Thưa bác sĩ. Tôi mới làm vườn, chẳng may chạm phải cây Poison Ivy, da bị ngứa kinh khủng. Xin bác sĩ cho biết phải làm gì để đỡ ngứa. Thịnh Ngô
Đáp
Ða số chữa chạy đều nhắm vào việc giảm thiểu “cơn ngứa kinh hồn, ngứa ngứa ghê”, chờ cho vết thương tự nhiên lành sau vài tuần lễ và cũng tùy theo trường hợp nặng nhẹ.
Nhựa cần một thời gian ngắn sau khi chạm vào da để thấm vào và gây dị ứng. Cho nên điều trị phải thực hiện càng sớm càng tốt sau khi tiếp cận. Cách điều trị độc thảo này cũng tương tự như nhau.
– Xả nước lạnh – Trong vòng năm phút nếu ta xả nước lạnh vùng da tiếp xúc thì có thể rửa sạch độc chất. Nhớ là dùng nước lạnh, chứ không nước nóng vì nước nóng sẽ khiến lỗ chân lông trên da nở rộng mở đường cho dầu nhựa lan tỏa xâm nhập. Sau khi xả để nước bốc hơi tự nhiên hoặc với quạt máy chứ đừng lau với một miếng khăn. Khăn sẽ làm nhựa độc lan ra xung quanh. Nước hoặc mảnh vải lạnh khiến mạch máu co và giảm sưng, rỉ nước.
Có đề nghị xả với xà bông và nước nhưng nhiều chuyên viên lại không đồng ý vì xà bông hòa tan một phần nhựa nhưng cũng lấy đi chất dầu tự nhiên bảo vệ da. Nhiều người nói ngâm trong nước ấm với nửa ly bột ngô hoặc bột yến mạch oatmeal (bán sẵn với tên Aveeno) cũng giảm ngứa rất nhiều. Một số thầy thuốc khuyên chườm nước đá cục trên viêm, để quạt máy chạy cho nước bay hơi vừa mát da vừa giảm ngứa.
– Thuốc bôi
Sau khi làm da mát lạnh, thoa vài thuốc giảm ngứa, ngừa rỉ nước như calamine, kem hydrocortisone 1%. Tránh các thuốc có chất chống histamine Benadryl, thuốc gây mê benzocaine vì các chất này có thể gây phản ứng da nặng hơn độc tố Poison Ivy.
– Thuốc uống chống histamine như Benadryl, Atarax, Periactin.
– Khi viêm trầm trọng thì nên đi thăm bác sĩ để dùng thuốc uống có steroids. Steroids giúp giảm ngứa và viêm khá mau và thường thường phải dùng trong hai ba tuần lễ mới lành hết vết thương. Ngưng sớm đôi khi khiến da viêm trở lại, còn phiền phức hơn.
Trên thị trường có vài sản phẩm nói là có thể gạt bỏ độc tố trên da như Zantel, Tecnu. Theo kinh nghiệm người đã dùng thì khi áp dụng đúng theo chỉ dẫn cũng khá công hiệu.
Ngoài ra dân chúng còn hay bôi viêm với các chất như baking soda, aluminum hydroxide, kaolin, các loại zinc acetate, carbonate, oxide; lá Jewelweed… Xin ông thử dùng các chất này coi xem có công hiệu không nhé.
Theo chúng tôi nghĩ, cách phòng ngừa dị ứng do tiếp xúc tốt nhất vẫn là tránh chúng càng xa càng tốt và biết nhận mặt địch quân. Sau đây là một số gợi ý:
– Làm vườn mặc quần áo với tay và ống dài; mang bao tay làm bằng nhựa dẻo mềm tốt hơn bao cao su hoặc nhựa mủ latex dễ nứt thủng;
– Xả da bằng nước lạnh ngay sau khi đụng vào cây Ivy;
– Thay quần áo tức thì; giặt giũ quần áo và giầy làm vườn thường xuyên với nước và chất tẩy detergent;
– Thoa mấy sản phẩm bảo vệ da bán tự do trên thị trường như MultiShield, Hollister Moisture Barrier, YvyBlock, Stokogard Outdoor Cream trước hoặc khi nghi là tiếp xúc; Tecnu Skin Cleanser để xả sau khi tiếp xúc.
– Ðiều cần nhớ là tay dính nhựa không được sờ vào vùng da khác, vì chỉ với một chút xíu cũng đủ gây viêm ngứa.
