Thế là đã đến nhà! Anh tự nói với mình khi chiếc xe đò xuống hết đèo và dừng tại trạm kiểm soát. Khác hẳn với giọng mượt mà, điệu đàng của người dân phía bên kia đèo; giọng nói của người dân quê anh chân chất, cục mịch dù hai bên chỉ cách nhau một con đèo dài chừng mươi cây số. Anh yêu giọng nói quê mùa đó đến độ mỗi khi nghe, anh cứ ngỡ như mình đang sống ở quê. Nó tự nhiên ăn sâu vào tâm hồn anh như hương đinh lăng trong chiếc gối mẹ làm cho anh nằm suốt thời thơ ấu; như mùi trầu cau ấm nồng toát ra từ mẹ. Tất cả chứa chan sự dung dị, hồn hậu nhưng không bao giờ phai nhạt, pha lẫn cho dù sau này anh lang bạt khắp nơi.
“Đã đến nhà” là cách anh gọi chứ thực ra anh còn phải thay đổi một lần xe và ít nhất cũng hơn 2 tiếng đồng hồ nữa mới thật sự đến nhà. Buổi chiều Tháng Chạp dường như xuống nhanh hơn bình thường và lúc này anh chỉ mong kịp chuyến xe về nhà cuối cùng trong ngày.
Nắng trải vàng yếu ớt trên cánh đồng vừa cấy. Ánh sáng loang loáng theo nhịp xe chạy. Những nếp nhà nằm xen giữa vườn cây, thấp và buồn bã như anh vẫn thường thấy, kể từ ngày lớn khôn đến bây giờ. Nói vậy chứ ở đây, nhìn qua cảnh vật, anh biết đời sống người dân còn đỡ hơn quê anh rất nhiều. Chẳng đâu xa, ngay gia đình anh, cái khổ, cái khó mới đi qua chừng vài năm nay thôi. Trước đó, ba anh, đã phải ngược xuôi, vất vả nuôi bầy con 8 đứa. Nhiều hôm, bữa cơm gia đình chỉ vỏn vẹn dĩa cá kho mặn, chén mắm, rổ rau. Thời gian khốn khó qua đi nhưng trong ký ức anh, hình ảnh gia đình ngày xưa luôn hiện hữu. Nó như một ám ảnh. Hơn thế nữa, nó mang biểu tượng cho một mái ấm hạnh phúc, hòa thuận.
May mắn, anh kịp chuyến xe đi về quê anh cuối cùng trong ngày. May mắn hơn, anh được bác tài tốt bụng, dành cho chiếc ghế bên cạnh tài xế. Từ chỗ ngồi này, anh tha hồ ngắm cảnh quê mình. Trời đã tắt nắng nhưng ánh hoàng hôn vẫn còn chới với trên các ngọn cau cao. Không gian yên bình tỏa ra nhẹ nhàng, êm ả khiến tâm hồn anh lâng lâng một niềm vui. Những mệt mỏi của cuộc hành trình, mùi xăng nồng nặc, mùi hơi người và cả tiếng nói chuyện ồn ào của hành khách trong xe không làm anh thấy khó chịu như mọi khi. Có lẽ, những ngày cuối năm, không phải là người lo toan nhiều việc thì anh cũng là kẻ nhàn du, thanh thản nhìn mùa đi,Tết đến nên mọi thứ vốn dễ gây nên bực bội đều được để qua một bên, dễ dàng bỏ qua.
