Lời tòa soạn: “Ấp Trứng” được đăng trước đây trên trang web trong nước “Triết học đường phố – Tiếng nói của những người trẻ tự do”. Truyện mang tính cách ẩn dụ qua các hình tượng người mẹ, cục đá, 3 người con và con số 40 (tháng). Theo tác giả, 3 người con tượng trưng dân 3 miền, bào thai cục đá là cái quái thai của thời đại, là chủ nghĩa cộng sản là đảng cộng sản… Lâm Hạ trả lời một comment về truyện Ấp trứng khi có một độc giả góp ý rằng cô “không ý thức được hệ quả” khi viết truyện này: “Bản thân tôi có thể không ý thức được nhiều việc ví dụ như việc ăn uống không đủ chất, chọn nhầm bạn, hoặc nhiều chuyện khác… nhưng chưa bao giờ trong việc VIẾT mà tôi “không ý thức được hệ quả”! Còn việc mà cả đời tôi luôn ân hận và sai lầm vì “không ý thức được hệ quả” nhất trong đời mình đó là tôi đã mất 3 năm chỉ để nghiên cứu Hồ Chí Minh Toàn Tập, 2 năm để phân tích cái tập nhật ký vớ vẩn chỉ nói về chuyện đi vệ sinh và ghẻ lở chết tiệt gì gì đó và hơn 20 năm tôn thờ cái chủ nghĩa quái thai khốn nạn!” Truyện được gửi từ trong nước.

Lâm Hạ
Nhận được tin nhắn của mẹ, chúng tôi vội vã về nhà. Tôi hoang mang không biết chuyện gì đang diễn ra, vì mẹ ít khi gọi chúng tôi về cùng lúc. Chị Cả lấy chồng ở xa, muốn về nhà phải xem chuyện đồng lúa nương ngô có rỗi không. Anh Hai thì làm gì cũng xem nét mặt vợ. Chúng tôi về đến cổng đã nghe tiếng cha quát ầm lên.
“Nếu bà nhất định giữ nó lại, tôi sẽ đi khỏi nhà”
Cả ba ngỡ ngàng khi nhìn thấy mẹ. Mẹ ngồi trên giường, trên tay cầm một quả trứng to như trứng ngỗng, màu vàng nhạt.
“Mẹ sẽ ấp quả trứng này, nhất định nó sẽ nở ra một đứa con kiệt xuất…”
Chỉ mỗi tôi dám lại gần mẹ, tôi quan sát thấy giữa mẹ và quả trứng được nối với nhau bằng một sợi dây như sợi nhau, ngay giữa rốn mẹ. Mẹ bảo đó là đứa con mẹ đã mong mỏi trong nhiều năm. Chẳng phải tổ tiên chúng ta đều được sinh ra trong một bọc trứng sao? Mẹ cười và vuốt ve nó như một vật báu.
Cha tôi lắc đầu. Ông chỉ cầm theo một cây rìu và đi thẳng về hướng Ðông, lên ngọn núi cao nhất làng, không hề ngoái lại nhìn mẹ.
Ba chúng tôi ngồi lặng thinh. Chị Cả tò mò hỏi tôi.
“Mẹ bị sao thế chú Út? Có phải mẹ bị bệnh gì không? Hay mẹ bị bỏ bùa? Dạo này chị nghe nói hay có nhiều thứ bùa chú lạ lắm?”
Tôi lắc đầu ra vẻ không có câu trả lời. Dù tôi không biết đã xảy ra chuyện gì nhưng tôi tin chắc mẹ không phải là người dễ tin vào những chuyện mê tín. Trong gia đình, mỗi chị Cả là người hay sợ những chuyện tà ma, vì chị sinh ra trong hoàn cảnh gia đình tôi vô cùng khốn khó, chẳng được học hành gì nhiều, lại đầu tắt mặt tối lo phụ cha mẹ làm ruộng. Cho đến tận bây giờ rồi vẫn không thể hiểu nổi, một người khắc khổ, cơ cực như chị, cả đời hết lo cho em lại chuyện chồng con, chẳng bao giờ ăn được miếng ngon, mặc một bộ quần áo đẹp lại được mẹ đặt cái tên nghe tròn vẹn đến thế: Hạnh Phúc!
