Menu Close

Khi Cây Búa nổi giận

Tôi không có may mắn được quen biết nhà thơ Bùi Minh Quốc, vào lúc ông còn trẻ trung, và sung sức:

Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy

Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường.

Khi tôi được hân hạnh diện kiến người thơ thì thi sĩ của chúng ta đã già rồi, trông hom hem thấy rõ, và thơ thẩn (xem ra) cũng… yếu xìu hà:

Tuổi sáu mươi khi nghĩa đời đã thấy

Thì gian nan biết mấy cũng lên phường.

Lên cũng đúng thôi! Phường xã ở Việt Nam – cả nước này đều biết – đâu phải chỉ là nơi chứng nhận giấy tờ (vớ vẩn) như bên xứ Lào, xứ Thái, xứ Miên hay xứ Miến… mà là chốn quan quyền nghiêm khắc.

Ngay cả đến ông Hồ Chí Minh mà nhận được lệnh triệu tập chưa chắc đã dám không đi, nói chi đến “cỡ” ông Bùi Minh Quốc. Không trình diện phường thì lôi thôi lắm, lôi thôi lâu, và (không chừng) sẽ lôi thôi lớn.

Ðôi khi, khỏi cần phải lên tới phường, cũng vẫn bị rắc rối như thường – theo tin báo Người Lao Động:

“Tối 26-3, trong lúc ông Dũng cùng nhân viên đang bán hàng, một số cán bộ phường 1 đến tịch thu tấm biển quảng cáo của quán nhưng không hề có văn bản, không có ý kiến từ cơ quan chức năng có thẩm quyền. Lý do là do tấm biển có nội dung phản cảm và nhảm nhí…

‘Tôi cố giải thích rằng đó là bảng quảng cáo với nội quy mang tính hài hước để thu hút thực khách. Không chỉ để giải trí, thư giãn mà còn nhắc nhở mọi người giữ vệ sinh chung. Tôi thấy hết sức vô lý khi họ không đưa ra lý do chính đáng nhưng vẫn lao vào gỡ bỏ rồi tịch thu tấm biển. Họ còn nói sẽ mời tôi lên phường làm việc nhưng đến chiều nay (27-3) vẫn chưa thấy phản hồi hay đưa ra lý do cụ thể’ – ông Dũng nói.”

Sáu ngày sau, ngày 1 tháng 4 năm 2015, sau khi có phản ứng sôi nổi của dư luận, tấm biển quảng cáo đã được hoàn lại cho khổ chủ – báo Người Lao Động cho biết tiếp:

“Tiếp xúc với báo báo chí, đại diện phường 1 cho biết việc tịch thu bảng hiệu ở quán Bún Bò Gân không phải là ý kiến của UBND hay công an phường mà do lực lượng kiểm tra trật tự lòng lề đường đã vội vàng xử lý khi chưa có chỉ đạo từ trên. Phường 1 cũng sẽ họp kiểm điểm những cá nhân đã trực tiếp tịch thu bảng hiệu ở quán Bún Bò Gân.”

Ồ thì ra đây “không phải là ý kiến của UBND hay công an phường mà do lực lượng kiểm tra trật tự lòng lề đường đã vội vàng xử lý khi chưa có chỉ đạo từ trên.” Cũng “vội vàng” và “chưa có chỉ đạo” y như vụ chặt (đại) cây xanh ở Hà Nội vậy, theo tường thuật của báo Pháp Luật:

“Việc thực hiện thay thế đồng loạt hàng trăm cây xanh, trong đó rất nhiều cây cổ thụ đang tươi tốt, đã vấp phải phản ứng của người dân, cũng như các nhà khoa học, chuyên gia bảo tồn trên cả nước.

Ngày 20-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu dừng việc chặt hạ cây xanh tại Hà Nội. Ngày 22-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội tiếp tục yêu cầu thanh tra toàn diện việc thay thế cây xanh, đồng thời tạm đình chỉ công tác một số cán bộ liên quan trực tiếp đến vụ việc kể trên…

Ngày 31-3, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Phạm Quang Nghị nhìn nhận việc triển khai chặt cây xanh, thay thế cây xanh đã làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Thủ đô. ‘Chúng ta phải tự phê bình, tự kiểm điểm, khẩn trương khắc phục sai sót, sự nóng vội giản đơn trong việc cải tạo thay thế cây xanh.’ – ông Nghị nói.”

