Thời tiết Tháng Ba oi bức. Những đám mây đen cứ vần vũ. Vạn vật như chìm vào cái khô cằn, nóng bức của khí hậu vùng nhiệt đới vào mùa nắng. Mùa nắng là mùa của chuẩn bị cho mọi vụ mùa. Người nông dân, kẻ cày người bừa, kẻ đốt đất, đốt đồng người săm soi lại những hạt lúa giống để sẵn sàng cho một vụ lúa mùa, lúa nổi vì Tháng Ba là tháng sạ tỉa, mùa màng như trong ca dao tục ngữ có nhắc: “Tháng Tám mạ trà, Tháng Ba mạ thóc”.

Trong cái rạo rực giao mùa, những hạt lúa giống cũng chuyện trò, tâm sự về nắng, về mưa, về thân phận, về hành trình, về thăng trầm, về còn mất, về vui buồn trong những đổi dời của dòng đời. Với mỗi loài, mỗi loại có mỗi cảnh đời. Cây lúa cũng không sao vượt thoát được định luật sinh hóa, đào thải của vũ trụ, của thời gian .
Nghe trời gầm, trời chuyển, hạt lúa giống cũng chuyển, cũng rùng mình, cựa quậy. Hạt lúa giống Thần nông vui cái vui của người trẻ. Hạt lúa mùa, lúa nổi dàu dàu nỗi lòng của người cũ, người xưa. Hai loại giống, hai mùa màng, hai thế hệ, hai thời đại, hai cách sống khác nhau, hai tuổi đời khác nhau nhưng có cùng số phận, có cùng những thăng trầm, có cùng bến đến trong dòng đời với đủ gia vị vui buồn, cơ cực của một mảnh đời, một kiếp sống dù là lúa thần nông hay lúa mùa, lúa nổi.
Đôi khi, trong góc bồ một mình, trầm tư, suy nghĩ về sự biến hóa, đổi thay, những hạt lúa mùa muốn nói lên tâm sự của mình nhưng có còn ai là tri kỷ, tri âm để gởi gắm đôi điều. Thôi thì đành vậy, chỉ biết tự sự với mình, chỉ biết nói với riêng mình và giữ lại trong lòng cho bây giờ, cho muôn đời về những bí mật của một loài lúa, mà đôi lúc vì cuộc sống cứ chạy về phía trước, người đời cũng dễ lãng quên những hạt lúa mùa với những tên gọi thân thương một thời như Nàng tây, Thâm đưng, Nàng thơm, Ba bụi, Đuôi trâu, Nàng keo, Tàu binh, Móng chim, Nàng quớt, Trắng lùn, Trắng lựa, vân vân…
Các bạn ơi! Đó là dòng đời, đó là sự hẩm hiu của tổ tiên chúng tôi, những giống lúa mùa, lúa nổi. Còn chúng tôi đây là lúa Thần nông, là lúa ngắn ngày, là kẻ hậu sinh, là những loài lai tạo từ nhiều giống lúa, xin có đôi dòng tâm tình về một dòng đời, về một kiếp sống dù là kiếp sống của đời cây lúa.
Khi những hạt lúa giống được rút sạch, bỏ vào bao, buộc miệng, ngâm nước một đêm, rồi người nông dân vớt lên giặt giũ thật sạch chất bùn, chất chua, đem đi ủ mầm. Những mộng lúa nứt nanh đều rang, trắng hếu.
Thường thường theo kinh nghiệm, lúa giống ủ mông một đêm, cây giống sẽ lên rất mạnh. Nếu ủ hai đêm, mông ra dài quá, hạt giống sẽ yếu, vì khi mông ra dài, rễ khó bám vào đất. Những thửa ruộng được dọn rong sạch sẽ, được bò trâu hoặc máy xới trục đôi ba bận rồi trang bằng mặt. Người nông dân phải mất nhiều công, nhiều sức để đánh những đường nước chánh, vẹt những đường nước phụ, làm thế nào cho các trũng nước rút thật khô ráo, lúa giống mới lên đều được. Vì lúa giống mà nằm dưới những vũng còn nước, mộng sẽ bị con rệp nước cắn, hạt giống sẽ hư, thối, không đâm rễ vào đất, lúa sẽ thưa, không đều vì hao hớt.
