Mở đầu tuyển tập Thân Phận Ma Trơi, bằng truyện ngắn Hồn Bút, nhà văn Nguyễn Thụy Long viết: “Buổi sáng tôi thức giấc cùng chim hót. Nhưng không phải là những buổi sớm mai êm đềm trước kia, khoảng năm tháng trước. Thú thật hồi nửa năm về trước, tôi cũng chẳng có thì giờ nghe chim hót. Tôi ra đi lúc còn tối trời, ngồi tòa soạn nghe tin tức đài phát thanh, làm những bản tin thế giới xảy ra trong đêm. Công việc tòa báo tất bật đến chín giờ sáng tôi mới có thì giờ ăn điểm tâm, rồi lại viết vài trang tiểu thuyết cho nhật báo. Công việc bận rộn suốt ngày, về đến nhà cũng bẩy tám giờ tối. Coi truyền hình, chơi đùa với vợ con một lúc rồi đi ngủ. Thời gian để nghe chim hóa hoàn toàn không có, cũng bởi tại nhà tôi ở trong thành phố. Ngay bên kia Cầu Bông. Nay tôi về ở với mẹ, bên này sông, một vùng nửa thành thị, nửa thôn quê. Nhà của tôi đã mất, gia đình tôi ly tán từ sau ngày thành phố giải phóng. Tôi bị đuổi ra khỏi nhà, chỉ mình tôi, vì tôi thuộc thành phần Ngụy phản động. Những tác phẩm của tôi bị đốt ngay trước cửa nhà….Tôi về ở với mẹ, nơi căn nhà xưa. Căn nhà trống huếch trống hoác, chỉ còn hai mẹ con…Giấc ngủ của tôi, của mẹ tôi thường không yên, khi nghe tiếng chó sủa, khi nghe tiếng bước chân rộn rịp ngoài hẻm. Tôi nằm cứng cả hai bàn chân như bị tê dại, khi nghe có tiếng xe gắn máy ngừng lại một nhà nào đó trong xóm. Tiếng đập cửa, kiểm tra hộ khẩu. Mẹ tôi ngồi dưới nhà tụng kinh cầu Phật Bà Quan Âm cứu khổ cứu nạn. Một đêm qua, tôi biết mình an toàn thêm được một ngày. Sáng ra, nghe chim hót ở khu vườn chùa sau nhà, mẹ tôi và tôi tạm thời an tâm”.
Tiếng chim hót ở khu vườn chùa sau nhà, đã giúp tác giả quên đi nhịp đời bất thường xảy đến với ông – một người luôn bận rộn, trước đây thực sự không hề có thời gian nghe tiếng chim hót. Khung cảnh êm ả bị bỏ quên một thuở, nay trở thành không gian bình yên giúp ông và người mẹ hiền lành tạm sống, trong khi gia đình phải chịu đựng nghịch cảnh đầy bất ngờ nhiều biến động,khi đất nước thay đổi, khi đồ đạc trong nhà bán dần dần để ăn, khi những giá trị căn bản của con người là đạo đức, là tự do, là công lý, là bình đẳng không còn nữa. Nguyễn Thụy Long sinh sống bằng nghề sửa bút bi, bơm thêm mực vào cây bút ngày xưa người ta vứt bỏ sau khi dùng. Nguyễn Thụy Long làm nghề sửa xe đạp, rồi là một anh già coi ao cá không lương, được phép ở túp lều hai mùa mưa nắng quạnh hiu. Ông nói ông cũng là con ma sống vất vưởng trên dương gian, nửa là người nửa là ma. Đời sống này đã vùi dập tôi đến tận cùng. Ngày nay thì thân tàn ma dại, có vợ và một đứa con sơ sinh. Tôi làm nghề coi ao cá, danh từ gọi là “nhân viên bảo vệ ao cá.” Tôi làm việc đó để lấy một chỗ ở, túp lều tồi tệ bên ao. …(Trích trong truyện ngắn “Thân Phận Ma Trơi.”)
Một người khách học trò bất ngờ nhận ra Nguyễn Thụy Long là nhà văn – người từng ký tên trong tác phẩm tặng cho thân phụ của cô. Cải hai cùng chơi vơi trong nỗi buồn, khi nhà văn tự trào nói rằng ông có “sứ mạng” làm công việc bơm mực vào bút bi. Sau đó ông thất kinh khi nhớ đến Cái Còng, bởi ông từng có nhiều lần phải đút tay vào còng. Cái còng, cái cùm, cái gông đều là một thứ dụng cụ để khống chế cơ thể con người. Nó muôn hình vạn trạng. Những nhà văn như ông từ giấc mộng văn chương bước vào giấc mộng đời đau khổ – một giấc mộng có lời rao mua bán ve chai trong bước đường cùng. Mắt kiếng bể, vỏ đồng hồ, vỏ cà rá, răng vàng, bạc vụn, tiền xưa bạc cũ, ai bán không. Mua hết, bán hết, bà con cô bác ơi…Lời rao chỉ có vậy, nhưng nhiều thằng rao không ra lời. Thằng thì nghẹn lời, thằng tủi thân, mấy con “ghệ” rao như khóc. Thằng bị bệnh sốt rét tắt tiếng ngang. Thằng sứt môi rao có âm điệu ễnh ương kêu. Riêng nhà văn Nguyễn Thụy Long rao được, vì công phu tập luyện đi lại theo đại đế ve chai hết sáu tháng trời đã giúp ông “vỡ giọng.”
Thập niên 1960 nhà văn Nguyễn Thụy Long có những tác phẩm nổi tiếng, như Loan Mắt Nhung (1967), Kinh Nước Đen (1969). Ngòi bút của ông như mạch nước tuôn trào không ngưng nghỉ, đã để lại cho cuộc đời khoảng 40 tác phẩm và hàng trăm truyện ngắn. Ông sinh ngày 9 tháng 8 năm 1938 tại Hà Nội, qua đời ngày 3 tháng 9 năm 2009 tại Gia Định, Sài Gòn, là cựu học sinh Trung Học Hồ Ngọc Cẩn và là sinh viên Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, từng cộng tác với báo Ngàn Khơi cùng nhà văn Nhã Ca, và Nhật Báo Sống của nhà văn Chu Tử. Trước năm 1975, Tiểu thuyết “Loan Mắt Nhung” gây xôn xao dư luận một thời, được đạo diễn Lê Dân dàn dựng thành bộ phim cùng tên năm 1970, do tài tử Huỳnh Thanh Trà đóng vai chính. Năm 2005 nhà văn Nguyễn Thụy Long được Nguyệt San Khởi Hành ở Hoa Kỳ trao giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp. Ông qua đời năm 2009 tại Gia Định, bằng tâm hồn câm lặng của thân phận ma trơi.
