Menu Close

Tại sao? (Kỳ 2)

Tại sao NAI rụng sừng?

Ở nơi nào trên thế giới cũng có bóng dáng nai, ngoại trừ Úc châu, New Zealand, Madagascar và Nam Phi. Tuy có tới 50 giống nai khác nhau nhưng chúng có một số điểm chung.

Nai là loài ăn cỏ, nhưng còn ăn rêu, vỏ cây và cả cây sống dưới nước. Chúng rất nhút nhát, sống còn được là nhờ chạy nhanh để tìm chỗ an toàn, và thường đi ăn vào ban đêm, có thị giác rất tinh tường, thính giác và khứu giác cũng sắc bén nên đánh hơi được nguy hiểm. Có loại nai nhỏ xíu chỉ cao 1 foot như pudu, nhưng có giống nai nặng cả ngàn pound gọi là moose.

alt

moose

Bộ phận làm ta nhận ngay ra nai là cặp sừng, thường là ở loài nai đực, nhưng ở giống nai caribou và reindeer, con cái cũng có sừng. Sừng không rỗng như sừng trâu bò người Việt xưa dùng làm tù và để thổi thành âm thanh, mà cấu trúc của sừng nai giống như tổ ong. Khi xuân về, nai đực mọc một cặp sừng mới, sừng cũ bị rụng đi vào mùa đông sau mùa giao phối. Tùy theo giống nai, sừng có thể chỉ đơn giản là một cặp như khúc cây ngắn nhô ra, hoặc mọc thành cả chục nhánh ở mỗi sừng. Vì số nhánh thay đổi theo tuổi, nên người ta nhìn nhánh mà đoán được nai đã già hay còn non.

alt

pudu

Năm đầu, trên trán nai nhú ra hai núm tròn (gọi là pedicle). Mùa xuân, từ núm đó nhô ra các sừng (antler, còn gọi là gạc) để mọc lớn lên vào mùa hè. Năm thứ hai một khúc thẳng mọc ra từ pedicle rồi đến năm thứ ba nhánh đầu tiên xuất hiện.

Khi các sừng mọc ra, chúng được bao bọc bằng một lớp da nhạy cảm gọi là “velvet ” (lộc nhung). Lộc nhung có nhiều mạch máu dùng để nuôi sừng và tạo xương. Khi các sừng đạt hết mức trưởng thành – sau một thời gian khoảng từ 2 đến 4 tháng – nguồn máu ngưng không còn cung cấp cho lộc nhung nữa, một vòng tròn chung quanh đáy sừng được tạo thành. Thế là lộc nhung bị teo và khô đi, sau đó rụng xuống. Thường nai giúp cho sừng rụng bằng cách cạ sừng vào thân cây.

alt

Tại sao loài vật ngủ đông?

Một số động vật sống bằng cây cỏ, khi mùa đông tới thì nguồn thực phẩm không còn nữa, mà chúng lại không dự trữ thực phẩm cho những ngày giá buốt này. Bù lại, trong thân thể chúng có nguồn dự trữ chất béo. Thế là, khi không còn kiếm tìm được thức ăn ngoài trời nữa, chúng thu mình trong hang hốc để ngủ. Chúng ngủ vùi suốt mùa đông và sống bằng chất béo dự trữ. Một từ tiếng Anh chỉ trạng thái này là “hibernate”, biến thể từ tiếng Latinh có nghĩa là “winter sleep” (ngủ đông).  

alt

Nhiều động vật thuộc loài có vú, như con gấu, thực sự không ngủ đông. Chúng quả có ngủ nhiều vào mùa đông hơn mùa hạ, nhưng không ngủ vùi, mà vào những ngày ấm áp hoặc tốt trời mùa này chúng thức dậy đi ra ngoài. Sóc cũng thế.

Còn giấc ngủ đông thực sự thì gần như chết, không giống giấc ngủ bình thường. Loài vật lúc đó ngưng mọi sinh hoạt, thân nhiệt giảm đi, chỉ cao hơn đôi chút so với nhiệt độ nơi hang ổ chúng nằm. Do đó, thực phẩm chứa trong thân thể được đốt một cách rất mực chậm rãi, cần rất ít oxygen, nên chúng thở chậm, tim đập thoi thóp. Nếu nhiệt độ trong hang ổ hạ xuống rất thấp, chúng thức dậy, đào cho hang sâu thêm rồi lại ngủ tiếp.

Mùa xuân tới, chúng thức dậy do cảm thấy được nhiệt độ, độ ẩm thay đổi, và cũng vì đói bụng, nên bò ra khỏi hang, bắt đầu cuộc sống mới.

Một số động vật máu lạnh cũng ngủ đông: như con trùn đất (con giun) bò sâu xuống bên dưới lớp đất đóng băng, con cóc chui xuống dưới đáy ao, con rắn bò vào các khe đá hoặc lỗ dưới đất. Một số cá, như cá chép (carp) vùi mình dưới lớp bùn sâu. Ngay cả một số côn trùng cũng ngủ đông bằng cách ẩn mình dưới thân cây ngã đổ hoặc dưới đá.

Tại sao mũi dân say rượu lại đỏ?

Vì họ uống rượu! Tác động của rượu giống như lúc bị rét, xúc động hay stress, làm dãn các mạch máu nhỏ dưới da. Màu đỏ lên đến gò má và mũi. Y học gọi đó là sủi đỏ mặt (couperose), không phải là bệnh nghiêm trọng mà chỉ gây khó chịu. Đỏ mặt thường không kéo dài quá lâu nhưng với người ghiền rượu, màu đỏ không biến mất vì các mạch bị dãn nở liên tục.

alt