Cũng trong ngày 31 tháng 3 năm 2015, công nhân Công ty TNHH Pou Yuen nhận được thư của ông Đặng Ngọc Tùng(Ủy Viên Trung Ương Ðảng, Chủ Tịch TLÐLÐVN) với lời lẽ hết sức mềm mỏng và tử tế:

Anh chị em đoàn viên và công nhân lao động thân mến,

Trong những ngày vừa qua, một số công nhân lao động tại Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) đã ngừng việc tập thể để thể hiện quan điểm không đồng tình với điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về trợ cấp bảo hiểm xã hội 1 lần…

alt

Công nhân lao động tại Công ty Pou Yuen Việt Nam biểu tìnhNGUỒN DIENDANCTM.BLOGSPOT.COM

Trên cơ sở những nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động, Tổng LÐLÐ Việt Nam đã có báo cáo và kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Chính phủ đồng ý giải quyết thỏa đáng quyền lợi của người lao động: Từ nay đến hết ngày 31-12, các chế độ bảo hiểm xã hội vẫn giữ nguyên theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. Sau năm 2015, kiến nghị Quốc hội sửa việc chi trả trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần theo hướng để người lao động tự chọn hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần như cũ hoặc thực hiện theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Vì vậy, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đoàn viên và công nhân lao động:

– Hãy yên tâm trở lại làm việc để bảo đảm thu nhập và thể hiện ý thức trách nhiệm của người lao động đối với doanh nghiệp và xã hội.

– Không để cho kẻ xấu lợi dụng, kích động, xúi giục làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Qua hôm sau, vẫn theo báo Người Lao Động:

“Ngày 1-4, Chính phủ đã thống nhất kiến nghị sửa Ðiều 60 Luật BHXH; nhất trí kiến nghị QH sửa theo hướng nếu người lao động không đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì được hưởng BHXH 1 lần.”

Ô hay, sao mới cách đó hai hôm, hôm 30 tháng 3, Th Trưởng Doãn Mu Dip còn “nhấn mạnh” rằng: “xét một cách toàn cuộc thì quy định tại Ðiều 60, Luật BHXH 2014 có tới 6 điểm có lợi hơn cho NLÐ.”

alt

Công nhân Công ty Simone khu công nghiệp Tân Hương-Tỉnh Tiền Giang bỏ về để phản đối Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014NGUỒN XUANDIENHANNOM. BLOGSPOT.COM

Cùng ngày, ông Đặng Quang Điu, trưởng ban chính sách pháp luật Tổng liên đoàn Lao động VN, cũng nói cùng một giọng: “Tổng liên đoàn đã có kế hoạch và sắp tới các cấp công đoàn sẽ triển khai tuyên truyền, phổ biến sâu rộng với công nhân ở các địa phương về những lợi ích, tính ưu việt của Luật BHXH 2014. Khi hiểu thấu đáo, người lao động sẽ đồng thuận.”

Nhưng khi thấy người lao động nhất định không chịu “đồng thuận,” và nguy cơ đình công có thể lan rộng khắp nơi thì Chính Phủ quên ngay “6 điểm có lợi hơn” và tính “ưu việt” của Luật BHXH 2014 để sẵn sàng “kiến nghị QH sửa theo hướng nếu người lao động không đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì được hưởng BHXH 1 lần.”

Rõ ràng: “mềm nắn, rắn buông”!

Vì có sự can thiệp của công luận nên ông chủ quán bún bò ở Sài Gòn thoát khỏi một phen lên phường “làm việc,” và hàng ngàn cây xanh ở Hà Nội cũng (tạm thời) thoát nạn. Tương tự, nhờ thái độ sáng suốt và cương quyết của nhân viên công ty TNHH Pou Yuen nên giới công nhân VN cũng vừa thoát khỏi một vụ cướp ngày từ tay Nhà Nước. Thấy nuốt không trôi nên đành phải nôn ra thôi.

Nói chuyện nôn, oẹ nghe có hơi bẩn thỉu. Nhà văn Tiêu Dao Bo C diễn tả theo cách khác, tuy dài dòng chút đỉnh nhưng thanh lịch hơn nhiều:

Diễn tiến trong thái độ của chính quyền đối với vụ tưởng niệm Gạc Ma 14/3 và việc thực hiện kế hoạch chặt 6700 cây xanh ở thủ đô Hà Nội cho thấy hành động của nhân dân đã tác động đến chính quyền.

Sau khi đám “dư luận viên” phá rối vụ tưởng niệm Gạc Ma, khác với sự im lặng hay công khai hỗ trợ hành động phá rối, lần này chính quyền đã lên tiếng phủ nhận việc tổ chức và ủng hộ đám “dư luận viên” thô thiển, ngu ngốc gây phẫn nộ trong nhân dân; thay vì gọi những người đến tưởng niệm là “bọn phản quốc” như các lần khác, đã tôn vinh họ là “những người yêu nước”. Tương tự, sau việc chặt phá một số cây xanh, chính quyền đã lùi bước trước phản ứng mạnh mẽ và tức thời của nhiều tầng lớp dân chúng trên đường phố và trên mạng xã hội.”

Những điều trên làm ta liên tưởng đến câu tổng kết của một nhà tư tưởng: “Nhân dân nào chính quyền ấy”.

Dân trí và ý thức của người dân Việt Nam mỗi lúc một cao mà quan trí ở xứ sở này thì ngó bộ không thay đổi mấy. Vẫn cứ tiếp tục với chủ trương xuyên suốt là dối trá, quanh co, lấp liếm, và hù dọa – khi cần. Với “nhân dân” hiện nay thì cái chính quyền này (e) không còn cơ may để mà tồn tại nữa.

alt

Tấm biển quảng cáo của quán ông DũngNGUỒN NGƯỜI LAO ĐỘNG

TNT