“Mẹ thật ân hận, vì đã sinh ra chị các con trong cảnh nghèo túng, đến nỗi cái tên nó trở nên thật kệch cỡm”
Chị Cả ngồi sụt sùi, như nhớ lại quãng đời đã qua. Anh Hai cuối cùng cũng lên tiếng:
“Mẹ, thế mẹ gọi chúng con đến để thông báo rằng mẹ sẽ…”ấp”… cái trứng đó sao?”
“Ðúng” – mẹ quả quyết – “cả mày nữa, mày cũng là nỗi khốn khổ của mẹ. Mẹ cố công cho mày học hành thành tài, vậy mà cả đời mày chỉ phụ thuộc vào người khác, mày chẳng bao giờ tự quyết định được việc gì hết”.
Mẹ tôi vừa nói vừa vuốt ve quả trứng, tay lần tìm thức ăn trong tủ lạnh, hình như nó lớn dần lên và đổi sang màu cam nhạt.
Thấy tôi im lặng, mẹ nghiêm giọng: “Chúng mày là ước mơ của mẹ, khát khao của mẹ. Nhưng hãy nhìn lại xem chúng mày đã làm được gì nào? Nghèo đói, thảm hại, bất lực, vô dụng. Chúng mày chẳng thể cho mẹ ngẩng đầu lên được với đời. Nếu chúng mày tài giỏi thì giờ mẹ đã được an hưởng tuổi già trong nhung lụa, chứ đâu phải cố công sinh ra thêm một đứa nữa?”
“Mẹ, đó chỉ là một quả trứng, có thể chỉ là một sai sót nào đó trong quá trình trao đổi chất của mẹ, không thể là một đứa trẻ được!”. Mẹ tôi nhìn anh Hai với ánh mắt lạnh lùng:
“Mày cứ đợi mà xem, vài hôm nữa thôi, nó sẽ nở ra một đứa bé tài năng, anh kiệt, sẽ mang lại nhiều điều kỳ diệu, sẽ là một cái tên được để đời, được tôn vinh. Mày thì chẳng bao giờ hiểu được cả”.
Tôi không biết phải nói gì, có lẽ chúng tôi bất tài, không được như mẹ mong ước, nhưng biết làm sao được? Mẹ lúc nào cũng mang trong mình những ước mơ mang tầm lịch sử, như “người người sống trong yên bình, không đói nghèo, không áp bức, không bất công”. Suốt đời mẹ đeo đuổi điều đó, như một sứ mệnh.
“Bây giờ, để xứng đáng là anh chị, cũng như phụ giúp mẹ một tay trong việc này, chúng mày phải nghe mẹ nói rõ đây. Mỗi ngày, mấy đứa mày phải mang thức ăn đến đây cho mẹ, phải là những thứ bổ dưỡng, phải như thế mới được”.
Anh Hai tôi giật thót mình, phản đối. Ðồng lương ít ỏi của anh phải nộp hết cho vợ, anh còn không đủ tiền tiêu vặt thì lấy đâu ra tiền mua các thứ bổ dưỡng biếu mẹ trong lúc mẹ ấp trứng chứ?
“Ðúng là thằng con giời đánh thánh vật! Mày nghĩ lại kỹ đi, nếu như mẹ sinh ra một đứa trẻ tài năng, mang lại ánh sáng cho đời thì mày có được thơm lây không?” Chị Cả phân vân, vì cả đời chị còn chưa được biết những thứ bổ dưỡng là những thứ gì. Mẹ nhìn chúng tôi rồi lắc đầu.
“Ý mẹ đã quyết, đây là quyết định mang tính lịch sử. Chúng mày cứ thế mà làm”.
