Tôi năm nay 48t, vào năm 2010 tôi bị bướu tử cung và đã làm phẫu thuật cắt bỏ bướu tử cung và đã làm phẫu thuật (07/2012) từ đó đến nay tôi không còn kinh nguyệt.
Tôi biết phụ nữ hết kinh cần bổ sung thêm calcium nên từ năm 2011 tôi tự mua Calcium 600mg (bán tự do) uống 1 viên/ngày.
Tôi cũng nghe nhiều chị trong hãng khuyên nên uống thêm thuốc bổ One A Day, nên tôi đã mua loại One A Day (women’s active metabolism) nhưng uống thuốc này tôi thấy nóng trong người & táo bón, tôi mới uống được 2 tuần. Mấy chị trong hãng nói nên uống cách ngày.
Vậy xin hỏi bác sĩ, tôi uống xen kẽ 1 ngày 1 viên calcium rồi hôm sau uống One A Day như thế thì có được không, thuốc có tác dụng không?
Khi uống One A Day đi tiểu tôi nghe mùi thuốc, nước tiểu có màu vàng lạt (thuốc màu xanh) như vậy có sao hay không?
Nên uống thuốc vào lúc nào, sau khi ăn hay đợi nữa tiếng sau hay 1 tiếng sau? Minh An
Đáp
Thưa bà Minh An
Chúng tôi xin trả lời từng câu hỏi của bà như sau:
1. Về calcium
Thường thường các bác sĩ khuyên nên dùng thêm 1200 mg calci mỗi ngày và nên chia ra uống làm hai lần vào các bữa ăn để calcium dễ được hấp thụ ở ruột và tránh khó chịu cho dạ dày.
Ngoài ra, bà cũng có thể dùng các thức ăn như sữa, sữa chua, sữa đậu nành cũng có nhiều calcium. Calcium cũng có nhiều trong tôm, cá, trứng, các loại rau có lá màu xanh đậm, các loại ngũ cốc. Cá đóng hộp cũng là nguồn cung cấp calcium tốt.
Uống thêm calcium như trường hợp của bà là để phòng ngừa bệnh Loãng xương, nhưng bà cũng cần vận động cơ thể đều đặn để xương được chắc mạnh.
2. Thuốc bổ One-a-day
Đây là viên có nhiều loại sinh tố khoáng chất khác nhau. Mỗi hãng sản xuất có công thức khác nhau về số lượng và thành phần các vitamin và khoáng chất trong viên thuốc, nhưng nói chung, họ đều cung cấp một số lượng vitamin và khoáng chất cần cho mỗi ngày. Vì thế mới gọi là one-a-day. Vitamin này uống vào lúc nào cũng được và uống mỗi ngày một viên. Còn nước tiểu có màu vàng lạt là tại vì có sinh tố Riboflavin, hoặc vitamin B2 trong viên thuốc. Đây là chuyện bình thường chứ không gây ra rối loạn gì, xin bà cứ yên tâm.
Về vitamin và khoáng chất thì các nhà dinh dưỡng đều có ý kiến rằng, nếu ta lấy các chất này từ thực phẩm thì tốt hơn là dùng các loại chế biến, vì tính cách thiên nhiên và dễ dàng hấp thụ. Chỉ khi nào không ăn được thực phẩm thì mới dùng chất bổ sung.
Calcium hoặc chất sắt trong one-a-day vitamin có thể gây ra táo bón, do đó bà nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau và trái cây.
Tôi có đứa cháu nội gái, cháu gần 7 tuổi. Cháu rất thường bị chảy máu cam, thường là về ban đêm.
Khi bị chảy, cháu bị chảy rất nhiều, và rất là khó để ngưng lại.
Cháu có bảo hiểm tốt, đã đi bác sĩ gia đình nhiều lần, nhưng không thuyên giảm.
Cháu không được khoẻ mạnh, hay bị ói và hay bị cảm (sốt, ho).
Khi mẹ cháu có bầu cháu, thì đang bị bướu cổ.
