Nhà văn Trần Phong Vũ tên thật là Trần Ngọc Vân, sinh tại tỉnh Thái Bình, Bắc Phần Việt Nam ngày 15 tháng 3 năm 1932. Ông là nhà văn, nhà biên khảo, nhà truyền thông, người viết tâm bút và cũng là nhà thơ… Bất cứ trong lãnh vực nào cũng thấy có sự xuất hiện của ông với cây bút và ngôn ngữ thật sắc bén, tế nhị, tràn ngập tình yêu thương và niềm tin Cơ Ðốc Giáo. Ngay từ khi còn ở Việt Nam trong độ tuổi thanh xuân, nhà văn Trần Phong Vũ đã bắt đầu viết văn, làm thơ. Ông từng là bình luận gia của các chương trình trên Ðài Phát Thanh Quốc Gia Saigon, từ năm 1957 đến ngày Miền Nam thất thủ. Ông cũng từng là tổng thư ký của nhiều tờ báo tại Miền Nam trước năm 1975. Và ông cũng là một nhà giáo dạy văn đệ nhị cấp tại các tư thực lớn ở Saigon như Thủ Khoa, Hưng Ðạo, Nguyễn Bá Tòng, Lasan Tabert… Ông là tác giả của 14 tác phẩm thuộc đủ mọi lãnh vực, từ văn chương thơ phú cho đến những sách biên khảo, nghiên cứu chính trị, tôn giáo. Tác phẩm trường ca Mùa Hợp Tấu của ông được Giải Nhất của Vụ Văn Hóa thuộc Bộ Thông Tin Việt Nam năm 1956.
Mở đầu Tuyển Tập Trần Phong Vũ là truyện ngắn Ðộc Thoại của một người con gái nói về cha, nói chính xác thì là những lời của nhà văn Trần Phong Vũ viết về con gái của ông. Cô gái ngồi yên lặng, để lòng trí nhớ về ngày tháng cũ – ngày tháng ghi đậm những gì còn mất trong đêm. Hình ảnh cuối cùng còn đọng lại trong mớ ký ức mỏi mòn thơ dại của tôi lúc ấy là hình ảnh cô út tôi một tay đưa ngang giòng lệ, một tay dìu bà nội khuất sau khuông cửa. Giữa lòng đêm đen, hình như có tiếng nói đang dội lên từ đáy hồn tôi…[Độc Thoại – Trang 37]
Từ đó, người cha luôn hỏi con gái: Bữa nay có thư cô không con? [Độc Thoại – Trang 38], câu hỏi được lặp đi lặp lại từ ngày này sang ngày khác, từ tháng này qua tháng khác như điệp khúc của bản nhạc quen tên. Câu hỏi cũng là âm vang của một quá khứ thật gần, một quá khứ tưởng như trong tầm tay, nhưng đã chia xa vời vợi. Vì sao? Vì người cha đã qua đời! Giữa đêm đen dày đặc, tôi như nghe, như thấy, như sờ nắm được nỗi ân hận đang giày vò tâm trí. Hình như tôi đã chẳng có được bao nhiêu lời nói ngọt ngào cũng như cử chỉ thân ái dành cho bố tôi khi người còn sống…Những hương hoa, mật ngọt của thời mới lớn và những ước vọng cao vời của tuổi trẻ, đã đẩy dần tôi ra khỏi vòng tay yêu thương của các đấng sinh thành, mặc dầu trên thực tế tôi vẫn sống gần gũi các người. Ðấy là bản chất con người tự nhiên của tôi, hay là do ảnh hưởng ngoại lai chi phối, sau khi bị bứt ra khỏi chiếc nôi thân ái quê hương quá sớm…[Độc Thoại -Trang 45]
Chuyện gì thuộc về quá khứ hãy trả lại cho quá khứ. Cái giá tìm được từ những lỗi lầm, sai sót đã qua không phải là thái độ đau buồn, tiếc nuối, đắm chìm trong những điều dở tệ đã vướng mắc,…. mà chính là sự bắt đầu trở lại bằng một quyết tâm mới, một ý chí mới cho những gì còn có được trong tầm tay.
Ðộc Thoại – câu chuyện mở đầu Tuyển Tập Trần Phong Vũ là câu chuyện hư cấu, nói về cái chết xảy ra cho người cha từ một phần tư thế kỷ trước; không ngờ lại chính là câu chuyện thật của người con gái. Cô đã qua đời, mang theo ánh sáng diệu huyền của bảo châu – một viên ngọc quý mà cũng là tên gọi mà cha cô đã thương yêu đặt cho con gái đầu lòng.
Ðộc Thoại – tuyển tập dày 496 trang, được chia làm bốn phần: Phần Một, Phần Hai, Bên Vực Tử Sinh, Dấu Chân Trên Cát, Phụ Lục, Nhận Ðịnh Về Dấu Chân Trên Cát Của Giới Cầm Bút, và cuối cùng là Lời Bạt. Mỗi một phần đều có những lời hay ý đẹp đặc biệt. Riêng tôi thích đọc Phần Một và Phần Hai, để thấy Ðộc Thoại, Hạt Cát, Hồi Tưởng, Cơn Mê, Hồn Xuân Lữ Thứ, Ðịnh Mệnh, và Quê Hương Còn Ðó. Dưới Mắt Người Cầm Bút.* [*. Đề tựa những truyện ngắn trong Tuyển Tập Trần Phong Vũ]

Nhà văn Trần Phong Vũ