Menu Close

Trận bão giữa mùa khô

Một tuần trước cuối tháng ba, dân chơi diều cả nước gấp rút hoàn tất những con diều ‘chủ lực’ trước khi nhận lời mời tham dự festival diều quốc tế  lần IV do Vũng Tầu đăng cai tổ chức. Được biết, hội diều dự kiến diễn ra từ ngày 30/3 đến hết mùng 2/4, với chủ đề ‘Vũ điệu hòa bình’, quy tụ 60 nghệ nhân của 25 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Riêng Việt Nam có 80 nghệ nhân của 5 đoàn diều Bắc- Trung- Nam. Dự kiến sẽ có khoảng 300 con diều mang bản sắc riêng của từng vùng, đất nước với đủ hình dáng, chủng loại, kích thước khác nhau.

alt

Trước lễ khai mạc một ngày, trên bãi tắm Thùy Vân, nhiều đoàn đã diễn tập bay thử diều. Nhờ đó, đông đảo dân địa phương được xem trước những kiểu diều lạ mắt, những sáng tạo về nghệ thuật biểu diễn bay. Đặc biệt, kỹ thuật diều thả đèn thế hệ mới của đoàn chủ nhà Bà Rịa- Vũng Tầu hứa hẹn sẽ ‘lung linh hóa’ bầu trời ban đêm. Chỗ này, nghệ nhân diều Huế, diều Sài Gòn thi nhau khoe diều ‘độc’. Chỗ kia, các nghệ nhân Nhật Bản vui vẻ hướng dẫn kỹ thuật không chiến của diều rokkaku (diều chọi). Bất ngờ, không khí sôi nổi của ‘làng diều’ bị cắt ngang bởi thông tin về cơn bão số 1 sắp đổ bộ tỉnh Bà Rịa- Vũng Tầu trong vài giờ đồng hồ tới. Ngay lập tức, Ban tổ chức xin lỗi khách mời, tuyên bố giải tán festival và cho xe chở khách về Sài Gòn (để về nước). Ngồi trên xe, các đoàn diều không giấu được vẻ hụt hẫng, bàng hoàng trước kết cuộc ‘chưa oanh đã liệt’ ngoài dự tính.

Cùng lúc đó, gần 20,000 ngư dân hành nghề trên 3,800 tầu cá các loại ngoài khơi Vũng Tầu đã kịp nghe thông báo, chạy vào bờ trú ẩn. Tuy vậy, dân làm vườn, làm muối Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc tỏ ra khá chủ quan.
Cái lý của họ là muốn bão, phải có mưa. Muốn mưa, phải vào mùa mưa. Đây mới cuối tháng ba dương lịch, suốt ngày nắng chang chang, chọc trời không ra hột nước, lấy đâu ra mưa bão. Tin bão của cơ quan khí tượng có thể chỉ là trò “Cá Tháng Tư” giật gân. Nghĩ vậy, nhiều nhà thô sơ không thèm chằng chống, nông sản không thu gom, cây cối không phạt bớt. Thậm chí, khi bão ập tới, nhiều công nhân thời vụ vẫn vô tư hái điều, cạo mủ cao su trong các trang trại hẻo lánh.

Có mặt tại xã Hòa Hiệp- huyện Xuyên Mộc, lần đầu tiên kẻ viết bài cảm nhận trọn vẹn một cơn bão. Đầu tiên là gió, rồi mưa lây rây. Đột nhiên gió mạnh hẳn. Đứng trong nhà nhìn ra thấy gió bốc hàng loạt mái tôn khua loảng xoảng; gió lắc như đảo đồng những vườn cao su non, ‘bóp cổ’ cây mít, tuốt xác cây gòn, chém ngọt thân cây điều, bẻ răng rắc nhánh cao su. Lá cây vật vã, xoay tít trong mưa mù. Càng về tối, tình hình càng bi đát. Ai cũng cảm thấy nhỏ bé, bất lực trước cơn thịnh nộ bất ngờ của thiên nhiên. Điện bị cắt. Tất cả đường giao thông bị tắc. Mọi người sẵn sàng tư thế ‘một hai ba…chạy’. Ngồi trong phòng le lói ngọn đèn dầu hột vịt, kẻ viết bài muốn loạn tim vì tiếng mưa gào gió rít, tiếng rơi rụng, quăng quật ầm ầm trên mái nhà. Càng nao núng hơn khi điện thoại dồn dập gọi báo tin “Thằng Nh. bê tảng đá xanh leo lên thang định dằn mái nhà. Bất ngờ miếng tôn ở đâu bay tới, chém ngang cổ nó. Tảng đá trong tay rơi xuống trúng đầu con vợ đang đứng giữ thang. Hai vợ chồng chết tại chỗ.”, “Tuốt trong rẫy Cầu Năm có hai người bị cây đè gẫy xương. Kêu giùm anh Nghiêm, biểu đem cưa máy vô cưa cây đổ, lấy đường chở đi cấp cứu”….

