Trong Tài Liệu Văn Học kỳ này và những kỳ tới, chúng tôi trân trọng giới thiệu loạt bài của nhà văn/bác sĩ Ngô Thế Vinh về nhà văn Dương Nghiễm Mậu, một tác giả đáng quý trọng về cả tài năng lẫn nhân cách. Bài viết, không chỉ đề cập tới Dương Nghiễm Mậu mà còn bao quát cả một thời kỳ sau 1975 với nhiều nhân vật quan trọng của văn học miền Nam trong tấn tuồng bạo liệt do Cộng Sản bày ra.
Chúng tôi thành thật cám ơn nhà văn/bác sĩ Ngô Thế Vinh đã gởi cho người phụ trách tập tài liệu quý giá này. Xin mời bạn đọc theo dõi.

Dương Nghiễm Mậu – TRANH ĐINH CƯỜNG
“… Kẻ có chữ bất mãn thường chọn cách viết sớ tâu lên… Những lá sớ lâm ly thảm thiết này thường không được nghe. Có kẻ dâng sớ nhiều lần nhưng không thấy cởi bỏ áo mũ trở lại làm phó thường dân mà vẫn ung dung tại vị hưởng bổng lộc của triều đình. Một đôi kẻ chấp bút có đôi chút tự trọng thì chọn con đường ở ẩn, không chọn con đường làm giặc nên không có tên trong Sưu Tặc Ký.” Từ Hải Ngoại Truyện, Dương Nghiễm Mậu, 2005.
1975. Bùi Giáng và Dương Nghiễm Mậu
Sau 30 tháng 4, 1975 các văn nghệ sĩ không đi thoát, hoặc chọn ở lại như Dương Nghiễm Mậu, nếu không phải đám nằm vùng thì ai cũng chờ cái ngày đi vào nhà giam, các trại tù cải tạo. Giữa những ngày căng thẳng và ảm đạm ấy, có một người vẫn nhởn nhơ, đi tìm thăm bạn bè văn nghệ cũ. Không ai khác hơn đó là nhà thơ Bùi Giáng Lá Hoa Cồn. Trung niên thi sĩ lúc nào cũng gầy và già hơn tuổi, râu tóc xơ xác như từ bao giờ. Giữa một Sài Gòn thảng thốt, không biết anh đã lượm ở đâu trên đường mà có được bộ quân phục nguỵ với quân hàm Ðại tá, Bùi Giáng đem vận ngay vào người, chân thấp chân cao đi nghêu ngao như diễn binh trên hè phố. Có lẽ đây là hình ảnh tuyệt đẹp cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam, với một tân binh tình nguyện gia nhập đạo quân đã hoàn toàn rã ngũ. Rồi Bùi Giáng cũng tới được khu nhà thờ Ba Chuông, nơi có căn nhà Dương Nghiễm Mậu. Bùi Giáng hồn nhiên đi sâu vào con hẻm chật chội ấy đã thấp thoáng màu cờ đỏ. Anh vẫn tỉnh táo nhớ đúng nhà, tới đập cửa rầm rầm đòi vào thăm cho được cố tri. Trầm tĩnh và bản lãnh như Nghiễm, mà trước tình huống ấy cũng vẫn như gái ngồi phải cọc; được cái lúc ấy chòm xóm còn là thân quen, mạng lưới công an chưa đủ dầy đặc để gây nỗi phiền hà. Ra khỏi nhà Dương Nghiễm Mậu, không biết Bùi Giáng còn đi gõ cửa tới thăm những ai khác, hay anh lại ra nơi đầu cầu Trương Minh Giảng như một người tỉnh táo đứng làm cảnh sát công lộ chỉ đường “trên dòng luân lưu hỗn mang của lịch sử” và để rồi sau đó nếu anh không bị đám “cách mạng 30” hay bọn công an đánh tả tơi sưng mặt mũi thì rồi cuối cùng chắc anh cũng lại tìm về với “mẫu hậu” Kim Cương, ngồi trước cửa phóng bút làm thơ tặng nàng.

