Gần như đây là truyện ngắn đầu tay của Thduyên, bà viết nó như một status trên Facebook chứ không với ý định phổ biến như một sáng tác văn chương, sau khi post lên Facebook, bà đã xóa mất, may sao chúng tôi kịp lưu lại và xin phép bà được đăng, bà đồng ý. Thduyên hiện sống ở Waterford, Michigan.

Thduyên
Bản văn như một tự truyện, hay một vài trang nhật ký, bị xé rời ra. Cấu trúc truyện là những đoạn phim ngắn, rời rạc, nhưng khi lắp nối lại với nhau thì bày ra bối cảnh của một xã hội miền Nam đang thay đổi nhanh sau biến cố 30/04/1975. Truyện kể về tâm tình và đời sống của những người trẻ tuổi – 3 thiếu nữ – thuộc “bên thua cuộc”, vừa kịp lớn với cơn sóng dữ thời cuộc, ở buổi giao thời, sự tàn bạo và những số phận khốc liệt: cướp vàng, vượt biên, chết chóc, tự tử, tù tội, gái nhảy, trai bao… Sau cùng, tổng thể của những chi tiết này là “một tuổi trẻ vắng bóng tương lai” mà phần lớn một thế hệ đã cảm nhận.
1976, cái Tết đầu tiên của sự nghèo khổ mất mát.
Ba đứa đạp xe đi thăm mộ của nhỏ bạn vừa tự tử, mới 3 tháng cỏ đã mọc um tùm. Không tiếng khóc nào, cũng không tiếng than thở nào, chỉ có bó hoa cúc tím và bó nhang.
Trên đường về, Túy nói: “Hai đứa mày về nhà trước chờ tao.”
Tôi gật đầu im lặng đạp xe chậm lại theo Hồ.
Trong căn phòng chỉ còn 2 cái ghế, tôi ngồi xuống chiếc chiếu trong góc mệt phờ. Hồ ôm đàn hát: “Ôm lòng đêm nhìn vầng trăng mới về… nhớ chân giang hồ…” [1]
Tôi dán mắt trên vệt nắng để khỏi khóc, im lặng nghe, con nhỏ hát thật hay.
Túy hậm hực quăng chiếc xe góc nhà, một tay cầm cái chai, hình như rượu trắng trong veo, tôi hỏi: “Rượu đế hả ?”
Túy và Hồ cùng nói một lượt: “Không có tên mày đâu!”
Cũng phải thôi, tôi chưa bao giờ dám uống như vậy, chỉ ngồi nhìn hai con bạn vừa uống vừa hát vừa gào tôi đã đau đớn lắm rồi…
“… Những con đường buồn vui lộng gió
Những ân tình chìm trong lòng phố
Cũng theo hư không mà đi…”[2]
Cuộc sống trôi đi như định phận của chính tôi và tất cả bạn bè của tôi, nhớ thương nhau nhưng biết làm gì cho nhau, đứa nào cũng lầm lũi sống không biết ở đâu trong thế gian này nữa.
1985, tôi thuê căn nhà nhỏ ở góc phố mở quán cafe, tự trang trí, tự làm hộp đèn chỉ 4 chữ C A F E như cái tên để gọi thế thôi, làm ăn cũng tạm ổn, cafe nhạc nhưng giá vừa phải, công nhân đi làm sớm có được ly cafe ngon, nghe được bài nhạc cũng vui vui. Tôi gầy đi rất nhiều nhưng không còn vất vả tàu xe buôn bán.
Một buổi trưa Túy và Hồ xuất hiện bất ngờ, tôi mừng đến nỗi cà lăm vì trong lòng tôi nghĩ chắc 2 con nhỏ này vượt biên chết rồi. Thì ra cũng gần đúng, nhưng chuyện gay cấn hơn nhiều. Bạn tôi gí súng cướp vàng đi vượt biên và bị bắt, 2 tội một lần, ở tù mới ra, nhỏ Túy trên cổ tay 3 vết cắt, tự tử nhưng chưa tới số chết.
Trời ơi, hai con nhỏ học giỏi vô cùng, riêng nhỏ Hồ nó thuộc thơ Ðường không sai một chữ. Tôi pha café, chạy mua phở, mua thêm bánh mì rồi ngồi nhìn bạn ăn.
Sáng hôm sau, uống cafe xong tôi đưa hai đứa ra ga đi Saigon, Túy nói: “Tao ớn Nha Trang lắm, ở đây trái tim tao say!”
Tôi không nhớ chính xác là bao lâu, chừng nửa năm, Túy ghé lại quán cafe của tôi cùng với một anh chàng đẹp trai, nhìn bạn tôi thật hạnh phúc, nàng quăng cho tôi gói thuốc 555: “Tao biết mày bán nhưng đéo dám hút!”
