Đêm. Biển trầm tư giữa trời lấp lánh sao. Thuyền bồng bềnh trôi, nhẹ lướt theo ánh sáng của ngọn hải đăng hắt ra từ cuối chân trời. Thuyền đi đâu về đâu. Nhịp sóng âm vang tiếng gọi vọng về từ nghìn xưa. Nghìn xưa của thuở hồng hoang, hay nghìn xưa chỉ là hàng thành quách cũ của cố hương. Ở đó, bây giờ mưa có còn làm ướt phố? Ở đó, bây giờ nắng có khiến ngọn cỏ phải héo hon? Ở đó, có còn ai nhớ cố nhân, một người ra đi từ ngày-tháng-năm rất cũ?. Cũng phải thôi, làm sao có thể mong chờ ai nhớ thương ai, khi người ta như mây như gió, phiêu bồng từ bến bờ này sang bến bờ khác, không biết bao giờ mới dừng chân đứng lại. Phải chăng chính vì vậy, nên thuyền thinh lặng giữa triền sóng nhấp nhô, để mặc hai giòng lệ ứ đầy mắt thuyền tuôn rơi giữa biển:
“Ðêm nay thuyền sẽ về đâu? Con mắt thuyền ướt đẫm. Mắt thuyền lặng câm. Thuyền xa bến như tôi xa quê hương. Biết thuyền có tìm được đường về. Thuyền lênh đênh tôi cũng lênh đênh. Thuyền trôi dạt, tôi cũng trôi dạt…Nhiều năm sau tôi vẫn nhớ đôi mắt thuyền ai oán. Mỗi khi soi gương tôi vẫn thấy mắt thuyền long lanh trong mắt mình. Tôi mang đôi mắt ấy, đôi mắt Tam Kỳ và những mảnh vụn ký ức không thể ráp nối. Tôi chưa vào đến đất liền, chưa vào đến Bataan hay hải đảo Palawan huyền hoặc. Tôi trôi mãi trên biển đông ở vùng hải phận quốc tế. Ngày mai mất biển Ðông, tôi sẽ trôi về đâu?” (“Mắt Thuyền,” trang 226)
Làm sao biết sẽ trôi về đâu khi con thuyền không bến, khi hải phận của biển Ðông chỉ là đường biên làm bằng nước. Mỗi khi sóng dâng cao, nước vỡ tan thành hằng muôn mảnh vụn, đường biên hải phận của biển Ðông từ đó biệt tăm mất hút. Nguyễn Xuân Tường Vy không muốn quên biển Ðông, nhưng phải lên bờ, cho dẫu cầu tàu lạ lẫm ấy, đã đưa cô đi từ nỗi đau này sang nỗi đau khác, đã khiến đôi mắt cô lúc nào cũng ngân ngấn lệ như mắt thuyền.
Những chuyện tình như ảo như thật, từ “HươngMộng” khởi từ khung trời cyber của internet, hay là “Mưa Ðêm” khởi từ những hình ảnh được phục sinh trên giá vẽ, thì hạnh phúc vẫn là điều xa xỉ. Và cô đơn là chiếc áo may vừa vặn (Hương Đêm, trang 59) cho tâm hồn phụ nữ Á Ðông mong manh như chiếc lá của Nguyễn Xuân Tường Vy. Cái tôi của “Bên Kia Ðồi”; cái tôi của “Mưa Ðêm”; cái tôi ẩn tàng trong hình ảnh rực rỡ, khêu gợi của người con gái xứ Mễ Tây Cơ tên Rose trong “Ðêm Nổi Lửa”; cái tôi của An trong “qué xê ra xê ra,” phải chăng cũng chính là hóa thân của Nguyễn Xuân Tường Vy, của con thuyền không bến, của mắt thuyền đẫm lệ, của hàng thành quách cũ xa vời vợi trên lãnh địa Tam Kỳ cố hương?
Tâm hồn mong manh như chiếc lá của Nguyễn Xuân Tường Vy luôn âm vang khúc biến tấu sâu lắng, dịu dàng, hiu quạnh của vùng trời quê hương. Giai điệu ngàn trùng bi hoan ly hợp ấy hóa hiện thành mười hai đoản văn trong Truyện & Ký “Mắt Thuyền,” hóa hiện thành mười hai khuôn mặt tình yêu mà Tường Vy dành cho Tam Kỳ, cố quận của cô. Mười bốn tuổi rời bỏ quê hương, hội nhập vào giòng văn học chính thống, lẽ ra tập truyện đầu tay phải được Nguyễn Xuân Tường Vy viết bằng Anh Ngữ. Nhưng cô đã chọn viết bằng Tiếng Việt “Khi các nhà xuất bản Việt đóng cửa. Khi sách Việt phủ bụi thời gian. Khi không ai còn muốn đọc tiếng Việt.” Tường Vy “…đã chọn và viết bằng ngôn ngữ của trái tim mình.” Cô viết để tưởng nhớ một thời vàng bướm bên ao chưa bén duyên sinh nghiệp, đã phải lên thuyền ra đi. Cô viết bằng câu chữ Việt Nam, để nỗi đoạn trường không chỉ ngưng đọng trong 3,254 câu lục bát bi thương của Nguyễn Du, khi ông ngậm ngùi cảm thương chữ tài chữ mệnh của Thúy Kiều. Nguyễn Xuân Tường Vy đã viết, để trong nỗi đoạn trường bi thiết mà Nguyễn Du khai sinh ra, còn có dư đầy dấu lệ “Mắt Thuyền.”
Tưởng như… ngàn trùng cõi thế buồn trông, giòng xuôi kỷ niệm nhòa trong sóng đời. Ðoạn trường thanh tiếng than hời, khóc Kiều khóc cả phận tôi phận người. Con thuyền tài mệnh ngược xuôi, từ trăm năm cũ chưa nguôi giọt sầu. Nên thuyền đi đã từ lâu, mà sao giòng lệ mắt thuyền không vơi, khi đọc Truyện & Ký “Mắt Thuyền” của Nguyễn Xuân Tường Vy.
