Menu Close

Hải sơn – Trên nỗi đợi chờ – Kỳ 2

Những ngày chênh vênh

1.

Ngày ở đây chênh vênh. Hải Sơn không huyên thuyên tiếng chim vườn, chỉ thái quá những tràng gâu gâu của lũ chó hàng xóm. Trưa nóng, tôi ra vườn, buồn tự tại lắc lư trên cái võng. Mắc giữa hai thân mít, chiếc võng đong đưa đáp lời ngỏ của gió. Tâm tư tôi như chiếc lư phàn nàn đợi khói trầm hương. Tôi bỗng dưng lao xao những chiều Thứ Bảy. Phố trôi thênh, người qua lại xô bồ, khói bụi. Những va quẹt xe cộ, lổn nhổn những đường ngang ngõ hẹp của Sài Gòn. Sài Gòn có xốc nổi, có bao dung, có âm trầm… Thôi, tôi đành tự vỗ về: đừng trả giá làm chi nỗi sầu!

Mẹ hứa đỡ bận việc lo chuyện“tàu bè” rồi sẽ cho về lại Sài Gòn chơi vài bữa. Anh Hải không đi cào,“Sợ Bé mới về ở nhà một mình buồn.” Anh thường kiên nhẫn với sự lê thê chậm kể của mẹ, lại phải hay chiều chuộng những cơn “nũng nịu” như con bé đi chùa Hương của cô em gái. Anh tôi hiền lành, chẳng mấy khi xung đột với gã em trai có lúc chướng tính như cơn gió trái mùa.

Buổi trưa, anh Hải nằm võng lắc lư, ngó lên cây mít rồi bật dậy lấy dao phay chặt xuống vài trái. Mít để chín, bổ ra ăn vài múi rồi vứt. Mười tám cây mít, chẳng ăn mít thế cơm là gì! Hàng xóm, nhà nào cũng có mít, chẳng ai buồn lấy thêm. Anh Hải “sáng kiến” hơn, mượn cái nia lớn về phơi mít để mang về Sài Gòn làm quà cho bà ngoại. Mít gỡ múi. Chỉ trong nháy mắt, đám ruồi xanh kịch liệt- biến hoá cái nia mít vàng rượm thành cái nia “đậu đen” lúc nhúc. Dân Sài Gòn, cứ thấy mít khô là “phái”. Có biết đâu “niềm đau đã nằm trong” cái nia đậu đen thổ tả kia! Làm sao để đập hết mấy con ruồi xanh để hòng tận hưởng hương vị ngọt thơm của mít?

Khi tôi đầy tởm lợm ở cái đầu lưỡi thì anh Hải vẫn tỉnh bơ,“Cây mít ngọt nhất vườn, là cây nằm gần cái cầu tiêu!”

2.

Cứ vài bữa thì anh Hải, Xì và cả mẹ tôi lại theo hai ông chú họ tôi là chú Vững và chú Vận “đi cào”. Hai ông chú họ, một thời là “danh ca” (đánh cá) ở Bà Rịa nên chuyện sông nước, tàu bè rành rẽ như lòng bàn tay. Anh Hải kể, ở khúc sông Thị Vải, ghe tàu phải có giấy phép hành nghề để xã cấp cho mua dầu và có giấy ra cửa sông. Tàu nhà “đi cào” thả lưới có càng cào sau đuôi tàu. Cá, tôm, tôm kẹp lọt vào lưới rồi kéo lên lựa cá to, cá ngon để bán. Bán chẳng được bao nhiêu tiền nhưng phải gắng ra sông mỗi sớm, mỗi chiều. Người có ghe “đậu chết”, không cào được tôm cá phải mua lại “hàng” của những tàu khác để như mua bán như hành nghề chính thức. Gia đình tôi, chẳng ai là tiểu thơ hay công tử; nhưng dân thành thị muốn “tìm đường cứu nước” cũng phải vất vả phơi mình giữa nắng mưa sông nước. Cái túp lều tranh tạm bợ chỉ để nương thân chờ ngày lên đường…

Hộ khẩu tàu có tất cả năm người: hai ông chú họ: một tài công chính, một tài công phụ kiêm thợ máy và đến ba “lơ ghe” là anh Hải, Xì và mẹ. Mẹ tôi cũng có chức “lơ ghe” như Xì và anh Hải. Chỉ có tôi là “ lọt hộ khẩu” vì là con gái không quen khổ và chẳng làm được chuyện“đại sự” chi. Thuở ấy, trong nhà chỉ có tôi là mọt sách. Mọt mộng mơ. Tôi được ưu tiên ở lại SG để đi học.

