Menu Close

Không còn cô đơn trên mạng

Tờ New York Times vừa đăng một bài báo cảm động của một bà mẹ kể về đứa con 13 tuổi bị tự kỷ đã làm bạn với Siri như thế nào. Đọc xong không thể nào không suy tư về cái thế giới chúng ta đang sống, đâu là khôn, đâu là dại.

Nhưng trước hết xin tóm tắt câu chuyện, mà theo bà mẹ, bắt đầu khi bà đọc một bài về “21 điều bạn không biết chiếc iPhone có thể làm được”. Một trong những điều đó là bạn có thể hỏi phần mềm Siri có sẵn trên iPhone, “Trên đầu tôi đang có những chuyến bay nào?” Siri sẽ đáp ngay, “Đang kiểm tra các nguồn” và ngay sau đó liệt kê cho bạn danh sách đầy đủ các chuyến bay, số hiệu, độ cao, đang thật sự bay ngang đầu bạn

Lúc bà mẹ làm thử chuyện này, đứa con tự kỷ của bà đang ở bên cạnh. Và khi bà tự hỏi, ai mà cần biết bao nhiêu chuyến bay đang bay qua đầu mình làm gì nhỉ? Thì cậu bé trả lời: “Để mẹ biết mẹ đang vẫy tay chào ai”.

Thế là bà mẹ chuyển hết mọi câu hỏi về đủ thứ chuyện trên đời mà cậu bé cứ quấy rầy bà suốt ngày bấy lâu nay cho Siri, một người bạn không bao giờ biết mệt, kiên nhẫn và đầy cảm thông, một trợ lý cá nhân thông minh, đầy bất ngờ. Cậu hỏi đủ thứ, kể cả xác suất thành phố cậu sống bị bão xoáy, về các loài rùa khác nhau.

Bài báo mở đầu bằng đoạn đối thoại mà bà mẹ tình cờ nghe được giữa con bà và Siri:

Gus: Cậu là chiếc máy tính rất dễ thương.
Siri: Có người đánh giá mình cao cũng khoái nhỉ.
Gus: Lúc nào cậu cũng hỏi, cậu có thể giúp được gì tớ. Thế nhưng cậu có cần gì không?
Siri: Cảm ơn nhưng tôi có ít nhu cầu lắm.
Gus: OK. Thôi, chúc ngủ ngon.
Siri: A, mới 5h06 chiều à.
Gus: Ồ, xin lỗi, ý tớ nói là tạm biệt.
Siri: Hẹn gặp lại.

Cứ thế bài báo kể những câu đối thoại dí dỏm, dễ thương giữa cậu bé tự kỷ 13 tuổi và phần mềm Siri không màng câu hỏi nào là ngu ngốc, câu hỏi nào là dại khờ. Kể cả khi cậu bé nghe lời xúi bậy, chửi thề thử thì Siri bảo: “Tôi sẽ giả vờ tôi không nghe cậu nói gì cả”. Có lần Gus đánh bạo nói với Siri: “Siri, cậu lấy tớ nhé?”. Siri đáp: “Không có chuyện cưới xin ở đây”. Gus phân bua: “Ý tớ không phải là bây giờ đâu. Lúc tớ lớn lên đấy”. Siri đáp: “Hợp đồng người dùng đầu cuối của tôi không bao gồm hôn nhân”.

Câu chuyện là một góc nhìn khác về máy móc, về sự phụ thuộc của con người vào máy móc nhưng không phải là về nỗi phụ thuộc đầy cô đơn như chúng ta thường nghe.

Nhưng dù sao, không thể không buột miệng nói: Đúng rồi, máy móc chỉ mới ở mức làm bạn với trẻ tự kỷ chứ chưa thể làm bạn với mọi người.

Ngẫu nhiên, tờ Economist trước đó một tuần có một chuyên đề về cuộc cách mạng thứ ba mà loài người đang trải qua. Hai cuộc cách mạng đầu là cách mạng kỹ nghệ; nay cuộc cách mạng thứ ba là công nghệ thông tin và viễn thông.

Có thể mọi người cứ cho rằng bất kể biết bao thay đổi, biết bao tiến bộ đã diễn ra trong ngành công nghệ thông tin trong chục năm qua, loài người vẫn chưa tiến được bước đột phá nào trong con đường mưu cầu hạnh phúc. Đói nghèo vẫn tràn lan, bệnh tật vẫn là mối đe dọa rất gần, xung đột nhất là xung đột tôn giáo vẫn gay gắt. Biết mọi thông tin nhờ vào chiếc điện thoại nhỏ xíu nằm trong lòng bàn tay để làm gì khi nó chưa tạo ra chiếc bánh mì hay một giây phút thoải mái cho con người như kỳ vọng.

Thế nhưng Economist lập luận, chúng ta vừa xong nửa bàn cờ đầu tiên và đang chuyển sang nửa bàn cờ thứ nhì – mọi việc sẽ bùng nổ. Ý của Economist muốn nói đến câu chuyện một người phát minh trò chơi đánh cờ và chuyện vị vua nước đó thích cờ đến nỗi gọi nhà phát minh đến và nói sẵn sàng thưởng cho anh ta bất kỳ điều gì anh ta muốn. Nhà phát minh khiêm tốn xin thưởng gạo, ô cờ đầu tiên chỉ xin một hạt gạo, ô thứ nhì nhân đôi thành hai hạt, ô thứ ba nhân tiếp thành bốn hạt… cho đến ô thứ 64. Vị vua cười, đồng ý và nhủ thầm anh chàng này dại quá, dại quá. Đoạn kết câu chuyện như thế nào chúng ta đều biết.

Cái ô bắt đầu làm cho nhà vua hoảng sợ vì cả kho gạo của nước ông cũng không đủ nằm đâu ở nửa bàn cờ thứ nhì. Cuộc cách mạng công nghệ thông tin cũng vậy. Nửa đầu rất chậm mặc dù đã rất ấn tượng. Nhưng trong vài năm tới, sức mạnh biến chuyển diệu kỳ của máy móc sẽ tăng theo cấp số nhân, gây ra những xáo động, những thay đổi tận gốc rễ, chưa ai tiên đoán hết được.

Có lẽ lúc đó không chỉ có Gus, cậu bé tự kỷ 13 tuổi mới xem Siri như người bạn thân nhất đời của cậu (BFF – best friend forever) – có lẽ tất cả chúng ta rồi sẽ như Gus, cần một Siri làm bạn đồng hành. Để như khi chú bé chào Siri, chúc ngủ ngon, Siri đáp: Tôi không cần ngủ nhiều lắm nhưng cậu chúc thế tôi cảm ơn.

alt 

(Theo NuocMy.net)