Menu Close

Thi Vũ viết về Nh. Tay Ngàn

Thi Vũ Võ Văn Ái là nhà thơ, nhà tranh đấu nhân quyền vang danh quốc tế, ở hải ngoại. Sáng lập và điều hành tờ Quê Mẹ Paris từ năm 1978 … Tác giả tập thơ Hoa Nắng nổi tiếng. Ông sinh sống ở Paris và quen thân với Phạm Công Thiện và nhà thơ bạc mệnh Nh. Tay Ngàn. Sau đây là trích đoạn bài viết của Thi Vũ về nhà thơ này.

NGUYỄN & BẠN HỮU

Nh. Tay Ngàn, lập lòe trí nhớ

Nh. Tay Ngàn, tên thật Nguyễn Văn Nhĩ, sinh năm 1943, mất đầu Tháng Giêng 1978 tại Paris vào năm 35 tuổi. Chiến tranh là tên tử thần theo đuổi Nhĩ từ tấm bé. Nó đưa đẩy thi mệnh Nhĩ vào ngõ cụt. Cụt nhưng không kẹt trên bước đi khai phá của người thơ.

Hồi còn thiếu niên, cha Nhĩ theo kháng chiến bị Tây bắn vỡ sọ trên đồng. Nhĩ chứng kiến. Nhĩ đưa hai bụm tay bé nhỏ hốt khối não bầy nhầy bỏ vào sọ cha. Phải chăng bụm tay ấy, khối não ấy đã đặt để vào đầu Nhĩ thành dấu hỏi lớn không lời đáp xuyên suốt cuộc tử sinh?

Nhĩ ít nói, ít tâm sự. Đôi mắt nai đăm đăm. Tôi cũng là người ít nói, gặp nhau chúng tôi hỏi thăm qua loa về cuộc sống rồi ngồi trầm ngâm. Nhĩ dõi theo một cõi ngoài chẳng ai vào được. Một thứ săn đuổi nội tâm và độc thoại. Trực giác tôi cảm nhận, điều ấy làm an ủi Nhĩ. Theo niềm tin cậy này Nhĩ càng trầm ngâm yên lặng như cùng tôi song thoại nơi thinh không. Lâu lâu Nhĩ hỏi một vài câu về chuyện viết lách, văn học, các tác giả…

Có thời Nhĩ theo người bạn gái người Tây Ban Nha sang sống ở Madrid cho đến khi biết mình mắc bệnh lao mới trở về Paris chữa chạy. Rồi Nhĩ quay cuồng theo bệnh tâm thần, người ta đã nhốt Nhĩ vào nhà thương điên Villejuif, vùng phụ cận Paris, với cách đốt điện trên đầu điên cuồng hơn cơn điên. Đây là thời gian địa ngục, mà dấu vết còn lưu trong văn thơ Nhĩ. Ít ai biết.

alt

Nh. Tay Ngàn – 1966PHOTO THI VŨ

Nhĩ làm thơ, viết văn và vẽ tranh. Có một lần triển lãm cá nhân tại phòng tranh Louis Soulanges trên đường Montparnasse.

Mối tình đầu của Nhĩ là Liên trong Nỗi Liên đen tối vô cùng, mà Nhĩ trở về Saigon thăm lại năm 1973. May mắn cho Nhĩ là Liên vẫn yêu Nhĩ thiết tha, muốn sang Paris sống cùng Nhĩ. Nhưng cuộc sống không tiền bạc, không nghề nghiệp, Nhĩ đành thúc thủ. Nếu không có vài ba người bạn học cùng lứa thương yêu giúp đỡ Nhĩ, có lẽ Nhĩ đã chết sớm hơn.

Tôi ít thấy ai say sưa viết như Nhĩ. Âm thầm. Cặm cụi. Không nói. Không ba hoa. Những chuyến viễn trình, những cuộc tình vặt, những đêm đốt thuốc bên quầy bar với rượu rhum từng ngụm cay nhè… chỉ để dàn ra từng dòng chữ chân chỉ trang này sang trang khác. Có hôm tôi nhìn thấy trên 20 tập bloc, dễ cũng trên bốn nghìn trang, chữ nhỏ đều đặn. Từ chữ đầu đến chữ cuối không một lần mất kiên nhẫn, như một vũ trụ kiến kéo nhau đi thành hàng dọc. Khi thơ khi văn. Trong văn học Việt Nam có hai người không viết văn, viết thơ thành bài, mà dàn trải tới vô tận dòng thơ văn không có dấu chấm. Đó là Bùi Giáng và Nh. Tay Ngàn. Văn và ý tưởng, thơ và ý tưởng trộn nhau như chớp với đá kết ngọc. Hết õng ẻo với quá khứ, không thời trang thế cuộc, không nép mình vào ca dao hay bốc khói trên chợ trời văn học. Đọc Nhĩ phải có mắt xanh với tấm lòng rớm máu thì mới cùng Nhĩ song thoại trong “thế giới vốn nhỏ và hạt bụi muốn đau”, khi nhà văn Việt Nam “thấy ngu trước nhà văn quốc tế”.

Nhĩ không thích văn thơ Saigon thời ấy, Nhĩ nói : “Có thể vốn sống trong thời loạn ly của họ bị nghẹt nên sanh ra nhiều tánh ganh tị trách móc hoặc ghen ghét nhỏ nhoi, bởi đó mức văn hóa trì trệ rồi rút lì vào ảo tưởng bất nhất kia” (thư viết ngày 17.12.76). Nhĩ không ưa văn thơ tiền chiến và Tự lực Văn đoàn, vì cho rằng: “Giá trị họ ở trong tầng lớp sinh viên học sinh còn trẻ, thiếu sáng tác chứ không thể là giá trị vĩnh cửu cho chúng ta nữa, đành rằng mọi tư thế phê bình luôn toa rập với số đông. Ngay cả tôi hồi nhỏ cũng chẳng bao giờ ưa “tự lực văn đoàn”, tới nay chuyện xưa rồi, nhắc lại để tự mình thấy điềm nào đó không hay ho nữa” (thư viết ngày 17.12.76).