Các bạn ơi! Cuộc đời chúng tôi được bắt đầu từ đấy, từ những hạt lúa giống nẩy mầm, ra mộng. Rồi người nông dân, họ cắm rò, cắm lối vừa với tầm tay của những người thợ chuyên nghiệp để những nắm lúa giống từ tay họ có thể được rải đều trên mặt ruộng theo lối đi của họ. Họ mang trước ngực thúng lúa giống với sợi dây làm quai, choàng ngang vai qua cổ. Tay trái giữ hờ lấy thúng. Tay mặt họ bốc từng nắm lúa giống, đi chầm chậm, bước đều và hất tung những nắm lúa từ phải sang trái một cách nhà nghề, nghĩa là không dày, mà cũng không thưa. Thoát ra khỏi bàn tay thô kệch của những nhà nông rành nghề, chúng tôi, mỗi đứa được họ dành cho một chỗ nằm trên mặt bùn, mặt đất với diện tích không hơn hạt lúa. Lũ chúng tôi, theo luật sinh tồn, mỗi đứa tự cựa mình bám rễ vào mặt đất. Nếu không tự tìm cho mình một đời sống có nghĩa là tự sát, tự mời mọc con rệp nước cắn mông, tự đưa thân cho cò giẫm đạp, cho cua, cho ốc nhọn đít ăn tươi nuốt sống.
Vì lẽ sinh tồn, chúng tôi phải vượt qua những giây phút lạnh lẽo nơi bùn lầy này trong muôn ngàn khó khăn và có lẽ trong vũ trụ này chưa có loại hạt giống nào mạnh bằng hạt lúa. Không biết có phải vì được người đời gọi là “hạt ngọc của TRỜI”, nên hạt lúa có sức mạnh vô địch chăng?
Các bạn ơi! Bắt đầu cái đêm đầu tiên nằm trên cánh đồng vừa sạ xong còn ướt bùn, còn nghe róc rách đó đây tiếng cá rô, cá lóc mắc cạn đang rọt rẹt lóc bừa lên mình chúng tôi để xuống đường nước chánh, hầu tìm mọi cách thoát ra ngoài kinh, ngoài rạch, chúng tôi đã cố ghim được cái rễ duy nhất vào bùn, vào thế giới mới của mình. Ngay sáng hôm sau, thân thể hạt lúa giống đã nằm im dưới mặt đất, khuất dạng, chỉ có chi chít những mũi kim nhỏ lú lên khỏi mặt đất bùn khoảng nửa phân. Nằm dưới bùn, chúng tôi nghe tiếng nói chuyện vui cười của những nhà nông đi trên bờ bi ngắm ngắm, nhìn nhìn với gương mặt vui vui, vì vừa trải qua những ngày cực nhọc, lo lắng, mệt mỏi cho mùa sạ lúa. Chúng tôi cũng nghe tiếng nhóc nhen, tiếng nhái, tiếng dế trụi, và cả những tiếng chim đi ăn đêm về ngang buông ra những tiếng kêu như to nhỏ về một cuộc lữ hành nào đó ở vườn tre, đám tràm, đám trâm bầu về hướng biệt ngàn. Nghĩ lại thân phận mình, cuộc sống thời hiện đại, cũng phải cố chạy đua với thời gian vì có lẽ cuộc sống của một đời cây lúa ngắn ngủi hơn bất cứ loài cây cỏ nào. Do đó, không thể chần chừ, chúng tôi cố vượt lên khỏi mặt đất càng nhanh càng tốt. Và quả nhiên, sau ba ngày ba đêm, chúng tôi đã biến màu đất ruộng xạm đen vì bùn trở thành màu xanh của những thân lúa non với một đọt vừa mở ra bẹ lá nhỏ xíu. Chúng tôi ra mộng cùng một lúc, được sạ xuống ruộng cùng một thời điểm và vượt lên khỏi mặt đất cũng cùng một hoàn cảnh. Không đứa nào chậm chân được vì chúng tôi biết chúng tôi phải sinh trưởng theo một trình tự mà tạo hóa đã chọn sẵn, không thể nhanh hơn mà cũng không thể trễ hơn.