Nước Prune và Cranberry
Tôi hay bị bón và đi tiểu gắt. Bạn bè mách về uống nước prune và nước cranberry coi xem có bớt không. Xin bác sĩ nói rõ về công dụng của nước trái Prune và Cranberry (Prune Juice và Cranberry Juice) đối với sức khỏe. Dung Lê
Đáp
Cả hai loại nước này đều có lợi cho sức khỏe.
– Nước Prune chứa nhiều chất chống oxy hóa (antioxidant) rất tốt cho sức khỏe con người, đặc biệt là cho trái tim, giảm cholesterol xấu LDL, giảm huyết áp, điều hòa nhịp tim. Ngoài ra prune còn có nhiều chất xơ cho nên có thể tránh táo bón, bớt lên cân, hạ đường huyết.
– Cranberry juice có thể phòng ngừa nhiễm trùng đường tiểu tiện bằng cách ngăn không cho các vi khuẩn như E Coli kết tụ với nhau và bám vào thành ống dẫn nước tiểu. Thường thường trong vòng 8 giờ sau khi dùng thì tác dụng này đã bắt đầu có công dụng. Nhắc lại nhiễm trùng đường tiểu tiện thường xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, vì miệng ống thoát tiểu mở ra gần cơ quan sinh dục nữ và hậu môn, nơi chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh.
Các thứ nước này chỉ có thể giảm dấu hiệu bệnh nhưng hai bệnh mà cô nêu ra có thể do nhiều nguyên nhân khác, vì thế chỉ nên dùng các nước này trong thời gian ngắn, và cô nên đi bác sĩ để được khám bệnh rồi điều trị cho tới nơi tới chốn.
Đổ Mồ Hôi
Xin bác sĩ cho biết tại sao ta lại đổ mồ hôi, nhất là khi trời nóng bức. Trần Quỳnh
Đáp
Ðổ mồ hôi là một hiện tượng sinh học tự nhiên và lành mạnh với nhiệm vụ quan trọng là giữ nhiệt độ cơ thể bình thường. Hệ thần kinh giao cảm nằm ở mặt trong của lồng ngực điều khiển sự hoạt động của các tuyến mồ hôi. Khi thần kinh này quá nhạy cảm thì mồ hôi tiết ra nhiều.
Ðàn bà có nhiều tuyến mồ hơn đàn ông nhưng các ông lại sản xuất nhiều mồ hôi hơn quý bà vì tuyến của họ hoạt động mạnh hơn.
Ở người khỏe mạnh, mồ hôi thường toát ra khi làm việc lâu và mạnh nhất là trong môi trường không gió hoặc đi bộ giữa trưa Hè, thời tiết nóng nực.
Khi nhiệt độ trong cơ thể lên quá 37º C, các mạch máu ngoại vi mở rộng, chứa nhiều máu để đẩy bớt hơi nóng trong người ra ngoài rồi lưu hành trở lại với máu mát hơn.
Nếu nhiệt độ không khí tiếp tục lên cao, sự thoát nhiệt qua máu không đủ và cơ thể phải tiết ra chất lỏng để tán nhiệt. Ðó là sự đổ mồ hôi trên da. Trong một giờ, cơ thể có thể toát ra tới 1,5 lít mồ hôi. Nếu mồ hôi mất nhiều quá mà không được bù đắp thì ta có thể xỉu, bất tỉnh vì máu lưu thông tới các cơ quan giảm, nhất là hệ thần kinh.
Mồ hôi là chất nước trong không màu, kiềm tính với 2% vật thể đặc. Bình thường, mồ hôi gồm có nước, muối sodium chloride, potassium, urea.
Ðông y coi Ðổ Mồ Hôi như một hình thức trị bệnh để loại trừ một số tác nhân độc hại xâm nhập cơ thể. Gây đổ mồ hôi là một trong ba phương thức trị bệnh cổ truyền: Gây ói, gây xổ và gây đổ mồ hôi. Cạo gió bằng dầu nóng, đánh cảm với cám rang là để ra mồ hôi, xông với lá Hương Nhu làm nhẹ vài bệnh nóng sốt.Và ngày nay người ta tắm hơi, ngồi sauna cũng cùng mục đích để toát mồ hôi. Cho người thư giãn, sảng khoái và cũng để nhẹ bớt mấy cân của tấm thân hơi bồ sứt cạp.
Nhưng mồ hôi nhiều ít cũng đưa tới một vài khó chịu cho cơ thể, đôi khi bệnh hoạn.
NYD – www.bsnguyenyduc.com