâu.
– Phải tự mình rửa những ly tách, chén bát dơ sau khi dùng.

– Cùng với những người trong nhà làm công việc vặt hàng ngày.
– Phải biết lắng nghe khi con nói.

– Làm gương cho con cái khi ngồi ở bàn ăn.
– Tắt TV khi ăn hoặc nhà có khách.
– Đồng ý hoặc không đồng ý với con cái trong bất cứ điều gì cũng nên nói năng nhã nhặn.
– Không thét mắng con cái. Trường hợp có quở phạt trẻ cũng phải từ tốn, nhẹ nhàng.
– Đừng nghe lén, rình rập hay đọc trộm thư từ của người khác.
– Tôn trọng đồ đạc của người khác
– Xài đồ của ai nhớ xin phép trước.
– Xử sự tử tế với mọi người.
– Nêu gương nhẫn nại cho trẻ.
– Giữ mọi thứ ngăn nắp, sạch sẽ.
– Nhớ gõ cửa trước khi vào.
– Tôn trọng sự riêng tư của những người trong gia đình.
– Sẵn sàng nhường cho con những tiện nghi.

Nói tóm lại, cha mẹ phải luôn luôn nêu gương tốt cho trẻ. Trẻ sẽ nghe, nhìn và bắt chước để trở thành người có phong cách lịch sự sau này.
(theo Etiquette for Dummies)