Cõi Trời Cõi Ta của Hoàng Dung gồm 20 chương, mỗi chương là một đề tài riêng biệt, như Chương 01: Nguồn Gốc Và Tương Lai Vũ Trụ; Chương 02: Thời Gian; Chương 03: Bốn Mùa; Chương 04: Trăng Sao Và Ngày Tháng…, cho đến Chương 19: Về Một Người Bạn Đã Nằm Xuống; Chương 20: Một Đoạn Đời. Theo từng đề tài, từ chương 01 đến chương 09 viết về cõi trời. Từ chương 10 đến chương 20 viết về cõi ta.
Cõi trời và cõi ta theo giòng suy tưởng của Hoàng Dung là hai cảnh đời lấy sinh tử làm biên giới. Cõi trời giống như cõi ta, đến một lúc nào đó cũng bị hủy diệt khi mặt trời tiêu thụ hết hydrogene, sẽ phát ra vụ nổ kinh hoàng hỏa thiêu trái đất và những hành tinh khác.Viễn ảnh vũ trụ diệt vong có thể đến sớm hơn nữa, cũng giống như thân phận mong manh phiêu hốt của con người. Ai người trước đã qua. Ai người sau chưa đẻ. Nghĩ trời đất vô cùng. Một mình tuôn giọt lệ…! Phải chăng đây chính là tâm sự của Hoàng Dung, hay chí ít câu chữ của ông đã khiến người đọc cảm nhận như vậy, khi ông dùng quy luật tự nhiên để nói về thực trạng của vũ trụ, về sự thành trụ hoại không, sinh trụ dị diệt, sinh lão bệnh tử của cõi trời và cõi ta.
Nếu thành trụ hoại không là tình trạng chung trong đại thể vũ trụ, thì sinh trụ dị diệt nói lên sự triệt tiêu từng phần của những cơ cấu khác biệt có trong hệ thống vũ trụ, và sinh lão bệnh tử là định luật chung cho tất cả mọi loài thụ tạo đã đang hiện hữu trên địa cầu. Từ điều nhỏ nhất cho đến điều lớn nhất, từ điều phức tạp nhất cho đến điều đơn giản nhất trong thế giới nhị nguyên này, đều là vật lý. Dưới lăng kính của khoa học, tác giả Hoàng Dung mở đầu Chương 01: Nguồn Gốc Và Tương Lai Vũ Trụ bằng những lời giới thiệu của ông Long Ân – người viết lời tựa cho quyển Đi Vào Cõi Vô Cùng của ông gần mười năm trước.
Theo lời tác giả Hoàng Dung, người đầu tiên nhắc đến Quê Trời và Quê Đất của con người là Vũ Hoàng Chương – ông tự coi như một trích tiên đến từ một nơi nào đó ở Quê Trời và chỉ tạm dung trên địa cầu này, nơi ông gọi là quê đất (Chương 01: Nguồn Gốc Và Tương Lai Vũ Trụ)
Đêm đêm ta dõi mấy từng cao
Tìm một không gian mới lạ nào
Lấp lánh quê trời thơ hẹn bến
Giam mình quê đất mãi hay sao?
(“Đăng Trình.” Vũ Hoàng Chương)
Khi vượt ngàn năm đường ánh sáng, từ ngoài vô tận tới nơi đây, Vũ Hoàng Chương đã tìm quê hương trong dải Ngân Hà, và Thái Dương Hệ chỉ là một phần rất nhỏ, không đáng kể vì Ngân Hà hay Sông Ngân – giòng sông trắng xóa như bạc – là một thiên hà gồm hơn hai trăm tỷ ngôi sao giống như mặt trời…Vũ trụ đã có khoảng 100 tỷ thiên hà như Ngân Hà, mỗi thiên hà lại cách nhau khoảng vài triệu năm ánh sáng. Tuy vũ trụ to rộng như thế, nhưng quan niệm khoa học hiện đại về sự khai sinh ra vũ trụ cũng giống như quan niệm của nhà sư Không Lộ: Có thì có tự mảy may, không thì cả thế gian này cũng không. Vì quan niệm hiện đại về sự khai sinh vũ trụ, hay thuyết Big Bang cũng đều cho là vũ trụ được khai sinh từ mảy may, từ một điểm rất nhỏ, nhỏ hơn cả một hạt điện tử, nhưng trong đó, có chứa một năng lượng vô hạn. (Chương 01: Nguồn Gốc Và Tương Lai Vũ Trụ)
Tác giả Hoàng Dung tên thật là Hoàng Xuân Trường, sinh năm 1944 tại Nam Định. Ông từng là Đại Úy Quân Y trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau năm 1975, ông bị giam giữ trong các trại cải tạo. Năm 1980, ông vượt biên Hoa Kỳ, đi học lại và tiếp tục hành nghề bác sĩ y khoa. Tác phẩm đã xuất bản: Chiến Tranh Đông Dương III (nhà xuất bản Văn Nghệ California), Sau Bức Màn Đỏ, Chiến Tranh Việt-Hoa-Miên, (nhà xuất bản Tủ Sách Tiếng Quê Hương); riêng cuốn Đi Vào Cõi Vô Cùng được in tại Việt Nam. Đọc Cõi Trời Cõi Ta, để thấy mặc dù hiểu rõ sự thành trụ hoại không, sinh trụ dị diệt, sinh lão bệnh tử có trong vũ trụ, tác giả vẫn một lòng nhung nhớ quê ta – một cõi đi về, khi nhớ về một người bạn đã nằm xuống, và những người muôn năm cũ của Việt Nam xưa.