Menu Close

Đi theo quả bóng màu Nguyễn Thị Khánh Minh (Kỳ 2)

Những ảnh bóng thân yêu. phòng triển lãm & những bức phù điêu

Như trên có nói, NTKM miệt mài đi tìm hạnh phúc với một trái tim mẫn cảm. Và nữ sĩ đã tìm thấy nó ở nhịp đi của thời tiết, cả trong những hình ảnh bình thường của đời sống. Đặc biệt tấm lòng của nữ sĩ tràn đầy cảm xúc gởi vào bóng hình của người cha người mẹ, đặc biệt là lòng yêu kính cha, ông như một loài cây cô độc trong cõi đời và trong tâm tưởng người con gái. Yêu cha mẹ và yêu thương những người anh những người em, tấm lòng yêu thương đó khiến người đọc xúc động. Tôi đã gần như không ngăn được nước mắt khi đọc tới cảnh gia biến trong văn Khánh Minh. Mẹ tôi nói như thầm, Khánh ạ, mẹ con mình phải chết thôi. Nhà mình còn hai bình gas. Tôi giật thót mình, nhưng má ơi, hai bình có đủ chết không hay là chỉ làm mình ngắc ngoải thì có nước chết với họ -Mình sẽ vào bếp đóng kín cửa lại con ạ. Mẹ bỗng quay sang em gái tôi, 17 tuổi, giọng bà nhỏ, quyết liệt, Chết không con, Khanh -Chết! con bé gật phăng cái đầu dập dềnh mái tóc mây. Mẹ lại hỏi cậu em 16 tuổi, giọng có vẻ như bà đã quyết định, Chết nhé Khiết -Dạ, Chết! Thằng bé nói với vẻ lì cố hữu của nó. Rồi tới cậu em út,11 tuổi, giọng mẹ nhẹ nhàng, Chết không con, Khiêm? -Chết! Tôi rúng động hồn phách, nó nói chết nhanh như thể mẹ hỏi ăn không con-Ăn! Mẹ không hỏi tôi, vì bà biết tôi sẽ là đứa nói không. Tôi kéo mẹ nằm xuống chiếu, thì thầm, má không nghĩ là sẽ làm vậy, đúng không. Mình phải sống má ạ, anh Khải còn mất tích chưa biết sao, còn Khương làm việc ở xa nữa, mình có những 6 người, còn lo cho 3 người vừa bị bắt nữa, mình dư sức sống mà má…

Trên có nói tấm lòng của NTKM trải rộng ra với mọi người. Ngoài cha mẹ, anh em còn có chồng con. Tình thương bật lên thành tiếng kêu khi con vấp ngã, hay khi nhìn thấy hai con thiếu thốn thời sau 75. Tình thương bật thành tiếng kêu như cái chuông gió khi hai đứa cháu nội chào đời. Tấm lòng của Khánh Minh còn trải rộng tới những người bạn của cha mẹ mình (Cây Cô Độc, Lần Theo Mộng Ảo Mà Về…). Những Vũ Hoàng Chương, Lê Văn Siêu, Giản Chi, Bàng Bá Lân, Trần Văn Khê, Hồ Điệp, Tuệ Mai, Hỷ Khương v.v… Nhiều lắm, những bức phác họa về họ còn in trong Lầu Thơ Minh Minh khi ta theo tác giả tìm về. Ngoài ra còn cõi bạn bè. Bạn thời đi học, ta gặp họ ở nhiều bài viết, đặc biệt trong Những Mùa Nắng Nha Trang và Những Bức Tranh. Những Tỷ, Liêm, Liên, Huệ, Đồng Hương… ngày nào vẫn còn rực sáng trên những trang văn và trong đời sống. Bạn văn chương nghệ thuật, cũng chiếm chỗ đứng trang trọng trên những trang văn. Ở đây ta gặp Bùi Giáng, Tuệ Sỹ, Trương Thìn, Đỗ Hồng Ngọc, Thân Trọng Minh, Trụ Vũ, Hồ Đắc Thiếu Anh, Du Tử Lê, Lữ Quỳnh, Đinh Cường, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Lương Vỵ, Trịnh Y Thư, Lê Giang Trần v.v… Nhiều lắm. Tình bạn trong văn NTKM như ánh nắng tràn đầy qua từng trang, từng trang…

alt

Nguyễn Thị Khánh Minh qua nét vẽ Đinh Cường – nguồn gio-o.com

Tấm lòng của nhà thơ NTKM còn trải rộng ra tới những phận đời khác.