Những ngày Hè ở Hải Sơn, tôi bị khủng hoảng với cái chức “chị nuôi” bất đắc dĩ. Mẹ lo toan chuyện tàu bè, tôi trở thành “đầu bếp chính”. Lúc còn mẹ ở nhà, tôi chỉ luôn giữ chức phụ bếp. Nhà có ba chiếc xe, một cái xế máy để chạy đi công chuyện. Một cái xe đạp đầm “chiến” hơn, Xì sở hữu luôn để đi tán gái hay chạy ra trông tàu mỗi tối. Cái xe đạp mini cà tàng còn lại, tôi mỗi ngày móc cái giỏ đi chợ trên tay lái, vã hơi với cái xe cà rịch, chưa đạp đã mỏi cẳng. Mặt trời nóng rát trên đầu, nắng đến mỏi mệt. Ðến chợ, vào hàng quen nói tên “bà Tuyết chủ tàu” là ai cũng biết. Mẹ tôi đi chợ “sộp” không trả giá. Chẳng phải sang chi, mẹ chỉ cho rằng,“Ai cũng khổ cả, buôn bán thì phải cho họ đủ sống.” Tôi học mẹ, không trả giá mà cũng thực thương những buổi chợ ế, hàng đầy người vơi.

Tôi thuộc trình độ vỡ lòng với nấu ăn. Phải học từng món của mẹ như tập đánh vần hai mươi bốn chữ cái. Cả nhà đều ghiền cái món thịt ba chỉ kho với mắm ruốc, ớt sả ăn với cà pháo sống xắt nhỏ của mẹ. Tôi ngồi đầu nồi cơm, bới không kịp. Buổi đầu, tôi lao đao với chuyện cơm nước. Tôi xào rau muống, lỡ tay với chai nước mắm. Quá mặn, tôi thêm… đường. Nồi thịt kho trên cái bếp củi, có bữa cháy khét. Xì chọc quê, “Kiểu này, nhà mình hết dầu thắp đèn là khỏi thấy đường gắp thịt!” Rồi hắn than đau bụng, ngưng đũa. Mẹ và anh Hải thì hàm miệng kiên nhẫn hơn. Ðói lắm cũng chẳng ai “dám” bới tới chén thứ hai.

Mỗi chiều đi cào về, Xì thường bắt đầu với câu hỏi, “ Hôm nay ai nấu ăn vậy mẹ?” Nếu mẹ đáp gọn cái tên “Chị Bé”, là hắn dông mất.

Tôi tạm quên nỗi sầu cơm nước. Cả ngày trực diện với cái bếp lửa, chút thư giãn với tôi là buổi tối của riêng mình. Ngày qua như bấc đèn. Ðìu hiu bên ngọn đèn dầu – nỗi nhớ biến thành sợi chỉ khâu thành từng trang “Nhật ký Ngày Xanh”. Tôi viết cho tôi. Cho Anh. Cho mối tình đầu… không đuôi.

Bụi phấn hay cặp mắt kiếng trí thức kia đã vương vấn tâm hồn tôi? Tôi chưa cảm được sự cô đơn thực sự. Chỉ thấy thiếu vắng. Văn chương chẳng chọn tôi. Có lẽ, tôi yêu văn vì Anh.

Một năm sau ngày tôi ra trường. Một bức thư từ “người thầy giáo Văn” của tôi với những lời lẽ thật bất ngờ, “Viết riêng cho cô học trò giỏi Văn của thầy- một tâm hồn đẹp khó thể quên!” Chỉ vậy- là tôi cũng đủ can đảm để gọi “Thầy” bằng tiếng “Anh” từ ấy. Khuya. Tôi mở lá thư anh, nỗi sầu lên vời vợi như hàng cây nhớ gió. Một nụ hôn chưa kịp khép môi- một tình yêu chưa nói trọn lời. Trang thư anh ngày nọ, thả khát khao vào gió,“Em ơi, chiều không thắp mà cạn dần điếu thuốc. Khói thuốc anh tìm đâu chỗ đậu?”

Tình yêu giống như một cái mạng nhện – có con ruồi mắc kẹt – rồi chết khô giữa những sợi tơ nhện.

3.

Tối. Trăng sáng vườn… mít. Chẳng cần phải đốt lên ngọn lửa để tìm trăng. Anh Hải rủ, “Bé, đi ra quán cà phê chị Hương chơi!” Tôi gật đầu cái rụp, rồi chỉ chạy vào nhà xỏ đôi guốc nhọn. Chân dung tôi giờ hệt như miếng mít xơ, gáy tóc mai vắn dài cũng thực lười gương lược. Lần gặp cuối ở Sài Gòn, anh nói khi tôi nhìn nghiêng, một nửa nụ cười đã đi vắng.

