Menu Close

Đôi miểng vụn hồi ức Nha Trang

Bạn bè thân mến,

Những ngày của tháng 3 và tháng 4.1975 là những ngày đầy biến động. Những ngày của đổ vỡ chia lìa, máu và nước mắt. Trước đó, chúng ta mất Huế, mất Đà Nẵng, mất Quy Nhơn… Ngày 16 tháng 3 mất Pleiku. Tiếp theo, ngày 2 tháng 4, chúng ta mất Nha Trang.

Bây giờ, ngồi đây nhớ lại những ngày tháng ấy, lòng tôi lòng bạn đều cảm thấy xót xa, uất hận. Thế nhưng không thể nào quên được – bởi lẽ quên có nghĩa là chết, là tự mình đốt cả cuộc đời mình và dân tộc.

Do đó, trước hết xin mời đọc bài viết sau đây của Tôn Nữ Thu Dung, người Nha Trang. Bài được Bích Huyền gởi đến, có lẽ là lấy từ trang nhà Tương Tri.

Xin cám ơn Thu Dung và Bích Huyền.

Đêm trước, ba tôi không về nhà, ông ở lại nhiệm sở để đốt hồ sơ nhân viên. Mẹ bảo tôi mang Coramine và các loại thuốc Tension lên cho ông. Tôi với chiếc Cady nhỏ xíu đi trong một thành phố hoảng loạn…Trước đó anh rể tôi đã giữ chỗ cho cả nhà trên một chiếc tàu hải quân neo ở Cảng Cầu Đá trước mặt Đội phòng thủ hải cảng. Nhưng ba tôi nói: “Ba chưa đi được đâu. Ba còn nhiều việc. Con cứ lo cho Nga và bé Nai. Ba sẽ đi cùng bác P.” Sau đó nhiều năm anh kể: anh đã khóc như con nít, uất ức như năm 74 khi tàu anh ra gần tới Hoàng Sa thì nhận lệnh quay về… Nếu gia đình mình cùng đi thì ba đâu có chết.

Nếu có ai hỏi về những ngày Tháng Tư năm ấy, tôi chỉ biết nói: hoảng loạn, điên rồ…

Tôi không biết nhiều về chiến tranh trước đó, Nha Trang của tôi là một thành phố bình yên nhất nước. Khái niệm chiến tranh đối với tôi chỉ là những anh chàng không quân, hải quân đẹp trai bảnh bao chiều Thứ Bảy đi nườm nượp phố phường. Có thể lúc đó tôi còn nhỏ và được bảo bọc bằng một lớp kính vạn hoa chăng nên tôi chỉ biết chiến tranh qua sách vở…

Cho đến ngày 2 tháng 4.

Tôi đứng bên cửa sổ phòng làm việc của ba trong Tòa hành chánh nhìn ra biển. Biển dậy sóng. Không biết anh Tuấn, chị Nga và bé Nai đi đến đâu rồi. Nước mắt tôi rơi tự lúc nào… Ba và chú Chương đang vội vàng đốt, điên cuồng đốt, khói mịt mù ngạt thở. “Hay mình đốt cả Tòa hành chánh luôn”. Chú Chương nói. Ba không trả lời gì. Nước mắt của hai người đàn ông thần tượng của đời tôi cùng rơi… Có ai chứng kiến điều đó ngoài tôi… Mấy người cận vệ gõ cửa: ” Thầy ơi, về thôi thầy”. Cánh cửa sập lại sau lưng mọi người. Ba tôi lên tiếng: “Tôi chỉ có thể làm đến vậy cho các vị…”. Nếu tôi nhớ không lầm thì những loạt đạn đã được bắn lên trời và những cây súng đã bị quăng xuống đất. Họ chào nhau, có cả những cái nhìn vĩnh biệt…

Chúng tôi mất Nha Trang thật rồi.

Đất trời mù mịt mưa ngày đó, chưa bao giờ Nha Trang có một cơn mưa lớn đến vậy. Biển dậy sóng.

Sao không là một trận đại hồng thủy để cuốn mọi điều tan tác theo mưa?…

Bạn bè thân mến,

Tháng 3. 1975, Nguyễn cũng có mặt ở Nha Trang.

