Hôm Thứ Ba, 3-3-2015 vừa qua, đội đá banh nhà nghề Columbus Crew thuộc giải đá banh nội địa MLS đã công bố đổi tên vận động trường Crew Stadium thành MAPFRE Stadium. Hợp đồng với MAPFRE Insurance, một dịch vụ bảo hiểm toàn cầu với trên 23 triệu khách hàng, mang về cho Columbus Crew nhiều triệu Mỹ Kim.
Invesco Field at Mile High- $120 triệu (2001) mua quyền đặt tên 20 năm cho sân của đội Denver Broncos (NFL).
Tin này gây chú ý vì sân Crew Stadium lâu nay khá nổi tiếng, là sân đầu tiên từ năm 1999 chỉ dành riêng cho trò chơi đá banh. Trước đó các đội banh MLS thường phải thuê sân banh bầu dục với các lằn kẻ dọc ngang nhìn chói mắt khán giả. Mùa giải năm nay, đội Crew sẽ ra mắt khán giả nhà lần đầu tiên trên sân tên mới MAPFRE Stadium vào ngày 14-3-2015 cuối tuần này.
Columbus Crew công bố đổi tên vận động trường Crew Stadium thành MAPFRE Stadium – nguồn bizjournals.com
Sự kiện sân banh của đội Columbus Crew đổi tên cũng phản chiếu thực tế ngày càng ít thấy các vận động trường nhà nghề lẫn đại học mà không mang các tên tuổi thương mại, nhằm mục đích lấy tài trợ. Bản quyền đặt tên vận động trường là một hình thức quảng cáo, thời hạn từ 3 năm trở đi, nhưng phổ biến nhất là 20 năm. Với sự thu hút mạnh mẽ của thể thao, các công ty lớn không ngại ngần đầu tư, mua quyền đặt tên vì có thể gây chú ý trong một thời gian dài. Có khi họ mua luôn tên 1 đội thể thao, như trường hợp đội New York Red Bulls cũng của giải đá banh nhà nghề MLS. Thậm chí trọn cái tên giải tranh tài thể thao cũng có thể bị đem bán làm thương mại, thí dụ: giải đá banh Barclay Premiere League của Anh Quốc lấy tên nhà băng Barclay; giải banh bầu dục trong nhà NET10 Wireless Arena Football League. Hay vừa mới đây, trong trận chung kết hôm Chúa Nhật 1-3-2015, đội banh Chelsea hạ gục Tottenham Hotspur 2-0, giành cúp vô địch giải Capital One League Cup 2015 (lấy tên nhà băng Capital One).
Sân Barclays Center – $400 triệu (2007) mua quyền đặt tên 20 năm cho sân của đội New Jersey Nets (NBA).
Việc thương mại hóa, bán bản quyền đặt tên, cách riêng đối với các vận động trường, cũng không phải là chuyện mới đây. Từ năm 1912 đã có sân “Fenway Park” cho môn banh chày “baseball” ở Boston (tiểu bang Massachusetts), vì chủ nhân lúc đó cũng làm chủ một công ty địa ốc tên là “Fenway Realty”. Trong làng banh bầu dục nhà nghề NFL, có đội New England Patriots đã bán bản quyền đặt tên sân banh xây tại Foxborough, Massachusetts vào thời 1970–1971 cho nhà làm bia Schaefer Brewery. Sau đó không lâu, đội Buffalo Bills gây đình đám với hợp đồng kỷ lục thời đó ($1.5 triệu trong 25 năm) để đổi tên sân thành Rich Stadium, quảng cáo cho công ty Rich Products Corp.
TD Garden – $120 triệu (2005) mua quyền đặt tên 20 năm cho sân của đội Boston Celtics (NBA).
Các hợp đồng bản quyền đặt tên trong lành banh bầu dục nhà nghề NFL thực sự bùng phát dữ dội từ thập niên 1990 trở về sau. Năm 1994, tỉ phú Jerry Richardson thành lập đội banh bầu dục nhà nghề Carolina Panthers, đã dùng số tiền $20 triệu từ hợp đồng cho thuê tên sân Ericsson Stadium (hãng điện tử Ericsson) thời hạn 10 năm, để xây sân banh cho đội Panthers tại Charlotte, tiểu bang North Carolina (ngày nay, hết hợp đồng, sân này đổi tên thành Bank of America Stadium). Đến năm 1999, tỉ phú Daniel Snyder, người tự bỏ tiền túi $750 triệu mua đội Washington Redskins, đã ký hợp đồng $205 triệu trong 27 năm đổi tên sân banh của Redskins thành FedExField (dịch vụ vận chuyển hàng FedEx). Thậm chí, có sân banh chưa xây, nhưng đang thu hút nhiều chú ý tại Los Angeles (trong nỗ lực đưa ít nhất 1 đội banh NFL về thị trường LA) cũng đã được hãng bảo hiểm Farmers Insurance ra giá đặt tên đến $700 triệu.
Sân Citi Field – $400 triệu (2008) mua quyền đặt tên 20 năm cho sân của đội New York Mets (MLB).
Trong 4 giải thể thao nhà nghề lớn nhất tại Hoa Kỳ (banh bầu dục NFL, banh rổ NBA, banh chày MLB, và khúc côn cầu trên băng NHL), các hãng bảo hiểm và giới chủ nhà băng chiếm trên 30% các hợp đồng đặt tên cho vận động trường của các đội thể thao. Từ năm 1998, các nhà băng chi ra trên $2 tỉ mua bản quyền đặt tên sân, trải ra từ 5 đến 30 năm. Đặc biệt, cả 3 đội thể thao nhà nghề của thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, đều đặt tên sân nhà băng: Philadelphia Eagles của NFL với Lincoln Financial Field; Philadelphia 76ers của NBA với Wells Fargo Center; và Philadelphia Phillies của MLB với Citizens Bank Park. Năm 2008, đang giữa chừng vụ khủng hoảng tài chánh, Citigroup vẫn quyết định ký hợp đồng $400 triệu mua quyền đặt tên sân của đội banh rổ NBA New York Mets, đã gây ra một cơn bão chánh trị nho nhỏ.
Bank of America Stadium – $140 triệu (2004) mua quyền đặt tên 20 năm cho sân của đội Carolina Panthers (NFL).
Việc bán bản quyền đặt tên sân cũng không phải chuyện riêng tại Hoa Kỳ, mà còn phổ biến quanh thế giới, bao gồm Úc, Nhật Bổn, Canada, Do Thái, v.v… Tại Đức Quốc, 80% các sân banh lớn nhất mang tên các công ty thương mại. Gần đây, 2 anh khổng lồ của làng đá banh Tây Ban Nha là Real Madrid và Barcelona không hẹn mà cùng công bố đổi tên. Sân Camp Nou lừng danh của Barcelona trong tương lai sẽ kèm thêm tên hãng hàng không Qatar Airways. Trong khi đó, tập đoàn đầu tư Abu Dhabi IPIC thỏa thuận tài trợ Real Madrid $433 triệu để tái thiết sân Santiago Bernabeu rồi sau đó thay thế cái tên huyền thoại này luôn. Chuyện thương mại hóa việc đặt tên trong thể thao có thể đôi khi gây bất bình cho nhiều người, đặc biệt các khán giả thích “hoài cổ”, nhưng có thể nói là chiều hướng khó đảo ngược.
Lincoln Financial Field – $139.6 triệu (2002) mua quyền đặt tên 21 năm cho sân của đội Philadelphia Eagles (NFL).
TTD