Vầng trăng đêm độ lượng, soi rõ con đường cát trắng. Anh Hải ẹo mông đạp. Tôi ngồi sau yên chiếc xe đạp lọc cọc, ngửa cổ ngắm trăng. Ðã qua rồi cái tuổi hái hoa cài tóc nhưng vẫn chưa là độ tuổi lén trao nhau… Nọc độc nơi Vườn địa đàng… Tôi bắt gặp mình ở tuổi mười tám, ngọ nguậy như chú ve sầu. Tâm hồn tôi, vẫn mang ký ức của một loài chim sẻ ngây ngô

Cà phê Quán của “Chị Hương Sài Gòn” bên hiên chợ Hải Sơn. Cô chủ quán có khuôn ngực đầy, núng nính mê hoang. Chẳng trách mấy gã trồng si, mơ trái cấm giú trong tà áo mỏng. Chị Hương đón tôi và anh Hải bằng nụ cười tươi. Chẳng hiểu sao, tôi cảm giác đôi mắt chị mang nỗi buồn cuộn giấu “phía sau lưng chiều”. Có nỗi buồn như nó tự nó phát sinh, rồi chia đều hết ngả. Tôi nhìn giọt cà phê chậm rãi rơi – đắng những giòng đời tất bật, vô vọng.

Anh Hải gọi cho tôi ly chanh muối. Tôi ngồi im trong góc quán, chậm rãi nếm vị mặn trên đầu lưỡi. Sài Gòn, những chiều Cà phê lề đường cũ. Nắng trộn lẫn với lá me. Người Sài Gòn, vui buồn đều ra cà phê. Cà phê thì phải cà kê, dê ngỗng mới thú vị. Anh tôi thuộc loại “cà phê đạo” – chỉ khoái phiếm một mình với nhạc. Anh Hải đưa chị Hương mở cái cuốn băng cát sét. Bản nhạc ruột “Papa” vừa cất lên – ông anh như hết bơi lại ngụp lặn, vẻ rất ư… thẩm thấu cơn cảm xúc âm nhạc.

Xì ở bến ghe tạt vô bàn. Gã em đi cùng với thằng bạn thân có màu da xanh như ngã nước, như hắn vừa qua cơn bạo bệnh. Xì và thằng Hảo là cặp bài trùng, thích cua gái và mê khoai lang lùi. Ðêm nào bọn hắn cũng ngủ lại ở bến ghe trông tàu, cũng bùi ngùi với khoai lang lùi. Mẹ tôi cảnh cáo, coi chừng có ngày cháy tàu!

Ngồi lì với chanh muối. Mông mộng sưng sôi đầy những đốt muỗi chích, tôi chỉ muốn về nhà, tình tự với cái đèn dầu và những trang Nhật ký. Con đường đêm loang loáng vệt trăng. Nhà ai đang trở giấc, mấy con chó giật mình ngửa cổ sủa vang. Tôi hỏi anh Hải sao mắt chị Hương nhìn buồn quá.

“Chồng chị Hương đi vượt biên, bị công an biên phòng bắn vào tàu rồi bỏ đi. Người thì chết bị trúng đạn và cả tàu bị chết chìm. Không ai trong chuyến tàu sống sót…” Câu chuyện đời thực chỉ vắn tắt trong vài dòng kể của anh Hải. Nỗi buồn như chạm nọc. Hạnh phúc đi qua đời bằng cái chớp mắt- nỗi đau ở lại bằng hình bóng tâm hồn.

Ðêm chữ nghĩa buồn hiu. Tiếng gàu ì ùm thả giếng. Tiếng nước xối xả. Cái buồng tắm cạnh giếng, phên phiếc lỏng le. Khi gió bật, cánh cửa bần bật như muốn sút cái bản lề. Anh Hải kể, lần nào anh tắm đêm và thay đồ; cũng bị “ma nào đó” rình.

“Có thiệt không đó?” Tôi nghe xanh mặt.

“Mấy con ma nữ mới khoái nhìn đàn ông !” Ông anh cà khịa.

Tôi nhìn ra cái ô cửa tò vò. Bên giếng nước, trăng loãng trên cái quần sịp Thái kẻ sọc màu mè, bó chẽn cái đít diu của anh Hải.

Bất chợt, tôi cười đến đau bụng.

                                    ĐMH