Menu Close

Chính luận 2013 – Phạm Chí Dũng

Giới thiệu về ý nghĩ của Diễn Ðàn Xã Hội Dân Sự, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng viết:

“Lần đầu tiên ở Việt Nam hình thành một diễn đàn chính thức, công khai và có tầm cỡ về chủ đề hoạt động dân sự được biết trước mắt với tên gọi ‘Diễn Ðàn Xã Hội Dân Sự [……] Có thể cho rằng, “Kiến nghị 72” là dấu ấn mở đầu cho hoạt động xã hội dân sự lần đầu tiên được công khai hóa ở Việt Nam. Tiếp sau văn bản chưa từng có này, đã diễn ra hàng loạt sự kiện đối ngoại như lần đầu tiên Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế đặt chân đến Việt Nam vào tháng 2/2013, tái lập cuộc đối thoại Nhân Quyền Việt – Mỹ vào tháng 4/2013, cuộc gặp Trương Tấn Sang -Obama tại Washington vào tháng 7/2013, đối thoại Nhân Quyền giữa Cộng Ðồng Châu Âu với Hà Nội vào tháng 9/2013, cùng những sự kiện đối nội khá dồn dập như vụ xét xử Ðoàn Văn Vươn, thả Nguyễn Phương Uyên, phong trào 258 của các bloggers trẻ và “hiện tượng Lê Hiếu Ðằng,” với lời kêu gọi lập Ðảng Dân Chủ Xã Hội. Xã hội Việt Nam, cũng đang chứng kiến hàng loạt điểm bùng phát từ lòng dân như cuộc xung đột giữa giáo dân Mỹ Yên, Nghệ An với lực lượng công an địa phương, và gần đây nhất là đỉnh điểm của phẫn uất liên quan đến thu hồi đất khi Ðặng Ngọc Viết bắn cán bộ nhà nước ở tỉnh Thái Bình.”[Ý Nghĩa Của Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự]

Tiến Sĩ Kinh Tế Phạm Chí Dũng sinh năm 1966 là nhà văn nhà báo độc lập, có nhiều bút danh khác nhau như Việt Thắng, Viết Lê Quân,Thường Sơn. Ông có 11 tác phẩm được ấn hành, gồm hai quyển tiểu thuyết, một kịch bản, một tác phẩm lý luận về kịch nghệ, hai tác phẩm nghiên cứu về văn học và báo chí. Ông là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, từng là đảng viên đảng cộng sản và là cán bộ Ban An Ninh Nội Chính. Sau 20 năm là đảng viên, ngày 5 tháng 12 năm 2013, ông làm đơn xin ra khỏi đảng với lý do: “Ðảng Cộng Sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân.” Tháng 7 năm 2012, ông bị Bộ Công An ra lệnh bắt khẩn cấp và bị truy tố theo Ðiều 79 và Ðiều 88 Bộ Luật Hình Sự về tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền.” Sau 6 tháng tạm giam, ông được trả tự do. Ngày 3 tháng 5 – Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới – Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới có trụ sở tại Paris công bố danh sách “100 Anh Hùng Thông Tin” của năm 2014, gồm các nhà báo và các bloggers của 65 quốc gia trên thế giới. Trong số ba người Việt Nam được vinh danh lần này, có tên nhà báo tự do Phạm Chí Dũng. Ông cũng là chủ tịch của Hội Nhà Báo Ðộc Lập Việt Nam vừa thành lập ngày 04 tháng 07 năm 2014.

Chính luận 13 là một tác phẩm ghi nhận và phê bình những sự kiện thời sự xảy ra qua cái nhìn của tác giả, được cho là một nhà báo độc lập và có khuynh hướng phản kháng.

Ðọc “Chính Luận 2013” để cảm nhận tiếng lòng của người dân thấp cổ bé miệng “Một nông dân ở Ban Mê Thuột vừa khóc vừa kể cho tôi nghe gia đình anh đang bị cướp đất đến tán gia bại sản, trong khi một người bà con của anh ở Ðắc Lắc bị chết trong đợt xả lũ thủy điện tháng 9 vừa qua, nhưng chẳng hề có cấp chính quyền và doanh nghiệp nào đoái hoài, thậm chí một đồng bồi thường cho nạn nhân cũng không có…” Hay chợt bàng hoàng vì “Giữa lúc thủ đô đang ngột ngạt trong cơn bức bối thời tiết chực chờ sấm nổ, người Hà Nội lại sôi lên bởi câu chuyện thương tâm đột ngột xảy ra: Một người mẹ cùng đứa con trai treo cổ chết trong nhà. Nguyên do quẫn bách về tiền bạc. Sự việc quá đau lòng trên xảy đến ở xóm Chùa, huyện Từ Liêm vào ngày 7/6/2013.” Và độc giả có thể nhìn thấu thảm cảnh: “Tự tử vì nghèo đã trở thành hiện tượng mãn tính trong xã hội Việt Nam,” như nhận định của Phạm Chí Dũng.

alt

HNP – 5:14am Thứ Bảy ngày 29 tháng 3 năm 2015