Trước hết là với Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ. Bằng văn phong trang trọng và với những chứng liệu hiếm quý, NTKM đã bày tỏ sự trân trọng và lòng tưởng tiếc phẩm hạnh và tài năng của người học sĩ của vùng đất Khuyến Lương. Giọng văn của tác giả có khi phẫn nộ và đau đớn. NTKM đòi phải xóa bản án NTL, phục hồi danh dự cho bà cũng như đòi tìm lại chiếc trâm được xem như di vật quý báu của NTL. Tác giả cũng trải lòng mình ra với những vần thơ chính khí của người xưa và ta nghe dậy lên trong văn tiếng sóng Bạch Đằng bát ngát bi hùng và trận gió trầm thống Lý Đông A. Với những người trẻ tuổi đương thời, những sinh viên Hồng Kông và cả Việt Nam, NTKM cũng gởi tới họ lời chia sẻ và hy vọng.

Tấm lòng của NTKM còn hướng về những trẻ em vô tội và các giáo viên đã gục ngã trong cuộc nổ súng ở trường Sandy Hook thuộc thành phố New Town của tiểu bang Connecticut trong ngày 14 tháng 12 năm 2012. NTKM đã nhỏ lệ trên những trang văn của mình. Xin hãy đọc Nụ Cười Những Đóa Hướng Dương để cảm thông điều đó. Ở đây chúng ta gặp cậu bé Mason Williams bị bệnh tim, giai đoạn chót chỉ mơ ước được nhìn thấy tuyết một lần trong đời. Ở đây, gặp Anh Thư 12 tuổi bị ung thư chuẩn bị ra đi “tới một nơi em cũng sẽ đi học với bạn bè trong buổi sáng đầy tiếng chim…” Những Lê Quang Hiếu, Lê Thanh Thúy và Xa Diễm đều là những số phận đáng thương nhưng tấm lòng của các em đầy nhân ái.  NTKM đã viết thật cảm động như sau: “Những trái tim thiên thần toả ra ánh sáng giống nhau, cái lấp lánh thánh thiện. Xa Diễm Anh Thư Thanh Thúy… những đóa hướng dương tỏa ánh mặt trời. Làm ấm cõi nhân gian này.”

Như vậy đó. Mỗi trang văn của NTKM đều chứa những cảm xúc sâu sắc tuyệt vời. Chúng ta đã đi từ nhịp thở mong manh của mùa, của nắng và mưa, của hồn nhiên tuổi thơ và bước chuyển rộn ràng khi tà áo bay của thời thiếu nữ. Và rồi những xúc động buồn thương khi vào đời. Những sắc màu có khi rực rỡ nâu vàng có khi xám xanh rêu. Và ở đây ta gặp những bức tranh trong một phòng triển lãm lớn, cả những bức phù điêu dọc theo nẻo đường của kiếp nhân sinh. Tôi hình dung ra như vậy và hết sức hân thưởng khi đọc văn NTKM. Này nhé, những bức phù điêu trên gỗ và đá có cây cô độc và những mặt người thiên thu, có chiếc cũi chở Nguyễn Thị Lộ với mái tóc trâm cài ra pháp trường và bước chân trên đá núi của Lý Đông A, có khuôn mặt của Lê Thị Thúy bên cạnh những đóa hướng dương rực rỡ, có vùng tưởng niệm các em bé chết trong vụ nổ súng ở trường Sandy Hook cách đây hai năm với những đôi cánh thiên thần và những chú gấu bông, búp bê barnie… Và rồi với “Những bức tranh”, ta như bước vào một phòng triển lãm lớn, rực rỡ và thân tình với từng khuôn mặt bạn bè, bạn văn của một thời..

Ôi, những trang văn của NTKM đã cho tôi nhiều lắm. Có thể nói tôi chưa từng thấy ai viết như NTKM, một lối viết trong đó có những cảm xúc tinh tế với những hình ảnh của cuộc sống và thơ họa, những trang triết lý luận lý mà vẫn đẫm chất thơ. Từ cách sử dụng ngôn ngữ tới nhịp điệu câu văn, cảm xúc ngưng đọng trên từng trang viết đầy bóng nắng hình mưa mùi hương và ánh sáng, văn xuôi của NTKM đã tạo được một dấu ấn trong lòng người đọc. Đi từ tình cảm gia đình, bạn bè, đất nước quê hương, đi vào lịch sử với những vùng sáng tối của sử thi, đi tới đại dương nhân loại với nụ cười và nước mắt.

Xin cho tôi được tặng những trang văn Bóng Bay Gió Ơi một đóa hướng dương, bởi vì “… đóa hướng dương, toát vẻ rực rỡ của mạnh mẽ, tự tin khiến người ta nghĩ rằng tất cả đều có thể, kể cả giấc mơ…”

TN – Tháng 10. 2014