Thoạt đầu Nhĩ thích nhóm Sáng Tạo, có lẽ vì chiều hướng đập phá cổ lệ văn chương. Nhưng không hiểu vì sao sau chuyến đi Saigon về, Nhĩ bất bình với Mai Thảo và một thiên tài khác mà Nhĩ ôm ấp trước kia.

Tôi cũng vì một thất vọng lớn trong đời, năm 1970 bỏ đi làm nhà in nuôi thân với tham vọng làm văn hóa qua nhà in. Những giấc mộng bạch diện thư sinh chỉ đem lại phương trình hai với hai thành năm. Không thành bốn. Bất ngờ tôi trở thành thợ in vì một sự phản bội. Chạy máy mỗi ngày 18 giờ để trả nợ. Cho tới năm 1975 nhà in bắt đầu mở mặt, thì chiến tranh chấm dứt. Nhưng hai với hai vẫn thành năm. Hai chữ nhân quyền bắt đầu nhỏ máu. Tôi sực nhớ năm 13 tuổi đọc hai bản kinh Kim Cang và Địa Tạng trong nhà lao.
Thân phận tù nhân lúc nhúc, mồ hôi nhễ nhãi trộn lẫn mùi nhị thiên đường, dầu cù là, sau những lần tra tấn. Ngột ngạt. Tồi tàn. Hôi hám. Bốn người quần thảo bốn người, bất kể con nít, phụ nữ, thanh niên, cụ già… Ông chủ sự phòng tra khảo ngồi sau chiếc bàn điều khiển. Ông bắt một người tù văn nghệ ngồi hát những bài ca kháng chiến cho ông nghe giữa tiếng la gào thảm thiết. Lúc ấy tôi có lời nguyện cứu thoát tù nhân nếu còn được sống sót.

Cuối năm 75, hết giặc nhưng miền Nam không có hòa bình. Tôi cùng một số anh chị em văn nghệ ở Paris họp nhau ra tạp chí Quê Mẹ với ngưỡng vọng bảo tồn và phát huy văn hóa Việt. Theo với thời gian, chen vào tạp chí những nỗ lực thông tin nhân quyền và cứu sống Người Vượt Biển mà đỉnh cao là chiếc tàu Đảo Ánh Sáng do chúng tôi khởi xướng ra Biển Đông vớt người.

alt

Bìa một tập thơ của Nh. Tay NgànNGUỒN QUEME.NET

Qua 1976, Nhĩ đến thăm tôi và phụ tôi việc bếp núc tòa soạn một thời gian. Bao nhiêu năm, Nhĩ vẫn như thế, chừng ấy áo quần đơn giản, chừng ấy trầm ngâm trên đôi mắt buồn, ít nói, không than van chuyện mình. Nhưng tôi biết Nhĩ rất túng thiếu.

Tôi hứa sẽ tìm phương tiện in thơ văn Nhĩ là điều Nhĩ cưu mang bao nhiêu năm dài. Chuyến đi Saigon năm 1973 là mong ước tột đỉnh cho một tập thơ ra đời. Hẳn nhiên chuyện ấy chẳng xảy ra. Tạp chí Quê Mẹ kéo theo bao hoạt động dồn tới bất ngờ ăn hết lợi tức của nhà in. Sự phá hoại chiến dịch Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam năm 1978, mà có kẻ đang tâm gọi là “Con Tàu Ma”. Chúng tôi chống chọi cho tàu không thành ma, mà ra biển đông vớt người thực thụ. Vì vậy, đến năm 1982, nhà in vỡ nợ, bị tịch thu đem bán phát mại.

Những khó khăn ấy làm cho tôi thành tên thất hứa. Tôi không in được tập thơ văn nào cho Nh. Tay Ngàn. Bài viết hôm nay là một lời tạ lỗi với Nh. Tay Ngàn trên cao xanh kia.

Đầu Tháng Giêng 1978, các bạn của Nhĩ gọi dây nói cho biết Nhĩ chết rồi. Một hôm, bà gác dan (concierge) thấy mấy ngày qua Nhĩ không ghé lấy thư. Bà lên đập cửa phòng. Không nghe hồi đáp, bà lo lắng mở cửa xem thì Nhĩ đã nằm chết trên giường nhiều ngày. Lâu quá tôi quên, nhưng có thể là ở địa chỉ 16, rue Jean Ferrandi – Paris quận 6.

Các bạn hùn nhau làm đám. Thi hài đốt ở nghĩa địa Père-Lachaise, Paris quận 20. Dự tính sau này sẽ gửi tro về Việt Nam. Dường như Nhĩ có một người anh sống ở Saigon. Nghĩa địa Père-Lachaise còn lưu giữ những mộ chí của Gerard de Nerval, Chopin, Balzac, Alfred de Musset, Proust, Apollinaire, Pissaro, Oscar Wilde…

Thời ấy, tôi viết mấy câu tiễn Nhĩ:

Viếng Nhĩ

Tay Ngàn
khua nhịp về đâu
Rừng thiêng vỡ một
ngấn sầu
rụng
hai
Nay theo bước nhỏ còn ai
Ta hơ tro cũ
tay dài dìu em
Nh. Tay Ngàn là một Van Gogh trong văn chương Việt Nam.

TV – Paris, 8.5.2006