Ấy là những ngày hỗn loạn, đầy bạo liệt. Nguyễn viết trong thơ mình:

tháng ba. tháng ba. trong đời tôi

và lịch sử. hoàng hôn. nghiêng mái quán

hải âu. bay xa. về đâu

thùy dương dậy. chiều tà hung hãn

Ngày ấy, Nguyễn nhận lệnh của Đài Quân Đội Sài Gòn ra Nha Trang ghi nhận tình hình. Thật ra, công vụ là một việc, bên cạnh đó có chút chuyện gia đình. Cuộc di tản Pleiku khởi sự từ ngày 16 tháng 3 đã làm rúng động cả nước. Nguyễn được biết mẹ mình và gia đình cô em gái cũng có mặt trong đoàn di tản ấy. Thế là bèn nói với vợ, lúc bấy giờ đang ở trong khu Thanh Đa, “Em ở nhà trông coi các con nhé. Anh đi Nha Trang đón mẹ và các em các cháu vào”. Thế rồi cùng với một anh ở Cục Tâm Lý Chiến, Nguyễn đi Nha Trang bằng máy bay quân sự. Tới nơi, ngụ tại Bộ tư lệnh dã chiến QĐ II QK II ở một tòa nhà ven biển, gặp thiếu tá Phạm Huấn ở đó. Ngày hôm sau đi nhiều nơi, hỏi thăm tin tức, lên cả Dục Mỹ thăm các em Thiếu Sinh Quân từ Pleiku kéo về. Các em rất kỷ luật, đàng hoàng, không hề tỏ ra nao núng. Nguyễn cũng đã nhờ người nhắn tin trên đài phát thanh tìm mẹ và các em – được biết mọi người đều an toàn, đang ở một trại tạm trú trong thành phố. Cũng tạm yên tâm phần nào.

Những ngày cuối Tháng Ba Nha Trang, Nguyễn chỉ kịp nhìn lại cảnh vật thân quen: những cây bàng ửng đỏ, hàng bông sứ trong vườn nhà ai, bờ thùy dương biển xa dậy sóng… và gặp lại các bạn một thời: Trịnh Minh, Tôn Thất Cương, Thế Viên… Sáng ngày 30 tháng 3, có lệnh về lại Đài. Buổi sáng sửa soạn lên xe ra phi trường thì người em rể của Nguyễn tới tìm ở Bộ tư lệnh. Chỉ kịp hỏi thăm và dặn dò đôi câu, trao một ít tiền, rồi chia tay…

Ôi, chia tay. Chia tay người. Chia tay Nha Trang mãi mãi. Chỉ còn lại bài thơ ở trang sau đây…

Tháng 4. 2015

Nha Trang tháng ba 1975

băng cánh đồng. trăng chết
tháng ba. về trên thành phố xưa

như lời ngụ ngôn. buồn. của gió
nắng tháng ba. vàng bạt mui xe
hành nhân. tóc râu. chín rộ
biển xa. sâu. như mây tần
thùy dương dậy. chiều tà. hung hãn

tháng ba. trên thành phố xưa
bầu trời. rạn. màu men sấm ký
vẳng nghe xa. tiếng cọp gầm
sạt mái tường vi. ngói lở
ngày phơi bãi bình sa
đâu thành phố. của mùa trăng giả đảo
những cây bàng. ửng đỏ. trong mưa
tháng ba ơi. đang giữa bản đàn
bỗng nghe ve ngâm. vượn hót
người yêu người. làm sao quên
mái tóc đi về rặng cây bông sứ
tháng ba. tháng ba. trong đời tôi
và lịch sử. hoàng hôn. nghiêng mái quán
hải âu. bay xa. về đâu
thùy dương dậy. chiều tà. hung hãn

tháng ba. cọp chạy. người xa người
em mang hồn hoa sứ
ngủ ngàn năm. đất xưa


alt

Cảnh di tản tại phi trường Nha trang ngày 02-4-1975 – nguồn namrom64.blogspot.com

TN – trích Tôi Cùng Gió Mùa