alt

Đường phố Sài Gòn

Trưa ngày 1 Tháng 4, gió bớt thịnh nộ nhường chỗ cho mưa dai nổi bong bóng. Lượng mưa đo được hơn 200mm, đủ khiến mặt đất, sông suối, khe lạch chỗ nào cũng dâng tràn, cuộn chảy. Đường vắng hoe. Chợ, trường học, Ủy ban xã đóng cửa. Một cụ già than thở, sống gần hết đời người ở đây, chưa từng thấy cơn bão nào kỳ lạ như cơn bão này. Trong khi trẻ con vui vì được nghỉ học, thanh niên đội mưa đi dọn cây đổ thì phụ nữ ngồi nhà rầu rĩ ước tính sự thiệt hại quy thành tiền của vườn cây trái đang mùa thu hoạch. Chị Đào, chủ hai héc ta điều, nóng ruột mặc áo mưa đi thăm vườn về báo “điều non rụng dầy đặc, cố thu cũng chỉ được một phần năm hột. Giá hột ba ngày trước 23.000 đồng/ký. Nay tuột xuống 17.000 đồng, thương lái vẫn chê non, không mua”. Cách vườn nhà chị Đào ba chục cây số, chú Tư Nghĩa, nông dân huyện Long Điền, chẳng nói chẳng rằng, ngồi nhìn trân trân cánh đồng lúa đang thì con gái của mình lút đầu dưới làn nước bạc. Ông Bốn, ông Sướng, hai “diêm dân” huyện Đất Đỏ kế bên cũng bỏ cơm vì cánh đồng- vốn là đồng muối sắp thu hoạch của họ- bây giờ mênh mông sóng vỗ. Đi thêm mấy chục cây số, ra tới thành phố Vũng Tầu. Chao ôi! Mới hôm trước còn óng ả nuột nà là thế bây giờ chỗ nào cũng bảng hiệu nằm chỏng gọng, cây gẫy ngổn ngang, nhà “tốc váy” hàng loạt, tầu thuyền neo đậu va đập xơ xước. Quanh mấy cột điện bị bão đánh gẫy người dân tò mò ngó xem bên trong cột điện đúc bê tông có gì, thì phát hoảng vì thấy… Có cốt tre? Không phải! Có mấy cọng sắt “lớn” cỡ con trùn? Không phải! Vậy thấy có cái gì? Không có gì hết bên trong!

Tính tới hết ngày mùng 2/4, điều khó tin là bão giữa mùa khô, đã xảy ra thiệt sự. Sài Gòn tuy chỉ bị “vớt đuôi” nhưng các vùng  lân cận, nhất là Cần Giờ- te tua với “thành tích” hơn 500 cây xanh ngã đổ, ghe chìm, nhà sập, mưa to gây ngập nhiều  con đường nội đô. Dân thành phố bị mất điện nguyên ngày. Nhiều công nhân khu chế xuất Bình Chiểu cũng lâm cảnh “bó tay chấm com” vì mưa lớn mất điện, xí nghiệp ngưng sản xuất, lâm cảnh “ba không”- không đi làm, không có tiền, không chợ búa cơm nước, phải đồng thanh hát trường ca mì gói, đèn cầy (nến)….

Có lẽ khi bài này đến tay bạn đọc, kẻ viết bài vẫn đang còn ngồi trong khuôn viên nhà- vườn mình, tự hào “ai có gì mình có nấy”. Người ta có tiêu, điều. Người ta bị tiêu điều. Mình cũng có, cũng bị. Ban ngày, người ta chun mũi “thưởng thức” mùi cây lá thối rữa hòa cùng mùi sắn tươi phơi mưa, hạt điều phơi mưa, gia súc chết trương. Mình cũng chun mũi. Ban đêm, người ta ngắm trăng sao trong nhà (mái bị tốc). Mình cũng ngắm, thậm chí còn ngâm cả “Hàn Nho Phong Vị Phú” của Nguyễn Công Trứ. Còn chuyện lợp lại mái nhà, dựng lại hàng rào, dọn lại vườn tược có lẽ phải chờ vài tuần sau, mới thuê được thợ… tay ngang.

alt

alt

alt

alt

alt

alt

“Khắc phục” hậu quả cơn bão

XH