Đột nhiên, anh nảy ra một ý nghĩ. Thay vì vội vã về nhà, anh sẽ nhẩn nha ghé quán cà phê quen thuộc rồi dạo xem người ta bán buôn trong dịp Tết để đợi khi tối mịt mới về nhà. Cái ý nghĩ trẻ con đó khiến anh thấy thú vị. Vì ngay chuyện về quê ăn Tết này, anh cũng mới thay đổi ý định. Trước đó, anh chỉ nhắn là năm nay bận việc nên sau Tết mới có thể về được. Giờ này, mẹ anh chắc đang chuẩn bị nấu bánh tét. Năm nào cũng vậy, tối 28 Tháng Chạp, mẹ anh bắt đầu việc nấu bánh để sang ngày 29 Tết, vớt bánh cúng tất niên và rước ông bà. Ngày trước, anh vẫn cùng ba mẹ anh thức coi chừng nồi bánh. Trong những việc chuẩn bị đón năm mới, anh thích nhất là việc này. Nồi bánh tét của gia đình anh, dù năm đó làm ăn khó khăn đến mấy, ba mẹ anh cũng cố lo cho bằng được một nồi bánh tét to tướng. Một phần để biếu bà con, họ hàng; một phần để mấy chị em anh ăn lai rai đến hết Tháng Giêng. Nồi bánh lớn nên không nấu trong bếp được. Ba anh kê 3 cục gạch xi măng để làm bếp ở phía hiên sau. Quê anh mùa này lạnh nên chị em anh thường ngồi bên nồi bánh tét để sưởi ấm.Tuy nhiên, không ai ngồi được lâu, mấy em của anh thì mẹ bắt đi ngủ sớm vì sợ thức khuya sinh bịnh; số còn lại thì ráng lắm cũng đến nửa đêm là bỏ cuộc. Cũng từ nồi bánh này, mẹ luôn đặt vài ba cái ấm, nồi nước tận dụng than đỏ rực để nấu nước cho mấy chị em anh tắm. Tắm xong, người lạnh run lại chạy nhanh đến bếp để sưởi. Sau này anh lớn lên, việc tắm nước nóng vẫn còn và có thêm bộ ấm trà nữa. Thành ra, việc canh lửa cho nồi bánh chín đều đã không còn nặng nhọc hay tốn công sức mà là một thứ tiêu khiển thú vị, nhất là những năm thời tiết đổi thay, mưa lâm râm suốt những ngày giáp Tết.
Thắm Nguyễn
Ký ức đưa anh về ngày xưa và cũng đưa chiếc xe đò vào bến từ lúc nào. Khi mọi người trên xe lục tục bước xuống, anh mới sực tỉnh. Anh lách qua dòng người đông nghịt, lững thững thả bộ về quán cà phê mà lúc còn ở quê nhà, anh thường ngồi.
Anh quyết định sẽ về nhà lúc gần khuya. Giờ đó, chắc chỉ còn ba mẹ anh thức với nồi bánh tét. Anh sẽ vào cửa sau. Con chó Ki đã quen hơi anh, sẽ không sủa. Và anh, như một tên trộm, lẻn vào nhà, đột ngột xuất hiện sẽ khiến ba mẹ anh bất ngờ, sửng sốt, nhất là mẹ anh, vẫn đang mong ngóng anh. Nghĩ đến cảnh ấy, anh bất giác mỉm cười sảng khoái và thấy nôn nao trong lòng. Anh như một đứa trẻ vừa thích chơi trò cút bắt lại như một chàng thanh niên thích những trò lãng mạn.
Đường phố đã lên đèn. Dòng người vẫn tấp nập, hối hả. Thời gian cuối ngày, cuối năm không còn nhiều nên ai cũng tất bật. Chỉ riêng anh là nhởn nhơ. Anh cảm thấy mình đang đứng bên ngoài cuộc sống mà quan sát nó chứ không bị nó cuốn theo như cách đây một ngày. Cảm giác của một người rảnh rang, từ xa về quê, giữa không khí rạo rực, náo nức của những ngày giáp Tết kỳ lạ lắm. Tâm hồn cứ lâng lâng như muốn bay bổng đồng thời lại như lắng đọng để nghe từng âm thanh chìm nổi của thời gian.