Chúng tôi lục đục kéo nhau về. Trong đầu tôi bỗng nhớ lại câu chuyện lúc nhỏ, khi cậu bạn mới hỏi tên tôi, tôi bảo: “Tự ”.
“Thế cậu tên Tự thật ấy hả?”
“Ừ”
Tôi gật đầu, và kể về những cái tên kỳ quặc mà mẹ đã đặt cho chúng tôi. Nghe xong nó hỏi:
“Chẳng biết mai kia mẹ cậu sinh thêm em bé thì đặt tên gì nhỉ?”
Nhớ đến đoạn đó, tôi quay lại hỏi mẹ.
“Thế mẹ định đặt tên nó là gì ạ?”
Mẹ đang nhai thức ăn bỗng ngừng lại, ánh mắt bừng sáng:
“Ðúng rồi nhỉ, vấn đề lớn vậy mà mẹ lại quên mất. Thôi được, để mẹ nghĩ xem, à chà chà, phải là một cái tên à, ừ, ừm…”
Thấy dáng mẹ vừa đi vừa vuốt ve quả trứng, tôi bỗng thấy lạnh cả sống lưng.
Những ngày sau đó, chúng tôi thay phiên nhau mang thức ăn đến cho mẹ. Tôi không hiểu nổi anh Hai lấy đâu ra tiền mà toàn mua những thứ ngon, chị Cả thì mặt mày tươi tắn hẳn lên. Tôi nhớ cha đang ở trên núi, liền mang một ít thức ăn lên tìm ông. Ði đến khe suối, tôi thấy ông đang ngồi ăn rễ cây, trên người ông, những sợi lông tơ lún phún, màu xanh non đang mọc ra, bao trùm cả cơ thể.
“Cha ăn cơm đi này!”.
“Ta sẽ không ăn những thứ mẹ các con đang dùng để nuôi dưỡng cái thứ quái gở đó”.
“Cha à, cha hãy về nhà đi, biết đâu mẹ lại sinh ra…”
“Thật ngớ ngẩn. Khi nào nó nở, ta sẽ về”.
“Cha biết khi nào nó nở sao?”
“Cái thứ ấy chỉ 40 ngày thôi”.
Mẹ mỗi ngày càng mập ra, mắt híp lại, hai gò má phúng phính như chủ lò mổ. Dáng vẻ mẹ ngày một kỳ quái, mẹ chỉ ăn và lẩm nhẩm tìm cho quả trứng một cái tên phù hợp.
“Văn, Ðổi , Cải, Bộ, Ðại, Cao… Chà chà, tên nào thật hay đây!”.
Quả trứng ngày càng lớn, màu sắc thay đổi liên tục, lúc đỏ lúc tím. Bây giờ nó đã to bằng mẹ nên mẹ chỉ ngồi một chỗ, sợi nhau ngày càng cứng như một sợi dây đồng.
Ngày thứ 40, chúng tôi đến sớm để đợi xem quả trứng nở ra thứ gì. Quả trứng màu hồng đậm với những đường vân đen chằng chịt. Mẹ ngồi nhìn nó, gọi rõ từng cái tên mong nó nhúc nhích, cứ như trong truyện cổ tích phải nói “Vừng ơi, mở cửa ra” vậy, nhưng mãi vẫn chưa thấy cái trứng tách vỏ.
“Con ngoan, con cưng ơi, Vĩ Nhân của mẹ ra đi nào!”.
Chẳng thấy gì, mẹ gào một đống cái tên nghe thật hào nhoáng, mẹ còn gọi cả tên các vị thánh thần, các vị lãnh tụ mấy đời trong nước và thế giới, cái trứng vẫn im lìm. Bất lực, mẹ khóc tu tu.
“Ôi sao khốn khổ khốn nạn cái thân tôi thế này, ngỡ đâu mất công mất sức nuôi dưỡng một nhân tài, nào ngờ giờ nó chỉ là quả trứng ung…”.