Phóng viên chiến trường Dương Nghiễm Mậu đi qua nhịp cầu Tràng Tìền bị giựt sập trong Tết Mậu Thân, Huế 1968 – PHOTO BY ĐINH CƯỜNG
Tuần lễ trước 30 tháng 4, 1975, nhân viên Ðài Mẹ Việt Nam và những cây viết cộng tác đã được Mỹ lên kế hoạch di tản khỏi Việt Nam – để tránh bị trả thù. Trước ngày lên tàu ra đảo Phú Quốc, nhà văn Võ Phiến tới thăm toà soạn Bách Khoa, nơi vùng “xôi đậu” có Võ Phiến Bắt Trẻ Ðồng Xanh ngồi chung với Vũ Hạnh Bút Máu; cũng là nơi mà Võ Phiến đã gắn bó suốt 18 năm cùng với tuổi thọ của tờ báo. Anh Lê Ngộ Châu chủ nhiệm Bách Khoa kể lại: Võ Phiến thì phải đi, nhưng linh cảm không có ngày về, vẻ mặt buồn thảm, anh chỉ ngồi khóc lặng lẽ không nói nổi lời giã từ và rồi đứng dậy bước ra khỏi tòa soạn.
Trước một ngày mất Sài Gòn, thì hầu như toàn bộ nhân viên Ðài Mẹ Việt Nam trong đó có gia đình Võ Phiến Giã Từ, Lê Tất Ðiều Phá Núi, Viên Linh Hoá Thân, Tuý Hồng Tôi Nhìn Tôi Trên Vách, Thanh Nam Bóng Nhỏ Ðường Dài từ Phú Quốc đã được đưa lên con tàu lớn Challenger đậu sẵn ngoài khơi. Khi bờ biển Phú Quốc xa mờ trong tầm mắt, lần này thì Lê Tất Ðiều thấy Võ Phiến khóc. Cùng với những con tàu thuộc Ðệ Thất Hạm đội, họ lênh đênh trên Biển Ðông trong cuộc hải trình nhiều ngày để tới đảo Guam. Guam đã từng là căn cứ xuất phát của các đoàn phi cơ B52 trong cuộc chiến tranh Việt Nam với những trận mưa bom trải thảm/ carpet bombing có sức tàn phá của một cơn địa chấn. Ðảo Guam chỉ rộng 550 km2 sau tháng Tư 1975, là chặng dừng chân đầu tiên của hàng trăm ngàn người Việt tỵ nạn trước khi vào đất Mỹ. Vũ Khắc Khoan Thần Tháp Rùa, Nghiêm Xuân Hồng Người Viễn Khách Thứ 10, Mặc Ðỗ Siu Cô Nương nhóm Quan Ðiểm cũng đi thoát và trước sau đặt chân tới các trại tỵ nạn trên đất Mỹ.
Chưa đến một tuần lễ sau, ngày 5 tháng 5, 1975 một trong những cây viết lâu năm của Bách Khoa, Phạm Việt Châu Trăm Việt Trên Vùng Ðịnh Mệnh đã tuẫn tiết tại tư gia khi cộng sản hoàn toàn chiếm Miền Nam. Cái chết rất sớm và tức tưởi của một tác giả có viễn kiến về lịch sử dân tộc, sức sáng tạo đang sung mãn mới bước vào tuổi 43, đã như một hồi chuông báo tử cho bao nhiêu tang thương diễn ra sau đó.
1975. Chiến dịch đốt sách
Những ngày sau 30 tháng 4, 1975, hai đứa con Vũ Hạnh trong bộ bà ba đen, tay cuốn băng đỏ, tới toà báo Bách Khoa cũng là nơi cư ngụ của anh chị Lê Ngộ Châu. Trước khách lạ, đứa con gái nói giọng hãnh tiến: “Tụi con mới từ Hóc Môn về, cả đêm qua đi kích tới sáng.” Người dân lành nào vô phước đi lạc trên đường ruộng đêm đó có thể bị tụi nó coi là nguỵ. Những tên nằm vùng cùng với đám “cách mạng 30” này chỉ như phó bản đám Hồng vệ binh của Mao nhưng lại sau cả thập niên. Cũng chính những đám này là thành phần kích động chủ lực trong chiến dịch lùng và diệt tàn dư văn hoá Mỹ Nguỵ, chúng giẫm đạp những cuốn sách, nổi lửa đốt từng chồng sách rồi tới cả tới những kho sách. Những cuốn sách mà đa phần chúng chưa hề đọc, trong đó có cả một tủ sách “Học Làm Người”. Sách của những “tên biệt kích văn nghệ” còn được trưng bày trong toà nhà triển lãm Tội ác Mỹ Nguỵ cùng với vũ khí chiến tranh và chuồng cọp, dĩ nhiên có sách của Dương Nghiễm Mậu, có cả cuốn Vòng Ðai Xanh của người viết.

Chiến dịch lùng và diệt tàn dư văn hoá Mỹ Ngụy sau 30-04-1975 với những vụ “đốt sách”– NGUỒN: INTERNET
Cảm khái với câu thơ Nguyễn Du trong Ðộc Tiểu Thanh kí: văn chương vô mệnh cũng tro than/ văn chương vô mệnh luỵ phần dư. Hơn hai ngàn năm sau, chẳng ai quên chuyện “đốt sách chôn nho/ phần thư, khanh nho” của Tần Thủy Hoàng, nhưng không biết chỉ 100 năm tới đây, các thế hệ tương lai có ai còn giữ được“bộ nhớ” Ðã Có Một Thời Như Thế – tên một bài viết của Nhật Tiến, về giai đoạn người Cộng sản Việt Nam đốt sách giam tù cả một thế hệ văn nghệ sĩ của Miền Nam?