Anh đi trong miên man và đôi chân cứ từng bước theo quán tính xa xưa. Quê nhà đổi thay không nhiều. Đường phố vẫn nhỏ hẹp. Dịp Tết nên người ta bày hàng hóa ra tận lề đường. Nếu có gì khác thường chính là sự xuất hiện của những chậu bông thược dược đủ màu, những chậu cúc vàng tươi và nhất là những cành mai được người ta vác trên vai đi bán dạo. Anh chợt nhớ ba anh là người không thích chưng hoa trong nhà, dù là hoa mai trong dịp Tết. Chị em anh thích thì làm, ba không ngăn cản. Nhưng ba chưa bao giờ tốn tiền mua một cành hoa nào. Thậm chí, có năm, ba được người ta tặng một cành mai thật đẹp, ba cũng đem cho lại người khác. Thắc mắc thì ba chỉ nói: “Mất công quét lá, quét hoa rụng!”. Sau này, lớn thêm, anh mới hiểu, ba anh không thích cái gì mong manh, dễ vỡ. Hiểu được tính ba, anh càng yêu quý ông nhiều hơn. Anh cũng buồn bã nhận ra, là suốt đời, anh không thể bằng được ba anh; trong khi ông lúc nào cũng mong “con hơn cha là nhà có phúc”.
Quán cà phê quen thuộc ngày xưa anh và bạn bè thường ngồi đã đóng cửa. Một tấm bảng treo trước cửa nguệch ngoạc mấy chữ: quán nghỉ để dọn dẹp và mở lại vào chiều 30 Tết. Anh quay lại đường cũ, dự tính kiếm gì ăn qua loa rồi tiếp tục đi dạo, chờ đến tối mịt mới về nhà. Phải nói là lâu lắm, anh mới có dịp nhìn kỹ chân dung quê nhà như thế này. Suốt một thời thơ ấu rồi lớn lên, sống ở đây nhưng quê nhà dường như không gây cho anh một quan tâm, chú ý nào. Nó bình thản và lặng lẽ tồn tại với vẻ cam chịu. Có khi nghe ai đó kể về những cảnh đẹp, cảnh nên thơ của quê họ, anh cảm thấy khó chịu hoặc hơn thế nữa, sự ganh tỵ, bởi sự quê mùa, thô kệch của quê anh. Thị xã gì mà không có lấy được một ngã tư; đường phố nhỏ xíu, đầy bụi bặm; nhà cửa nhấp nhô, cái thụt vào, cái lồi ra chẳng theo một trật tự nào!
Mãi cho đến khi xa nhà, xa phố anh mới thấy nhớ, thấy thương quê anh. Nỗi thương nhớ ấy đi vào giấc mơ của anh hằng đêm, khi bằng hình ảnh này, lúc bằng hình ảnh khác, lung linh và ảo diệu.
Một chiếc xe gắn máy dừng ngay trước mũi giày khiến anh giật nảy mình. Anh chưa kịp nói gì thì nhỏ em, người ngồi trên xe, đã cười khanh khách: “Mẹ nói chẳng sai!” rồi giục tôi lên xe về nhà kẻo mẹ chờ cơm. Anh tiu nghỉu theo em về nhà. Trên đường đi, em tôi kể: Mẹ nói hôm nay anh về, biểu em ra bến xe đón anh. Cả nhà ai cũng nói là anh đã nhắn không về ăn Tết rồi mà. Mẹ cứ khăng khăng: “Anh mi nói rứa chứ nó nôn về nhà lắm. Nó biết hôm ni nhà mình nấu bánh, nhất định về để thức canh lửa cho coi”. Không cãi được mẹ nên em chạy ra bến xe thì thấy vắng tanh, quay về thì thấy anh đang lang thang. Đúng là không ai hiểu anh bằng mẹ…
“Đúng là không ai hiểu con bằng mẹ”. Mẹ anh và những bà mẹ khác mà anh biết đều có tấm lòng bao la và sự thấu hiểu con cái một cách lạ kỳ. Ở điểm này, học vấn hầu như không có ý nghĩa gì, nếu không muốn nói là chẳng ăn nhập gì đến. Mẹ làm anh sung sướng đến rưng rưng nước mắt dù ý định lãng mạn của anh đã mất đi và trở thành một thứ… dở hơi. ><