Mẹ vừa nói xong câu ấy thì cái trứng động đậy, lách tách, nứt vỏ. Ba chúng tôi chăm chú nhìn vào, từng mảng vỏ vỡ ra, nát vụn, một thứ gì đó xám ngoét dần hiện ra, trong một đống bầy nhầy sền sệt hôi thối. Cái cục đen sì ấy phình to lên như muốn đè lên cả người mẹ, sợi nhau căng lên như muốn truyền hết những gì còn trong người mẹ cho cái cục xấu xí tanh hôi đó: Cục đá! Mẹ ngỡ ngàng, kinh hoàng không nói thành lời nằm cứng đờ, miệng vẫn gọi nhiều cái tên mới như cứu vớt một hy vọng mong manh nào đó. Cả ba chúng tôi đang luống cuống, tay chân trở nên thừa thãi, bủn rủn và hoảng sợ, không biết làm gì trong hoàn cảnh này thì cha xuất hiện, như một con thú hung dữ vì trên người ông, lông xanh đã phủ dài, chỉ còn đôi mắt mỏi mệt nhưng đầy cương quyết. Ông cầm rìu lao về phía cục đá, chặt liên tục vào cái dây nhau nhưng nó không chịu đứt. Cục đá đã phình to, đè lên chân mẹ, ông hét lớn.
“Ba đứa lại đây đỡ mẹ nhanh lên!”
Chúng tôi chạy lại lôi mẹ ra. Mẹ bất tỉnh, thân hình khô gầy như vừa trải qua một trận sốt rét ác tính.
“Phải đập tan cái thứ này ngay”
Chúng tôi tìm trong nhà những vật dụng có thể chặt khối đá. Chị Cả nôn mửa liên tục khi nhìn thấy cảnh tượng này.
“Phúc ơi, con hãy chăm sóc mẹ”
“Lập ơi, Tự ơi, các con đập phía trên kia, phía nối với sợi nhau ấy, hẳn chỗ đấy còn mềm”.
Tôi không thể diễn tả cảnh tượng hỗn loạn khi ấy cũng như cảm xúc trong lòng mình, chỉ biết cả ba chúng tôi vần vũ, lần tìm những vết nứt, những đường gân hòng đập nát được nó. Tôi và anh Hai chỉ biết nghe theo lời chỉ huy của cha, vung hết sức lực của mình. Cha tôi với những nhát chém sắc ngọt, đã dần làm cục đá nứt toác, chúng tôi nhân đó mà đập vào. Cuối cùng, hòn đá cũng vỡ tan, còn chúng tôi thì nằm vật ra sàn, như vừa trải qua một cơn ác mộng, một trận đại hồng thủy. Thật đáng sợ.
Cha tôi ngồi dậy, trên người ông từng mảng lông rơi rụng. Tôi ôm chầm lấy cha, run rẩy khóc. Mẹ tôi giờ đang trong vòng tay chị Cả, dần lấy lại hơi thở, đưa mắt nhìn chúng tôi.
“Ðến bây giờ bà còn chưa hiểu ra điều gì sao?”. Cha nói.
Mẹ im lặng, nước mắt khẽ rơi xuống trên đôi gò má đã hằn nhiều vết nhăn. Bà đã sai rồi sao? Sai từ khi nào? Từ bao giờ? Tại sao lại sai lầm đến mức này chứ? Có lẽ, mẹ còn phải cần nhiều thời gian nữa để đi tìm câu trả lời.
Ngoài trời, cơn mưa cuối mùa ầm ào trút nước. Chúng tôi vẫn nằm im dưới sàn nhà, nghe tiếng mưa, tiếng gió và có lẫn tiếng hát đâu đó từ xa vọng tới. Những âm thanh thật trong trẻo, dịu dàng.
Chắc chắn, chúng tôi sẽ thức trọn đêm để đợi bình minh.