Như vậy thưa bác sĩ, có phải cơ thể cháu không được khỏe, là do ảnh hưởng cuả người mẹ khi mang bầu?
Cháu bị chảy máu cam như vậy, thì có thể chữa được không? Và có nguy hiểm không?
Thành thật cám ơn Bác sĩ và chúc Bác sĩ nhiều sức khỏe và may mắn. Lê Vũ
Đáp
Chào bà Lê
Không thấy bà cho biết cháu chảy máu cam ở một bên mũi hoặc hai bên.
Chảy máu cam tiếng Anh gọi là Epistaxis.
Chảy máu mũi là hiện tượng rất thường xảy ra và đa số là do mũi bị kích thích hoặc thời tiết lạnh. Bệnh thường ít nguy hiểm nhưng lại khiến nhiều người sợ hãi.
Nhắc lại là trong mũi có nhiều mạch máu nhỏ rất dễ bị tổn thương. Không khí ra vào qua mũi khiến cho niêm mạc mũi khô, đóng vẩy. Các vẩy này bong ra khi ta hỉ mũi mạnh hoặc cho ngón tay vào ngoáy lỗ mũi.
Chảy máu thường thấy ở phần trước của vách ngăn mũi trái và phải, nơi đây có nhiều mạch máu rất nhỏ.
Nguyên nhân
Bệnh có nhiều nguyên nhân như là:
– Không khí trong nhà quá nóng và quá khô; khí hậu quá lạnh, vì thế bệnh thường thấy vào mùa lạnh, trong nhà lại để máy sưởi quá nóng khiến cho không khí trở nên khô;
– Viêm xoang, viêm mũi do dị ứng;
– Hỉ mũi quá mạnh, ngoáy lỗ mũi hoặc có vật lạ trong mũi;
– Kích thích mũi do hóa chất hoặc môi trường ô nhiễm;
– Vách ngăn mũi bị lệch;
– Thương tích ở mũi;
– Lạm dụng các loại thuốc xịt mũi để chữa nghẹt mũi;
– Uống liều lượng quá nhiều thuốc chống đau aspirin hoặc thuốc loãng máu;
– Viêm nhiễm đường hô hấp trên;
Riêng ở người lớn tuổi có một số nguyên nhân khác gây ra chảy máu mũi liên tục như cao huyết áp, dị ứng, u bướu trong mũi hoặc do ảnh hưởng của hít cocaine…
Trường hợp của cháu
Khi cháu chảy máu, bà nên cho cháu ngồi xuống, đầu hơi ngả về phía trước để máu không chảy xuống cuống họng, nói với cháu thở bằng miệng và bà lấy ngón tay đè vào bên mũi chảy máu chừng dăm phút để mạch máu khép kín lại. Sau mươi phút bỏ tay ra coi xem còn chảy máu hay không. Trong đa số các trường hợp, cách này đủ công hiệu để khiến máu ngưng chảy.
Bà cũng có thể chườm túi nước đá lên sống mũi để các mạch máu co lại, giảm chảy máu. Nhớ đừng bao giờ nhét gạc hoặc bông gòn vào trong lỗ mũi để ngăn chảy máu.
Đừng cho cháu nằm và nói với cháu không khụt khịt hoặc hỉ mũi trong vài giờ. Nếu cháu kêu nghẹt mũi, bà cũng có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ vào mũi cháu một vài giọt.
Nếu cháu liên tục bị chảy máu, bà nên đưa cháu tới bác sĩ tai mũi họng để khám bệnh, tìm nguyên nhân rồi điều trị. Xin bà yên tâm vì các bác sĩ chuyên môn có nhiều cách để chữa bệnh này.
Tôi không nghĩ rằng khi mẹ cháu có thai và bị bệnh thyroid gây ra chuyện chảy máu cam của cháu. Chắc là cháu chỉ chảy máu cam vì thay đổi thời tiết mà thôi.
Chúc bà và gia đình mọi sự bình an.