Tôi cứ ngẩn cả người không kịp cám ơn, nó đã đi mất. Tôi nghĩ hoài không ra, con nhỏ nói cái chữ gì nghe lạ quá, quên hỏi nó đang ở đâu. Hồ thì ở Sài Gòn, nghe nói đã lấy chồng.
1987, chính xác sau Tết năm đó, Túy dẫn theo một thằng bé ghé đến quán cafe của tôi, nàng mập và trắng, nhìn thật xinh, nhưng người đàn ông bên nàng lạ hoắc, trông có vẻ dữ dằn, tôi hỏi nhỏ: “Thằng nhóc dễ thương ghê, một tuổi hả Túy?” (tôi đoám thầm trong bụng)
Túy trả lời, và cười: “Mày đoán hay lắm, nó 1 tuổi, mới đẻ là cha nó chết rồi.”
Tôi biết cái mặt tôi lúc bấy giờ rất dễ bị bạn tôi chố thêm vài câu cho hết khóc, nên vội quay vô quầy pha cho thằng nhóc ly sữa. Uống xong, người đàn ông bồng nó đi, còn lại tôi ngồi với Túy, quán cafe còn vài người khách.
Tôi lén nhìn Túy, khuôn mặt nàng lạnh, những cụm khói nàng thổi tròn to rồi nhỏ dần, thản nhiên, khiến tôi không biết phải hỏi nàng điều gì. Dụi điếu thuốc xong, nàng nói: “Tao biết mày thắc mắc nhiều lắm, nhưng tao không có gì để nói, mày cứ tiếp tục nghĩ đến tao nhưng đừng buồn, cuộc đời này tao thấy tạm vui. Ðêm tao đi làm gái nhảy, kiếm cũng khá. Thằng hồi nãy là trai bao của tao…”
Tôi nắm hai bàn tay im lặng, Túy nói tiếp: “Tao vốn là trái tim say, mày ráng sống cho yên phận.”
Chiếc xe Honda trờ tới, Túy để tiền trên bàn cho tôi, lật đật đi. Tôi cứ ngồi im vậy mà không khóc được, mới đau.
Túy ghé quán cafe tôi thêm vài lần nữa, lại bung đi Saigon kiếm sống.
Một thời gian sau quán cafe cũng không còn, tôi lại bôn ba bon chen đi buôn, buồn nào cũng chèn nén một bên, ngày qua chứ bữa cơm đâu qua.
Không thể biết được lần gặp nhau trước khi tôi qua Mỹ có phải lần cuối cùng hay không nữa, hai đứa uống gần hết chai Hennessy, tất nhiên Túy uống nhiều hơn, nơi đây có dàn nhạc và nàng hát:
“Besame besame mucho
Cette chanson d’autrefois je la chante pour toi
Besame besame mucho
Comme une histoire d’amour qui ne finirait pas…” [3]
Tôi đứng lên vỗ tay mà nghiêng ngả nước mắt. Tôi hơi say. Lần này tôi hỏi riết ráo bằng giọng điệu y như nàng: “Mày ở đâu, viết cho tao địa chỉ, số phone nha nha nha…”
Túy ấn tôi ngồi xuống, bật quẹt mồi thuốc cho hai đứa tôi, rồi im lặng rít, khói chầm chậm từ môi nàng vào mũi, giễu cợt, rồi phà thẳng về phía tôi. Nàng nói, cũng chầm chậm như thế: “Ð.m, chưa bao giờ mày nói cho tao nghe nỗi đau khổ của mày, tao thừa biết nhưng tao không bao giờ hỏi, mày cứ yên phận cho tao nhờ, đừng bao giờ hỏi tao sống ở đâu và như thế nào. Ðể làm gì chứ?! Mày chưa đủ đô hả, cứ sống đi… cuộc đời sẽ cân đủ nỗi khổ cho mày. Uống ly nữa, tao – “trái tim say” – sẽ hát tặng mày một bài rồi đường ai nấy về, đời ai nấy sống.”
“…Lệ xóa cho em được không những kỷ niệm đắng
Lời nói yêu thương ngày xưa có trở về tìm…” [4]
Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua từ đêm ấy, tôi mong sao một ngày về, tìm lại được “trái tim say”.
[1] ca khúc “Phôi pha”, của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
[2] ca khúc “Ảo ảnh”, của nhạc sĩ Y Vân
[3] ca khúc “Besame mucho”, nhạc ngoại quốc
[4] ca khúc “Bài không tên số 4”, của nhạc sĩ Vũ Thành An