Gieo sạ
Khi kinh nghiệm đến độ già dặn, người nông dân, bằng mọi cách họ ngăn ngừa cỏ lấn áp chúng tôi. Những luồng nước, mới cách nay mấy hôm được bơm ra không còn một vũng, nay lại trở lại tráng đầy mặt ruộng. Chúng tôi còn quá yếu ớt, quá mong manh nhưng cũng cố ngoi lên, ngoi lên theo mực nước. Đứa nào đứa nấy ốm tong, ốm teo như sợi chỉ, như cọng rong phất phơ theo làn gió thổi là đà trên đầu, trên mặt nước. Dịp này cũng mang tới cho chúng tôi nhiều thảm họa. Nào là cua kẹp, nào là cá lội, cá quẫy làm chúng tôi chưa kịp bắt rễ sâu xuống đất phải nổi lềnh bềnh, vất vưởng theo gió trôi giạt về bờ phía dưới gió, dồn đống trông thảm hại. Biết làm sao hơn, khi cuộc sống của chúng tôi là cuộc sống vội, sống vàng, sống mà không kịp lớn là phải bị nhận nước, nhận bùn. Nếu không hụp lặn như vậy, thì thôi đủ loại cỏ rượt đuổi, lấn chiếm, có nước chủ ruộng ngồi đó mà rầu, mà khổ vì mùa màng thất bát. Đặc biệt, giống cỏ có dáng dấp giống hệt chúng tôi, được gọi là cỏ gạo, tăng trưởng nhanh như chỗ không người. Nông dân chuyên nghiệp phân biệt giữa cỏ gạo và lúa rất dễ dàng. Còn người nào không có dịp sống với đồng ruộng hoặc lâu lâu mới ghé lại đám lúa một lần thì coi như nhìn lúa và cỏ gạo không khác nhau bao nhiêu. Nếu có cơ hội nào đó, hoặc dịp may mắn nào đó, mà được họ bước xuống ruộng và nhờ họ nhổ dùm vài bụi cỏ gạo, chắc chắn một trăm phần trăm là họ sẽ nhổ cả cỏ lẫn lúa là một cái gì tự nhiên như đi dạo, đi chơi, mà họ không thể nghĩ mình sao lại vô tình đến vậy. Thật ra, gốc của cây lúa có màu xanh, hơi dẹp, còn gốc cỏ gạo màu trắng, tròn và lá cỏ gạo lại nhỏ bề ngang, dáng giống giống lá sả.
Các bạn ơi! Sang tới ngày thứ năm, kể từ ngày được nằm dưới bùn đêm đầu tiên, chúng tôi được nhà nông rải cho một ít phân lạnh, những hạt phân hóa học này bóng lưỡng, tan nhanh trong nước như muối bỏ biển. Thế nhưng, cũng đỡ khổ, dù nguyên diện tích đất ruộng trung bình một công tầm cắt, nghĩa là hơn một ngàn thước vuông của đơn vị đo lường mà loài người tự qui định, chúng tôi được năm ký phân hóa học này. Tính ra mỗi gốc lúa được vài hạt phân là nhiều. Nước thì vẫn lai láng, chúng tôi sặc lên sặc xuống gần chết, nhưng vẫn phải gượng dậy như người đau nặng mới mạnh. Khi thời gian và mực nước đủ sức làm cho cỏ không mọc được, người nông dân từ từ rút bộng để tháo nước ra, cho chúng tôi hít thở, gượng gạo đứng ngồi cho quen những ngày thơ ấu này. Từ những thân lúa như cọng chỉ, có chút phân, mực nước lấp xấp, chúng tôi xanh rì trở lại không mấy hồi. Cả một cánh đồng đến ngày thứ mười, kể từ ngày xuống giống, những vạt lúa mới sạ mấy ngày trước đây trở thành những đám mạ xanh lặt lìa, lượt ngọn, vờn vờn theo từng cơn gió lướt qua cánh đồng lúa bao la, bạt ngàn chạy tuốt đến tận chân trời về phía xa xa.

Bón phân
(Còn tiếp)